#MentalHeal: The Present Writer - Cuộc sống đủ đầy hay công việc ổn định không phải “liều thuốc” chống trầm cảm

Thông qua câu chuyện và những chia sẻ của chị Chi Nguyễn, chúng ta có thể hiểu hơn về những nguyên do dẫn đến trầm cảm sau sinh của người mẹ và hành trình chị kéo mình ra khỏi “hố đen cảm xúc” ấy.
Ý Như
11/10/2021
#MentalHeal: The Present Writer - Cuộc sống đủ đầy hay công việc ổn định không phải “liều thuốc” chống trầm cảm

Vì sao ngày chào đón một thiên thần nhỏ ra đời, cùng với niềm hạnh phúc, lại là sự khởi đầu cho căn bệnh trầm cảm sau sinh ở nhiều người mẹ? Tại sao họ khóc đến không thể ngừng lại? Tại sao họ luôn thấy mình không đủ tốt? Tại sao họ trông phờ phạc như một cái “xác không hồn”? 

10-20% phụ nữ thế giới mắc trầm cảm sau sinh, con số này lên đến 30% tại Việt Nam (theo vov.vn). Nếu bạn tìm kiếm cụm từ “trầm cảm sau sinh” trên Google, bạn sẽ nhận được không ít kết quả về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh. Nhưng điều đó liệu có đủ để hiểu về nỗi đau đến nghẹt thở của một người mẹ đang rơi vào trầm cảm sau sinh? Có lẽ là không, không ai có thể hiểu rõ trầm cảm đáng sợ đến thế nào ngoài những người đã từng ở trong đó. 

Bởi vậy, trong chiến dịch #MentalHeal nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, The Influencer muốn đi sâu tìm hiểu trải nghiệm của một người từng mắc trầm cảm sau sinh, để chúng ta có thể hiểu, cảm thông và hỗ trợ tốt hơn cho những người mẹ trong giai đoạn nhạy cảm. Và The Influencer tìm đến chị Chi Nguyễn - tác giả của blog/ podcast The Present Writer, Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ. Chị từng chia sẻ, mọi người thắc mắc tại sao một người sống ở nước ngoài, có công việc tốt… - đúng chuẩn hình mẫu của thành công và hạnh phúc - như chị lại mắc bệnh trầm cảm? Nếu câu hỏi này cũng đang nảy ra trong tâm trí bạn, hãy cùng lắng nghe câu chuyện chị Chi Nguyễn ngay dưới đây.


Quill Cloud

Mình đã làm việc với bác sĩ tâm lý từ khoảng 5 năm trước khi sinh em bé. Đó là quãng thời gian lần đầu mình ra nước ngoài học thạc sĩ. Thông thường, khi vào một môi trường mới, đến một đất nước xa lạ, ai cũng lo lắng, hồi hộp và có những bất ổn về mặt tâm lý. Một lần, người tư vấn tâm lý đến nơi các bạn sinh viên học chung và phát một khảo sát để kiểm tra về sức khỏe tinh thần của mọi người. Ban đầu, mình tham gia khảo sát cho vui thôi. Nhưng sau khi làm khảo sát, cộng tổng số điểm vào, mình nhận thấy bản thân đang đối diện với stress. Một cô tư vấn viên đã động viên mình đi gặp bác sĩ tâm lý ở trường. Và từ đó, mình gặp bác sĩ tâm lý và học cách đối diện với sự căng thẳng, rối loạn lo âu…

Có một giai đoạn, mình bị rất nặng. Sau một quá trình làm việc với bác sĩ tâm lý, mình đã có một số cách tự chăm sóc bản thân như viết nhật ký, tập yoga, nói chuyện với bạn bè… Thế nhưng, vẫn có lúc mình không thể ra khỏi giường trong ba ngày liên tiếp. Tâm lý như bị tê liệt. Điều này mình tin rằng những người từng trải qua trầm cảm mới có thể hiểu được. 

Sau này, khi có em bé, mình tiếp tục chiến đấu với trầm cảm. Những yếu tố dẫn đến trầm cảm sau sinh rất đa dạng, song mình có thể đề cập một số nguyên do cụ thể. Thứ nhất, khi một em bé ra đời, hormone, thể chất của người mẹ sẽ thay đổi nhiều và tác động đến tinh thần - điều này đã được khoa học chứng minh. Thứ hai, khi một đứa trẻ chào đời, mẹ không phải người duy nhất chăm em bé mà còn có chồng, gia đình, họ hàng,... Mọi người xung quanh có thể đưa ra nhiều ý kiến khiến người mẹ mới sinh cảm thấy nhạy cảm. 

Với cá nhân mình, mình là một người sống độc lập, luôn sống riêng và không ở cùng gia đình trong một thời gian rất dài. Mình đang quen ở trong một không gian riêng biệt từ khi trưởng thành cho đến lúc lập gia đình. Nhưng từ khi có em bé, mình buộc phải có người trợ giúp bởi mình còn đi học và chồng đi làm. Mặt khác, thời điểm ấy, vợ chồng mình thuê một căn nhà rất bé, chỉ có một phòng ngủ. Việc đột ngột phải ở chung với nhiều người khiến mình cảm thấy không có không gian riêng để làm điều mình muốn mà không bị ai khác đó dòm ngó. Có thể mọi người không hề dòm ngó nhưng không gian ấy vẫn tạo cho mình cảm giác bức bối. Tất cả những điều đó khiến những vấn đề về tâm lý của mình càng bị khuếch đại hơn. 

Tuy nhiên, sống ở Mỹ, mình thấy may mắn vì lúc mới sinh hay mỗi lần đưa em bé đi khám định kỳ, bác sĩ thường đặt câu hỏi cho cả bé và mẹ. Bác sĩ hỏi mình những câu hỏi về tâm lý lâm sàng để khảo sát các biểu hiện của trầm cảm sau sinh như: “Mẹ cảm thấy như thế nào?”, Mẹ có thấy bồn chồn không?”... Qua đó, mình nhận thấy tâm trạng của bản thân đi xuống rất sâu, không còn dừng lại ở cảm xúc buồn đơn thuần. Ý nghĩ mình là người mẹ không đủ tốt, không đủ giỏi… đến với mình một cách thường xuyên. Sự tự tin của mình giảm sút một cách nghiêm trọng. Thậm chí, mọi người xung quanh chỉ nói một điều vô cùng nhẹ nhàng hay nó không liên quan đến mình vẫn khiến mình thấy nhạy cảm. Mình khóc rất nhiều, có khi không thể kiểm soát được... 

Quill Cloud

Trong giai đoạn rơi vào trầm cảm sau sinh, mình có tâm lý không muốn nói chuyện với ai trừ bác sĩ tâm lý. Mình không muốn ai động đến, nói đến hay hỏi mình bất cứ điều gì. Mọi người càng nói nhiều, mình càng cảm thấy họ không hiểu. Nhiều người cứ nói “vui vẻ lên”, “cố lên”, “tại sao không cười lên”... Nếu mọi thứ dễ dàng như vậy, mình đã làm rồi, không cần bạn phải khuyên điều ấy. Hơn thế, một số người còn đem trường hợp của bản thân họ để so sánh với mình: “Ngày xưa tôi thế nọ, thế kia, khó khăn như này, nghèo hơn bạn, khổ hơn bạn, sinh 7 đứa…, tôi còn không bị trầm cảm thì sao bạn lại bị?”. Mình nghĩ rằng mỗi người có một trải nghiệm khác nhau. Mình không giống bạn, không có trải nghiệm như thế, bạn cũng vậy. Thế nên, bạn không thể nói với mình những lời so sánh vô lý ấy. Tuy nhiên, việc mình không giao tiếp với ai cũng không hẳn là một cách bảo vệ bản thân lành mạnh và hoàn toàn đúng đắn. Đôi khi, nếu bạn chia sẻ được với người hiểu mình, đó sẽ là một giải pháp hiệu nghiệm. 

Nhìn chung, mỗi người sẽ có những biểu hiện, mức độ trầm cảm sau sinh khác nhau. Mình biết nhiều người ở mức độ trầm cảm nặng hơn như hoang tưởng, không thể làm việc, không thể chăm con, có ý nghĩ tự tử, thực hiện hành vi làm hại bản thân, thậm chí làm hại con cái…


Quill Cloud

Sự đồng hành của bác sĩ tâm lý

Trầm cảm có nhiều mức độ, nhưng nếu bạn đã đến giai đoạn cảm thấy bất ổn và không thể tự làm mình khá hơn, đó là lúc bạn cần tìm người tham vấn tâm lý. Bạn không thể ra khỏi giường, không muốn chăm sóc bản thân, đánh răng, rửa mặt, gội đầu… Bạn không muốn hoà nhập với cộng đồng, cảm thấy bản thân bị bỏ quên. Hoặc bạn xem phim hay nhưng không thể cười nổi. Bạn khóc không thể ngừng lại, không thể kiểm soát tâm lý. Tình trạng đó kéo dài vài ngày, vài tuần rồi lên đến vài tháng. Đây là những ranh giới mà mình suy luận được thông qua những trải nghiệm của bản thân và mọi người xung quanh để các bạn có thể tham khảo và đưa ra những quyết định mang tính thời điểm, kịp thời. 

Trong suốt giai đoạn trầm cảm sau sinh, giai đoạn mà việc thiền, tập yoga, viết nhật ký, cố gắng chăm sóc bản thân không chống lại được căn bệnh trầm cảm nữa, bác sĩ tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến mình. Mình chưa đến mức độ phải uống thuốc, nhưng cần đến gặp bác sĩ để trị liệu hàng tuần. Mình cũng từng chia sẻ về việc trị liệu trên podcast “Tìm về nơi an toàn của tâm hồn”. Liệu pháp này được thực hiện trong 3 bước. Ban đầu, bác sĩ tâm lý sẽ gợi mình nghĩ đến một nơi mà tâm hồn mình cảm thấy an toàn, yên tâm, thoải mái. Tiếp đến, khi mình đã ở vùng an toàn, họ sẽ gợi mình nhớ lại những câu chuyện đã gây ra sự bất ổn tâm lý, những tổn thương (trauma) bằng việc dẫn dắt, đặt ra những câu hỏi. Việc này giống như bạn mở ra chiếc rương chứa đầy kí ức của mình. Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn đặt lại những kí ức buồn đó vào rương, đóng lại và trở về nơi an toàn. Liệu pháp này đã giúp ích mình rất nhiều. Mình thấy người tư vấn tâm lý có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị, họ giúp mình vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, giúp mình quay về quá khứ và giải quyết những thương tổn bên trong. Bạn cần phải đối diện với nỗi đau của mình, và cũng cần học cách để nó ngủ yên. 

Quill Cloud

Trên thực tế, mình biết có những người không có khả năng chi trả cho việc điều trị tâm lý. Mình nghĩ các bạn có thể tham gia các group chat với bác sĩ tâm lý, group chia sẻ các bài học về tâm lý. Ví dụ, trang InPsychOut của các bạn nghiên cứu sinh, du học sinh ngành tâm lý là nơi chia sẻ nhiều nội dung bổ ích; hay trang Viện Tâm Lý Việt Pháp cũng có những nội dung rất thú vị và hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể chọn lọc những lời khuyên phù hợp để ứng dụng với trường hợp của mình. Tuy nhiên, nếu bạn rơi vào mức độ nặng (với các biểu hiện mình đã chia sẻ ở trên) hay có suy nghĩ về việc tự tử thì bạn rất nên đến gặp chuyên gia tâm lý vì lúc ấy những lời khuyên không thể giúp được bạn nữa. 

Duy trì những thói quen hữu ích cho sức khỏe tinh thần

Sau khi vượt qua giai đoạn bệnh trầm cảm trở nặng, mình có thể luyện tập chăm sóc bản thân, viết lách, thiền, đọc sách, làm điều mình thích để cảm thấy ổn định hơn, giúp cho thành quả của liệu pháp điều trị được duy trì lâu dài hơn. Phương pháp của mình là viết blog, một blog có tên Morning Pages - Trang viết buổi sáng. Mỗi sáng, mình sẽ ngồi xuống và viết 3 trang. Những lúc cảm thấy bất ổn, mình viết rất nhiều. Khi bận rộn, mình sẽ viết ngắn hơn, ví dụ như viết 3 điều mình biết ơn hàng ngày. Mình viết ra không phải để mọi người đọc, không phải viết cho hay. Mình viết sai chính tả tùm lum vì thường viết tiếng Anh - nói chuyện với bản thân bằng tiếng Anh cho mình cảm giác thật hơn, tư duy của mình thô hơn. Viết là cách mình trao đổi với bản thân, liên kết với chính mình. Việc viết giúp mình thông suốt được nhiều điều, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn dưới những câu từ. Trong quá trình viết đó, mình nghĩ ra những ý tưởng để triển khai cho blog The Present Writer, kênh Youtube và podcast của mình hiện nay. Mình thấy viết là một liệu pháp rất tốt cho những người hướng nội như mình. Thay vì nói chuyện với mọi người, mình nói với bản thân qua trang viết. 

Quill Cloud

Vai trò của người thân, bạn bè

Ngoài khía cạnh cá nhân, mình nghĩ người thân xung quanh cũng là một tác nhân quan trọng trong quá trình hồi phục của những người mẹ mắc trầm cảm sau sinh. Trong trường hợp của mình, mình nghĩ ban đầu mọi người không hiểu tại sao một đứa thành công, sống ở nước ngoài, hạnh phúc lại có những cảm giác như thế. Nhưng sau này, khi mọi người hiểu hơn, họ ủng hộ mình đi gặp bác sĩ tâm lý. Việc người thân không đưa ra lời khuyên, với mình, là một điều hết sức quan trọng. Nếu bạn không hiểu về trầm cảm và chưa từng ở trong hoàn cảnh đó thì không nên đưa ra lời khuyên kiểu “Ôi, hãy vui lên”, “Mình đã từng như thế, mình cũng vượt qua được, sao bạn không vượt qua”... Hãy để lời khuyên cho chuyên gia. Nếu bạn là người thân trong gia đình của người mắc trầm cảm sau sinh, hãy ủng hộ để họ tìm đến được trung gian giúp đỡ hoặc trở thành một người mà họ có thể trút bầu tâm sự. 


Quill Cloud

Nếu cần đưa ra một lời khuyên cho các bạn đang mang thai, mình cũng nói như chia sẻ với bạn bè của mình: Các bạn nên chuẩn bị cho sự thay đổi về tâm lý của mình vì nó chắc chắn sẽ xảy ra. Kể cả bạn không đến mức trầm cảm thì việc thay đổi hormone cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Lúc này bạn có thể rất vui, khi khác bạn có thể cảm thấy buồn. Mình chỉ muốn nói rằng đó là điều bình thường có thể xảy ra với bất kỳ ai. 

Bên cạnh đó, nếu cảm thấy mình có vấn đề bất ổn, bạn nên kiểm tra lại với bản thân. Ví dụ, khi không kiểm soát được cảm xúc, bạn nên tự hỏi bình thường mình có như vậy không. Đừng nghĩ mình là một người mẹ tồi chỉ bởi mình không cảm thấy vui, thấy hạnh phúc khi có con. Đừng so sánh bản thân với người khác rằng mình là người mẹ yếu, không có tinh thần khỏe như các bà, các cụ hay như người mẹ khác. Mỗi người có một hoàn cảnh và tâm lý khác nhau. Mình có thể không giỏi về tâm lý, nhưng khi vượt qua được, mình có thể “khoẻ” về cái khác. Ví dụ, khi vượt qua trầm cảm sau sinh, mình thấy khả năng thấu cảm của bản thân tốt hơn. Không phải trải nghiệm nào cũng đưa đến kết quả xấu, nó có thể giúp cho mình trưởng thành hơn, làm một người mẹ tốt hơn. 

Quill Cloud

Mình thấy có những trường hợp phụ nữ sau sinh phủ nhận việc họ rơi vào trầm cảm. Họ liên tục nói với bản thân “mình không bị trầm cảm”, “mình không phải uống thuốc”, “không phải gặp bác sĩ”, “đừng ai động đến tôi”... Rất nhiều người đến khi bị nặng và vượt qua rồi, họ mới nhận ra mình có giai đoạn như thế, nếu mình có sự can thiệp phù hợp sớm hơn thì có thể mọi chuyện dễ dàng hơn. Vậy nên, nếu các bạn đang mang thai, hãy luôn trò chuyện và lắng nghe bản thân để mình có được sự can thiệp kịp thời và phù hợp nhất. 

Cảm ơn những chia sẻ đầy cảm xúc và chân thành của chị Chi Nguyễn về câu chuyện trầm cảm sau sinh của bản thân cũng như những động viên cho cộng đồng. Chúc chị luôn nhiều sức khoẻ và niềm vui trong mọi điều chị làm!


​​Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày Mai (0963061414) - một dự án cộng đồng, phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa