#MentalHeal: the finding audio - Những người trầm cảm rất cô đơn, dù họ biết họ không một mình

Trong câu chuyện #MentalHeal lần này, chị Yênly Trần và anh Duy Tin của podcast ‘the finding audio' sẽ chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân khi đối diện và chữa trị vấn đề tâm lý, cùng những thực hành của họ trong việc lắng nghe tiếng nói bên trong mình.
Mai Chi
13/10/2021
#MentalHeal: the finding audio - Những người trầm cảm rất cô đơn, dù họ biết họ không một mình

Disclaimer: 

Bài viết này có nhắc tới một số nội dung có thể gây kích động - như một số trải nghiệm về trầm cảm, rối loạn cảm xúc, ý định tự tử - được chia sẻ dưới góc độ cá nhân. Với những chia sẻ này, The Influencer và the finding audio hy vọng bạn sẽ tìm thấy sự đồng cảm, bớt cảm giác cô đơn và thêm trân trọng cuộc sống. 

Tuy nhiên, nếu bạn chưa sẵn sàng về mặt tâm lý, tinh thần, bạn có thể cân nhắc trước khi đọc bài viết này. 

“Đối lập của trầm cảm không phải sự vui tươi. Đối lập của trầm cảm là sự mong muốn”. 

“Người mắc bệnh trầm cảm thực sự không chỉ buồn hay cô đơn. Nó như một hố sâu mà mình không cảm thấy được ánh sáng.”

Đây là hai câu nói trong tập podcast “ai cũng có sức khỏe tâm thần" của ‘the finding audio' - một podcast series nơi bình thường hoá Thất bại & Sự dễ bị tổn thương (Failure & Vulnerability). Đây là một tập podcast không có khách mời, và chỉ đơn giản là một không gian để hai host Yênly Trần và Duy Tin chia sẻ những thông tin hữu ích về chủ đề sức khỏe tâm thần cho các bạn thính giả, dưới góc độ khoa học và lăng kính cá nhân. Với những bạn đang mong muốn tìm hiểu thêm về sức khỏe tâm thần cùng những vấn đề tâm lý, tập podcast này sẽ là một khởi đầu tương đối cơ bản để bạn xây dựng cái nhìn tổng quan và tìm được hướng tiếp cận, khai thác về chủ đề này. 

Chính vì vậy, khi ý tưởng thực hiện chiến dịch #MentalHeal được nhen nhóm, The Influencer đã ngay lập tức muốn được trò chuyện sâu hơn với chị Yênly và anh Duy Tin về vấn đề sức khỏe tâm thần. Cụ thể, chúng ta sẽ được nghe chia sẻ của anh chị về những dấu hiệu của tình trạng tâm lý bất ổn, cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia, những thực hành để tĩnh tâm và soi chiếu bản thân trong cuộc sống hàng ngày, cùng mong muốn của ‘the finding audio’ trong việc tạo ra một không gian an toàn, không phán xét để tất cả chúng ta được nói về vấn đề tâm lý của bản thân một cách không sợ hãi, không e ngại. 


Quill Cloud

Đâu là thời điểm anh chị nhận ra sức khỏe tâm thần của mình đang “trục trặc”? 

Duy Tin: Anh có thói quen đeo tai nghe để nghe nhạc thường xuyên. Nhưng có những thời điểm anh không thể, mỗi lần đeo tai nghe anh lại thấy hoảng loạn, như thể giờ đây chỉ có mỗi anh và bản nhạc ấy. Anh như mất kết nối với thế giới xung quanh, và điều đó khiến anh cô đơn và lạc lõng vô cùng. Anh cần nghe những âm thanh của cuộc sống, để tự xác nhận với bản thân rằng mình vẫn đang thuộc về cuộc sống này. 

Nếu không có trải nghiệm tương tự, anh nghĩ mọi người sẽ khó để hiểu và đồng cảm. Có thể họ sẽ thấy mình… dở hơi, vì “nghe nhạc thôi mà, thích thì nghe, không thích thì thôi". Nhưng anh sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đấy, vào một tối mùa đông trời rất lạnh năm 2017, khi anh ra lấy xe chuẩn bị đi về, anh đeo tai nghe nghe nhạc như thói quen và bỗng nhiên cảm thấy mình không ổn. Lúc ấy anh biết rằng mình bắt đầu bước vào một giai đoạn trầm cảm mới. Cùng năm ấy, anh bắt đầu tự lên mạng và làm thử một số bài test để kiểm tra về tình trạng sức khoẻ tâm thần của mình và nhận ra mình đang không ổn đến mức nào.

Yênly: Hồi 16 - 17 tuổi, biểu hiện trầm cảm của chị là chị không muốn ra ngoài. Chị chỉ nhốt mình trong nhà từ ngày này qua tháng khác, hoàn toàn không có bất kỳ sự vui thú, hào hứng nào. Chị cứ nằm vậy thôi, “như một xác chết”

Còn khi bị rối loạn cảm xúc sau sinh, biểu hiện của chị hoàn toàn khác. Chị có những manic episode, chị rất hưng phấn, rất nhiều năng lượng. Chị sẽ nói nhanh hơn, biểu cảm của chị hào hứng hơn, chị gần như không thể ngồi yên một chỗ. Nhưng đến chiều có thể chị đã nằm liệt giường, hoàn toàn không còn chút nào của sự phấn khích ban sáng. 

Chị và Duy đều đồng tình với nhau rằng dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sức khỏe tâm lý của mình không ổn là khi những hoạt động trong ngày vốn dĩ bình thường nay lại trở nên vô cùng khó khăn. Với Duy, đó là thói quen nghe nhạc; với chị, đó là việc phải đi ăn một bát mì mà chị biết chắc mình không hề thấy ngon. Và chị hận, hận bát mì không đúng vị, hận đời. Chị tự hỏi vì sao mình lại đi ăn, mình biết mình không thích ăn bát mì này, tại sao mình lại chấp nhận ngồi đây để rồi bây giờ lại hậm hực. Lúc tinh thần khỏe mạnh, chị biết mình sẽ không có phản ứng như vậy. Nhưng khi đang trong giai đoạn trầm cảm, chị chỉ biết uất ức mà thôi. 

Quill Cloud 

Vào “khoảnh khắc của sự thật” ấy, anh chị đã có những suy nghĩ gì về bản thân và thế giới xung quanh mình? 

Duy Tin: Anh mất niềm tin, không còn nhìn thấy lối thoát. Anh bế tắc, bất lực và cô đơn. Anh biết trên hành trình này anh vẫn có gia đình yêu thương, có bạn bè giúp đỡ; chị Ly cũng có gia đình, có chồng và hai bé bên mình. Nhưng anh không thể gạt bỏ cảm giác cô đơn ấy. Với những người đang vật lộn với trầm cảm, cảm giác cô đơn của họ rất thường trực dẫu họ biết họ không một mình

Đồng thời, một trong những biểu hiện nguy hiểm nhất của các chứng rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu, lưỡng cực...) là khi người đó có ý định tự tử. Anh đã nghe nhiều người chia sẻ, và bản thân anh cũng từng nghĩ gia đình và người thân là lý do để mình phải tiếp tục sống. Thế rồi sau này, anh lại trăn trở rằng "vậy nếu một ngày những người thân ấy không còn, hay những người không có gia đình thì sao, chả lẽ họ không xứng đáng có một lý do để sống nữa?" Giờ đây, anh quan niệm lý do để giữ một người còn sống trước hết phải là vì chính bản thân họ đã, chứ không nên là vì trách nhiệm với cuộc đời một người khác cho dù người đó là gia đình mình. Đấy mới là mỏ neo bền vững nhất với mỗi người. 

Yênly: Chị cho rằng đó là vì mình không tìm được bất kỳ ai đang có chung một cảm xúc mà mình đang có, với bát mì ấy, với thói quen nghe nhạc ấy. Chị cần một người có thể hiểu được rằng sự phẫn uất về bát mì là xứng đáng, sự hoảng loạn mỗi lần đeo tai nghe nghe nhạc là hợp lý. Nhưng không có ai như thế cả, và điều đó khiến chị cảm thấy cô đơn cùng cực. 

Quill Cloud


Quill Cloud

Khi nào anh chị biết rằng đây không thể là một hành trình đơn độc mà anh chị có thể tự giải quyết với bản thân, và quyết định tìm đến sự trợ giúp của những chuyên gia? 

Yênly: Cách đây 10 năm, chị từng đến gặp therapist (nhà trị liệu tâm lý) tại trường Đại học. Họ trò chuyện và lắng nghe chị, nhưng giờ nhìn lại, chị nghĩ trải nghiệm đó có lẽ chưa “đủ liều” với chị. Một phần do chị là kiểu người luôn muốn “ngay và luôn”, chị cần họ nói cho chị biết vấn đề của chị ở đâu, chị phải làm gì để sửa chữa. Hồi đó chị đi khoảng mấy tháng rồi dừng hẳn. Sau này khi chị bị trầm cảm sau sinh, bạn chị đã nói với chị một điều mà chị thấy như “trúng tim đen” vậy: Nếu mày cảm thấy không muốn đi [gặp therapist], vậy thì đừng nghĩ mày đang đi cho mày. Nhưng mày xứng đáng trở thành một người mẹ khỏe mạnh cho con mày. 

Duy Tin: Trong mùa 3 của Sex Education có một câu nói thế này, trị liệu tâm lý là một hành trình rất cá nhân, và mỗi bệnh nhân sẽ có một trải nghiệm trị liệu khác nhau. Có những người chỉ cần 1-2 buổi, có những người mất cả tháng, và có những người cần rất nhiều năm. Ngoài ra, bạn phải tìm được một therapist phù hợp với mình. Anh nghĩ đó là trường hợp của chị Ly, chị ấy chưa thực sự tìm được người chị ấy cần. 

Quay trở lại với câu hỏi, thực ra trước khi đến gặp bác sĩ thì anh nhờ bạn bè và những người xung quanh mình thỉnh thoảng hỏi thăm anh. Anh dặn họ, mày nhắn tin cho tao mà không thấy tao trả lời thì mày cứ nhắn tiếp nhé, để ít nhất tao biết rằng ngoài kia vẫn có những người quan tâm đến tao, giúp tao bớt cô đơn, bớt cảm giác “một mình”

Quill Cloud

Đến năm 2020 anh mới bắt đầu gặp cả psychiatrist (bác sĩ tâm lý) và therapist (nhà trị liệu tâm lý), mỗi tuần đi 1-2 buổi. Thời điểm đó, anh không muốn chiến đấu một mình nữa, anh muốn có người cầm tay anh giúp anh vượt qua giai đoạn này một cách khoa học và chuyên nghiệp, bao gồm cả việc dùng thuốc và duy trì trị liệu thường xuyên. Anh không biết mình có thể kiên trì bao lâu, mình sẽ ra sao, kết cục của hành trình này sẽ thế nào. Nhưng anh tự hứa với bản thân là sẽ đi kiểm tra sức khỏe tâm thần định kỳ, và đặt niềm tin nơi therapist của mình. Bây giờ nhiều người đã có thói quen cứ 4-6 tháng là đi kiểm tra sức khỏe thể chất một lần, anh mong dần dần mọi người có thể áp dụng thói quen đó với sức khỏe tâm thần. Anh rất tâm đắc và đồng tình với một quan điểm mà chị Chi Nguyễn (The Present Writer) từng chia sẻ: Ngày xưa khi nào có vấn đề mình mới đi therapy, nhưng bây giờ mình mới thấy việc chăm sóc sức khỏe tâm thần thường xuyên là một việc cần thiết

Trong cuốn Đại dương đen của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, các nhân vật hầu như đều không có trải nghiệm tốt, không tìm thấy sự giúp đỡ cần thiết từ bác sĩ và bệnh viện tâm thần tại Việt Nam. Trong khi đáng lẽ đó phải là một địa chỉ tin cậy mà họ có thể tìm đến. Anh chị suy nghĩ thế nào về vấn đề này? 

Yênly: Khi chị bị trầm cảm hồi còn vị thành niên, bố mẹ từng đưa chị đi gặp bác sĩ tâm lý ở một bệnh viện tâm thần tại Việt Nam. Chị tới đó, thấy người ta dặt dẹo bên ngoài, còn chị được đưa vào một căn phòng với hai cô bác sĩ, mà trong đó bệnh nhân cứ la hét điên đảo. Bác sĩ hỏi chị bị làm sao, nhưng chị không thể chia sẻ được. Chị bối rối không biết bắt đầu từ đâu, xung quanh thì ầm ĩ, các bác sĩ còn bận vật người này xuống, lôi người kia vào phòng. Trong ký ức của chị, mọi thứ rất hỗn loạn, như một nhà thương điên vậy. 

Chị cực kỳ khuyến khích mọi người hãy tìm hiểu kỹ càng trước khi tìm đến bất kỳ một sự trợ giúp nào. Những lúc còn đang bình tĩnh và tỉnh táo, bạn hãy nghiên cứu và trang bị cho bản thân tất cả thông tin bạn cần biết. Khi người trầm cảm bước vào giai đoạn “chạm đáy”, ngồi dậy thôi đã đủ khó khăn rồi, nói gì đến việc mở Google lên và tìm hiểu! Đó lại là lúc chúng ta dễ tổn thương nhất, tuyệt vọng nhất, chúng ta dễ túm lấy một sự lựa chọn một cách quá vội vã. Điều đấy rất nguy hiểm. Chị cũng thật tâm mong những người coach, therapist và psychiatrist thực sự hiểu được trách nhiệm của mình trước khi họ đặt cho bản thân một danh xưng để hành nghề. Mỗi một công việc được sinh ra với một mục đích, một vai trò nhất định, và không ai được lẫn lộn những điều đấy. Ví dụ, một người therapist sẽ không bao giờ được cấp thuốc, kê đơn, vì đó là việc của psychiatrist.

Duy Tin: Anh nghĩ trước tiên mình cần hiểu cơ bản therapist và psychiatrist khác nhau như thế nào để biết bản thân nên kỳ vọng điều gì khi tìm đến họ. Bác sĩ tâm lý (psychiatrist) là bác sĩ, họ sẽ tiếp cận vấn đề từ góc độ tiểu sử bệnh của bệnh nhân để đưa ra chẩn đoán. Còn việc tuổi thơ bạn ra sao, gia đình của bạn thế nào, bạn đang có những tâm sự gì…, đó là góc độ của một nhà trị liệu tâm lý (therapist). 

Anh đồng tình là việc tìm được một therapist, một psychiatrist phù hợp ở Việt Nam là rất khó, nhưng không phải là không có. Ngoài ra, nếu các bạn nói tốt tiếng Anh, các bạn hoàn toàn có thể tìm đến những chuyên gia nước ngoài. Nhưng với cá nhân anh, nếu được, anh muốn trò chuyện cùng một người có chung một gốc rễ, một nền văn hóa với mình, chia sẻ được những câu chuyện “chỉ người trong cuộc mới hiểu”, như chuyện “gia đình châu Á điển hình” chẳng hạn. Dẫu sao đó cũng là một yếu tố quan trọng định hình nên mình của ngày hôm nay. 

Anh cũng đồng ý với chị Ly là giờ đây chúng ta có quá nhiều nguồn thông tin tin cậy để tìm hiểu về các vấn đề tâm lý như Internet hay sách vở. Cuốn Đại dương đen của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng là một cuốn “nhập môn” khá tổng quan và cơ bản mà các bạn có thể tìm đọc. Bản thân chú Giang không phải một người chuyên về tâm lý học, mà chú viết với tâm thế của một nhà nghiên cứu đang tìm hiểu, bóc tách đối tượng của mình, và cố gắng truyền tải một lượng thông tin bao quát nhất đến với đại chúng. 

Anh chị đã có những sự thực hành nào để tĩnh lại và lắng nghe những tiếng nói bên trong mình? 

Yênly: Chúng ta đang sống trong một thời đại quá vội vàng và ồn ã, một xã hội đang cướp đi tiếng nói của chúng ta. Chúng ta ít khi nào dừng lại, tập trung vào một việc duy nhất, và tĩnh tâm để lắng nghe chính mình. Nếu chị hỏi 100 người rằng họ có mang điện thoại mỗi lần vào toilet không, chị cá là cả 100 người đều nói có. Trong khi đó, nếu chúng ta được tĩnh lại để tự đối thoại và lắng nghe bản thân, chị tin chỉ riêng việc đó thôi đã là một cách chữa lành. Chúng ta thông minh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, chúng ta nhận thức được khi nào chúng ta đau, khi nào tay ta bỏng. Với tâm trí cũng vậy, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận và nhận thức được tình trạng của nó nếu thực sự chú tâm

Chị thực hành điều đó bằng thiền. Chị không dám nói là chị thiền đều đặn, chị cũng không tự thiền được mà phải nhờ đến thiền dẫn, nhưng chị luôn thấy được những lợi ích mà thiền đem lại. Một trong những bài thiền dẫn mà chị thích nhất là đặt ra mục tiêu cho ngày hôm nay, cho khoảnh khắc này (set intention for my day). Bài tập này giúp chị điều chỉnh hành vi, thái độ của chị tốt hơn so với những ngày chị không thiền. 

Sự thực hành thứ hai của chị là nhật ký. Đó là không gian để chị được nói chuyện với bản thân, nghe được tiếng nói bên trong đang muốn truyền tới chị những gì, quan sát được những dòng cảm xúc của chị - dù là tích cực hay tiêu cực. 

Quill Cloud

Duy Tin: Những bài thực hành của anh thay đổi theo thời gian. Hồi anh còn làm barista ở quán cafe, mỗi lần bị hoảng loạn hay lo lắng là anh sẽ đem hết cốc của quán ra rửa dù bình thường anh chẳng rửa bát bao giờ. Anh khám phá ra sức mạnh của việc rửa bát trong việc giữ cho bản thân bình tĩnh hơn. Ngoài ra, anh cũng xem ‘the finding audio’ như một “bài tập trị liệu cá nhân”, bởi việc làm podcast cho anh một không gian để chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện của mọi người. 

Có hai điều anh muốn cải thiện nhất, đó là sự tập trung và sự kiên nhẫn. Đây cũng là hai thứ chúng ta đang thiếu trong thời hiện đại, khi chúng ta quá dễ dàng bị phân tâm bởi mạng xã hội, bởi notification. Thỉnh thoảng anh sẽ cất hết mọi thiết bị điện tử ở nhà rồi ra rạp xem một bộ phim, tập trung tuyệt đối vào màn hình trước mắt. Hoặc anh sẽ ngồi ghép những bộ xếp hình 1000, 2000 mảnh. Trong hai tháng nghỉ dịch ở nhà, anh cũng đã bắt đầu tập thiền với thiền dẫn. 


Quill Cloud

Theo anh chị, truyền thông đóng vai trò như thế nào trong việc nâng cao nhận thức của mọi người về sức khỏe tâm thần và các vấn đề tâm lý nói chung? 

Yênly: Truyền thông với chị là một trò chơi 50-50. Truyền thông có nhiệm vụ đưa thông tin, còn bản thân mỗi người phải có trách nhiệm “lọc” tất cả những thông tin mình nhận được. Còn nếu nói về lượng thông tin về chủ đề sức khỏe tâm thần, chị nghĩ là không thiếu. Một số bạn blogger từng chia sẻ trên trang cá nhân của các bạn, hay đơn giản bây giờ mình google từ “trầm cảm" thì mình cũng có rất nhiều bài viết để tham khảo. Nhưng việc xác định tính đúng - sai của thông tin là trách nhiệm của người đọc. 

Duy Tin: Bên cạnh truyền thông, trường học nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung cũng có vai trò rất lớn. Tốt hơn hết là chúng ta được học về sức khỏe tâm thần, về vấn đề tâm lý ở trường học, qua sách vở một cách bài bản và khoa học. Hiện nay một số trường quốc tế ở Việt Nam đã đưa vào dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí, anh nghĩ đó là một thay đổi tích cực trong việc chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của thế hệ học sinh - sinh viên. 

Từ góc độ cá nhân, anh chị có muốn ‘the finding audio’ đào sâu hơn nữa vào chủ đề này hay không? 

Duy Tin: Anh chị nghĩ là không. Đơn giản thôi, đó chưa bao giờ là mục đích ban đầu khi anh chị quyết định mở ra ‘the finding audio’. Với ‘the finding audio’, anh chị muốn nói về sự thất bại và sự dễ bị tổn thương, về những khó khăn trong cuộc sống. Bản thân việc mắc các vấn đề tâm lý hay rối loạn tâm thần chỉ là một loại khó khăn mà ai đó có thể gặp phải trong đời. Nên nếu hỏi liệu ‘the finding audio’ có quay trở lại chủ đề này không thì câu trả lời là có. Nhưng để nói đây là chủ đề chính của ‘the finding audio’ thì hoàn toàn không. 

Cá nhân anh hay chị Ly đều không phải chuyên gia trong lĩnh vực này, anh chị không có bằng cấp, không có đủ kiến thức để đào sâu về nó. Nếu chỉ thảo luận ở mức độ bề mặt thì đó không phải con đường mà anh chị muốn đi. ‘the finding audio' cũng không muốn “bình thường hóa" bệnh tâm lý hay bất kỳ khó khăn, bất kỳ căn bệnh nào khác, vì chúng thực sự rất nghiêm trọng. Điều ‘the finding audio’ muốn làm là bình thường hóa việc nói về chúng, tạo ra một không gian đủ an toàn, cởi mở để mọi người chia sẻ về hành trình cá nhân của bản thân mà không mặc cảm hay e ngại. Dĩ nhiên, chúng ta không ép nhau phải phơi bày mọi khó khăn của mình, vì ai cũng sẽ có những câu chuyện riêng chỉ muốn giữ cho bản thân mình. Thông điệp của ‘the finding audio’ là mọi người luôn có một không gian để chia sẻ, còn việc liệu mọi người có chia sẻ hay không, và chia sẻ những gì, đó là lựa chọn của mỗi cá nhân. 

Yênly: Trong quá trình làm ‘the finding audio’, chị nhận ra rằng chúng ta không thể nào cân đo đong đếm nỗi đau khổ của người khác. Chúng ta không thể chỉ tay vào một người thành đạt đang gặp vấn đề tâm lý và nói “sướng thế cơ mà, làm sao phải khổ?”. Mỗi người có một hoàn cảnh, một câu chuyện, họ có quyền được tự định nghĩa và tự xác nhận những nỗi đau khổ của bản thân. Chúng ta không xứng đáng phải nhận những phán xét của người ngoài, chúng ta được phép ôm lấy những khó khăn và được gọi đó là khó khăn. Đồng thời, chúng ta cũng thể hiện sự tôn trọng tương tự với những người xung quanh mình. 

Quill Cloud

Với ‘the finding audio’, chị và Duy luôn mong muốn tìm đến và khai thác những câu chuyện mà mọi người có thể đồng cảm được. Nhiều bạn đã gửi đến ‘the finding audio’ những lời cảm ơn, rằng nhờ ‘the finding audio’ mà các bạn cảm thấy bớt một mình, các bạn được lắng nghe những câu chuyện mà bản thân đang trải nghiệm, và tìm thấy mình trong những chia sẻ ấy. Đó là điều quý giá và sâu sắc nhất mà chị và Duy nhận được. 

The Influencer gửi lời cảm ơn tới chị Yênly và anh Duy Tin vì những trải lòng chân thật của anh chị, và vì những nỗ lực để tạo ra một không gian an toàn, không phán xét cho tất cả chúng ta được bày ra và ôm ấp những khó khăn, những tổn thương của mình - một không gian mang tên ‘the finding audio'. 


Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày Mai (0963061414) - một dự án cộng đồng, phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần. 



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa