#MentalHeal: Nguyễn Lâm Thảo Tâm - Gen Z có mưu cầu bình an nội tại cao hơn những thế hệ trước

Ngày hôm nay, trong chiến dịch #MentalHeal, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với Thảo Tâm của tuổi 21, để tìm hiểu xem trong những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi này, Thảo Tâm đã và đang chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình như thế nào.
Đinh Trang
24/10/2021
#MentalHeal: Nguyễn Lâm Thảo Tâm - Gen Z có mưu cầu bình an nội tại cao hơn những thế hệ trước

Trong bài TED Talk “My extraodinary steps”, Nguyễn Lâm Thảo Tâm - một cô gái trẻ tài năng được biết đến với nhiều vai diễn xuất sắc và khả năng ngoại ngữ vượt trội, đã chia sẻ rằng: Bước đi phi thường nhất trong suốt 20 năm cuộc đời là khoảnh khắc em tự lùi một bước, ngồi xuống bên bậc cửa sổ, ngăn bản thân không nhảy từ tầng lầu cao 15 mét để tự kết thúc cuộc đời. Ở tuổi 14, Thảo Tâm từng là nạn nhân của bắt nạt học đường, có thời điểm rơi vào trầm cảm nghiêm trọng. 

Ngày hôm nay, trong chiến dịch #MentalHeal, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với Thảo Tâm của tuổi 21, để tìm hiểu xem trong những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi này, Thảo Tâm đã và đang chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình như thế nào. 

Quill Cloud

Trước khi chia sẻ câu chuyện về bắt nạt học đường và về việc từng có ý định tự tử lên một diễn đàn lớn như TED Talks, Tâm đã cân nhắc rất nhiều. Đó là một câu chuyện không sáng sủa, và có thể trở thành ngòi nổ cho nhiều bàn luận không hay trên MXH. Nhưng sau cùng, mình nhận ra rằng mình có quyền được nói, vì đó là câu chuyện mình đã trải qua. Trước một biến cố, chúng ta luôn có hai cách để đối xử với nó: hoặc là chấp nhận nó là một phần lịch sử của mình, hoặc là chạy trốn khỏi nó. Mình chọn cách thứ nhất. Đến nay khi nhìn lại, mình chỉ đơn thuần coi đó như một chặng đường mình đã mạnh mẽ đi qua, mình cũng không còn cảm giác thù ghét những người bạn cùng lớp trước đây đã bắt nạt mình. 

Nếu gặp lại Thảo Tâm ở tuổi 14, điều duy nhất mình muốn làm khác đi là cố gắng nói ra những cảm xúc của mình. Mình sẽ khuyên em ấy hãy viết nhật ký, hãy diễn đạt những cảm xúc đó xuống trang giấy, hãy viết ra những suy nghĩ bạo lực trong tâm trí, hãy tự nói chuyện với chính mình nhiều hơn. Thế nhưng ở giai đoạn đó, mình không làm được như vậy. Mình đã giữ quá nhiều cảm xúc trong lòng, nhiều đến mức mình không còn có thể nhận diện được cảm xúc một cách rõ ràng nữa. Khi rơi vào trầm cảm, mình bước vào trạng thái không cảm thấy bất cứ điều gì. Tâm trí mình lúc đó giống như một lọ nước đục ngầu sau khi đã nhúng quá nhiều màu cọ. Mình ước là mình đã “thay nước” thường xuyên hơn, ước rằng mỗi khi có một cảm xúc tiêu cực, mình có thể gọi tên và xử lý những cảm xúc đó kịp thời. Mình đã dồn nén cảm xúc quá nhiều, vậy nên tình hình trở nên rất cực đoan, mình từng cắt tay, và suýt chút nữa là nhảy lầu. 

Quill Cloud

Thế nhưng, nếu chỉ kịp gặp em trong chốc lát khi “lọ nước đã đục ngầu”, mình sẽ ngồi đó cùng em, lắng nghe em và không khuyên điều gì hết. Thời điểm đó, có lẽ điều mình cần nhất là một người thực sự lắng nghe, một người cố gắng mở nút van để “lọ nước đục ngầu” đó được xả ra. Lúc đó mình cũng chưa tâm sự được với mẹ, vì mẹ mình là người của thế hệ trước, giai đoạn đó chính mẹ cũng chưa hiểu được bệnh trầm cảm là gì. Bây giờ nghĩ lại, mình không trách ba mẹ. Càng lớn mình càng nhận ra rằng, ba mẹ cũng chỉ là người lớn mà thôi, họ không phải siêu anh hùng, họ cũng có những những tổn thương riêng tích tụ từ quá khứ. Việc ba mẹ tảo tần vượt qua bao giai đoạn khó khăn để nuôi lớn một đứa trẻ “hay quậy” như mình cho đến tận ngày hôm nay, việc ba mẹ luôn ở đó và cố gắng hiểu thế giới của mình, mình đã cảm thấy vô cùng biết ơn và không đòi hỏi gì thêm.

Quill Cloud

Mùa hè 2021 này là một mùa hè có rất nhiều biến chuyển với mình, cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Từ năm 2019, mình đã cảm thấy bản thân bị bào sức quá nhiều. Việc học, việc quay phim, việc làm MC, tất cả cuốn mình vào một guồng quay công việc liên tục. Thời điểm phải vào bệnh viện chữa đau bao tử vào tháng 7/2019, mình mới nhận ra rằng bản thân đã coi thường sức khoẻ như thế nào. Khắp cả cơ thể mình, chỗ nào cũng có vấn đề. Mà quả thực, sức khỏe thể chất cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần. Mình vẫn có thể ngồi dậy, có thể đi làm, đi dự sự kiện, nhưng cảm giác rất bất mãn trong lòng, không có tâm trạng để tận hưởng bất cứ niềm vui nào.

Vậy là mùa hè này, mình quyết định phải thay đổi. Thói quen đầu tiên là chuyện tập pilates 3 lần một tuần. Mình nghĩ rằng ai cũng sẽ tìm được một môn thể dục yêu thích, với mình đó là pilates. Nó vừa giúp điều chỉnh lại cột sống, lại có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của mình. Càng tập lại càng thấy tốt lên. Pilates là một môn đòi hỏi sự tập trung rất cao, đôi khi mình cũng bị xao nhãng, vì thực sự mình có một bộ não lúc nào cũng bận rộn. Nhưng kể cả vậy, việc có một thói quen vận động đều đặn vẫn có tác động rất nhiều đến sức khoẻ của mình. 

Quill Cloud

Việc thứ hai mình làm là gặp bác sĩ trị liệu tâm lý. Mình vẫn luôn biết bản thân là một người nhạy cảm và trong quá khứ đã có quá nhiều tổn thương, nhưng trước đây mình chưa thực sự nghĩ đến trị liệu tâm lý vì nghĩ rằng bản thân vẫn ổn. Sau này, khi đi khám tổng quát, mình mới nhận ra rằng mình vẫn còn quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết từ bên trong. Mô hình trị liệu tâm lý mình và mẹ nghiên cứu và lựa chọn là trị liệu thôi miên (Hypnotherapy). Nghe có vẻ tâm linh, nhưng thực ra thôi miên là một hình thức trị liệu rất nhẹ nhàng, giúp mình cập nhật tiềm thức bằng những nhận thức mới, giúp mình giao tiếp với tầng tiềm thức sâu một cách có chủ đích hơn. Chỉ sau ba ngày trị liệu, mình thấy tiếng nói bên trong mình khác hẳn, cảm thấy bình an hơn rất nhiều. Sau khóa trị liệu, bác sĩ cũng hướng dẫn mình cách thức để tự thôi miên bản thân. Trước khi đi ngủ, mình sẽ thả bản thân vào trạng thái thôi miên và xem lại một ngày của mình, quan sát xem có điều gì không ổn trên cơ thể và tâm trí, từ đó có thể gỡ rối kịp thời. 

Quill Cloud

Mọi người vẫn hay nghĩ rằng Gen Z là thế hệ có nhiều bệnh tâm lý. Nhưng mình nghĩ rằng thế hệ nào cũng có nguy cơ đối mặt với các vấn đề tinh thần, chỉ là mọi người có gọi tên được vấn đề đó ra hay không mà thôi. Sex Education là series phim mình rất thích. Trong bộ phim đó, mình luôn rất thương thầy hiệu trưởng Adam Groff. Mình cảm thấy ông đại diện cho thế hệ “những người lớn bất hạnh” - một nhóm đối tượng mà mình quan sát thấy rất nhiều. Họ gặp nhiều đau khổ trong cuộc sống, nhưng nếu đặt trong hệ quy chiếu của thế hệ họ, mọi người vẫn cho rằng đó là một cuộc sống tạm ổn. Thế nhưng ở sâu bên trong, họ không hề hạnh phúc. 

Còn Gen Z, thế hệ của tụi mình được sinh ra và lớn lên với điều kiện sống tốt hơn, ít nhất rằng phần lớn chúng ta không phải trải qua chiến tranh hay đói nghèo cùng cực. Vậy nên nhận thức về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống của Gen Z cũng có nhiều sự thay đổi. Gen Z bắt đầu có nhận thức cao hơn về sức khỏe tinh thần và mưu cầu bình an nội tại cao hơn những thế hệ trước. Mình nghĩ đó cũng là lý do khiến các bạn trẻ như mình chủ động và cởi mở hơn với việc đi khám tâm thần hay trị liệu tâm lý. Thế nhưng, điều đáng tiếc là hệ thống y tế tại Việt Nam lại chưa đáp ứng được nhu cầu này. 

Quill Cloud

Khi mình và mẹ tìm hiểu về việc trị liệu tâm lý ở Việt Nam, mình nhận ra rằng số lượng bác sĩ lâm sàng ở nước ta không phải quá ít, nhưng riêng mảng bác sĩ trị liệu và tư vấn tâm lý thì còn tương đối hạn chế. Khi bạn đi khám và được chẩn đoán mắc trầm cảm, bạn thường sẽ được phát một tờ giấy chứng nhận của bác sĩ cùng một đơn thuốc. Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc là cần thiết. Thế nhưng, đôi khi uống thuốc sẽ có hại cho cơ thể và không phải phương cách điều trị đường dài. Trong khi đó, việc điều trị tâm lý bằng các phiên trị liệu hay các buổi tư vấn chuyên nghiệp lại chưa phổ biến. Số người có chuyên môn cao để cung cấp những dịch vụ này chưa nhiều, chi phí cũng tương đối cao, vì vậy nhiều người không thể tiếp cận được. Mình thấy sự thiếu hụt của hệ thống y tế này là điều vô cùng đáng tiếc. Rất nhiều người lẽ ra không phải chịu nhiều đau khổ đến thế.

Quill Cloud

Mình có những người thân, người bạn đã và đang gặp các vấn đề tâm lý, nên mình hiểu được rằng việc đưa ra lời khuyên đôi khi rất nhạy cảm. Và việc cộng đồng ngày càng ý thức hơn trong việc đấu tranh chống lại sự tích cực độc hại (toxic positivity) là một dấu hiệu rất tích cực. Đừng bắt người khác phải vui khi họ không thể vui. Bạn cũng không cần phải chữa trị cho người khác nếu như bạn không có chuyên môn. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là chân thành lắng nghe, điều này tưởng như đơn giản, nhưng thật sự rất khó, và cần nhiều sự tập luyện.

Mình đã suy nghĩ rất nhiều về những sự tích cực độc hại này, và nhận ra rằng trách nhiệm nằm cả ở người nghe và người nhận. Ở phía người nghe, nếu như ngay khi nghe được điều gì đó khiến mình phật lòng và phản ứng chống lại ngay lập tức, tự mình đang hạn chế khả năng kết nối với người khác, vì sau đó, mình sẽ lại càng buồn hơn. Khi thấy  con cái buồn, bố mẹ thường sẽ phản ứng theo kiểu “Nín đi! Có vậy thôi cũng buồn”. Những câu nói đó đúng là gây tổn thương, nhưng thực ra đó có thể là những chia sẻ chân thành nhất người ta có thể nói ra rồi. Thế hệ của họ được lập trình để phản ứng như vậy. 

Quill Cloud

Ở phía người nói - người thường đưa lời khuyên, có lẽ chúng ta cũng cần có trách nhiệm học cách cho đi những lời động viên chân thành hơn. Khi chúng ta nhận ra rằng những lời khuyên đó có phần sáo rỗng và không đem lại giá trị cho người nghe, vậy tốt nhất nên tìm những cách tiếp cận khác. Mỗi người đều cần cho và nhận một chút. Biết là có lòng tốt nên mới khuyên nhau, nhưng đôi khi cách giúp đỡ đó không hiệu quả. Còn những người đang mang nhiều tổn thương, đôi khi chúng ta cũng cần nhắc nhở chính mình nên mềm mỏng và nhẹ nhàng hơn, để mở lòng đón tiếp sự giúp đỡ từ người khác. 

Cảm ơn Thảo Tâm về những chia sẻ chân thành của bạn. Chúc bạn luôn thật an yên và vững vàng trên nhiều chặng đường phía trước. 



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa