#Xuhuong2022 Sau một năm nhiều cải tiến, TikTok có triển vọng tiếp tục phát triển mạnh

Tập trung vào cải thiện hình ảnh, tích cực giải quyết các vấn đề độc hại trên nền tảng và mang đến nhiều chiến dịch hấp dẫn creator, thương hiệu, TikTok hứa hẹn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2022, vượt qua những đối thủ dạn dày kinh nghiệm như Snapchat, Twitter.
Ý Như
10/01/2022
#Xuhuong2022 Sau một năm nhiều cải tiến, TikTok có triển vọng tiếp tục phát triển mạnh

Vào tháng 7/2021, Sensor Tower ghi nhận TikTok (bao gồm cả Douyin ở Trung Quốc) đã trở thành ứng dụng di động đầu tiên không thuộc nhóm trò chơi, cũng không phải Facebook, đạt 3 tỷ lượt tải xuống trên App Store và Google Play. Ứng dụng lọt vào danh sách số ít những cái tên đã đạt được cột mốc này, bao gồm Tinder, Netflix, YouTube và Tencent Video. Bên cạnh đó, TikTok được vinh danh tại những giải thưởng uy tín, điển hình là MMA Smarties Awards. Năm 2021 là lần thứ hai TikTok được vinh danh tại giải thưởng danh giá Publisher/Media Company of the Year dành cho các tổ chức đầu ngành (hạng mục Vietnam SMARTIES Industry Awards). 

Vậy trong suốt một năm qua, TikTok đã làm những gì để không ngừng tăng trưởng? Và liệu nền tảng truyền thông xã hội này sẽ tiếp tục đi lên hay có dấu hiệu hạ nhiệt? Cùng The Influencer tìm hiểu ngay nhé!


1. Những nỗ lực phát triển của TikTok trong năm 2021

Quan sát tổng thể TikTok trong năm 2021 vừa qua, chúng ta có thể thấy bốn nhóm hoạt động chính của công ty này:

Thực hiện chiến dịch nâng tầm thương hiệu

Luôn bị bủa vây bởi không ít chỉ trích về vấn đề content xấu - độc, TikTok hướng đến xây dựng một hình ảnh tích cực hơn trong mắt người dùng. TikTok cho thấy bản thân tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

Năm 2021, TikTok đã thực hiện chiến dịch quảng bá du lịch Huế. Dưới sự đồng ý và bảo trợ của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng cục Du lịch Việt Nam, TikTok đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, triển khai “Chương trình hợp tác quảng bá điểm đến bằng video ngắn” - hoạt động đặc biệt ý nghĩa nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2021”. Theo đó, TikTok cùng Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thực hiện truyền thông du lịch Huế bao gồm mở tài khoản chính thức cho Sở và thực hiện dự án phim ngắn trên nền tảng. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục hợp tác phát động chiến dịch #HelloHue vào quý II năm 2021, khuyến khích các creator tạo nội dung về cảnh sắc, văn hoá, ẩm thực và phong cách sống của Huế. Ngay trong giai đoạn thử nghiệm, tài khoản chính thức của Sở du lịch Thừa Thiên Huế, @visithue, cũng đã thu hút hơn 18 ngàn người theo dõi và 130 ngàn lượt yêu thích. Ngoài Huế, trước đó, các địa danh như Ninh Bình, Đà Nẵng cũng đã được quảng bá trên nền tảng. 


Không ngừng thu hút creator

TikTok đã ra đời nhiều tính năng, chiến dịch nhằm tạo không gian sáng tạo của creator trẻ để duy trì lượng người dùng cũng như thu hút những cá nhân mới sử dụng nền tảng để sáng tạo nội dung. Năm vừa qua, TikTok bổ sung Live Intro ngắn gọn giúp creator thu hút người xem phát sóng trực tiếp; ra mắt nền tảng Creative Exchange cho phép các thương hiệu giới thiệu tóm tắt chiến dịch, sau đó người sáng tạo có thể phản hồi và sắp xếp các giao dịch nội dung được tài trợ phù hợp, TikTok Creator Fund - Quỹ Nhà sáng tạo - giúp các creator có thêm thu nhập; hay nhiều chiến dịch nổi bật như TikTok Master 2021 - The Next Star Gen, FashUp 2021,...

Quill Cloud

TikTok thêm Live Intro (Ảnh: Marketing AI)

Điển hình, TikTok Master 2021 - The Next Star Gen là một sự kiện đáng chú ý của TikTok trong nỗ lực thể hiện mối quan tâm lớn với các creator. Với 04 hạng mục chính: #ActingMaster2021 (Diễn xuất), #DanceMaster2021 (Nhảy), #VocalMaster2021 (Hát), #RapMaster2021 (Rap), TikTok Master 2021 gồm 3 vòng thi và 01 ngôi vị cao nhất được nhận những phần thưởng giá trị từ TokTok. Chiến dịch giúp TikTok tạo ra sân chơi để các tài năng sáng tạo trên TikTok tiếp tục được tỏa sáng sau một năm lan tỏa những thông điệp tích cực và truyền cảm hứng cho mọi người. Thông qua chiến dịch, TikTok định vị mình là một không gian để các thế hệ tương lai sáng tạo không ngừng khắc họa màu sắc riêng của mình, trở thành một phần của cộng đồng và góp phần định hình nên những xu hướng thịnh hành trong tương lai."


Tích cực giải quyết một số vấn đề độc hại trên nền tảng

Tất nhiên, nhiều chiến dịch nâng cao hình ảnh, danh tiếng có thể giúp TikTok nâng tầm bản thân trong mắt người dùng. Nhưng điều đó không hạn chế bớt những vấn đề độc hại vốn tồn tại trên nền tảng.Do đó, TikTok cần những giải pháp cụ thể để “thanh lọc” nền tảng của mình nhằm hiện thực hóa mong muốn tạo ra không gian sáng tạo, giải trí tích cực và truyền cảm hứng. 

Giữa tháng 5/2021, TikTok cung cấp tính năng xóa nhiều bình luận cùng một lúc hay lọc bình luận hiển thị để giúp creator dễ dàng quản lý tương tác với những nội dung họ đăng tải trên nền tảng. Ngoài ra, TikTok cập nhật hướng dẫn mới về phòng chống bắt nạt trên Trung Tâm An Toàn của nền tảng để giúp người dùng bảo vệ mình. Nói một cách công tâm, mọi nền tảng mạng xã hội đều có vấn đề cyber bullying. Các creator, influencer, celeb hay thậm chí một người dùng bình thường đều có những lần phải đối diện với những lời lẽ chỉ trích cay nghiệt, không có tinh thần đóng góp gây tổn thương đến tinh thần. Với vấn đề nền tảng nào cũng gặp này, TikTok thể hiện nỗ lực trong việc cải thiện vấn đề, tạo ra không gian mạng an toàn, lành mạnh. 

Bên cạnh đó, TikTok đã gia nhập Liên minh Công nghệ nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến. Ngoài Tiêu Chuẩn Cộng Đồng chống lại lạm dụng trẻ em, TikTok từng bổ sung tính năng Family Pairing cho phép cha mẹ liên kết tài khoản TikTok của mình với con cái để dễ dàng thiết lập các điều khiển an toàn như quản lý thời gian truy cập hoặc chế độ tìm kiếm. Dù việc giải quyết những vấn nạn trên mạng là một hành trình dài hơi hơn, nhưng TikTok đã cho thấy nỗ lực không nhỏ của mình trong việc cải thiện. 

Đọc thêm: Người nổi tiếng và vấn nạn cyberbullying


Bổ sung nhiều chính sách, tính năng hỗ trợ doanh nghiệp

Ngoài việc chú trọng cải thiện trải nghiệm của creator trên nền tảng, và hình ảnh, danh tiếng của mình, TikTok không quên bổ sung nhiều chính sách và tính năng hỗ trợ doanh nghiệp trên nền tảng - nhóm khách hàng tiềm năng của thương hiệu. 

Nhận thấy khó khăn của các thương hiệu trong đại dịch và mong muốn giúp họ tìm được thế cân bằng trong quảng cáo trực tuyến, TikTok đã ra mắt sáng kiến Thương Hiệu Việt Thứ Bảy để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á trong tháng 6/2021. TikTok đem đến cho các thương hiệu nhiều đặc quyền khi tham gia sáng kiến như được xuất hiện trên trang chủ của sự kiện, được hỗ trợ sản xuất video quảng cáo,... 

Thậm chí, TikTok đã đưa ra các cam kết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với người dùng và tăng trưởng qua thời điểm khó khăn như cho phép các doanh nghiệp tận dụng TikTok Ads Manager để thiết lập các chiến dịch quảng cáo với ngân sách linh hoạt, tiếp cận đúng đối tượng, tổ chức Grow with TikTok - Starter Lab giúp các thương hiệu vừa và nhỏ có cơ hội học hỏi từ chuyên gia để triển khai quảng cáo trên nền tảng,...

Quill Cloud

Thành tích của The Stage (Ảnh: TikTok for Business)

Không dừng lại ở đó, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được TikTok triển khai bao gồm việc tổ chức sự kiện trực tuyến The Stage bật mí những “bí kíp” giúp doanh nghiệp thành công trên TikTok, ra mắt TikTok Seller cho phép các thương hiệu trên TikTok quản lý tất cả sản phẩm của mình trong một trang riêng biệt - chuyên dụng,...


2. Một số thử nghiệm đáng chú ý

Cùng với nhiều chính sách mới, các chương trình, chiến dịch dành cho creator, doanh nghiệp, TikTok cũng chú trọng cải thiện ứng dụng. Điển hình là việc TikTok đang thử nghiệm tính năng đăng lại (repost) với một số người dùng. Người dùng có thể chia sẻ lại những clip TikTok cho người theo dõi của họ. Các clip đăng lại sẽ hiển thị trong new feed của người dùng. Followers của người dùng sẽ biết đó là một clip đăng lại thông qua phần chi tiết của video. Với tính năng này, người dùng có thể chia sẻ rộng rãi các video yêu thích với tất cả bạn bè thay vì gửi riêng lẻ cho từng người. Thử nghiệm này là một cách để TikTok giúp nội dung của một người dùng có thể chạm được đến nhiều followers mới thông qua những cá nhân thực sự yêu thích và muốn lan tỏa nội dung đó. Để dễ hình dung, bạn có thể nghĩ đến nút share của Facebook. 

Bên cạnh đó, TikTok đã gây chú ý khi lên kế hoạch mở TikTok Kitchen - chuỗi nhà hàng giao tận nơi. Ẩm thực là một trong những chủ đề nổi bật và nhận được nhiều sự quan tâm trên TikTok, bởi vậy TikTok Kitchen đã ra đời. Đây là một sáng kiến kết hợp cùng Virtual Dining Concepts (nền tảng bếp online giúp các nhà hàng thu hút khách hàng mới và tăng thu nhập) và Grubhub (công ty giao hàng đình đám có trị sở tại Mỹ) để TikTok giúp người dùng thưởng thức những món ngon thường thấy trên nền tảng. Thực đơn của nhà hàng sẽ được xây dựng dựa trên các món ăn phổ biến nhất trên TikTok và người dùng có thể đặt món thông qua Grubhub. Thực đơn các món ăn sẽ được điều chỉnh theo quý, dựa trên sở thích của người dùng TikTok. Với mô hình kinh doanh này, TikTok tốn chi phí thấp hơn nhờ không phải vận hành các cửa hàng vật lý và linh hoạt hơn trong việc mở rộng quy mô. TikTok dự kiến có 300 khu vực bắt đầu giao hàng vào tháng 3/2022 và tăng lên 1000 vào cuối năm. Số tiền thu được từ TikTok Kitchen dự kiến được sử dụng vào quỹ người sáng tạo của TikTok.

Quill Cloud

Ẩm thực là một trong những nội dung nổi bật trên TikTok (Ảnh: New York Times)

Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao một nền tảng mạng xã hội lại kinh doanh nhà hàng? Thực tế, đây có thể coi là một chiến lược marketing của TikTok. Thứ nhất, TikTok tận dụng được mối quan tâm của người dùng trên nền tảng nên TikTok Kitchen thực tế có thể thỏa mãn nhu cầu “I want it, I got it” của họ. Thứ hai, trong bối cảnh các mạng xã hội tích cực tạo ra một nền tảng tích hợp, tận dụng sức hút của mua sắm online, thương mại điện tử, TikTok thể hiện nỗ lực tạo ra một mạng xã hội tiện dụng cho người dùng, khởi đầu là lĩnh vực đồ ăn. Tương lai, việc TikTok mở rộng mua sắm ở các ngành hàng khác hoàn toàn có thể xảy ra. Thứ ba, TikTok có thể thu hút thêm nhiều người sáng tạo lĩnh vực ẩm thực cũng như nhà hàng tham gia nền tảng. 

Nhìn chung, TikTok đã có một năm tích cực trong việc gia tăng sức hút của mình với công chúng nói chung, những bạn trẻ yêu thích sáng tạo nội dung, các doanh nghiệp nói riêng. Mạng xã hội này đã khiến nền tảng của mình lành mạnh và bổ ích hơn bằng loạt chính sách, chiến dịch và chương trình hỗ trợ. Đồng thời, TikTok đang có những thử nghiệm cần thiết trong việc cải thiện bộ công cụ trên nền tảng nhằm phục vụ tốt hơn cho người sáng tạo cũng như các thương hiệu cũng như có bước đi táo bạo hơn trong việc khai thác insight người dùng, mở rộng mô hình kinh doanh. Với những nỗ lực này, năm 2022 của TikTok liệu sẽ ra sao? 


3. Dự đoán của các chuyên gia về sự tăng trưởng của TikTok năm 2022

TikTok được dự đoán trở thành mạng xã hội lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Facebook và Instagram. Sau khi chứng kiến ​​mức tăng trưởng 59,8% vào năm 2020, tiếp theo là mức tăng trưởng 40,8% vào năm 2021 của TikTok, Insider Intelligence dự đoán nền tảng này sẽ đạt 755 triệu người dùng hàng tháng vào năm 2022, “vượt mặt” Twitter và Snapchat. Ngoài là đối thủ trực diện đáng gờm của Snapchat do cùng nhóm đối tượng và định dạng nội dung, TikTok chứng minh sức “gây nghiện” của mình khi vượt qua một nền tảng lớn và lâu đời như Twitter. Theo Techcrunch, do những khác biệt về thuật toán, một số công ty khác thậm chí dự đoán TikTok sẽ đạt 1 tỷ người dùng hàng tháng vào năm 2022. Với tốc độ tăng nhanh về số lượng người dùng, TikTok có thể thu hút nhiều hơn nữa những đầu tư quảng cáo trong năm 2022. 

Quill Cloud

Biểu đồ thống kê dự đoán lượng người dùng các mạng xã hội của Insider Intelligence (đơn vị triệu)

Theo The Drum, trưởng bộ phận social media của Extreme - Donna Herron dự đoán người dùng sẽ mua sắm nhiều hơn trên nền tảng thông qua các buổi livestream - một định dạng nội dung mà TikTok cũng có thử nghiệm mới trong năm 2021. Sự phát triển của các chương trình phát trực tiếp nói chung hay livestream nói riêng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 nổ ra là điều không cần bàn cãi. Với những yếu tố này, livestream TikTok đang thể hiện sự tiềm năng của mình trong việc giúp các thương hiệu bán hàng trên nền tảng. 

Đọc thêm: #Influencertips Để một livestream sở hữu tương tác cao

Đáng chú ý, Aurelien Pakula, giám đốc social và influencer tại VCCP

nội dung dạng dài sẽ quay trở lại vào năm 2022. Rõ ràng rằng năm 2021 là năm của nội dung dạng ngắn với sự bùng nổ của TikTok, sự phát triển của Instagram Reels và sự ra đời của YouTube Shorts. Tuy nhiên, “có vẻ như có một sự thay đổi nhỏ đang diễn ra trên các nền tảng xã hội. TikTok đã mở rộng sang các video dài ba phút, Reels lên đến 60 giây, Facebook Watch hiện có tab riêng trên ứng dụng di động và Facebook Gaming dường như ngày càng thu hút nhiều người xem hơn”. Đây là một trong những dự đoán đáng chú ý cho các creator và thương hiệu trong năm 2022 này. 

Đọc thêm: Khám phá 10 xu hướng TikTok cần biết trong năm 2022


MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa