Đó là một trích đoạn ngắn trong Đại Dương Đen - cuốn sách mới nhất của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, trong đó ông đi sâu vào và kể lại những câu chuyện vừa dữ dội, vừa tê tái của 12 bệnh nhân trầm cảm. Cuốn sách không chỉ là những câu chuyện thật hiếm hoi về thế giới của người trầm cảm, là lời cảnh tỉnh về sự thờ ơ, định kiến và thiếu hiểu biết của xã hội, mà còn là một công trình giáo dục tâm lý, cung cấp kiến thức cơ bản về trầm cảm, các phương thức trị liệu và cách phòng ngừa.
Hành trình thực hiện cuốn sách này đã diễn ra như thế nào, và bạn đọc như chúng ta nên hiểu thêm điều gì về cuộc sống của người trầm cảm? Một tháng sau ngày ra mắt cuốn sách, The Influencer có cuộc gặp gỡ cùng Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang để trò chuyện sâu hơn về những vấn đề này.
Bài viết nằm trong chiến dịch #MentalHeal - dự án nội dung được khởi xướng bởi The Influencer nằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề sức khỏe tinh thần. Chiến dịch có sự đồng hành của nhiều chuyên gia/ influencer với đa dạng câu chuyện thật, kiến thức, kinh nghiệm hữu ích về vấn đề này.
Tôi đến gặp họ với hai tư cách. Thứ nhất là một cá nhân quan tâm đến thế giới nội tâm của người trước mặt mình. Tư cách thứ hai là của một người viết sách. Trong cả hai tâm thế, tôi đều không có một lộ trình cụ thể nào cho các buổi gặp, mà chỉ muốn hiểu được vận hành tâm lý, đời sống cảm xúc và tinh thần của cá nhân đó. Tôi để bản thân mình mở hoàn toàn. Cái gì là quan trọng với họ thì cũng là quan trọng với tôi. Trong mỗi buổi gặp mặt, họ sẽ kể, còn tôi sẽ lắng nghe hoặc đặt câu hỏi để giúp họ gợi lại ký ức hay sắp xếp các suy nghĩ của mình.
Tôi gặp ba khó khăn chính. Thứ nhất là về mặt cảm xúc. Đây là một dự án khó, những nhân vật tôi tìm đến đều mang trong mình những câu chuyện dữ dội, đau đớn và cuộc sống của họ nhiều khi rất bế tắc. Khi thực hiện cuốn Điểm đến của cuộc đời, dù thương cảm trước đau đớn của những bệnh nhân ung thư, tôi hiểu được rằng đó là số phận, là đường đi không tránh khỏi của vũ trụ. Trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, dù rằng các bạn trẻ đang vật vã khổ đau, tôi vẫn hy vọng rằng tương lai của họ sẽ dễ chịu và đẹp đẽ hơn. Trong Đại Dương Đen, hy vọng đó không còn nữa. Nhiều nhân vật trong sách đã tầm 40, 50 tuổi, già nhất là 83 tuổi. Trầm cảm, cùng với sự vô tâm và định kiến của môi trường xung quanh đã tước đi ở họ cơ hội được sống một cuộc đời bình thường, hữu ích, hạnh phúc. Nhiều người bị gạt ra bên lề, mất khả năng lao động, khả năng tương tác. Tôi nhìn thấy những bất hạnh kéo dài, những đau khổ không có hồi kết.
Khó khăn thứ hai là liên quan tới tổ chức công việc. Làm việc với người trầm cảm cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Họ có thể huỷ cuộc hẹn ở giây cuối cùng, vì đêm trước họ mất ngủ. Có thể nhiều tuần lễ họ không trả lời email vì không đủ năng lượng để làm việc đó. Nhiều khi nhân vật biến mất vài ba tháng rồi lại xuất hiện. Tôi tưởng họ đã bỏ cuộc, nhưng hoá ra họ vật lộn với trầm cảm trong suốt thời gian đó.
Khó khăn thứ ba liên quan đến việc đi sâu vào thế giới của trầm cảm ở mặt lý thuyết. Kiến thức về tâm bệnh và trầm cảm vô cùng rộng lớn, rất nhiều sách vở, bài báo khoa học khác nhau. Tôi đã phải đọc rất nhiều bằng tiếng Anh và tiếng Đức để có thể tổng hợp và chia sẻ trong phần 2 của cuốn sách, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ rất cơ bản. Thực tế, mỗi chương của phần 2 đều có thể phát triển thành một cuốn sách riêng biệt, ví dụ như về phương pháp trị liệu nhận thức hành vi, về chủ đề tự sát hay tự hại. Với Đại Dương Đen, tôi muốn đưa cho độc giả một nền tảng hiểu biết ban đầu, để những người quan tâm có cơ sở để tìm hiểu sâu hơn. Việc nghiên cứu, đọc một lượng tài liệu khổng lồ, tổng hợp lại và trình bày lại bằng ngôn ngữ dễ hiểu là một quá trình phức tạp và khó khăn.
Đâu là lối thoát cho bệnh nhân đau dạ dày cấp tính ở vùng hẻo lánh, không tiếp cận được với thuốc hay bác sĩ? Đâu là lối thoát cho bệnh nhân ung thư không có điều kiện phẫu thuật hay chạy hóa chất? Với trầm cảm cũng vậy thôi. Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chỉ 5 đến 10% người trầm cảm có thể tiếp cận được trị liệu. 90 đến 95% không biết mình bị bệnh, hoặc có biết cũng không tìm tiếp cận được các cơ sở trị liệu chính thống, có thể là vì không có khả năng tài chính, vì rào cản tâm lý hoặc nhiều lý do khác. Đây là một điều đau lòng cho họ và tổn hại lớn cho xã hội, bởi giống các bệnh khác, càng được trị liệu sớm và triệt để thì càng hạn chế được các tổn hại do trầm cảm gây ra và giữ được chất lượng cuộc sống và khả năng đóng góp cho cộng đồng.
Tôi gặp hai điều bất ngờ lớn. Thứ nhất, tôi không hình dung được thế giới của người trầm cảm lại kinh khủng, dữ dội đến thế. Trước kia, tôi chỉ lờ mờ đoán rằng họ cần được giúp đỡ, họ đang gặp khó khăn. Việc một người ở độ tuổi 30 hay 40, giỏi giang, được đào tạo tốt, lại bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị tàn phá bởi trầm cảm và bị bỏ mặc hoàn toàn, nằm ngoài sự hình dung ban đầu của tôi.
Bất ngờ thứ hai là những định kiến, thiếu hiểu biết của xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng mà tôi thấy. Đây là một thiệt thòi rất lớn nếu ta so sánh người trầm cảm với những người mắc các bệnh khác như ung thư, hay thậm chí là HIV. Với HIV, xã hội đã đủ hiểu biết để không phán xét, không lên án, báo chí truyền thông cũng có không ít phong trào để nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Khác với người bị ung thư, người trầm cảm chẳng có hội đoàn, mạng lưới, câu lạc bộ, chương trình văn nghệ, từ thiện, kêu gọi giúp đỡ nào cả.
Trong khi đó, đây là một căn bệnh rất phổ biến. 12 chân dung được chọn trong Đại Dương Đen thể hiện thông điệp rằng, trầm cảm có thể đến với bất kỳ ai, bất kỳ gia đình nào. Trong sách, nhân vật trẻ nhất là 19 tuổi, đang là sinh viên, người lớn tuổi nhất là 83 tuổi, đã về hưu. Trầm cảm không chỉ tập trung ở người trẻ như nhiều người vẫn nghĩ, vì họ đang ở giai đoạn cảm xúc lên xuống thất thường. Trầm cảm không chỉ tập trung ở giới văn nghệ sĩ vì họ là những người nhạy cảm. Trầm cảm cũng không phải bệnh của người giàu, ngược lại người nghèo dễ mắc trầm cảm vì cuộc sống của họ khó khăn. Ai cũng có thể mắc trầm cảm.
Tôi nghĩ nó đang ở mức thấp. Như đã nói, trầm cảm vô cùng phổ biến. Trong cả cuộc đời, cứ 5 đến 6 người thì có một người từng bị trầm cảm, một tỷ lệ cao hơn bệnh ung thư hay huyết áp cao rất nhiều. Xã hội vô cùng để ý đến ung thư, nó được nhắc tới như một vấn nạn của xã hội, người dân thường lập tức tới bệnh viện khám nếu nghi ngờ mình có triệu chứng, nhiều người tầm soát định kỳ. Với trầm cảm thì ngược lại, người ta không biết mình có nó, và nếu có biết, và bệnh đã rất nặng rồi, người ta vẫn tự nhủ, “Mình phải tự vượt qua thôi, mình không nên làm to chuyện, không nên yếu đuối.” Một so sánh khác, phần lớn ai cũng đã từng đóng tiền cho trẻ em miền núi hay đồng bào gặp bão lũ, nhưng tôi dám chắc rằng hầu như chưa có ai từng làm từ thiện giúp đỡ người trầm cảm.
Mặt khác, người ta hay nói với người trầm cảm là ai chẳng có lúc yếu đuối, mệt mỏi, phải cố lên chứ. Hoặc họ cho rằng trầm cảm không phải bệnh thật, chỉ là bệnh trong đầu, của người giàu hay người lười. Nhiều người thì lại sợ hãi cho rằng đó là điên, “tâm thần." Bản thân người trầm cảm cũng nhiều khi quay ra tự kỳ thị là kém cỏi, yếu đuối.
Nhà trường cần dạy các em nhận diện các vấn đề về sức khỏe tinh thần y như dạy các em hiểu biết về sức khỏe thể chất. Đâu là những dấu hiệu cho thấy các em đang bị stress hay gặp vấn đề tâm lý? Đâu là dấu hiệu chứng tỏ bạn các em đang có mong muốn tự sát? Lúc đó mình cần hành xử thế nào? Tất cả những thông tin này đều chưa được phổ cập ở trường học. Ngược lại, một học sinh tự hại sẽ thường nhận được sự phán xét, chê trách. Còn nếu có học sinh tự sát, xác suất lớn là nhà trường sẽ giấu biệt đi. Thay vì phân tích, tìm hiểu và hành động để câu chuyện không lặp lại, để cứu các học sinh khác, họ chọn cách che đậy, coi đó là một nỗi nhục nhã lớn của trường.
Truyền thông gần đây cũng đã có một số thay đổi tích cực. Đã có ít hơn các bài báo phán xét tự sát là ích kỷ, không quan tâm đến bố mẹ, gia đình. Cùng lúc, có nhiều hơn những bài viết về trầm cảm và sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, cả về lượng lẫn độ sâu thông tin. Chúng ta có thể lại so sánh với ung thư để dễ hình dung. Với ung thư, báo chí, các phóng sự truyền hình đã đăng những câu chuyện hết sức gần gũi, rung động về bệnh nhân kiên cường chiến đấu với ung thư, hay sử dụng thời gian còn lại của mình một cách ý nghĩa, phục vụ cộng đồng. Còn với trầm cảm, ngoài trong Đại Dương Đen, những chân dung con người tương tự hoàn toàn chưa xuất hiện. Tôi tin rằng, những câu chuyện thật luôn có sức tác động đến tâm trí con người mạnh mẽ hơn những số liệu thống kê khô khan.
Thông điệp tôi muốn nhấn mạnh là: trầm cảm phổ biến, sức phá huỷ của nó rất lớn, nó có thể tạo ra những khuyết tật tương đương với những bệnh nặng của thân bệnh. Vì vậy, chúng ta cần phải có kiến thức về nó, hiểu được những dấu hiệu của nó và sớm tìm đến trị liệu. Trầm cảm không phải là yếu đuối. Chúng ta không cần phải cảm thấy xấu hổ khi rơi vào trầm cảm, giống như chúng ta không cần phải xấu hổ khi bị tiểu đường hay gãy chân hay điếc.
Khi biết rằng người thân, bạn bè mắc trầm cảm, người ta hay rơi vào hai thái cực. Thái cực thứ nhất là hoảng loạn, suy sụp, đau khổ thậm chí còn hơn chính người đang trầm cảm. Điều này khiến cho người trầm cảm cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, rằng vì họ mà người thân phải khổ sở, họ đang làm phiền; họ sẽ thu mình và không chia sẻ nữa. Thái cực thứ hai là coi thường, coi đó là chuyện vặt, không quan trọng, hoặc quay ra đánh giá về đạo đức, ví dụ coi đứa con là không thương bố mẹ, trong lúc gia đình khó khăn phải lo cơm áo gạo tiền lại đi cắt tay cắt chân. Hai thái cực này đều không phải là cách ứng xử hữu ích.
Chúng ta không lạc quan tếu, không lẳng ra những lời khuyên dễ dãi như hãy ra ngoài đi, làm việc xã hội đi, cố gắng lên. Chúng phản cảm và gây ra ức chế. Chúng ta cũng không hoảng hốt, không suy sụp mà cần ở bên họ, lắng nghe với sự điềm tĩnh, vững vàng. Kỹ năng lắng nghe gần như là quan trọng bậc nhất khi tương tác với người trầm cảm, dù đó là người thân hay bạn bè của mình. Ta cần cho họ thấy rằng trải nghiệm của họ là quan trọng, ta sẵn sàng dành thời gian và không gian an toàn để họ chia sẻ, để họ có cảm giác được tôn trọng và không bị đánh giá.
Đúng, chuyện này không hề dễ dàng. Đứng trước một người đang chảy máu, một người bị gãy tay gãy chân, ta sẽ hiểu ngay được vấn đề của họ. Thế nhưng, đứng trước một thanh niên cao to, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, ta sẽ rất khó hình dung rằng họ không thể bật máy tính lên làm việc khoảng một hai tiếng. Chúng ta không hình dung được vì sao họ lại cứ phàn nàn về bản thân hay cuộc sống, vì sao họ lại suy nghĩ “tiêu cực" vậy. Điều đó khiến nhiều người khước từ thấu hiểu, không ghi nhận những khó khăn của người trầm cảm. Chúng ta cần có đủ hiểu biết và kiến thức để vượt qua những cảm nhận bên ngoài và hiểu được những vấn đề của người trầm cảm.
Không chỉ người chăm sóc người trầm cảm, mà người chăm sóc người bệnh nói chung trong một thời gian dài cũng có nhiều nguy cơ rơi vào trầm cảm, bởi công việc này mang áp lực rất lớn. Nhưng với người chăm sóc người trầm cảm, áp lực này còn nhân lên gấp nhiều lần bởi họ không nhận được sự thấu hiểu của xã hội, sự quan tâm của người thân họ hàng. Ở nhiều quốc gia, có những tổ chức, mạng lưới được lập ra riêng cho những người chăm sóc người thân trầm cảm, để cho họ một nơi nương tựa, một cộng đồng để trao đổi kiến thức và hỗ trợ nhau về mặt tinh thần. Ở Việt Nam, họ bơ vơ, không biết chia sẻ cùng ai, hoàn toàn không nhận được sự giúp đỡ. Nếu có nói ra, nhiều người xung quanh cũng sẽ nghi ngờ, phán xét rằng họ nuông chiều chồng hay con, “nó chỉ lười thôi ai làm gì nó mà trầm cảm.” Mong muốn tiếp theo của tôi là làm sao để giúp đỡ cho nhóm đối tượng người chăm sóc này.
Tôi chưa có ý định nào cụ thể cho cuốn sách tiếp theo, nhưng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đến thế giới của người trầm cảm, tiếp tục thực hiện các hoạt động để hỗ trợ họ, bằng cách này hay cách khác. Dự án Đường Dây Nóng Ngày Mai - một dịch vụ miễn phí, cung cấp thông tin về sức khỏe tinh thần và tham vấn tâm lý qua điện thoại cho người trẻ trầm cảm, là một hoạt động trực tiếp liên quan đến đối tượng được nói đến trong Đại Dương Đen. Dự án vẫn sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trong thời gian tới. Hoặc gần đây tôi xây dựng dự án Vườn Xả, một địa điểm vật lý được lập ra để mọi người có thể đến, nạp năng lượng và chữa lành cho bản thân về mặt tinh thần.