#MentalHeal: Hương Ann - Thiền là để hài hoà với cuộc sống, chứ không phải thoát ly thực tại

Trong quá trình thực hiện chiến dịch #MentalHeal, rất nhiều KOL mà The Influencer có dịp trò chuyện cùng đều nhắc đến thiền, coi đây là một cách thức, một phương pháp hữu ích để chăm sóc sức khỏe tinh thần bản thân. Cũng bởi điều này, The Influencer quyết định tìm đến chị Hương Ann - Founder của Thiền Đương Đại - ứng dụng thiền dành riêng cho người Việt với hơn 50.000 người sử dụng trên 49 quốc qua.
Đinh Trang
28/10/2021
#MentalHeal: Hương Ann - Thiền là để hài hoà với cuộc sống, chứ không phải thoát ly thực tại

Trong quá trình thực hiện chiến dịch #MentalHeal, rất nhiều KOL mà The Influencer có dịp trò chuyện cùng đều nhắc đến thiền, coi đây là một cách thức, một phương pháp hữu ích để chăm sóc sức khỏe tinh thần bản thân. Trong một vài năm gần đây, thiền và tác dụng của thiền cũng được nói đến ngày càng nhiều. Thế nhưng với thế hệ trẻ, nhiều người vẫn cảm thấy thiền tương đối mơ hồ và khó tiếp cận. 

Cũng bởi điều này, trong chiến dịch #MentalHeal, The Influencer quyết định tìm đến chị Hương Ann - Founder của Thiền Đương Đại - ứng dụng thiền dành riêng cho người Việt với hơn 50000 người sử dụng trên 49 quốc qua. Đồng thời, chị cũng đã tổ chức nhiều lớp hướng dẫn thiền cho người trẻ từ năm 2015 đến nay. Mời bạn đến với những chia sẻ chân thật, hữu ích của chị Hương Ann về thiền nói riêng, chăm sóc sức khỏe tinh thần nói chung. 


Ở tuổi 26, cũng như rất nhiều người trẻ khác, tôi phải đối mặt với khủng hoảng một-phần-tư cuộc đời (quarterlife-crisis). Dù có một công việc ổn, mức thu nhập tốt, tôi lại không cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống. Tôi luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn, cảm thấy không thỏa mãn với những thứ mình đang có, những việc mình đang làm.

Trước đây, tôi vốn là người hướng ngoại, thường đặt mục tiêu hướng ra bên ngoài. Tôi luôn muốn tiến lên, muốn đạt được nhiều thành tựu, muốn mua sắm sang trọng như nhiều anh chị xung quanh. Khi đã đạt được những mục tiêu đó, tôi lại thấy những điều này không vui như mình nghĩ, và rằng mình đang đánh mất dần bản thân vào những điều thiếu thực chất. Khi hướng các mục tiêu ra bên ngoài, chúng ta cũng rất dễ cảm thấy bất an, thấy nhiều điều không được như ý, thấy mất kết nối với cuộc sống và những người xung quanh. 

Thời điểm phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, tôi mới bắt đầu tìm về thế giới bên trong, tìm đến các khóa học phát triển bản thân, trong đó có thiền. Thiền giúp tôi tĩnh lặng lại, giúp tôi đủ bình tĩnh để lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình, điều mà bình thường hiếm khi ta có thể làm được. Gặp tôi tại thời điểm này, chắc bạn khó có thể hình dung được rằng tôi vốn là người khá nóng nảy, hay nói những lời gây sát thương, hay phán xét người khác. Dù không thể hiện ra mặt, nhưng tôi nhận ra rằng trong lòng mình luôn có nhiều sự phán xét và rõ ràng và có nhiều mối quan hệ không được tốt đẹp. Khi bắt đầu thực hành thiền để quay về bên trong, tôi mới nhận ra rằng những tức giận và hằn học toả ra bên ngoài chỉ là lớp che phủ của những bất an, nỗi sợ bên trong, là biểu hiện của việc mình không còn kết nối với chính bản thân và kết nối với cuộc sống, vì thế mình cần thay đổi.  


Sau một thời gian, tôi cũng nhận ra rằng, dù hướng ta vào thế giới bên trong, thực hành thiền không bao giờ là né tránh cuộc sống bên ngoài. Đâu đó ngoài kia vẫn có câu chuyện về những người đi học thiền xong về “chân không chạm đất”. Họ xa rời cuộc sống của người thân bạn bè xung quanh, họ cho rằng bản thân họ đã “giác ngộ” còn người khác thì chưa. Tôi cho rằng những cách thực hành này đều có một sự sai lầm nào đó. Thiền không phải để thoát ly thực tại, không phải để chối bỏ những khổ đau của mình rồi trốn vào một thế giới khác. 

Khi tập trung lắng nghe những tiếng nói nội tâm, cách chúng ta phản hồi với thế giới bên ngoài cũng khác hẳn. Khi hài hoà bên trong, ta cũng sẽ hài hoà với thế giới bên ngoài. Hầu hết trải nghiệm từ học viên của tôi là học thiền xong đều thấy yêu bố mẹ hơn, dễ dàng kết nối với mọi người xung quanh hơn, mọi thứ có sự hài hoà gần gũi.


Với tôi, thiền rất tự nhiên. Khi nói đến thiền, mọi người thường nghĩ là phải như các thiền sư, phải kiêng cữ đủ thứ, phải sống rất tĩnh lặng thì mới là thiền. Thế nhưng, với cách tiếp cận của tôi, thiền đơn giản chỉ là sự chú tâm, là việc quan sát chính bản thân mình trong mọi khoảnh khắc. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy sự chú tâm này có sẵn trong mỗi đứa trẻ, dù làm gì chúng cũng thật tập trung, vô tư tận hưởng từng khoảnh khắc. Nhưng khi lớn dần lên, ta quên đi sự chú tâm này, tâm trí chúng ta lúc nào cũng thật bận rộn nuối tiếc về những điều trong quá khứ, hoặc lo lắng cho tương lai. 

Thiền đơn giản là giúp ta trọn vẹn ở khoảnh khắc hiện tại. Ta nhìn nhận quá khứ là những điều đã qua, là những trải nghiệm để lại ít nhiều bài học. Ta vẫn sẽ lập kế hoạch cho tương lai, vẫn có những mục tiêu cụ thể, nhưng không vì vậy mà đánh mất sự bình an của hiện tại. Tôi tin rằng, thiền dành cho tất cả mọi người, nhưng cần có cách tiếp cận phù hợp với từng đối tượng. Đó cũng là lý do mà các khoá thiền của tôi thường rất đông các bạn trẻ, bởi tôi sử dụng ngôn ngữ phù hợp với thế hệ của các bạn, dù rằng các bài thực hành thì không chệch đi đâu khỏi phương pháp thiền quán và chánh niệm vốn vẫn được đề cập trong sách của thầy Thích Nhất Hạnh.

Ngoài việc nghĩ rằng thiền phải gắn liền với một tôn giáo nào đó, nhiều người còn nói rằng bản thân họ không có thời gian để thực hành thiền. Thế nhưng, bạn không cần đến 1-2 tiếng chỉ để ngồi thiền, mỗi ngày chỉ cần dành ra 10 đến 15 phút, bạn đã thấy trạng thái của mình khác hẳn. 15 phút thiền mỗi ngày là khoảng thời gian vô cùng chất lượng dành cho bản thân.  


Với các bạn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý, thiền cũng có khả năng hàn gắn và chữa lành, nhưng đòi hỏi một thời gian đủ dài, sự thực hành nghiêm túc và có sự dẫn dắt phù hợp. Trước khi dịch đến, hàng năm tôi vẫn tham gia một khóa thiền Vipassana. Đó là một khóa thiền 10 ngày liên tục, chỉ ở trong trường thiền, không nói chuyện với ai, mỗi ngày thiền đến 10-11 tiếng. Hầu hết những người trải qua khóa thiền này đều thấy đó là một trải nghiệm đổi đời, mọi người trút được nhiều gánh nặng trong lòng, nhìn cuộc đời mềm mại hơn. Đương nhiên, mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau, dẫn đến những kết quả khác nhau, nhưng nhìn chung đều đạt được những sự chữa lành nhất định. 


Thế nhưng, nếu chỉ chữa lành bằng thiền, bạn sẽ cần đầu tư rất nhiều thời gian, năng lượng, tiếp cận được phương pháp phù hợp. Xã hội bận rộn này không có phép nhiều người thực hiện điều đó. Các phương pháp chữa lành tâm lý khác được đưa ra để mình có thể rút ngắn khoảng thời gian đó. Khi làm việc cùng các nhà chuyên môn, ta sẽ được trao thêm công cụ để tự mình xử lý các vấn đề của bản thân tốt hơn, để soi chiếu lại các vấn đề một cách khách quan và sáng tỏ. Ta thường rất dễ nhìn ra các vấn đề của người khác, nhưng kiếm khi nhận biết rõ ràng vấn đề của mình, giống như một hình ảnh ẩn dụ rằng dưới chân ngọn nến bao giờ cũng tối nhất. Khi làm việc cùng các nhà chuyên môn, họ không chỉ giúp bạn soi tỏ vấn đề, mà còn giúp bạn nhìn thấy những tiềm năng bên trong và cách thức để bạn tháo gỡ những khúc mắc đó. 


Mỗi con người chúng ta đều có 03 phần: cơ thể, cảm xúc và tâm trí. Cả ba đều cần được quan tâm chăm sóc. Nếu ta chỉ thực hành thiền mà không chăm sóc cơ thể, quên tập thể dục, quên ăn uống điều độ, luôn luôn làm việc quá sức, sức khỏe tinh thần chắc chắn không thể đảm bảo khi cơ thể kiệt quệ. Đôi khi, sự khó chịu về cảm xúc có thể chỉ đến từ việc hôm nay mình đã quên ăn trưa. Khi chúng ta mệt thì ai nói to một chút thôi ta cũng thấy bực mình. Còn khi khoẻ mạnh, chúng ta lại có đủ sức để đối mặt với nhiều thứ áp lực. Các bạn trẻ thường tự tin quá mức vào sức khoẻ thể chất của mình mà làm việc quá sức, thường xuyên thức đêm, ăn uống thiếu điều độ, đó cũng có thể là một phần lý do khiến các bạn đối mặt với nhiều sự bất ổn về tinh thần. 

Một yếu tố quan trọng khác là cảm xúc. Một trong những vấn đề của người hiện đại là chúng ta có xu hướng kìm nén và “đày ải” những cảm xúc chân thực, trong khi đó lại dễ bung ra những giận dữ (cảm xúc thứ cấp), phán xét, nguy hiểm hơn là thờ ơ. Chúng ta hãy cùng thử nhìn nhận lại những bộ phận trên cơ thể giúp ta quan sát và cảm nhận cuộc sống, như giác mạc, nụ vị giác, màng nhĩ... tất cả đều vô cùng mong manh, nếu không mong manh thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không cảm thấy gì cả. Cảm xúc cũng vâỵ. Nếu chúng ta vì sợ bị tổn thương mà không cho phép bản thân mình được mong manh, không cho mình được thể hiện những cảm xúc chân thật, lâu dần chúng ta tự “đóng băng” mình lại và không còn cảm thấy gì nữa. Nhưng không cảm thấy gì thì lại là một điều kinh khủng, chúng ta lại thấy trống rỗng, lạc lõng, không thể kết nối với ai khác. Vì thế mà nhiều người phải tìm đến phim kinh dị, nhạc kích động, các chất kích thích chỉ để khiến bản thân cảm thấy một điều gì đó, thậm chí chúng ta còn tìm đến các mối quan hệ độc hại chỉ để có các cảm xúc mãnh liệt - dù nghe qua điều này thật vô lý.


Khi học cách lắng nghe, quan sát những cảm xúc bên trong mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mọi cảm xúc đều có một thông điệp nào đó. Ví dụ: bạn cảm thấy bất an khi nhắn tin mà người yêu không trả lời, đằng sau đó là nhu cầu được kết nối, là nỗi sợ không được yêu thương. Nếu không nhận biết được điều này, ta rất dễ để bản thân rơi vào trạng thái bị ám ảnh, hoặc vội vàng buông lời cay đắng với đối phương để thu hút sự chú ý. Bản thân việc thực hành thiền cũng cho ta công cụ để hướng vào bên trong, để thấu hiểu bản thân mình, phát triển trí thông minh cảm xúc. Tôi tin tưởng rằng, để có một cuộc sống trọn vẹn, cả thân - tâm - trí đều cần được chăm sóc. Việc chăm sóc này không chỉ cần thời gian, mà còn cần sự học hỏi, sự kiên trì từng ngày. 

Người trẻ ngày nay gặp rất nhiều áp lực, dễ bị cuốn vào những thứ khiến mình mất thời gian, mất năng lượng mà chẳng dẫn đến đâu. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng nếu giờ bảo họ là “Hãy thiền đi!”, chắc họ cũng chẳng thiền. Nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục chia sẻ nhiều về thiền, tiếp tục phát triển những bài thiền mới trên ứng Thiền Đương Đại. Khi càng nhiều người nói về thiền, họ sẽ có một ý niệm nào đó trong tâm trí, đến một thời điểm họ sẽ quyết định tìm đến thiền. Còn nếu cần có một lời khuyên cho các bạn trẻ, ngoài thiền, tôi sẽ chỉ khuyên các bạn đôi khi nên dừng lại một chút. Dừng lại để hỏi mình những câu hỏi như: Điều này có thực sự quan trọng với mình hay không? Mình đang làm điều này vì điều gì? Mình có đang hạnh phúc với những việc mình đang làm không?. Mỗi ngày, hãy dành một khoảng thời gian chất lượng để lắng nghe, để đối thoại với chính mình. 


MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa