#TruthBeTold - Chuyện chưa kể từ biên tập viên The Influencer sau hơn 240 bài phỏng vấn influencer

Kỷ niệm lần đầu phỏng vấn, áp lực đặt câu hỏi hay và những tai nạn khó quên khi làm nghề,... cùng lắng nghe các biên tập viên của The Influencer tâm sự.
Đinh Trang
13/04/2024
#TruthBeTold - Chuyện chưa kể từ biên tập viên The Influencer sau hơn 240 bài phỏng vấn influencer

The Influencer đã bước sang năm thứ 3 trên hành trình của mình. Trong suốt những năm tháng đó, chúng tôi vẫn luôn không ngừng tìm kiếm và khai thác những câu chuyện hay, những bài học truyền cảm hứng, những tâm sự chân tình từ các nghệ sĩ và influencer lớn nhỏ. Tôi hay gọi những phóng viên/biên tập viên của The Influencer là những “người dẫn chuyện" - những người tạo không gian cho những cuộc phỏng vấn có chiều sâu, những người dẫn dắt và gợi mở các câu chuyện, những người lắng nghe và truyền tải lại thông điệp của nhân vật một cách hiệu quả nhất. 

Bài viết này, những “người dẫn chuyện” đó được chuyển vai - họ không còn là người đi phỏng vấn, mà trở thành người được phỏng vấn, và chia sẻ những phát hiện họ có được sau hơn 250 bài phỏng vấn influencer trong suốt 3 năm qua. Mời bạn gặp gỡ Chi Mai - quản lý dự án The Influencer kiêm biên tập viên; Trang Đinh - quản lý nội dung The Influencer và Thu Thảo - biên tập viên chuyên thực hiện các bài phỏng vấn nhân vật của The Influencer.

Kỷ niệm lần đầu đi phỏng vấn

Chi Mai: Bài phỏng vấn đầu tiên của mình cho The Influencer là bài Emagazine anh Tô Đi Đâu. Cảm xúc đầu tiên là rất… sợ. Mình chưa từng phỏng vấn influencer trước đó, những gì mình mường tượng về công việc này chỉ đến thông qua việc đọc hết tất cả các bài phỏng vấn The Influencer từng làm, đọc các bài Emagazine/phỏng vấn của những trang tin, trang báo lớn. Nhưng mình cũng rất vui. Vui với hào hứng lắm! Mình có cảm giác bản thân sẽ rất hợp với công việc này. Mình thích nói chuyện và tìm hiểu mọi người, thích mình có đủ sự tò mò để khai thác và trò chuyện với đối phương, nhưng không bị tọc mạch để khiến họ thấy không thoải mái. 

Lúc bước vào cuộc phỏng vấn, những nỗi lo lắng của mình tắt hẳn. Mình rất tận hưởng cuộc nói chuyện với anh Tô, như kiểu hai anh em đang ngồi uống rượu (vì lúc phỏng vấn là tối muộn rồi) và tâm sự với nhau. Mọi thứ đều vừa vặn và hoàn hảo. Mình đã kết thúc buổi phỏng vấn trong một trạng thái cực kỳ hài lòng và thỏa mãn. Đến mức phỏng vấn xong là 10h30 - 11h đêm rồi, mà mình ngồi bóc băng luôn ngay trong tối. Đó cũng là lần duy nhất mình có cảm giác hưng phấn đến mức phỏng vấn xong là ngồi bóc băng liền tù tì như vậy. 

Dĩ nhiên đó là sự hài lòng của một người lần đầu đi phỏng vấn và viết bài nhân vật. Bây giờ đọc lại mình vẫn thấy bài viết đó hơi ngô nghê, có những câu hỏi nếu được làm lại, mình sẽ hỏi hay hơn và khai thác nhiều hơn. Nhưng không sao, nghĩ được như vậy tức là giờ mình đã lớn hơn nhiều rồi! 

Thu Thảo: Buổi phỏng vấn đầu tiên mình thực hiện cho The Influencer là từ hai năm trước, cùng cô bạn YouTuber Hà Thi. Trước buổi phỏng vấn, mình đã nghe rất nhiều talkshow dưới dạng podcast, xem rất nhiều video phỏng vấn từ hài hước, giải trí cho tới trầm lắng, sâu sắc và ghi chép lại những câu hỏi có chiều sâu. Thú thật, quan sát Hà Thi qua những video YouTube, mình thấy cô bạn vui vẻ, hài hước nhưng có phần khép mình, hướng nội. Mình lo lắng Hà Thi sẽ không thoải mái khi chia sẻ mọi điều, mình khó khai thác được những nét tính cách, suy nghĩ độc giả chưa nhìn thấy ở Hà Thi qua video. 

May mắn cho mình, vạn sự khởi đầu… không hề nan, Hà Thi rất hiền, dễ thương, cởi mở chia sẻ những câu chuyện và góc nhìn sâu sắc về nghề Influencer Marketing. Trải nghiệm sau buổi phỏng vấn cùng Hà Thi càng làm phóng viên “tay mơ” Thu Thảo ngày ấy có thêm niềm tin vào sự đẹp đẽ của công việc đang làm, rằng mình sẽ được “vén màn” những góc nhìn ẩn sâu phía sau sự xuất hiện của những influencer thường chỉ thấy trên MXH, tiếp nạp thêm nhiều kiến thức mới mẻ, hay ho… Và thật vui, cảm giác ấy đã tìm đến mình nhiều lần sau đó nữa!.

Trang: Trước The Influencer, mình đã có một vài năm làm tạp chí và phỏng vấn nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, với The Influencer, mình không có sự bỡ ngỡ trong buổi phỏng vấn đầu tiên, nhưng mình có một nỗi lo là liệu mình quá nghiêm túc :D. So với đối tượng nhân vật mình từng phỏng vấn, các nhân vật mà The Influencer có phần nào trẻ trung hơn, vui tươi hơn,... và mình cần học cách thích nghi với điều đó. Bài phỏng vấn mở màn đầu tiên trong lịch sử The Influencer là anh Lai Thượng Hưng - khi mà trang tin còn chưa được thiết kế xong. Mình cũng hơi khớp trong những giây phút đầu tiên, nhưng sau đó mình dành sự tập trung cho nhân vật, lắng nghe những tâm tình nhẹ nhàng của anh nhà thơ mình vẫn thích, và thoải mái thể hiện cả sự hồi hộp của mình trong lần đầu tiên đó. 

Đặt câu hỏi thế nào cho hay? 

Chi Mai: Đây là một câu hỏi mình cũng tự hỏi bản thân nhiều lần. Mình quen một người chị mà trong “giới phỏng vấn” cũng là một cái tên “kỳ cựu". Chị ấy làm công việc này gần cả thập kỷ rồi, phỏng vấn đến cả những người nổi tiếng nhất, kín tiếng nhất của Việt Nam; phỏng vấn ngôi sao quốc tế cũng có rồi. Thế mà gần đây, chị ấy vẫn viết bài thú nhận rằng chị vẫn bị áp lực bởi việc phải đặt câu hỏi thật hay cho nhân vật. Kể hơi dông dài để nói rằng đây không phải nỗi sợ của riêng ai. Nỗi lo lắng, áp lực đặt câu hỏi hay này khiến mình cảm thấy vẫn còn không gian để phát triển và tỏa sáng lấp lánh hơn. 

Không biết Trang nhớ không, nhưng có một buổi chiều mình ngồi cafe cùng Trang và một người anh viết sách. Trang kể là, khi làm coaching, Trang không đặt mình vào vị thế của người coach để phải đặt câu hỏi tiếp theo. Trang tôn trọng những khoảng lặng giữa câu trả lời, thoải mái thừa nhận rằng… mình chưa biết hỏi gì, xin phép đào sâu vào một tình tiết rất nhỏ tưởng như chẳng mấy liên quan nếu Trang thấy hứng thú. Trang làm một việc - mà nghe thì rất… dễ: Ấy là hoàn toàn chú tâm vào cuộc nói chuyện, và chờ những câu hỏi đến với mình

Bất giác mình nhận ra, những bài phỏng vấn tốt nhất (và nhiều view nhất) khi mình hoàn toàn chú tâm, thả lòng và thưởng thức câu chuyện của đối phương, khi mình làm bạn, chứ không phải một người đang cố moi ra cho được một cái tít đủ sức câu kéo độc giả. Đôi khi mình không chia sẻ chung một trải nghiệm với họ, cũng không biết chút gì về lĩnh vực họ đang theo đuổi. Nhưng mình tin là người với người, đâu đó, có sự thấu hiểu và đồng cảm nhất định với nhau về khía cạnh cảm xúc, cộng thêm sự tò mò, chân thành và chú tâm, thì cả hai sẽ luôn mở ra được những câu chuyện giá trị. 

Thu Thảo: Trong những cuộc phỏng vấn mình đã từng phụ trách, không chỉ riêng việc đặt câu hỏi hay, mình luôn tự tin khi đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc về nhân vật, về sự liên quan giữa nhân vật đó cùng chuyên mục chuyên biệt mình mời họ tham gia. Khâu chuẩn bị này đã giúp mình có được 60% sự tự tin.

Trước mỗi buổi phỏng vấn, mình cố gắng dành ra 15-30 phút trong không gian chỉ có một mình, chuẩn bị hai thứ: một là dàn ý phỏng vấn - đã xây dựng ở khâu tìm hiểu nhân vật phía trên, hai là năng lượng của bản thân, cân bằng trạng thái cảm xúc của chính mình ở thời điểm đó. Sự bình tâm có được sau khâu chuẩn bị này giúp mình đạt thêm 30% tự tin trước khi bước vào một buổi phỏng vấn, cùng với tinh thần tập trung cao độ. Một đồng nghiệp từng nói, trước khi bước vào set quay, dường như cả thế giới của mình chỉ xoay quanh duy nhất nhân vật ấy. 

Cuối cùng, một điều mình không thể nắm chắc được hoàn toàn: sự kết nối của bản thân với nhân vật. Một nhân vật là Health Coach trong chuyên mục “WhatIs - Cân Bằng” từng hướng dẫn mình cách thiền tĩnh trước buổi phỏng vấn để hướng toàn bộ năng lượng vào cuộc trò chuyện, từ đó có thể chạm tới sợi dây tâm hồn của đối phương, khai mở được suy nghĩ, góc nhìn và mong muốn chia sẻ của họ với mình. Tuy nhiên mình vẫn chưa thực hành đủ nhiều để làm tốt khâu chuẩn bị này, nhưng nếu có, 10% tự tin còn lại sẽ nằm ở đây. 

Trang: Có lẽ là Chi Mai và Thu Thảo đã nói những điều mình muốn nói. Đó là:

  • Luôn có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về nhân vật trước buổi phỏng vấn. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của mình cho nhân vật, cho khoảng thời gian mà chúng ta dành cho nhau. 
  • Thực hành lắng nghe chú tâm vào những điều nhân vật đang chia sẻ. Sự lắng nghe đó, cùng khả năng đồng cảm, sự tò mò tử tế,... thì chắc chắn nhiều câu chuyện giá trị sẽ được mở ra. 
  • Chăm sóc năng lượng của bản thân. Việc dành gần 1 giờ đồng hồ chỉ tập trung lắng nghe và mở rộng mạch câu chuyện, không phải một việc đơn giản. Sau các cuộc phỏng vấn, chúng mình đều khá… mệt, dù chỉ ngồi nghe và tiếp lời. Vì vậy, trước khi phỏng vấn, mình đều có một khoảng thời gian ngắn chăm sóc năng lượng của chính mình, hít thở sâu, cho phép bản thân tạm ngắt khỏi những điều đang diễn ra trước đó để tập trung cho không gian của cuộc trò chuyện. 

Với mình, mỗi cuộc phỏng vấn như một điệu nhảy. Mình - là phóng viên, sẽ có một mạch câu hỏi định sẵn, một sợi chỉ đỏ, một khoảng không gian cho “điệu nhảy" của mình và nhân vật. Đôi khi, câu chuyện có thể không diễn ra chính xác như mạch câu hỏi dự kiến, nhưng mình có thể thả lỏng để chào đón những sự bất ngờ. Cả hai cùng linh hoạt, tôn trọng bước đi của nhau, đôi khi có thể có những bước nhảy táo bạo (ví dụ như mình bất ngờ đặt một câu hỏi nằm ngoài kịch bản, hoặc khi nhân vật đề cập đến một chủ đề riêng tư hơn bình thường), nhưng không đi quá xa khỏi sợi chỉ đỏ ban đầu. 

Ở The Influencer, chúng mình cũng để các phóng viên được chọn nhân vật họ thích và quan tâm. Sự yêu quý và quan tâm chân thành giữa người với người, sự tử tế quan tâm của phóng viên, sự tôn trọng cần có từ cả hai phía,... những điều đó tạo không gian an toàn để những câu hỏi hay nhất được nói ra. 

Một “tai nạn” đáng nhớ

Chi Mai: Trộm vía, chưa có! Có một lần suýt có, là lần mình phỏng vấn ca sĩ Andiez. Phỏng vấn được 30-40 phút thì bạn media phát hiện ra hình như mic của anh Andiez có gì đó… sai sai. Nhưng lúc đó tớ đã gần gói lại buổi phỏng vấn rồi, vả lại cũng không muốn làm hỏng mood của buổi nói chuyện nên bạn media chỉ check nhanh lại mic để đảm bảo âm thanh từ đây sẽ ổn, rồi cho cả hai tiếp tục. Bạn cũng không nói với mình tình hình cụ thể, mà chỉ bảo là không sao, kiểm tra cho cẩn thận thôi. Mãi đến lúc đi về bạn mới bảo, thế là 2 đứa đứng giữa đường Sài Gòn, mở lap lên kiểm tra âm thanh. May quá, tiếng hơi vang và ồn nhưng trộm vía là có thể cứu được được. 

Mình nghĩ những tai nạn đáng sợ nhất của một người phỏng vấn thường liên quan đến băng và tiếng. Mất băng, mất tiếng. Trộm vía chưa bao giờ mình gặp tai nạn đó cả!

Thu Thảo: Thực tế, có những buổi phỏng vấn, mình và nhân vật… quá nhập tâm vào cuộc trò chuyện, “thả trôi” kịch bản đã dựng sẵn, việc hỏi và trả lời xoay vòng một cách tự nhiên, thoải mái hơn bao giờ hết. Trong một lần như vậy, dù không quá liên quan đến chuyên mục “Backstage” (một chuyên mục phía sau hậu trường), mình và nhân vật nói chuyện về chủ đề… gia đình. Bạn ấy đã… khóc khi nhớ lại những ngày đầu tiên vào nghề, chuyện gia đình chia cách, cảm xúc dằn vặt và tự trách luôn hiện hữu trong bạn, dù có lúc âm ỉ, có lúc dậy sóng. Việc chưa làm hoà được với sự tiếc nuối đó đã đẩy cảm xúc của bạn chạm tới kẽ hở của vết thương chưa lành nằm sâu trong lòng. Và tất nhiên, đó không phải tai nạn gì cả! 

“Tai nạn" nằm ở mình! Vì quá bất ngờ, khi thấy bạn xúc động trong cuộc trò chuyện, mình - một người luôn e dè trước những giọt nước mắt của người đối diện - đã lúng túng, đứng hình vài giây mà không biết phải tiếp tục làm gì, để họ tiếp tục cảm xúc như vậy rồi hỏi sang chuyện khác, tiến sâu hơn vào câu chuyện của họ hay bỏ qua luôn và tiếp tục kịch bản của mình,... Chính sự lúng túng đó đã tạo nên không khí ngượng ngùng phần sau của cuộc trò chuyện và mình sau đó không ngừng tự kiểm điểm bản thân. 

Khi được biết thêm về ranh giới ứng xử trong nghề, mình nhận ra rằng khi đặt câu hỏi và nhân vật khóc, có nghĩa là mình đã chạm đến một phần rất sâu trong con người đó. Bản thân nhân vật cũng là một con người bình thường, họ cũng đi qua nhiều tổn thương. Khóc cũng là một cảm xúc thông thường, hoàn toàn dễ hiểu. Hiểu được lý thuyết này, mình bình tĩnh hơn ở những cuộc trò chuyện tiếp theo khi chạm vào những câu hỏi nhạy cảm, mình biết quản lý cảm xúc của chính mình và dùng trực giác xem có nên đi tiếp vào chủ đề đó hay không. 

Một buổi phỏng vấn hài lòng và một bài phỏng vấn tâm đắc

Chi Mai: Một cuộc phỏng vấn khiến mình hài lòng là khi mình cảm thấy rất thấu hiểu, đồng cảm, và khiến mình học được ít nhất một điều gì đó từ nhân vật, như thể tớ sẽ cảm thấy một tần số rung động rất rõ ràng giữa hai người. Mình thả lỏng, tập trung hoàn toàn vào câu chuyện, quên hết mọi thứ xung quanh. Nó không khác gì với một cuộc trò chuyện sâu đời thường, có điều mình vẫn sẽ đảm bảo mình khai thác đủ những thông tin cần thiết cho bài viết. 

Bài phỏng vấn đáng nhớ nhất của tớ cho đến nay là bài Proud Mama với chị Trang Hạ ngày 8/3/2023. Là một người con tương đối ngỗ nghịch (và luôn có xu hướng nhao lên bắt bẻ, đòi công bằng, đòi quyền lợi), mình tự thấy bản thân có quá nhiều thiên kiến. Nhưng trong buổi phỏng vấn đó, thay vì phán xét, tớ hiểu và thương tấm lòng của những người mẹ hơn. "Bạn 20 tuổi, tức là nỗi sợ của mẹ bạn đã kéo dài suốt 20 năm" - nghe đến câu này là trời ơi tim hẫng đi rất rất nhiều nhịp. 

"Bạn có để ý không, mỗi lần bạn bấm chuông cửa khi về đêm muộn là bố mẹ lao ra như đã chờ con từ rất lâu rồi. Bố mẹ thân ở trong nhà, nhưng lòng dạ thì lang thang bên ngoài. Và điều bạn có thể làm là chứng minh cho bố mẹ thấy con sẽ ổn và an toàn dù đi ngoài đường vào nửa đêm rạng sáng, con đã chuẩn bị đầy đủ để xử trí mọi tình huống, chỉ cần con bấm phím 1 là ngay lập tức điện thoại con kết nối với bố mẹ… Tất thảy những điều đó, dần dà, có thể làm an lòng những vị phụ huynh luôn nóng lòng mong ngóng đứa con. 

Vì thực ra, con muốn hư thì mấy giờ cũng hư được, chả cần chờ đến 10h tối!" 

Trước bài phỏng vấn này, thật ra mình đang tự có một cảm giác hơi… “chiến tranh lạnh" với mẹ, vì những bất đồng quan điểm từ nhỏ đến to trong cuộc sống hàng ngày. Đây là bài phỏng vấn duy nhất mà mình gửi mẹ đọc. Sau bài này, mối quan hệ của mình và mẹ trộm vía cũng cải thiện nhiều lắm. Mẹ con mình vẫn có những bất đồng, nhưng đã kiên nhẫn hơn, thấu hiểu hơn, chịu lắng nghe hơn và bình tĩnh với nhau hơn. 

Thu Thảo: Khi thấy câu hỏi này, một thước phim ký ức tua ngược trong mình - về rất nhiều buổi phỏng vấn mình từng trải qua. Mình nghĩ sự hài lòng sẽ đạt được nếu sau cuộc trò chuyện, mình biết thêm kiến thức mới, mình hiểu thêm về góc khuất trong nghề, mình khai thác được câu chuyện có giá trị, mình mở ra góc nhìn mới từ trải nghiệm của nhân vật - đem tới một bài viết giúp ích được cho độc giả của The Influencer và làm đầy thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm trong mình. 

Một buổi chiều cuối tuần đẹp trời, cùng nói nhiều câu chuyện về công việc và trải nghiệm cuộc sống với Host An Trương là buổi phỏng vấn mình ấn tượng và được truyền cảm hứng nhiều. Cũng là một người làm công việc “đặt câu hỏi" cho các nhân vật có tầm ảnh hưởng, ngoài thông tin phục vụ cho bài viết, cuộc trò chuyện với An là những giây phút tâm sự về công việc, rất chi tiết với nhiều dẫn chứng, số liệu cụ thể. 

Đó là sự đồng cảm khi cả hai đều từng lo lắng khi xuất hiện “khoảng im lặng… ngượng ngùng" trong một buổi talkshow, đều từng áp lực với việc phải dẫn dắt một buổi trò chuyện sao cho vừa khai thác được thông tin mà vừa gần gũi, đều gật gù khi đối phương chia sẻ sự thay đổi rõ ràng nhất sau khi làm công việc này là học được cách lắng nghe tốt hơn, đều vỗ tay nhất trí với thói quen chú ý cách mọi người trò chuyện, phân tích nhân vật, đặt câu hỏi trong nhiều chương trình phỏng vấn khác. 

Hơn hết, lý do thời điểm này mình nhớ tới buổi phỏng vấn cùng An Trương - là bởi hôm ấy, mình cũng đã hỏi An về cảm xúc khi đổi vai từ Host sang người được phỏng vấn - khác biệt như thế nào. Và cho tới hôm nay, mình đã được trải nghiệm “chuyển vai" - thêm một lần nữa đồng cảm với nhân vật đặc biệt này, để buổi chiều thu Hà Nội ấy càng thêm đáng nhớ trong mình. 

Trang: Một bài phỏng vấn khiến mình hài lòng là khi mình có những nhận thức bất ngờ về nhân vật, mình hiểu họ hơn ở khía cạnh con người, mình được chứng khiến họ ở những góc nhìn sống động hơn, riêng tư hơn, giàu cảm xúc hơn. Trước khi bước vào cuộc phỏng vấn, mình luôn có một sự hiểu biết nhất định nào đó về nhân vật, qua công việc của họ, qua những điều họ chia sẻ trên MXH… Nếu như sau cuộc trò chuyện, mình vẫn chỉ biết họ đến thế, thì mình thấy hơi tiếc. Khi hai con người cùng dành một khoảng thời gian chất lượng để chia sẻ và lắng nghe nhau, mình mong được nhìn thấy họ sâu hơn, chân thực hơn, không dừng lại ở những công việc họ làm hay những dự án họ tham gia. 

Trong hành trình làm The Influencer, có rất nhiều bài phỏng vấn mang lại cho mình cảm xúc và niềm vui. Đó là khi phỏng vấn Hoàng Hà ở thời điểm đỉnh cao của vai diễn Dao Ánh, để được nhìn thấy Hoàng Hà hồn nhiên, khiêm nhường và rất chú tâm trên hành trình sự nghiệp; là khi phỏng vấn tác giả sách Đặng Hoàng Giang về cuốn sách Đại Dương Đen và thế giới của người trầm cảm; là khi phỏng vấn Lê Cát Trọng Lý ở nhà Cẩm Chướng của chị trên Măng Đen, cả hai cười vang một góc sân,... Khó để chọn ra một bài cụ thể mà mình thấy tâm đắc nhất, sau mỗi cuộc gặp gỡ, mình lại thấy bản thân khiêm nhường hơn một chút, rộng mở hơn một chút, để được chiêm ngưỡng những con người đang hết lòng cho đam mê của họ. 

Cảm ơn Chi Mai, Thu Thảo và Trang. Chúc các bạn tận hưởng hành trình làm nghề của mình. 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa