emagazine image

Quill Cloud

Trước khi chiến dịch chính thức khép lại, The Influencer sẽ cùng bạn, một lần nữa, lắng nghe toàn bộ những trải lòng, những kiến thức và hiểu biết đã được chia sẻ cởi mở thông qua chiến dịch #MentalHeal.


Nhân Ngày Sức khỏe Tinh Thần Thế Giới (World Mental Health Day - 10/10), The Influencer đã phát động chiến dịch #MentalHeal - một không gian an toàn, cởi mở, không phán xét để chúng ta cùng ngồi xuống và mở lòng về những trải nghiệm liên quan đến sức khỏe tinh thần, hoặc những kiến thức/ bài học mỗi người nên trang bị trên hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân.


Để đào sâu những câu chuyện chân thật và khai thác những góc nhìn đa dạng, The Influencer đã tìm đến các influencers và chuyên gia và lắng nghe họ chia sẻ về hành trình của mình. Thông qua những bài viết được đăng tải trên trang, The Influencer hy vọng bạn đọc đã có cơ hội lắng nghe những trải lòng và mở rộng vốn hiểu biết của mình, tạo tiền đề cho những khai phá và tìm tòi sâu sắc hơn về chủ đề này. Sau cùng, The Influencer mong bạn đọc hiểu rằng dù bạn là ai, vấn đề tinh thần bạn đang trải qua là gì, thì bạn vĩnh viễn không cô đơn, không độc hành trên hành trình chữa lành của bản thân.


Và trước khi chiến dịch chính thức khép lại, thì trong bài viết này, The Influencer sẽ cùng bạn, một lần nữa, lắng nghe toàn bộ những câu chuyện đã được chia sẻ trong chiến dịch #MentalHeal lần này.

emagazine image

Khi tìm kiếm những chân dung người trầm cảm và lắng nghe câu chuyện của họ để thu thập chất liệu cho cuốn sách ‘Đại dương đen', tiến sĩ Đặng Hoàng Giang rất bất ngờ khi được “mắt thấy, tai nghe" những dữ dội, những kinh khủng của thế giới ấy. Ông khó lòng hình dung được hình ảnh những con người trưởng thành với bề ngoài giỏi giang, thành đạt, mà nay bị trầm cảm tàn phá. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị bỏ mặc hoàn toàn. Trong khi đó, mức độ hiểu biết và nhận thức của xã hội, gia đình, nhà trường và cộng đồng vẫn còn thấp. Những người trầm cảm vẫn đang sống dưới muôn vàn định kiến mà không nhận được sự kêu gọi giúp đỡ từ các tổ chức, đoàn đội, mạng lưới.

emagazine image

Khi người thân, bạn bè của chúng ta mắc trầm cảm, chúng ta không lạc quan tếu, không lẳng ra những lời khuyên dễ dãi, cũng không nên hoảng hốt hay suy sụp; mà hãy dành cho họ sự ở cạnh và lắng nghe chân thành, điềm tĩnh. Hãy cho họ thấy rằng trải nghiệm của họ là quan trọng, và ta sẵn lòng dành thời gian và không gian an toàn để họ thoải mái dốc lòng mà không sợ bị phán xét, đánh giá. Điều này không dễ, nhưng là điều chúng ta nên học để làm. Đối với những người đồng hành như chúng ta, quan trọng là phải trang bị đủ hiểu biết và kiến thức để vượt qua những cảm nhận bên ngoài, và hiểu được những vấn đề của người trầm cảm.

emagazine image

Với những bạn theo dõi tài khoản @key4.health, hẳn các bạn đã quen thuộc với cô bạn admin Jessie Đoàn. Nhưng đằng sau chân dung một admin luôn tích cực đem đến những chia sẻ, những kiến thức về sức khỏe thể chất và tinh thần cho cộng đồng là một cô gái trẻ mới 21 tuổi mắc bệnh trầm cảm mạn tính, từng tự tử hụt bảy lần. Những áp lực và kỳ vọng từ gia đình, mối tình với người bạn trai cũ độc hại và sự thất bại của Jessie trong việc giải tỏa những cảm xúc tiêu cực đang đè nén là nguyên nhân khiến Jessie bị sang chấn tâm lý và được chẩn đoán trầm cảm. Không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, căn bệnh tâm lý còn biểu hiện ra cơ thể của Jessie. Jessie thường xuyên bị run tay, hoảng loạn, mất khống chế cảm xúc. Jessie đã phải gác lại giấc mơ Y khoa dang dở vì sức tàn phá của căn bệnh ấy.

emagazine image

Sau một khoảng thời gian điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý, tình trạng của Jessie đã khả quan hơn, Jessie cũng có cơ hội làm thư ký cho thầy giáo - chính là bác sĩ tâm lý đã trị liệu cho bạn - để lắng nghe và đồng hành cùng những thân chủ khác. Quá trình này đã mang đến cho Jessie những trải nghiệm quý báu và hữu dụng cho chính bản thân bạn. Jessie thực hành thiền tỉnh thức, tập lắng nghe không phán xét để giữ cho bản thân bình tĩnh hơn trong những tình huống căng thẳng, để tập đối diện với những cảm xúc của mình.

emagazine image

Khi đọc những vần thơ êm dịu và an yên của Nhược Lạc, chúng ta khó lòng tưởng tượng được rằng chị đang làm việc trong ngành truyền thông, với đặc thù là những áp lực liên miên, những dự án không hồi kết. Nhược Lạc cũng từng trải qua một giai đoạn đầy thử thách và vất vả khi hai em bé chào đời. Với những người mẹ như chị, làm mẹ là một “công việc” không bao giờ có ngày nghỉ. Trong giai đoạn chớm trầm cảm sau sinh ấy, chị thấy mệt, rất mệt, mệt đến cạn kiệt mọi năng lượng, nhưng chị không thể ngừng công việc nuôi con của mình.

emagazine image

Khi đọc những vần thơ êm dịu và an yên của Nhược Lạc, chúng ta khó lòng tưởng tượng được rằng chị đang làm việc trong ngành truyền thông, với đặc thù là những áp lực liên miên, những dự án không hồi kết. Nhược Lạc cũng từng trải qua một giai đoạn đầy thử thách và vất vả khi hai em bé chào đời. Với những người mẹ như chị, làm mẹ là một “công việc” không bao giờ có ngày nghỉ. Trong giai đoạn chớm trầm cảm sau sinh ấy, chị thấy mệt, rất mệt, mệt đến cạn kiệt mọi năng lượng, nhưng chị không thể ngừng công việc nuôi con của mình.

emagazine image

Chị Chi Nguyễn - tác giả blog/podcast The Present Writer - được xem là một “hình mẫu của thành công và hạnh phúc”. Chị là tác giả cuốn sách đầu tiên viết về chủ nghĩa tối giản tại Việt Nam, là Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ, có một em bé ngoan ngoãn và dễ thương. Thế nhưng, chị Chi từng chia sẻ rằng chị cũng là một nạn nhân của căn bệnh trầm cảm, thậm chí có những thời điểm nghiêm trọng chị không thể rời giường trong ba ngày liên tiếp, và tâm lý thì gần như đã tê liệt. Đến khi sinh em bé, sự thay đổi về hormone, thể chất, cùng những áp lực đến từ ý kiến, quan điểm của những người xung quanh, từ việc chị không có không gian riêng cho bản thân mình đã khiến những vấn đề tâm lý của chị càng bị khuếch đại.

Quill Cloud

May mắn thay, chị Chi đã vượt qua giai đoạn khó khăn này với sự đồng hành của bác sĩ tâm lý, để bác sĩ giúp chị quay về quá khứ, giải quyết những thương tổn bên trong, đối diện với nỗi đau của mình và học cách để nó ngủ yên. Bên cạnh đó, chị vẫn tiếp tục duy trì những thói quen hữu ích cho sức khỏe tinh thần như viết lách, thiền, đọc sách. Cuối cùng, chị không phủ nhận vai trò đúng đắn của người thân, bạn bè trên hành trình chữa lành của mình. Đó là những người cho ta sự ủng hộ để tìm đến những trung gian giúp đỡ, hoặc trở thành nơi người bệnh trút ra những tâm sự của mình.

emagazine image

“Khoảnh khắc của sự thật" - thời điểm mà anh Duy Tin nhận ra sức khỏe tâm lý của mình gặp “trục trặc" là khi anh bị hoảng loạn mỗi lần đeo tai nghe lên nghe nhạc, như thể giờ đây chỉ còn mình anh với bản nhạc trong cuộc đời. Còn với chị Yênly, khoảnh khắc ấy xảy ra khi cơn uất ức trong chị bùng nổ khi chị chấp nhận đi ăn một bát mì mà chị biết rằng chị sẽ không thích. Đó là những trải nghiệm hết sức ngẫu nhiên và mang tính cá nhân, do đó sẽ rất khó để người ngoài thấu hiểu và đồng cảm.


Khi ấy, cả hai người đều cảm nhận được một nỗi cô đơn, bế tắc và bất lực đến cùng cực. Họ khao khát một người khác cùng chia sẻ những cảm xúc ấy, trải nghiệm ấy với bản thân, rằng những sự “bùng nổ" và cơn hoảng loạn của họ là hợp lý và xứng đáng. Nhưng sự thật là không có ai như vậy, và điều đó càng khiến nỗi cô đơn của họ mênh mông hơn.

emagazine image

Với chị Yênly và anh Duy Tin, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sức khỏe tâm lý của mình không ổn là khi những hoạt động trong ngày vốn dĩ bình thường nay lại trở nên vô cùng khó khăn, và biểu hiện nguy hiểm nhất là khi người đó có ý định tự tử. Và khi ấy, mỏ neo bền vững nhất giữ một người bệnh lại với cuộc đời là chính bản thân họ, và trách nhiệm của họ với cuộc đời của mình, chứ không phải nghĩa vụ với bất kỳ ai khác, dù là gia đình, bạn bè hay người thân.

emagazine image

Thảo Tâm từng chia sẻ, bước đi phi thường nhất trong suốt 20 năm cuộc đời là khoảnh khắc em tự lùi một bước, ngồi xuống bên bậc cửa sổ, ngăn bản thân không nhảy từ tầng lầu cao 15 mét để tự kết thúc cuộc đời. Đã có thời điểm Thảo Tâm bị trầm cảm nghiêm trọng, đến mức Tâm không cảm thấy bất cứ điều gì, và tâm trí Tâm hệt như một lọ nước đục ngầu sau khi đã nhúng quá nhiều màu cọ. Nếu có dịp quay ngược thời gian, Thảo Tâm sẽ ngồi bên em, lắng nghe em và không khuyên bảo bất kì điều gì. Đó sẽ là nút xả van để “lọ nước đục ngầu" trong em được xả ra, tuôn trào ra - việc mà em đã không thể làm được những ngày mới 14 ấy.

emagazine image

Chia sẻ về thế hệ của mình, Thảo Tâm cho rằng Gen Z được sinh ra và lớn lên với điều kiện sống tốt hơn, vậy nên nhận thức về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống của Gen Z cũng cao hơn, chứ không phải chỉ Gen Z hay người trẻ nói chung mới gặp các vấn đề về tâm lý. Thế hệ nào cũng có nguy cơ đối mặt với những căn bệnh này, nhưng người trẻ sẽ là nhóm đối tượng chủ động, cởi mở hơn trong việc đi khám tâm thần và trị liệu tâm lý.

emagazine image

Chị Hà Thành là một chuyên gia tư vấn tâm lý với hơn 20 kinh nghiệm, đồng thời là người đồng sáng lập dự án hotline Đường Dây Nóng Ngày Mai. Trong chiến dịch #MentalHeal, chị Hà Thành đã đem đến những hiểu biết đúng đắn về công việc của một nhà tư vấn tâm lý.

emagazine image

Chị Hà Thành chia sẻ tư vấn tâm lý là một dịch vụ mà ở đó, những người có chuyên môn sẽ sử dụng các phương pháp làm việc chuyên nghiệp để giúp thân chủ tỏ rõ những vấn đề của mình, nhận biết các khó khăn, vướng bận, những xu hướng hành vi mà thường ngày chúng ta không nhìn rõ do thói quen đè nén, chịu đựng. Trên hành trình thân chủ vượt qua khó khăn này, người trợ giúp tâm lý sẽ chỉ như một cú hích nhẹ, đồng hành cùng họ để phân tích vấn đề một cách khách quan dưới lăng kính chuyên môn. Sau khi thân chủ đã thấu hiểu bản thân và nhìn được hướng đi phù hợp, họ sẽ là người chịu trách nhiệm cho những quyết định của cuộc đời mình. Nhà tư vấn tâm lý không có nhiệm vụ đưa ra lời khuyên bảo để thân chủ của mình tốt lên. Đó là sự hiểu lầm sai lệch và thường thấy nhất về công việc này.

emagazine image

Để tìm hiểu sâu hơn về cách doanh nghiệp tiếp cận và có chính sách giải quyết những vấn đề về tâm lý hay tổn thương tinh thần ở nhân viên, The Influencer đã trò chuyện với anh Hiệp Nguyễn - content creator tại fanpage/ Youtube Nhật Ký Meo Meo, đồng thời đang làm việc tại bộ phận Organization Culture & Employee Engagement của Lazada. Với tầm nhìn bình thường hóa những vấn đề về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, anh Hiệp Nguyễn đã đưa ra hai góc độ mà chúng ta cần nhìn nhận và trao đổi.

emagazine image

Trước hết, ở góc độ xã hội, chúng ta cần nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, bởi lẽ hiện tại phần đông mọi người mới chỉ hiểu vấn đề ở mức độ rất bề mặt, và điều đó khiến họ có những thái độ và ứng xử không phù hợp với những người bệnh bị tổn thương tâm lý. Thứ hai, ở góc độ doanh nghiệp, chúng ta cần thay đổi tư duy của những người đứng đầu trước khi triển khai các chương trình, chính sách cho những nhân viên ở dưới. Văn hóa cấp bậc vẫn còn nặng nề ở các doanh nghiệp châu Á nói chung, do đó, nếu người lãnh đạo không đồng cảm, không hiểu mục đích của việc nói về sức khỏe tinh thần ở nơi làm việc thì dù chúng ta có hô hào, cổ vũ đến đâu, nhân viên cũng không dám làm.

emagazine image

Với chị Hương Ann - Founder của ứng dụng Thiền Đương Đại, thiền là một phương pháp thực hành hướng ta vào thế giới bên trong, nhưng không né tránh cuộc sống bên ngoài. Chị không quan niệm rằng thiền xong, giác ngộ là “thoát ly thực tại", là chối bỏ khổ đau, là trốn tránh vào một thế giới khác. Ngược lại, trải nghiệm thiền giúp ta đạt được sự phản hồi tự nhiên và hài hòa với thế giới bên ngoài, với cha mẹ, với những người xung quanh - tất cả đều mang dáng hình của sự hài hòa gần gũi.

emagazine image

Trái với quan niệm của mọi người về thiền - như một thứ gì đó thật tĩnh lặng, thật xa rời, thật “kiêng cữ", thiền đơn giản là quay về với khoảnh khắc hiện tại, tận hưởng từng giây từng phút một cách trọn vẹn nhất. Thiền giúp chúng ta nhìn nhận những bài học từ quá khứ, lập kế hoạch cho tương lai, mà không đánh mất bình an của hiện tại. Và đúng như những chia sẻ của hầu hết tất cả những chân dung góp mặt trong chiến dịch #MentalHeal lần này, thiền cũng là một sự thực hành giúp chúng ta chữa lành những tổn thương trong tâm lý; tuy nhiên đây không phải “liều thuốc" có tác dụng ngay trong một sớm một chiều. Để làm được điều đó, chúng ta cần một khoảng thời gian đủ dài, một sự thực hành nghiêm túc và có sự dẫn dắt phù hợp.

emagazine image

Đường dây nóng Ngày Mai, trong suốt 6 tháng hoạt động, đã luôn lắng nghe không phán xét tất cả những tâm sự, tổn thương, cả những nỗi buồn, niềm vui hàng ngày của mọi người. Ngày Mai luôn sẵn lòng là đôi tay cho những người trầm cảm hay gặp vấn đề tâm lý nói chung nắm lấy trên những bước đường khó khăn. Để miêu tả về Ngày Mai, Que - thành viên core team của dự án - đã dùng 3 từ/cụm từ: “thời điểm”, “đồng sức đồng lòng" và “trụ cột".


Đối với đội ngũ Ngày Mai, thời điểm một người gọi điện tới thường là khi họ đã muốn cắt đứt sợi dây liên hệ với cuộc đời này, và hy vọng có một bàn tay nắm lấy. “Thời điểm" của Ngày Mai cũng ngầm ám chỉ hoàn cảnh ra đời của dự án - giữa thời dịch đang diễn biến phức tạp, thời điểm nhiều người bắt đầu quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần.

emagazine image

“Đồng sức đồng lòng" là bốn chữ miêu tả rõ nhất về đội ngũ thành viên của Ngày Mai. Dù mỗi người có cuộc sống và công việc cá nhân, dù có những lúc họ bất chợt mất đi khả năng định nghĩa rõ ràng về bản thân, về định hướng, thì tất cả đều không ngừng nỗ lực cho những công việc cộng đồng, để làm nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn, nhưng không bỏ quên sức khỏe tinh thần của chính bản thân mình.


Từ cuối cùng dành cho Ngày Mai là “trụ cột". Từ những kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, Ngày Mai luôn sẵn lòng chia sẻ cho những ai có dự án tương tự, với mong muốn giúp đỡ những cộng đồng yếu thế. Thông qua những hoạt động vì cộng đồng, Ngày Mai hy vọng có thể kết nối, sẻ chia và hỗ trợ những người đang mấp mé trên bờ vực với các vấn đề khác nhau về sức khỏe tinh thần, dù đôi khi sự hỗ trợ chỉ đơn giản là lắng nghe chân thành, không phán xét.

emagazine image

Lời cuối cùng, The Influencer xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những influencers và chuyên gia đã tham gia vào chiến dịch #MentalHeal, đã mở lòng để sẻ chia những câu chuyện chân thật nhất, sâu sắc nhất, và đôi khi là đau đớn nhất của mình. The Influencer hy vọng rằng thông qua chiến dịch này, các bạn độc giả đã có nhận thức và cái nhìn sâu sắc hơn về hành trình của một người đang bị đè nén bởi những vấn đề tinh thần; và nếu bạn cũng là một trong số ấy, thì bạn hoàn toàn không cô đơn trên cuộc hành trình này.

Bài viết: Chi Mai

Thiết kế: H.Anh

Nguồn ảnh: Internet

emagazine image

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa