Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành - Giữa nhà tâm lý và thân chủ của họ, chỉ có câu chuyện và những phiền muộn cần tháo gỡ

Trong chiến dịch #MentalHeal lần này, The Influencer đã tìm đến chị Nguyễn Hà Thành để tìm hiểu sâu về công việc của một nhà tư vấn tâm lý, cùng những trải nghiệm quý giá của chị sau hơn 20 năm làm nghề
Đinh Trang
20/10/2021
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành -  Giữa nhà tâm lý và thân chủ của họ, chỉ có câu chuyện và những phiền muộn cần tháo gỡ

“Đến bây giờ, nhiều bố mẹ đã dần chấp nhận cho con tham gia các dịch vụ trị liệu tâm lý khi cần, nhưng họ vẫn có tư duy rằng: đến gặp nhà tâm lý để họ khuyên cho nó tốt lên. Đó là một sự hiểu lầm sai lệch”. 

Đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Hà Thành - Chuyên gia tư vấn tâm lý với hơn 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là người đồng sáng lập dự án hotline Đường Dây Nóng Ngày Mai. Đến nay, dù truyền thông đã bắt đầu bàn luận nhiều hơn về vấn đề sức khoẻ tinh thần, nhưng không phải ai cũng có sự hiểu biết thực sự đúng đắn về vai trò của một nhà tư vấn tâm lý.   

Chính vì vậy, trong chiến dịch #MentalHeal lần này, The Influencer đã tìm đến chị Nguyễn Hà Thành để tìm hiểu sâu về công việc của một nhà tư vấn tâm lý, cùng những trải nghiệm quý giá của chị sau hơn 20 năm làm nghề. 


Theo chị, đâu là ngưỡng một người nên tìm đến sự giúp đỡ của nhà tư vấn tâm lý? 

Hiểu đơn giản, một vết thương lòng hay sự tổn thương tâm lý cũng diễn tiến không quá khác so với một vết thương thực thể. Ở cấp độ nhẹ, ai cũng có khả năng tự chữa lành. Một vết đứt tay, một vết xước chân có thể rất đau lúc đầu, nhưng vài ngày sau sẽ khỏi. Bạn gặp một vấn đề tâm lý, nó có thể khiến bạn đau đầu mất ngủ vài ngày, bạn cảm thấy rõ rằng trong lòng đã có những tổn thương, bực bội, nhưng một vài ngày sau bạn bắt đầu cảm thấy tốt dần lên. Đó là dấu hiệu cho thấy tinh thần đang dần hồi phục, chữa lành. 

Thế nhưng, không phải tổn thương nào cũng tự đi qua theo cách đó. Nếu một cú ngã không chỉ để lại một vết xước mà ảnh hưởng sâu đến xương khớp, càng để lâu vết thương sẽ càng dấy đau, bạn sẽ cần băng bó phẫu thuật. Vết thương tâm lý, vết thương tinh thần cũng vậy, có nhiều trường hợp dù bạn đã cố gắng, nhưng cảm giác đau khổ, bất an, dằn vặt… vẫn cứ kéo dài và giày vò khiến bạn không thể yên ổn. Có thể để tâm đến cột mốc 2- 3 tuần kể từ thời điểm xảy ra sang chấn. Nếu bạn tiếp tục có dấu hiệu kiệt quệ về tinh thần, bất an nhiều hơn, thường xuyên có cảm giác bị ai đó chiếm giữ, bạn không thể vận hành cuộc sống sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường, mọi người xung quanh thường xuyên thể hiện sự lo lắng về bạn, bạn dễ xúc động, dễ khóc, nhịp điệu ăn ngủ bị thay đổi theo hướng khó khăn hơn, đấy chính là thời điểm chúng ta cần tìm kiếm một sự giúp đỡ chuyên nghiệp. 

Từ kinh nghiệm thực hành của tôi, nếu như có sự can thiệp kịp thời, hầu hết thân chủ chỉ cần 4 đến 6 buổi trị liệu để có thể vượt qua được những xung đột tâm lý của mình. Thế nhưng, để càng lâu, việc hồi phục sẽ càng cần thời gian và phương pháp can thiệp cũng đòi hỏi phức tạp hơn. 

Việc tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp quá muộn sẽ gặp những khó khăn gì? 

Những tổn thương tích tụ càng lâu dài chồng chất, quá trình trị liệu lại càng phức tạp và tốn nhiều thời gian. Tình trạng này không khác gì một người bị đa chấn thương, cần phải trải qua nhiều liệu trình điều trị, phẫu thuật khác nhau để có thể hồi phục. Ví dụ, một bạn trẻ trong quá khứ đã có sẵn nhiều mâu thuẫn với người thân, mối quan hệ trong gia đình có nhiều đứt gãy, ở tuổi dậy thì, bạn bị body shaming và thường xuyên bị cô lập ở trường học, hiện nay bạn đang bắt đầu có dấu hiệu của chứng chán ăn tâm lý trường diễn. Đây là một ca điển hình của đa chấn thương tâm lý. Dù xảy ra ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, mỗi vấn đề đều ảnh hưởng một cách thầm lặng, từng chút một nhưng hằn sâu đau đớn và không vấn đề nào được tháo gỡ kịp thời. Cho đến khi, một tình huống rất nhỏ cũng khiến họ gục ngã. Tình huống đó, có thể chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi. 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người để những mâu thuẫn, ẩn ức từ gia đình gốc tích tụ đến mấy chục năm. Cuộc đời bố mẹ họ có nhiều khúc mắc, cha mẹ họ đã né tránh và dồn nén rất lâu vì cảm thấy bế tắc không giải quyết được, cũng có thể họ có sự kế thừa từ cả thế hệ trước. Họ không giải toả, không được chữa lành và lại tiếp tục mang những cảm xúc tiêu cực đó vào mối quan hệ với con cái họ bây giờ. Khi những xung đột bị đẩy lên đến đỉnh điểm, khi những thay đổi trong kết nối thế hệ đã kích hoạt những mâu thuẫn trở nên mãnh liệt và đau đớn hơn, khi chính con cái họ phải đối mặt với những tổn thương nặng nề về tinh thần, họ mới giật mình nhận ra có điều gì đó không ổn. Những tổn thương ấy cứ lặp đi lặp lại, dồn nén qua nhiều năm tháng, nhiều thế hệ, không ai dừng lại để phân tích, để thấu hiểu. Hầu hết, nếu dừng lại, họ dành thời gian để trách móc, để đổ lỗi vì ai cũng cảm thấy mình đã kiệt sức vì cố gắng, đã hy sinh đến mất cả bản thân những tưởng vì hạnh phúc của người khác. Cả gia đình, mỗi người đều có những khủng hoảng, những tổn thương riêng, khi những vết thương này va chạm với nhau, tổn thương lại càng thêm sâu sắc. 


Với những trường hợp này, quá trình trị liệu thường tốn nhiều thời gian vì phải đi sâu, bóc tách từng vấn đề. Khi có quá nhiều khúc mắc, họ sẽ luôn cảm thấy nặng nề, cảm thấy bản thân không may mắn, cảm thấy mọi thứ tồi tệ đều đổ sập đến cuộc đời họ. 

Tôi thật sự rất mong đợi mỗi chúng ta, đều cần để tâm đến bản thân mình. Có nhiều hành trình trong cuộc đời để ta khám khá, nhưng hành trình quan trọng nhất, đáng để chúng ta phải đối diện nhất là hành trình đi vào bên trong. Hành trình này ý nghĩa với tất cả chúng ta, cả bạn, cả tôi và cả những người đang làm việc với tư cách là những người trợ giúp tâm lý cho người khác. Khi ta tự nhận biết được vấn đề của mình, chủ động tìm kiếm giải pháp và nhận được sự trợ giúp đúng cách và kịp thời, ta đều có thể hồi phục và không lãng phí những tháng ngày dài khổ sở, loay hoay, tuyệt vọng trong rất nhiều rối ren cảm xúc. 


Đâu là những hiểu lầm thường gặp của về vai trò của một nhà tư vấn tâm lý? 

Điều hiểu lầm phổ biến nhất tôi gặp phải là nhà tâm lý có một kho những lời khuyên, ta đến gặp họ để nhận lời khuyên đem về sửa chữa cuộc đời mình. Suy nghĩ này không chỉ có ở những thân chủ, cha mẹ của họ mà đôi khi chính những người làm công việc trợ giúp tâm lý giúp cũng có thể mắc phải nếu như chưa có đủ trải nghiệm thấu đáo về nghề nghiệp. 

Các bạn trẻ hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và thái độ về vấn đề sức khoẻ tinh thần. Các bạn hiểu khá rõ rằng các khoá trị liệu, hay quá trình làm việc với những nhà chuyên môn là một hành trình hỗ trợ để các bạn đối diện với những tổn thương đã bị dồn nén, để nâng đỡ bản thân theo cách phù hợp, để khám phá các ẩn ức bên trong và có những sự điều chỉnh phù hợp để đi qua những khó khăn này. Tuy thế, phần lớn các bậc cha mẹ lại nghĩ rằng cho con đến gặp nhà tư vấn tâm lý để người ta khuyên cho mà tốt lên. Họ chấp nhận rằng con cái họ cần có sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn, nhưng họ vẫn có những suy nghĩ chưa thực sự đúng về vai trò của một nhà tâm lý, từ đó dẫn đến những kỳ vọng không hợp lý. 

Nếu như cha mẹ cởi mở và lắng nghe con tốt hơn, những suy nghĩ này cũng sẽ dễ dàng thay đổi. Nhiều trường hợp, sau một vài buổi làm việc với các bạn trẻ, tôi có yêu cầu những buổi gặp với cha mẹ hoặc một vài thành viên trong gia đình, khi gia đình có sự hợp tác hỗ trợ thì liệu trình tư vấn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. 


Vậy công việc thực sự của một nhà tư vấn tâm lý là gì? 

Tư vấn tâm lý là một dịch vụ mà ở đó, những người có chuyên môn sẽ sử dụng các phương pháp làm việc chuyên nghiệp để giúp thân chủ tỏ rõ những vấn đề của mình, nhận biết các khó khăn, vướng bận, những xu hướng hành vi mà thường ngày chúng ta không nhìn rõ do thói quen đè nén, chịu đựng. Trên hành trình thân chủ vượt qua khó khăn này, người trợ giúp tâm lý sẽ chỉ như một cú hích nhẹ, đồng hành cùng họ để phân tích vấn đề một cách khách quan dưới lăng kính chuyên môn. Khi mọi thứ được soi sáng rõ ràng, bạn sẽ nhìn thấy hướng đi phù hợp, bạn trở thành người hiểu rõ bản thân và quyết định hướng đi cho chính mình. 

Nhà tư vấn tâm lý cũng không thể và không nên đồng hành cùng thân chủ mãi mãi, thân chủ phải là người chủ động trên hành trình cuộc đời họ. Một lộ trình trị liệu tâm lý về cơ bản chỉ kéo dài từ 4 đến 10 buổi. Có những trường hợp phải kéo dài đến 20 buổi, thậm chí đến vài năm, nhưng đây hầu như là những trường hợp mà họ tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp khi vấn đề đã kéo dài và ảnh hưởng đến nhiều mặt cuộc sống cá nhân. Còn thông thường, cá nhân tôi sẽ không khuyến khích những kỳ trị liệu quá dài vì ít nhiều nó tạo nên sự phụ thuộc không cần thiết của mối quan hệ trị liệu chuyên nghiệp . 


Sau 20 năm làm nghề, điều chị yêu thích nhất ở công việc này là gì? 

Điều tôi khiến tôi gắn bó nhất ở công việc này là mình có cơ hội để lắng nghe, quan sát một cách tỷ mỷ kỹ lưỡng nhiều cuộc đời khác nhau. Mình được biết đến những khó khăn, đau đớn, trăn trở mà họ đã trải qua. Mình được đồng hành cùng họ trên hành trình họ kiếm tìm chính bản thân mình, hành trình họ nỗ lực thay đổi và làm hoà với những thay đổi hoặc không thay đổi mà họ tạo ra. Và sau cùng, đích đến mà mình quan sát được sẽ là việc họ hạnh phúc với chính con người bản thể của họ mà trước đây tưởng rằng đã bị khổ đau che khuất. Với tôi, hành trình của mọi thân chủ đều khác biệt và nhiều ý nghĩa, không câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Bản thân tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều từ những thân chủ của mình. 

Theo chị, thị trường việc làm trong lĩnh vực tâm lý tại Việt Nam hiện đang như thế nào? 

Thực ra ở Việt Nam, chúng ta đào tạo sinh viên ngành chuyên ngành tâm lý không hề ít, mỗi năm ước tính có khoảng 500-700 cử nhân tâm lý học được tốt nghiệp. Nhưng việc đào tạo để có thể thực hành, để làm được công việc của một người trợ giúp tâm lý thì chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc và nhu cầu xã hội. Tại các trường Đại học, các giảng viên chủ yếu thiên về nghiên cứu giảng dạy, số người có tay nghề thực hành không nhiều. Vì vậy, việc giảng dạy còn tập trung nhiều vào lý thuyết. 

Hơn nữa, nghề này cũng đòi hỏi một số tố chất và sự trau dồi kinh nghiệm sống nhất định, nên không ít sinh viên ngành tâm lý ra trường phải bối rối một vài năm để tìm kiếm công việc phù hợp. Đó cũng là lý do mà số lượng người chuyên tâm lựa chọn theo nghề lâu dài cũng không nhiều. Chúng tôi chờ đợi trong 3-5 năm tới, sẽ có một lượng không nhỏ các chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần đang học tập ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam, có thể các bạn cần 2-3 năm thể thích nghi nhưng khi đó chắc chắn sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội vì họ thực sự được đào tạo bài bản theo những chuẩn mực quốc tế. 

Vậy đâu là những thách thức lớn nhất khi làm một nhà tư vấn tâm lý? 

Công việc của một người tư vấn tâm lý đòi hỏi sự thích nghi liên tục bởi mỗi một thế hệ lại phải đối mặt với những vấn đề khác nhau. Đây là một trong những thách thức rất lớn. Chỉ khoảng 3 đến 5 năm, xã hội lại phát sinh những vấn đề mới, và mỗi thế hệ đều có những khó khăn, rắc rối của riêng mình. Ví dụ, một nhà tâm lý dành nhiều năm tháng để làm việc với các bạn trẻ ở độ tuổi 15-17. Thế nhưng, một cậu bé 15 tuổi của 10 năm trước so với một cậu bé 15 tuổi của năm 2021 sống ở trong hai điều kiện xã hội hoàn toàn khác nhau, và phải đối mặt với những vấn đề hoàn toàn khác biệt. Chúng ta không thể dùng nhãn quan cũ của một nhà tâm lý thế hệ trước để làm việc với các em, thậm chí cha mẹ các em. 

Những năm gần, khi kinh tế Việt Nam phát triển, xã hội cởi mở nhiều hơn. Chúng ta dễ dàng hội nhập ở những khía cạnh như ẩm thực, thời trang,.. nhưng nếp sống, nếp nghĩ khó lòng thay đổi nhanh chóng. Điều này dẫn đến sự xung đột văn hoá, giá trị giữa các thế hệ trong gia đình. 

Một ví dụ khác, hiện nay, các bạn trẻ có cơ hội được đi du học nước ngoài nhiều hơn trước. Sống và học tập ở một môi trường mới, các bạn cũng gặp rất nhiều chênh vênh khi đã tách rời nền văn hoá của mình nhưng chưa có cảm giác “thuộc về" nền văn hoá mà mình vừa đến. Trong khi đó, ai ai cũng bảo rằng đi du học là sung sướng vẻ vang, là được tiêu bao nhiêu tiền bạc của bố mẹ. Nhưng chỉ chính các bạn mới hiểu được những cú sốc văn hoá, những giai đoạn rối loạn căng thẳng tột độ mà bạn trải qua khi một mình sống ở một đất nước xa lạ. Hay bản thân bố mẹ có con đi du học, tưởng rằng sẽ hạnh phúc vì con cái có điều kiện học tập tiến bộ, vậy mà nhiều người lại trải qua “hội chứng tổ rỗng”, cảm giác trống trải chới với khi nhà cửa trống vắng, cảm giác tủi thân khi con cái không biết quan tâm đến mình, chỉ tiêu tiền là đều đặn. 


Những vấn đề này, 15 năm trước, khó ai có thể hình dung nổi. Nhà tâm lý có sự song hành qua nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ chắc chắn sẽ có những trải nghiệm về sự thay đổi, dịch chuyển về hệ giá trị bên trong của mỗi giai đoạn mà chúng ta đang trải qua, điều đó trau dồi cho họ trải nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Đồng thời, bản thân họ cũng cần không ngừng để tâm, cập nhật và học hỏi không ngừng. 

Hơn nữa, bản chất công việc này cần sự tập trung và nỗ lực cá nhân rất lớn. Khi tiếp xúc với thân chủ, nhà tư vấn hầu như không có gì khác ngoài chính bản thân mình. Khi làm một giáo viên, giữa họ với học sinh có kiến thức làm trung gian. Khi làm một bác sĩ, giữa họ với bệnh nhân có thuốc men, máy móc. Thế nhưng, giữa nhà tâm lý với thân chủ chỉ có câu chuyện và những vấn đề phiền muộn của thân chủ đang cần tháo gỡ. Dù bạn có học vị cao đến đâu, dù bạn đã du học hay nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài, dù bạn theo đuổi trường phái lý thuyết điều trị nào, nếu như thân chủ không cảm thấy có sự kết nối và tin tưởng, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Điều này đòi hỏi bản lĩnh nghề nghiệp rất lớn, bởi năng lực kết nối của một nhà tâm lý không thể che đậy bởi bất cứ điều gì. 

The Influencer cảm ơn những chia sẻ từ chị Hà Thành. Chúc chị có thật nhiều sức khoẻ và đam mê để tiếp tục cống hiến giá trị cho cộng đồng. 

Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày Mai (0963061414) - một dự án cộng đồng, phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa