#MentalHeal: Anh Hiệp Nguyễn - Chúng ta cần bình thường hóa việc nói về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc

“Người lãnh đạo phải là “lá cờ đầu" khi những chương trình về sức khỏe tinh thần đi vào thực tiễn. Nếu họ không đồng cảm, không hiểu mục đích của việc nói về sức khỏe tinh thần ở nơi làm việc, thì dù chúng ta có hô hào cổ vũ đến đâu, nhân viên cũng không dám làm”
Mai Chi
22/10/2021
#MentalHeal: Anh Hiệp Nguyễn -  Chúng ta cần bình thường hóa việc nói về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc

Trong thế kỷ 21, nhân lực là tài nguyên giá trị nhất của nền kinh tế. Trong nhiều năm, chúng ta đã nỗ lực không ngừng để tạo ra những thay đổi đúng đắn, để thúc đẩy sự đa dạng và bình đẳng trong môi trường làm việc. Nhưng chúng ta vẫn còn một lỗ hổng lớn đang bày ra trước mắt: Vai trò của cảm xúc và sức khỏe tinh thần trong hành trình đi đến một sự nghiệp thành công. Đi cùng với sự nhận thức ngày càng cao về sự đa dạng của những vấn đề tinh thần, văn hóa tại nơi làm việc cần ‘dành chỗ" cho những khía cạnh cảm xúc mà mỗi người nhân viên có thể trải qua. Doanh nghiệp cần cung cấp sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia về tâm lý, tâm thần, tinh thần. Nhân viên cần được trao cơ hội để mưu cầu sự giúp đỡ, và để cảm thấy an toàn khi mở lòng. 

Với những nhân viên gặp vấn đề về tâm lý, doanh nghiệp cần có cách thức quan tâm và ứng xử phù hợp với họ, như những gì chúng ta đã làm cho những người bị đau sốt, gãy tay chân, nghỉ thai sản… Có lẽ chúng ta chưa làm được điều này một cách toàn diện, nhưng rõ ràng, chúng ta có thể quan sát thấy những nỗ lực của nhiều doanh nghiệp khi đặt đời sống tinh thần của nhân viên vào “danh sách ưu tiên". 

Để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này, The Influencer đã trò chuyện cùng anh Hiệp Nguyễn - Content Creator tại fanpage và youtube channel Nhật Ký Meo Meo đồng thời đang làm việc tại bộ phận Organization Culture & Employee Engagement của Lazada - về công việc của anh, cùng cách mà anh và tập thể của mình đang từng bước “bình thường hóa" việc nói về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc.



Anh có thể chia sẻ về công việc của anh tại bộ phận Organization Culture & Employee Engagement tại Lazada? Cụ thể, Lazada có những chính sách hay hoạt động nào nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của nhân viên? 

Đúng như tính chất của ngành thương mại điện tử, Lazada đòi hỏi khả năng phản ứng nhanh, thay đổi liên tục để đáp ứng những nhu cầu của thị trường. Tại Lazada, “change is the only constant" - sự thay đổi là thứ duy nhất không thay đổi. Về mặt tích cực, văn hóa này tạo ra một nhịp độ làm việc nhanh, một môi trường năng động, cảm hứng và cuốn hút. Tuy nhiên, chính điều đó cũng khiến các bạn dễ bị áp lực, mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, đặc biệt là vào các mùa mega sale campaign của các sàn thương mại điện tử. 

Với tình hình đó, bộ phận Organization Culture & Employee Engagement thuộc phòng Nhân sự tại Lazada sẽ có trách nhiệm chăm lo đời sống thể chất và tinh thần của nhân viên, tạo ra một môi trường làm việc đúng với những giá trị mà công ty đã đề ra, và giúp các bạn có không gian thoải mái để làm việc hiệu quả, tránh áp lực không cần thiết. Chúng tôi đưa ra những chính sách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên dựa vào các tầng nhu cầu của tháp Maslow. Tại văn phòng Lazada luôn luôn có đồ ăn vặt, trái cây, cafe, có những “relaxing corner" (góc thư giãn) có bố trí Playstation, bàn bi lắc… để đáp ứng tầng nhu cầu cơ bản về ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn cho mọi người. 

Ở tầng nhu cầu về kết nối và cảm giác thuộc về, chúng tôi luôn nỗ lực để mỗi nhân viên cảm thấy họ là một phần của một tập thể lớn, của một cộng đồng gắn kết. Chẳng hạn, tại Lazada có rất nhiều chương trình định kỳ để tăng tương tác giữa các nhân viên với nhau thông qua các trò chơi, hoặc xóa đi khoảng cách giữa các lãnh đạo cấp cao và nhân viên thông qua những buổi “Trà Chanh Chém Gió” nói về chuyện đời, chuyện nghề... Ngoài ra, toàn công ty cũng sẽ có những buổi Happy Friday (Thứ Sáu Vui Vẻ) để cùng “ăn bánh uống trà", mời các ca sĩ đến biểu diễn chung vui với mọi người. Lazada cũng thường xuyên tổ chức những chuyến đi chơi dài ngày, tuy nhiên 2 năm gần đây hoạt động này đang bị tạm hoãn do tình hình dịch bệnh. Year End Party cũng là một sự kiện nội bộ rất được yêu thích, bởi đây là cơ hội để tất cả mọi người cùng tạo ra những khoảnh khắc đẹp khi cùng nhau chuẩn bị cho những tiết mục văn nghệ “đỉnh cao". 

Theo anh, sự bùng phát của đại dịch Covid đã ảnh hưởng như thế nào đến tinh thần của nhân viên? 

Sự ảnh hưởng của dịch bệnh và việc làm việc tại nhà đã tác động đến các bạn ở nhiều góc độ, gây ra những khó khăn, bất cập khiến tinh thần làm việc của mọi người có phần giảm sút. Chẳng hạn, có những bạn không có bàn ghế thoải mái để ngồi làm tại nhà; có những bạn phải vừa làm việc vừa trông con… Thực sự không hề dễ dàng chút nào. 

Lúc đó, chúng tôi đã quan sát tình hình thực tế, thực hiện một số khảo sát và trao đổi trực tiếp với các bạn để tìm hiểu nhu cầu nhằm triển khai các chương trình hỗ trợ mùa dịch. Chẳng hạn, Lazada sẽ làm việc với các đại lý để hỗ trợ nhu yếu phẩm và dành một kho hàng riêng cho nhân viên của Lazada, gửi giỏ trái cây để các bạn bổ sung vitamin, tăng cường thể chất, hay tổ chức các gameshow nội bộ. Thông qua những hoạt động đó, tôi muốn tất cả thành viên của Lazada hiểu rằng các bạn vẫn luôn thuộc về gia đình này, rằng dù chúng ta đang làm việc xa mặt, nhưng ta không cách lòng. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất một số giải pháp chuyên biệt nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Tại Lazada có một hotline tư vấn tâm lý dành riêng cho nhân viên do các chuyên gia phụ trách. Khi một bạn nhân viên bước vào một giai đoạn căng thẳng, bạn không gọi tên được những cảm xúc tiêu cực, hay bạn gặp khó khăn mà không tìm được lối thoát…, bạn chỉ cần gọi cho số hotline này để được trò chuyện với chuyên gia tâm lý mà hoàn toàn không cần trả bất kỳ chi phí nào. 

Bên cạnh đó, Lazada thường xuyên tổ chức các buổi talkshow cùng những bác sĩ/ chuyên gia tâm lý với những chủ đề như “How to deal with Covid”, “How to deal with social distancing" (Làm thế nào để chống chịu với Covid; Làm thế nào để đi qua giãn cách xã hội)..., livestream tập thiền và yoga hàng tuần để chăm sóc đời sống tinh thần cho các bạn nhân viên một cách chu toàn, trọn vẹn nhất. 


Hiện nay, tại một số nhãn hàng và agency lớn cũng đã xây dựng một bộ phận riêng biệt để chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhân viên. Anh nghĩ sao về xu hướng này, và liệu chúng ta có nên áp dụng mô hình tương tự cho tất cả các doanh nghiệp? 

Dưới góc độ của một người làm nhân sự, tôi cho rằng đây là một động thái tốt, và tôi mong rằng vấn đề này sẽ ngày càng được quan tâm một cách đúng đắn hơn. Nhưng với câu hỏi trên, sẽ rất khó để tôi có thể đưa ra một câu trả lời “có hoặc không" chính xác, bởi mỗi tổ chức, mỗi nhóm nhân viên có một nhu cầu riêng. Giả sử, với các bạn trẻ, nhu cầu về công việc, phúc lợi hay môi trường làm việc của các bạn sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Các bạn không chỉ muốn đi làm, nhận lương, đi về. Các bạn muốn một môi trường thật vui, một công việc ý nghĩa, một văn phòng đẹp, muốn có nhiều cơ hội đa dạng để thử sức và bứt phá. 

Nhưng với những công ty có nhân viên ở độ tuổi “già" hơn, họ sẽ cần giải quyết những nhu cầu khác. Ví dụ, một số người sẽ không quá hứng thú với việc đi ăn, đi chơi thường xuyên với công ty, không có nhu cầu tham gia khóa thiền dài ngày. Họ chỉ muốn 9h sáng đi làm, 5h chiều đi về, chơi với con với cháu. 

Vậy nên chúng ta luôn phải linh động để đáp ứng những nhu cầu khác nhau của nhân viên, đồng thời có một cách tiếp cận phù hợp nhất với những vấn đề liên quan đến tâm lý, tâm thần, tinh thần tại nơi làm việc. 

Có một thực tế thế này: Chúng ta rất dễ dàng nói ra những khó khăn về mặt thể chất, nhưng rất khó mở lòng về những vấn đề tinh thần. Xin nghỉ vì ốm sốt, bụng đau là bình thường, nhưng xin nghỉ vì buồn chán, lo âu thì “bất thường". Vậy theo anh, có cách nào để chúng ta “bình thường hóa” những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần ở nơi làm việc?

Chúng ta cần xem xét hai góc độ. Thứ nhất, dưới góc độ xã hội, chúng ta cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần để vấn đề này được định nghĩa đúng đắn hơn. Ở Việt Nam mình, nhắc đến bệnh tâm lý, người ta dễ liên tưởng đến tâm thần. Bên cạnh đó, văn hóa của người Việt là ít thể hiện cảm xúc, họ sợ bị đánh giá, sợ bị xem là yếu đuối, sợ định kiến xã hội. 

Thứ hai, dưới góc độ doanh nghiệp, chúng ta cần thay đổi tư duy của những người đứng đầu. Ở các doanh nghiệp châu Á, văn hóa cấp bậc vẫn tương đối nặng nề. Nhân viên thường giữ một khoảng cách nhất định với những người ở cấp cao hơn, họ ít chia sẻ thật lòng tất cả những vấn đề của mình, nhất là những vấn đề ngoài công việc. Vì vậy, nếu như những người lãnh đạo không đồng cảm, không hiểu mục đích của việc nói về sức khỏe tinh thần ở nơi làm việc thì dù chúng ta có hô hào, cổ vũ đến đâu, nhân viên cũng không dám làm. 

Cá nhân tôi rất mừng vì ở Lazada, phần đông mọi người đều ủng hộ và hết lòng với những dự án về chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái và an toàn để thể hiện cảm xúc, để nói với sếp, với đồng nghiệp rằng hôm nay em “down mood", em cần nghỉ ngơi một thời gian để “sharpen the saw". Mọi người đều hiểu và tôn trọng yêu cầu đó, không phán xét, không kỳ thị, không đánh giá. 


Để những chương trình như Happy Friday đi vào thực tiễn, phòng nhân sự đã phải họp cùng các lãnh đạo, đưa ra những số liệu để cùng phân tích những vấn đề mà các bạn nhân viên Lazada đang gặp phải, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp, như một buổi nghỉ hàng tháng để các bạn nghỉ ngơi, gắn kết với nhau hơn. Tôi rất mừng vì các lãnh đạo chính là những “lá cờ đầu", họ hào hứng, ủng hộ và gương mẫu nhất mỗi khi một chương trình được triển khai. 

Gần đây nhất, một chị leader của phòng Marketing đã đưa ra một đề xuất, lấy tên là Paused Wednesday Morning. Ý tưởng này xuất phát từ những phản hồi của nhân viên, rằng các bạn có quá nhiều email cần trả lời, quá nhiều cuộc họp cần tham gia. Các bạn không có thời gian để tập trung xử lý các công việc cá nhân. Vậy thì bây giờ các thành viên của Lazada sẽ có một buổi sáng thứ tư hàng tuần hoàn toàn tĩnh lặng. Nhân viên được khuyến khích hạn chế email, họp hành nếu không thực sự khẩn cấp, và trong thời gian đó các bạn sẽ chuyên tâm xử lý các đầu việc độc lập. Tôi nghĩ đây là một tín hiệu vô cùng tích cực.


Theo anh, sức khỏe tinh thần của nhân viên sẽ tác động thế nào đến các doanh nghiệp? 

Từ góc độ cá nhân - một người nhân viên có đi làm, có áp lực; và một người làm nhân sự, có trách nhiệm chăm sóc đời sống tinh thần cho các thành viên của Lazada - tôi nghĩ đây thực sự là một vấn đề quan trọng. Bản thân tôi nhận thức được chất lượng công việc của mình giảm sút thấy rõ khi tinh thần tôi không vững vàng. Giả sử tôi hơi sốt, hơi mệt, nhưng đầu óc tôi còn minh mẫn, tôi vẫn có thể cố thêm một chút để hoàn thành công việc với chất lượng ổn. Nhưng khi tôi bước vào giai đoạn “sao Thủy nghịch hành" như các bạn Gen Z hay nói, tôi chỉ muốn nằm lì trên giường. Tôi không muốn động một ngón tay, ngón chân, chứ đừng nói đến việc sáng tạo hay lên một kế hoạch thật hay. 

Từ trải nghiệm cá nhân, tôi quan sát được những hệ quả tương tự ở các bạn đồng nghiệp. Những lúc tinh thần hứng khởi, các bạn làm ra được những sản phẩm tốt hơn rất nhiều so với những thời điểm các bạn chỉ gắng sức cầm cự qua ngày. Nếu các bạn mệt mỏi, sa sút tinh thần, các bạn chỉ muốn làm cho xong việc chứ khó có thể nghĩ đến chuyện cố gắng để làm tốt hơn. Điều đó sẽ không mang lại sự phát triển bền vững hay một tương lai thịnh vượng cho doanh nghiệp. 



Anh đánh giá nhận thức của cộng đồng về trầm cảm nói riêng và những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần đang ở mức độ nào? Chúng ta có thể làm gì để đẩy mức độ nhận thức này lên cao hơn? 

Tôi cho rằng nhận thức ở Việt Nam vẫn đang ở mức độ tương đối bề mặt. Mọi người có thể “điểm mặt đặt tên”, nhưng chưa thực sự hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu về bản chất và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Mình chưa nói đến chuyện liệu họ có thông cảm, thấu hiểu và thấu cảm với những người đang có những trải nghiệm về vấn đề tâm lý hay không. Đâu đó, mình vẫn sẽ nghe được những câu nói như “chuyện đó có gì đâu mà buồn", “có mỗi thế, sao phải buồn"... Mọi người không hiểu rằng với từng trải nghiệm khác nhau, từng cuộc đời khác nhau, mỗi người có khả năng chịu đựng và đối diện với mỗi vấn đề theo cách khác nhau. Nhưng tích cực mà nói, mức độ nhận thức của người Việt hiện nay đã tốt hơn nhiều so với 5-10 năm trước rồi. 

Còn về việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, chúng ta có thể quan sát từ chính câu chuyện của cộng đồng LGBT. Ngày trước, xã hội nhìn vào LGBT và nghĩ đó là một căn bệnh, một thứ bệnh hoạn, trái với tự nhiên. Nhưng ngày nay mọi người đã dần chấp nhận đó là một xu hướng tính dục bình thường. Quay trở lại với câu chuyện sức khỏe tinh thần, tôi nghĩ nếu truyền thông, các tổ chức về sức khỏe/ tâm lý và cộng đồng tích cực mang đến những chiến dịch để xã hội hiểu và có thái độ đúng mực hơn về những người có bệnh tâm lý; các doanh nghiệp chủ động triển khai những chính sách về vấn đề này, chúng ta có thể nâng cao nhận thức một cách “mưa dầm thấm lâu". 


Theo anh, đâu là cách ứng xử văn minh và lành mạnh với những người đồng nghiệp, người thân đang gặp phải những vấn đề tâm lý? 

Bản thân việc họ tìm đến với mình, nói với mình rằng họ đang có những vấn đề về tinh thần đã là một hành động rất dũng cảm. Tôi nghĩ mình không nhất thiết phải nghe với tâm thế đưa ra lời khuyên hay giải pháp; đôi khi họ không cần điều đó, họ chỉ muốn tâm sự và trải lòng. Chúng ta hãy cho họ sự lắng nghe chân thành và không đánh giá, để họ biết họ được tôn trọng, họ không bị kỳ thị hay hắt hủi, và họ không cần xấu hổ vì những cảm xúc của bản thân. Sau đó, tùy theo hiểu biết của chúng ta và mức độ nghiêm trọng của họ, chúng ta có thể khuyên họ đi tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia, bác sĩ về tâm lý. 

Đôi khi, chúng ta có thể dựa vào những quan sát hàng ngày để tự cảm nhận liệu có gì không ổn đang xảy ra với họ. Hãy tìm đến họ với sự quan tâm chân thành, với những lời hỏi thăm đơn giản như “Bạn có gặp phải vấn đề gì không?”, “Bạn có cần mình giúp gì hay không?”. Chúng ta không nhất thiết phải đợi đến khi họ mở lòng để trò chuyện. 




Trong trải nghiệm đi làm của mình, đã bao giờ anh cảm thấy sức khỏe tinh thần của mình “xuống dốc"? 

Ngay từ khi còn đi học tôi đã có những trải nghiệm tâm lý không mấy dễ chịu. Một trong những giai đoạn tôi cho là suy sụp nhất là vào năm tôi lớp 12, khi người bạn thân của tôi bị bệnh và qua đời. Sau này khi rời ghế nhà trường và bắt đầu sự nghiệp, tôi cũng có những giai đoạn cực kỳ áp lực vì phải “gồng gánh" rất nhiều cảm xúc của mọi người trong cùng một thời điểm. Tôi bị ngợp, hoảng loạn, tinh thần tôi xuống dốc, và tôi đã không thể làm tốt công việc của mình. Gần đây nhất là khi chúng ta bước vào thời kỳ giãn cách xã hội. Không còn những ngày lên công ty “tay bắt mặt mừng", bây giờ chỉ còn tôi và chiếc máy tính làm việc cùng nhau. Những thay đổi tưởng là nhỏ đó cũng tác động đến tinh thần của tôi khá nhiều. 

Trong những giai đoạn ấy, anh có những sự thực hành nào để vượt qua hay không? 

Những năm còn trẻ, tôi hoàn toàn không hành động để cố gắng giải quyết vấn đề. Tôi chỉ cố quên nó đi bằng cách dồn hết sự tập trung vào một thứ khác mà thôi. Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ rằng đó không phải một cách “lành mạnh" để vượt qua những nỗi đau trong cuộc sống. Về sau, mức độ nhận thức của tôi cao hơn, tôi học cách chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của mình và tìm cách vượt qua. Tôi tâm sự, trò chuyện với bạn bè mình; dù họ không phải bác sĩ hay chuyên gia, nhưng họ có thể giúp tôi giải tỏa và tự tìm ra câu trả lời. Trong đợt dịch vừa qua, tôi cũng gọi đến hotline tư vấn tâm lý của Lazada, và đó là lần đầu tiên tôi nhận được sự hỗ trợ chuyên nghiệp để vượt qua một giai đoạn khó khăn về tinh thần. 

Anh có đặt ra cho mình một công thức work-life balance nào không? 

Thời mới đi làm, tôi định nghĩa work-life balance đơn giản lắm: Mình vừa đi làm, vừa có thời gian cho những việc cá nhân như gặp gỡ bạn bè, chăm sóc gia đình, thỏa mãn sở thích cá nhân. Nhưng thực tế thì sao, tôi quá bận rộn với công việc, tôi không thể làm hết tất cả những việc mà tôi muốn. Điều đó khiến tôi khó chịu, tâm lý tôi cũng áp lực nhiều. Nhưng rồi sau khi đi làm, trải nghiệm nhiều hơn, tôi nhận ra rằng mình hoàn toàn không thể có work-life balance theo định nghĩa ngày xưa. Mình cần cân bằng cuộc sống và công việc trên một chặng đường dài hơn, bằng cách ưu tiên những mục đích quan trọng nhất trong từng giai đoạn.    


Chẳng hạn, trong những năm 2017-2019, mục tiêu của tôi là tích lũy kiến thức chuyên môn và thăng tiến sự nghiệp. Tôi chấp nhận gác lại những sở thích khác để hết mình trong công việc. Sau năm 2019, khi tôi thấy “đường học" đã đạt được những điểm mốc anh mong muốn, tôi cũng có những thành tựu nhất định trong nghề, tôi dần chuyển dịch trọng tâm từ công việc, sự nghiệp sang bản thân. Tôi lựa chọn một công việc mới không đòi hỏi anh phải hết mình 24/7. Tôi chấp nhận rằng con đường sự nghiệp của mình sẽ chậm hơn một chút, nhưng đổi lại, tôi có thời gian tập luyện, vẽ vời, tôi làm vlog, viết blog, tôi gặp gỡ bạn bè và ở cạnh gia đình nhiều hơn. 

Dù sao thì một ngày cũng chỉ có 24 giờ, mình không thể nào chu toàn tất cả mọi thứ. Mình là người bình thường, không phải siêu nhân. Đôi khi mình phải chấp nhận được cái này, mất cái kia để hoàn thành ưu tiên lớn nhất của bản thân trong từng thời điểm. Không sao cả, miễn là bản thân chúng ta biết mình đang muốn gì, được gì, và sẵn sàng đánh đổi những gì. 

The Influencer cám ơn những chia sẻ đầy cảm hứng của anh Hiệp về công việc và những trải nghiệm cá nhân của mình. Chúc anh luôn nhiều sức khỏe để tiếp tục mang đến những giá trị tinh thần đẹp đẽ cho đồng nghiệp và những người thương yêu bên mình. 


Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày Mai (0963061414) - một dự án cộng đồng, phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần. 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa