Đường dây nóng Ngày mai, trong suốt 6 tháng hoạt động, đã luôn lắng nghe không phán xét tất cả những tâm sự, tổn thương, cả những nỗi buồn, niềm vui hàng ngày của mọi người. Ngày mai luôn sẵn lòng là đôi tay cho những người trầm cảm hay gặp vấn đề tâm lý nói chung nắm lấy trên những bước đường khó khăn. Ngày mai và các bạn gọi đến có một “Lời hứa trước khi gác máy”: Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, người trực đường dây thường “bắt” người gọi điện hứa là sẽ liên lạc lại vào hôm sau để có thể yên tâm. Chính việc có ai đó đợi tin mình vào Ngày mai có thể khiến người khủng hoảng cảm thấy ấm áp và không buông tay trong giây phút khó khăn nhất.
Hôm nay, đổi lại, The Influencer muốn được là “đường dây nóng” của Ngày mai để lắng nghe những tâm sự, mong muốn của những người đang hết mình về dự án. Kết nối với thành viên core team dự án - bạn Nguyễn Minh Quyên (gọi thân mật là Que), The Influencer được thấy một Ngày mai ấm áp và chân thành.
Có một thời gian khá lâu đi làm toàn thời gian ở một tổ chức phi chính phủ về môi trường, mình cũng tham gia nhiều khóa học khác nhau để học hỏi thêm các anh, chị, thầy, cô trong ngành. Trong những khoá học ấy, mình gặp được anh Đặng Hoàng Giang.
Sau đó, mình làm việc cùng anh Giang trong một số dự án khác. Và biết đến quá trình anh làm các dự án sách và phỏng vấn nhiều người trầm cảm.. Khoảng cuối năm 2020, anh Giang chia sẻ cùng chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành và một nhóm các bạn trẻ có cùng quan tâm (trong đó có mình) về mong muốn mở ra một đường dây nóng hỗ trợ những bạn mắc trầm cảm nói riêng và gặp vấn đề tâm lý nói chung. Nhận thấy ý nghĩa của dự án, mình cũng muốn được đóng góp phần nào công sức. Vậy là mình đảm nhiệm phần tài chính, đối ngoại, cùng anh Giang đi gặp gỡ, trao đổi với đối tác và cùng mọi người trong core team vận hành dự án.
Đọc thêm: Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - Người trầm cảm và người thân của họ bơ vơ trong 1 xã hội định kiến
Ngày mai hoạt động với 2 mục tiêu:
Để đạt được 2 mục tiêu này, chúng mình tiến từng bước nhỏ. Tháng 1/2021, chúng mình chính thức ra mắt fanpage Đường dây nóng Ngày mai. Tháng 2/2021, Ngày mai bắt đầu gây quỹ để duy trì hoạt động cho 6 tháng đầu tiên. Chỉ sau 23 ngày, Ngày mai đã kêu gọi được 200 triệu, đạt mục tiêu sớm hơn nhiều so với dự định.
Sau khi “có máu” để “bơm” vào các hoạt động của dự án, trong tháng 3 và tháng 4, chúng mình tuyển và đào tạo cộng tác viên (CTV). Nhóm CTV trực điện thoại cần có các yếu tố nền tảng như học tâm lý, thực hành tâm lý hoặc học các nhóm ngành về công tác xã hội. CTV phải trải qua các vòng tuyển chọn và được đào tạo ít nhất 48 tiếng trước khi bắt đầu công việc. Sau đó, việc đào tạo vẫn được tiếp tục. Ngày 12/05, Ngày mai chính thức ra mắt đường dây nóng - hotline đi vào hoạt động. Cứ như vậy, đến tháng 8 vừa rồi, chúng mình kết thúc 6 tháng vận hành đầu tiên theo cam kết với cộng đồng. Bởi vì gây quỹ từ cộng đồng, chúng mình công khai minh bạch các hoạt động đã làm, các khoản chi trả và thực hiện khảo sát nhu cầuđể tiếp tục phát triển.
Sau khi trải qua 6 tháng với những cột mốc nhất định, đến tháng 9/2021, Ngày mai tiếp tục nâng cao năng lực và khả năng hỗ trợ của nhóm CTV nhằm cung cấp dịch vụ sơ cứu tâm lý qua điện thoại ổn định và tốt hơn trong thời gian từ 13h-20h30 vào 5 ngày trong tuần, từ thứ Tư đến Chủ nhật. Ngày mai sẽ tiếp tục làm dày hơn mạng lưới CTV để mở rộng giờ trực hotline. Sắp tới, bên cạnh việc truyền thông xuyên suốt dự án, chúng mình liên tục gây quỹ để duy trì các hoạt động cho dự án và hướng đến tổ chức một số hoạt động, sự kiện chia sẻ về sức khỏe tâm lý, trầm cảm…
Trầm cảm cũng giống như bất kể căn bệnh nào khác, cần được sơ cứu. Ví dụ, bạn gãy tay, gãy chân, nếu được sơ cấp cứu tốt, khi chuyển vào chuyên khoa, trường hợp của bạn sẽ dễ dàng xử lý hơn. Ngày mai hướng đến hoạt động sơ cấp cứu giai đoạn đầu của căn bệnh trầm cảm hay vấn đề tâm lý nói chung. Trước khi mở rộng hơn, chúng mình muốn làm tốt mục tiêu này.
Tất nhiên, trong số những người gọi đến Ngày mai, có những trường hợp đã xác định được bệnh lý của mình và mong muốn tìm được những người hỗ trợ tâm lý một cách hiệu quả. Thực ra, số lượng chuyên gia tâm lý sẵn sàng hỗ trợ tại Ngày mai chưa nhiều và chúng mình vẫn đang cần mở rộng hơn. Tuy nhiên, trong giới hạn cho phép, chúng mình vẫn giới thiệu.
Từ đầu tiên nảy ra trong đầu mình là “thời điểm”. Với chúng mình, thời điểm mọi người gọi điện đến Ngày mai đôi khi là thời điểm họ đã muốn dừng lại cuộc sống này và hy vọng một cánh tay chìa ra cho họ nắm lấy. Chúng mình nhận thức được điều đó và nói với nhau rằng: “Chúng ta hãy cùng nhau vượt qua hôm nay và ngày mai sẽ là một ngày mới”. Bên cạnh đó, Ngày mai cũng ra đời vào đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần. Đại dịch này như là một sang chấn tập thể, ai cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Hay trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều cá nhân/ tổ chức vẫn sẵn sàng hỗ trợ Ngày mai, họ tổ chức workshop và trích một khoản giúp chúng mình tiếp tục vận hành. Vì tất cả những lý do đó, tính “thời điểm” rất ý nghĩa đối với mình.
Thứ hai, không phải một từ mà là 4 chữ “hợp sức đồng lòng” (cười). Trong 6 tháng vận hành đầu tiên, có những thời điểm chúng mình không thể định nghĩa rõ ràng về bản thân. Chúng mình có mục tiêu, kế hoạch nhưng mặt truyền thông không thể hiện rõ được điều ấy. Trong quá trình chia sẻ với đối tác, chúng mình đã hiểu hơn về chính dự án. Do có công việc full-time khác, mình thường phải trao đổi với đối tác vào buổi tối. Vậy mà dù chia sẻ đến 12 giờ đêm, các bạn đối tác vẫn rất vui vẻ chia sẻ cùng Ngày mai. Mọi người đều nỗ lực cho những công việc cộng đồng, luôn sẵn sàng làm nhiều hơn nhưng không quên nhắn nhủ nhau chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình.
Thứ ba, mình dùng từ “trụ cột”. Từ hoạt động của Ngày mai, mình có thể chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm vận hành cho những người có dự án tương tự. Ví dụ, có dự án cũng muốn mở một đường dây nóng hỗ trợ cho nhóm những người yếu thế nào đó, thì Ngày mai có thể chia sẻ kinh nghiệm hoặc hướng họ chủ động chia sẻ về Ngày mai để những người này có một nơi để tin tưởng, chia sẻ. Thực tế, chúng mình rất mong muốn giúp đỡ những cộng đồng yếu thế ấy. Trong thời gian này, Ngày mai muốn tiếp cận nhóm công nhân đang bị mất việc hay đang căng thẳng trong các nhà máy; người cao tuổi/ người trung niên, các bà mẹ sau sinh đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần... Ngày mai luôn mong muốn có thể kết nối, chia sẻ, hỗ trợ họ, dù rằng sự hỗ trợ đó không nhiều hay đơn giản là lắng nghe, giúp họ được xoa dịu.
Là một dự án phi lợi nhuận, sự hỗ trợ tài chính của Ngày mai cho các thành viên không nhiều. Nếu so với thị trường lao động Việt Nam, mức hỗ trợ từ Ngày mai là mức tượng trưng.
Thực ra, nhờ đã có kinh nghiệm, lại có thêm sự phối hợp nhịp nhàng của core team, các CTV, đối tác, mình không cảm thấy mất quá nhiều thời gian với Ngày mai. Điều giữ cho mình sự bền bỉ là mong muốn được chia sẻ và đồng hành cùng những người gặp khó khăn. Mình hiểu khi ai đó gặp khó khăn về mặt tâm lý, họ rất cần có một người bên cạnh - một người sẵn sàng lắng nghe họ hay sẻ chia với họ những chuyện ít người hiểu được. Họ cần một điểm tựa, nhưng họ e dè người khác sẽ bị ảnh hưởng. Ngày mai muốn nói rằng: “Chúng mình luôn lắng nghe bạn, không có bất kỳ phán xét nào. Chúng mình vẫn sẵn sàng ở đây, cùng bạn khóc cùng bạn cười”. Nhiều bạn từng gọi điện đến khóc và cảm ơn Ngày mai vì được lắng nghe khiến mình cảm thấy bản thân thực sự đang làm điều có ích.
Hơn nữa, càng đi với Ngày mai, mình càng được các anh chị em, đối tác truyền thêm động lực. Niềm tin của những đối tác, những người đã gửi gắm đóng góp của họ vào Ngày mai chính là động lực rất lớn để mình cố gắng hơn.
Có một thời điểm, mình cũng gặp những khó khăn nhất định trong đời sống tinh thần. Mình sinh năm 1993, bước vào tuổi trưởng thành mà xã hội định nghĩa là cần phải lấy chồng, có con rồi. Vậy mà mình vẫn đang lao đầu vào công việc. Mình mang nhiều áp lực tinh thần. Mình không hiểu được vì sao từ một đứa năng động hoạt bát, có lúc mình trùng xuống đến mức không muốn gặp ai.
Trước đây khi chưa có nhiều hiểu biết, mình cũng nghĩ rằng do mình lười nên mọi thứ mới trì trệ. Nhưng khi biết nhiều hơn về trầm cảm, mình thấy rõ ràng những vấn đề sức khỏe tâm thần cần được nhận thức đúng đắn hơn. Khi chúng ta hiểu về những người mắc bệnh trầm cảm, ta hiểu điều gì đã hình thành nên họ và họ đã trải qua những gì để có thể bao dung hơn, ít phán xét, kỳ thị hơn, tạo nên một xã hội nhẹ nhàng, yêu thương, trắc ẩn hơn.
Tất nhiên, mình phải thương thân trước. Khi đọc cuốn Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ, rồi làm dự án Ngày mai, đọc cuốn Đại Dương Đen của anh Giang, Que hiểu được vì sao mình là mình của hôm nay. Khi định nghĩa được bản thân, chúng ta đã nhẹ nhàng với chính mình hơn rất nhiều rồi. Dạo này, mình hay nói với mọi người: “Thương thân như thể thương người”. Nếu mình không thể thương thân, mình khó có năng lượng để giúp đỡ bất kì ai. Ngày mai là một dự án giúp bạn thương thân trước và khỏe mạnh để thương người.
Câu hỏi này thực sự khó với mình bởi là một người làm cộng đồng, mình sẽ không đưa ra bất kì lời khuyên hay chia sẻ nào. Khi không hiểu đối tượng lắng nghe, những lời khuyên đôi khi sẽ trở nên độc hại. Đây chính là một tinh thần của Ngày mai. Khi nhấc máy lên, chúng mình cố gắng không đưa ra lời khuyên nào và tin rằngbản thân người gọi tới luôn có những suy tư nhất định. Mình chỉ cần đi cùng họ, lắng nghe, rồi gợi mở cho họ. Họ sẽ tự quyết định cuộc đời mình mà không cần phụ thuộc vào bất kì lời khuyên của ai khác.
Không đưa ra lời khuyên có lẽ là câu trả lời hoàn hảo nhất cho câu hỏi này. Thay vì đưa ra những lời khuyên độc hại, chúng ta hãy chậm lại để suy nghĩ bao dung và trắc ẩn hơn...
Hy vọng Que và đội ngũ Ngày mai luôn giữ được “ngọn lửa” ấm áp và chân thành của mình để có thể là bàn tay cho nhiều người hơn nữa nắm lấy. Cảm ơn Que vì cuộc trò chuyện nhiều cảm xúc!
Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày mai (096.306.1414) - một dự án cộng đồng phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp dịch vụ sơ cứu tâm lý miễn phí, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.