Đường dây nóng Ngày mai - Không gian an toàn cho những tâm hồn nhiều tổn thương

Lắng nghe và giúp người gọi đến được giãi bày thoải mái là cách Ngày mai đang giúp đỡ các bệnh nhân trầm cảm, những người gặp vấn đề tâm lý vượt qua thời gian khó khăn để tìm ra “tia nắng” cho mình.
Ý Như
25/10/2021
Đường dây nóng Ngày mai - Không gian an toàn cho những tâm hồn nhiều tổn thương

Trong buổi trò chuyện trước đó của The Influencer với Quyên - thành viên core team của Đường dây nóng Ngày mai, chị đã miêu tả team Ngày mai qua 3 từ/ cụm từ: “thời điểm”, “đồng sức đồng lòng”, “trụ cột”. Trong đó, “đồng sức đồng lòng” là 4 chữ miêu tả rõ nhất về đội ngũ các thành viên đang hoạt động tại Ngày mai. 

Khi gặp Bảo và Ly, 2 bạn cộng tác viên (CTV) trực điện thoại của Đường dây nóng Ngày mai, The Influencer được thấy sự minh hoạ rõ nét nhất cho 4 chữ “đồng sức đồng lòng” trên. Họ là những người trẻ nhiệt huyết và mang trong mình cùng một mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ tốt hơn cho những người mắc bệnh trầm cảm hoặc có vấn đề tâm lý. Trong bài phỏng vấn hôm nay, chúng mình sẽ cùng đi sâu hơn vào không gian những buổi trực điện thoại của các CTV để hiểu hơn giá trị của lắng nghe và thấu cảm. 


Quill Cloud

Chào Ly và Bảo, mối duyên giữa bạn và Ngày mai bắt đầu như thế nào?

Ly: Ly thích nghe người khác và không cảm thấy phiền vì điều ấy. Mình vui khi được lắng nghe mọi người giãi bày, chia sẻ. Ngoài ra, Ly được mọi người feedback rằng mình có khả năng tạo ra không gian an toàn cho cuộc trò chuyện - yếu tố quan trọng trong một cuộc điện thoại. Nếu không có không gian an toàn, một người lạ sẽ rất khó để cởi mở chia sẻ, thổ lộ về những tổn thương của họ. Ly nghĩ vì vậy mà mình có duyên với Ngày mai. 

Bảo: Về mối duyên của mình với Ngày mai, mình theo dõi bác Giang và thầy Đạt từ trước. Sau đó, mình theo dõi fanpage Đường dây nóng Ngày mai và đọc được chia sẻ của thầy Đạt về dự án nên khi có thông tin tuyển CTV, mình đã đăng kí thử xem liệu bản thân có phù hợp với mục tiêu của dự án không. Khi ấy, mình đang học văn bằng 2 về tâm lý nên Ngày mai là cơ hội để mình hiểu hơn về công việc sau này, để mình thực hành, trau dồi những kiến thức đã được học.

Để trở thành CTV của Ngày mai, mọi người cần có những yếu tố nào?

Bảo: Phần lớn các CTV Ngày mai đều có nền tảng tâm lý nhất định hoặc đang tham gia các hoạt động công tác xã hội. Bên cạnh đó, sự phù hợp của các CTV với mô hình làm việc nhóm cũng rất quan trọng. Ở Ngày mai, chúng mình thường làm việc theo nhóm, 1 ca có 2 bạn trực để hỗ trợ nhau trong những cuộc gọi người kia cảm thấy không xử lý được, không thoải mái… Ngày mai có hình thức phỏng vấn nhóm để core team xem sự đồng điệu giữa các CTV với nhau và đánh giá mức độ phù hợp của họ với tập thể. 

Quill Cloud

Ly: Việc có thêm kiến thức tâm lý giúp những người lắng nghe như Ly hay Bảo vững vàng hơn. Chúng mình được trau dồi nhiều kiến thức cần thiết như kỹ năng lắng nghe tích cực, kỹ năng phản chiếu cảm xúc hỗ trợ người gọi điện gọi tên cảm xúc của họ, kỹ năng đặt câu hỏi,… Thậm chí, chúng mình cần có “kĩ năng” im lặng. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta trò chuyện với người thân, người yêu, bạn bè nhưng chưa kịp trải hết lòng mình, đi hết chiều kích suy nghĩ hay tự đào sâu vấn đề bản thân đang gặp phải, đã bị chặn lại bằng những lời khuyên. Việc lắng nghe giống như mình cùng người gọi điện trải phẳng phiu những thứ "nhăn nheo" để những tâm sự dần được bộc lộ. Nhiều bạn từng gọi điện feedback với chúng mình rằng các bạn "sung sướng" lắm vì khi gọi lên Ngày mai, họ được thỏa sức chia sẻ không "bị" khuyên.

Tuy nhiên, trong quá trình làm CTV Ngày mai, Ly thấy có những yếu tố quan trọng khác bên cạnh kiến thức hay khả năng teamwork. Đầu tiên, đó là sự thấu hiểu bản thân. Với Ly, việc thấu hiểu bản thân khiến mình thật hơn với chính những gì đang diễn ra trong một cuộc điện thoại. Ví dụ, khi đối phương chia sẻ câu chuyện, Ly cảm nhận được nó trong tim mình, trên cơ thể mình... Đôi khi, tim và cơ thể đau thắt, mình cần chậm lại, hít thở để tiếp tục lắng nghe cuộc trò chuyện. Đây là cách mình thấu cảm với bản thân và với người gọi điện. Hầu hết CTV Ngày mai là những người dễ thương, hơi ít nói và có nhiều chiêm nghiệm.

Thứ hai, chúng mình cần có niềm tin vào con người. Trong các cuộc điện thoại, không ít người đã có hành vi hành hung, bạo lực hay có dấu hiệu làm hại người khác. Nếu người lắng nghe không có niềm tin vào con người, không có niềm tin rằng ai trong cuộc đời cũng đôi lần có cảm xúc, hành vi xấu xa nhưng việc đó không nói lên toàn bộ con người họ, thì trong đầu chúng mình sẽ ngay lập tức xuất hiện sự phán xét. Ví dụ, là một người rất yêu mèo, Ly cũng bị “trigger” nếu nghe đối phương nói họ vì trầm cảm mà lỡ tay giết một con mèo. Mình có thể ngay lập tức phán xét tại sao người này tàn bạo thế, tại sao họ có thể giết động vật. Nếu mình không có “hạt giống” niềm tin vào con người, cuộc trò chuyện sẽ không còn trong trẻo và không gian an toàn nữa. 

Quill Cloud

Thường một cuộc gọi của Đường dây nóng Ngày mai kéo dài bao lâu?

Ly: Ở Ngày mai, một cuộc gọi trung bình sẽ kéo dài khoảng 30-45 phút. Về mặt sức khỏe tinh thần, trong một cuộc gọi, 30 phút là quãng thời gian người lắng nghe có tinh thần tốt nhất để tiếp nhận thông tin cũng như chia sẻ với người ở đầu dây bên kia. Nhóm Ly cũng giao lưu với các CTV đường dây nóng ở Úc, Nhật… và họ chia sẻ trung bình cuộc gọi của họ rơi vào 45-60 phút. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của những trung tâm đã hoạt động đến 60 năm. Trong nhiều năm, họ đã tìm ra một khoảng thời gian vàng để giữ sức khỏe tinh thần cho người lắng nghe, giúp cuộc trò chuyện không quá đắm chìm vào nỗi buồn quá khứ hay nỗi niềm lo lắng tương lai. Cuộc điện thoại giống như một quãng thời gian để hai người đồng hành, vừa đủ để người gọi tách mình khỏi những khó khăn ở thời hiện tại và không bị quá phụ thuộc vào người lắng nghe. Hiện tại, vẫn có những cuộc gọi đến Ngày mai kéo dài 1 tiếng rưỡi, thậm chí 2 tiếng (chia 2, 3 lần gọi), nhưng chúng mình đang cùng nhau thảo luận để tìm ra cách thức gói ghém cuộc trò chuyện trong thời gian lý tưởng nhất. 

Bảo: 45 phút trò chuyện sẽ phù hợp với những trường hợp trầm cảm nhẹ, mới chớm hay có câu chuyện buồn không biết kể cùng ai. CTV chúng mình cũng được học đánh giá mức độ của căn bệnh trầm cảm. Với các ca nặng hơn, khi người gọi có nhu cầu hoặc cần thiết được tham vấn tâm lý một cách chuyên nghiệp, CTV sẽ giới thiệu họ đến các chuyên gia. Ví dụ, người gọi đã rơi vào trầm cảm kéo dài từ 2 tháng trở lên, ảnh hưởng đến khả năng lao động hay có hành vi tự gây hại…, họ thường sẽ cần tham vấn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những người trị liệu tâm lý chuyên nghiệp chủ yếu sở 3 thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các bạn ở tỉnh khác thường phải tham vấn online. Hiện tại, chúng mình vẫn đang trong quá trình tìm kiếm thêm các chuyên gia hỗ trợ tâm lý cho người gọi đến. 

Đọc thêm: Đường dây nóng Ngày mai: “Chúng ta hãy cùng nhau vượt qua hôm nay và ngày mai sẽ là một ngày mới”


Quill Cloud

Mỗi người, mỗi tình huống khác nhau, nhưng liệu có điểm nào chung trong những câu chuyện mà cậu được nghe hàng ngày?

Bảo: Nhìn chung, những ca mình gặp thường có một đặc điểm chung: họ không có môi trường hỗ trợ. Môi trường ở đây bao gồm người thân, bạn bè, công việc hay những nguồn lực họ có thể tiếp cận (nguồn lực xã hội và nguồn lực bản thân). Họ không (thực sự) được lắng nghe và chia sẻ. Thậm chí, họ bị phán xét khi chia sẻ câu chuyện của mình khiến tình trạng của họ ngày càng tệ hơn, lòng tự trọng bị giảm sút. Họ nghi ngờ liệu câu chuyện của mình có đáng được kể, được lắng nghe hay không... 

Ngoài ra, tiếp cận nhật ký hội thoại của các bạn CTV khác, mình thấy nhiều người gặp vấn đề nội tại hơn là môi trường xung quanh. Ví dụ, họ có những sang chấn từ thuở ấu thơ dẫn đến trầm cảm hay họ rơi vào trầm buồn khi mất đi người thân. Có rất nhiều trường hợp khác nhau, nguyên nhân mắc trầm cảm hay vấn đề tâm lý khác nhau nên việc gọi tên những điểm chung cho tất cả mọi người là rất khó. 

Ngoài lưu lại nhật ký hội thoại, team Ngày mai có hoạt động nào để trao đổi sâu hơn về các trường hợp gọi đến đường dây nóng không?

Ly: Ở Ngày mai, nhóm Ly sẽ có những buổi sinh hoạt chuyên môn để xử lý các ca khó tiếp nhận. Thường buổi sinh hoạt sẽ được điều phối bởi chuyên gia tâm lý như cô Hà Thành và thầy Đạt để từng bước gỡ rối cho các CTV, cũng như cung cấp thêm kiến thức bổ trợ cho nhóm.

Quill Cloud

Ngoài ra, Ngày mai còn có thêm không gian "vòng tròn chia sẻ" giữa các CTV với nhau. Có 2 mục tiêu chính để chúng mình khởi xướng hoạt động này: Thứ nhất, chúng mình muốn tạo ra không gian chia sẻ để chăm sóc cho nhau. Nếu không có vòng tròn chia sẻ, thường chúng mình ít có cơ hội để giãi bày khó khăn, chia sẻ những nỗi niềm (nhất là trong thời kì CTV trực điện thoại tại nhà, không có cơ hội gặp gỡ nhau do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp). Thứ hai, cá nhân mình tin rằng mỗi thành viên đều có những trải nghiệm riêng liên quan đến kĩ năng trực điện thoại hay hay các kĩ năng nói chung khác. Vòng tròn chia sẻ là nơi kết nối để các CTV cùng học hỏi từ nhau không chỉ vì công việc mà còn như những người bạn trong cuộc sống hàng ngày.

Cuộc điện thoại gần đây nhất bạn nhận được khi trực Đường dây nóng Ngày mai để lại cho bạn cảm xúc gì?

Bảo: Trong cuộc gọi gần nhất, mình trò chuyện cùng một em học sinh đang chuẩn bị thi đại học và cảm thấy mông lung với sự lựa chọn của mình. Mặc dù mọi người xung quanh ủng hộ và không ngăn cấm bất cứ điều gì, em ấy vẫn cảm thấy bất an về tương lai và không ai có thể khiến em yên tâm hơn. Dường như những gì từ trước tới nay em trông cậy vào không thể cho em một câu trả lời rõ ràng ở thời điểm hiện tại. Có lẽ em ấy đã phải vật lộn với cảm giác bất lực rất lâu, giống như một chiếc van nước bị đóng lại lâu ngày chờ dịp được mở và xả hết ra. Mình có thể hiểu và cảm nhận được sự bất lực và vô định ấy…

Ly: Mình muốn kể về cuộc điện thoại gần nhất của người đầu tiên gọi điện đến Ngày mai và mình từng tiếp nhận cuộc gọi của bạn ấy 2-3 lần. Người gọi đã mắc trầm cảm khoảng 6 tháng và sử dụng rất nhiều thuốc, khó ngủ, thường xuyên khóc, nhiều cảm xúc tiêu cực cũng như không muốn làm bất cứ điều gì. Trong buổi vòng tròn chia sẻ của team Ngày mai, chị Lan Chi (thành viên nhóm CTV) đã kể về việc bạn ấy gọi điện đến Ngày mai để cảm ơn các CTV. Bạn chia sẻ đã dừng sử dụng thuốc được 1 tháng và dần trở nên có sức sống. Đặc biệt, bạn đã lắng nghe và thử làm theo những chia sẻ từ các CTV, thích đi tắm biển trở lại (nhà bạn ở gần biển, nhưng trong những cuộc gọi điện thoại trước đó, bạn cho biết mình hầu như không còn cảm giác muốn tắm biển). Chị ấy chia sẻ giọng bạn nghe rất vui, rất hạnh phúc. Tin này khiến Ly cũng cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

Đôi khi, một người gọi điện đến Ngày mai nhiều lần và họ gặp các CTV khác nhau nhưng nhờ sự kết nối giữa các CTV mà chúng mình luôn được nghe thêm những chia sẻ, hành trình cải thiện và những lời cảm ơn từ họ. Nhờ được lắng nghe và đồng cảm, họ bớt đi cảm giác mình là một cái gì đó có vấn đề, sai trái hay cặn bã.

Việc trò chuyện và lắng nghe nhiều câu chuyện của các bạn đang gặp vấn đề tâm lý có thường khiến tâm trạng bạn bị ảnh hưởng? Lúc đó, bạn thường làm gì?

Ly: Làm thế nào để chăm sóc cho nhau và chăm sóc cho mình trong hành trình lắng nghe người khác cũng là câu hỏi chúng mình vừa thảo luận trong vòng tròn chia sẻ. Hôm đó, Ly cũng chia sẻ rằng chắc chắn mình có bị ảnh hưởng bởi câu chuyện của người gọi đến. Có những thời điểm, mình rất day dứt, đau buồn, mình cảm thấy bất lực vì không thể hỗ trợ họ gì hơn ngoài lắng nghe câu chuyện rất bi đát ấy. Có những lúc, câu chuyện buồn ấy theo mình vào trong giấc mơ. Có những ngày, tâm trạng của mình không thể khôi phục lại trạng thái bình thường... 

Bây giờ, sau mỗi cuộc gọi, Ly sẽ ghi lại toàn bộ hành trình cảm xúc của mình vào 1 cuốn sổ nhỏ trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện tiếp theo. Thường việc ghi lại này mất khoảng 5-10 phút. Sau mỗi ca trực 4-8 tiếng, Ly sẽ cho bản thân khoảng 30 phút để mọi cảm xúc về các cuộc trò chuyện được thoải mái diễn biến. Mình sẽ ngồi im, nghe nhạc, viết hoặc tập một vài động tác yoga. Hết 30 phút, mình đóng lại những gì vừa trải nghiệm để bước sang hành trình khác, công việc tiếp theo. Khi làm như vậy, mình đã cho bản thân không gian để đối diện với cảm xúc. Nếu mình ngay lập tức đi về, nấu cơm… thì những cảm xúc đó cứ trở lại một cách lắt nhắt và Ly khó có thể hoàn toàn “move on”.  

Bảo: Việc nhận ra cảm xúc của mình sau mỗi cuộc gọi rất có ý nghĩa bởi đó là bước đầu tiên để mình chấp nhận và hiểu những gì đang diễn ra. Sau đó, mình áp dụng các biện pháp kịp thời như hít thở sâu, thực hành chánh niệm hay đơn giản là… đi mài dao. Mình cảm thấy việc mài dao khá chill và giúp lòng mình nhẹ nhõm hơn. Đồng thời, mài dao là cách mình thực hành chánh niệm vì khi đó, mình sẽ tập trung vào cách lưỡi dao đang lướt đi, âm thanh của con dao lúc chạm đá mài… Việc này cũng tương tự như bạn chọn đi bộ, chạy bộ, tập thể dục hay thiền vậy. Ngoài ra, mình còn chơi D&D, pha chế… 

Quill Cloud

Nghe người khác tâm sự nhiều, khi gặp vấn đề bạn có thường tìm người tâm sự?

Bảo: Thường mình chỉ viết ra hoặc ghi âm lại mà không tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. Bởi vì mình chưa đủ thoải mái với việc chia sẻ cùng người khác và chưa tìm được một người bản thân cảm thấy an toàn để bộc bạch toàn bộ những gì xảy ra. Cho đến gần đây, mình có những người bạn rất tuyệt vời ở lớp văn bằng 2 và họ là những người đầu tiên mình có thể chia sẻ một cách hoàn toàn thoải mái. 

Ly: Những người rất giỏi trong việc lắng nghe vẫn cần được lắng nghe. Ly có một nhóm bạn cùng ngồi xuống và chia sẻ với nhau. Mỗi người có khoảng 15-20 phút để nói hết lòng mình và tất cả các bạn chỉ im lặng lắng nghe. Sau khi được xả hết ra, mình mới có năng lượng để lắng nghe người khác. Tuy nhiên, đôi khi, mình hoặc bạn bè sẽ bận bịu nên Ly phải có cách thức khác để được trải lòng. Thường Ly sẽ vẽ và viết. Ngoài ra, mình cũng hay chuyển động như tập yoga, đạp xe...

Bây giờ cảm xúc của cậu đang có màu gì?

Bảo: Hôm nay cảm xúc của mình đang không lên cao hẳn, cũng không thấp hẳn. Nó là màu xanh da trời. 

Ly: Hôm nay cảm xúc của mình có màu hơi trong suốt, pha 1 chút vàng, nó giống như nắng buổi sớm vậy...

Màu xanh da trời đại diện cho nỗi buồn nhưng cũng đại diện cho sự hy vọng. Màu vàng giống như những tia nắng. Mượn 2 sắc màu cảm xúc này để tạm kết cuộc trò chuyện với Bảo và Ly, The Influencer mong rằng mỗi người đang phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm - những nỗi buồn không hề đơn giản - có thể tìm thấy hy vọng, tia nắng cho cuộc sống của mình. Và cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa từ Bảo và Ly - những người lắng nghe an toàn, đáng tin cậy đến từ Đường dây nóng Ngày mai! Chúc Bảo, Ly và Đường dây nóng Ngày mai sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai để có thể giúp đỡ thêm nhiều người đang mắc bệnh trầm cảm hay gặp vấn đề tâm lý. 



Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày mai (096.306.1414) - một dự án cộng đồng phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp dịch vụ sơ cứu tâm lý miễn phí, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần. 


MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa