Bắt đầu với Facebook, câu chuyện tạo ra mạng xã hội lớn nhất thế giới của Mark Zuckerberg đã trở thành lịch sử của thế giới công nghệ. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại với Facebook, Mark Zuckerberg còn tiến xa hơn thế.
Facebook được ra đời vào năm 2004, trở thành một cơn sốt lịch sử đối với toàn bộ người dùng thế giới. Được tạo ra cho các sinh viên Harvard, Facebook đã dần lan rộng ra toàn cầu bởi đặc điểm chia sẻ vượt trội của nó. Tiếp sau đó, Facebook Messenger, Facebook Watch và Facebook Portal lần lượt ra đời, phục vụ cho nhu cầu giải trí đa dụng của người dùng. Chỉ cần lướt một trang mạng xã hội, bạn có thể dễ dàng cập nhật tin tức, nhắn tin cùng bạn bè, tìm kiếm tư liệu hay thậm chí là giải trí nhờ các video ngắn. Ở giai đoạn này, Meta vẫn đang được biết đến với tên gọi là Facebook, Inc.
Năm 2012, Facebook quyết định mua lại Instagram - một trong những mạng xã hội lớn nhất nhì hiện tại. Khác với dịch vụ đa ngành như Facebook, Instagram đi sâu vào những bức ảnh và cho phép người dùng xây dựng hình ảnh cá nhân có cá tính và riêng biệt hơn. Mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD, đây được coi là thương vụ thành công nhất mà Facebook từng ra tay trong nhiều năm trở lại đây.
Ngoài Instagram, Facebook cũng từng mua lại WhatsApp - một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Châu Âu - vào năm 2014 với con số lên đến 19 tỷ USD - một con số khổng lồ khiến nhà đầu tư nào cũng phải bất ngờ. Nhiều người cho rằng đây chính là hình thức “mua để diệt” mà Facebook đang áp dụng vào những ứng dụng có nguy cơ ảnh hưởng đến chính mạng xã hội này, nhất là khi Instagram và WhatsApp thời điểm đó đang tạo ra mức lãi kỷ lục từ quảng cáo, thậm chí là cao hơn những gì YouTube có thể làm cho Google.
Vào năm 2021, cái tên Meta chính thức được ra mắt với công chúng. Đây cũng là khởi đầu cho một cuộc chơi mới của các ông lớn công nghệ khi AI được dự báo sẽ trở thành xu thế tương lai, hay cụ thể hơn chính là Metaverse - thế giới kỹ thuật số mà Mark Zuckerberg đang muốn phát triển. Tính đến năm 2022, các nền tảng trực thuộc Meta Platforms bao gồm Facebook, Messenger, Instagram và WhatsApp.
Sau nhiều thương vụ mua bán thành công, Meta bắt đầu tập trung phát triển các tính năng nổi bật của từng nền tảng, cú nổ lớn đầu tiên chính là Instagram Story vào năm 2017.
Sự xuất hiện của Instagram Story gần như thay đổi toàn bộ cuộc chơi mạng xã hội, trở thành cái nôi phát triển và kiếm tiền cho nhiều người dùng. Với định dạng dọc 9:16, thời gian tồn tại chỉ trong vòng 24 giờ, cho phép người dùng dẫn link, ghép nhạc, reup lại bài đăng từ một tài khoản khác, đánh dấu bạn bè, hay đơn giản chỉ là lưu trữ kỷ niệm ngắn hạn, Instagram Story đã khiến người dùng thay thế việc update status trên Facebook sang update Story hàng ngày. Tính năng này cũng giúp cho Instagram có thêm một đặc trưng khác khiến người dùng nhớ đến và yêu thích sử dụng. Không nằm ngoài xu hướng, Facebook cũng được Meta nhanh chóng cập nhật Story, cho phép người dùng đăng tải cùng lúc trên cả 2 nền tảng Instagram và Facebook. Thành công của Story còn khiến rất nhiều ông lớn khác phải đi theo, bao gồm của YouTube và TikTok sau này.
Năm 2020, nhận thấy xu hướng nội dung ngắn và sự bùng lên của TikTok, Meta một lần nữa ra mắt tính năng Reels trên Instagram, cho phép người dùng đăng tải các nội dung ngắn, ghép nhạc hay thậm chí là duet cùng nhau. Tuy nhiên, Reels lại không mang về thành công như những gì Meta mong chờ. Một mặt là sự phát triển mạnh mẽ của TikTok, mặt khác, hình ảnh của Instagram từ trước đến nay đều mang hơi hướng cao cấp và quảng cáo nhiều hơn so với những gì người dùng mong đợi ở một nền tảng giải trí bằng video giống như TikTok.
Đến năm 2022, Meta chính thức cho ra mắt Metaverse - một vũ trụ ảo được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt của tương lai. Metaverse là nơi thế giới vật lý và kỹ thuật số kết hợp với nhau, giúp mọi người có thể tương tác, làm việc, giải trí, gặp gỡ trong một chiều không gian ảo nhờ Oculus VR của Facebook. Dù chưa tiết lộ quá nhiều nhưng Metaverse được mong chờ sẽ trở thành công nghệ dòng chính sau 5-10 năm. Hiện dự án này vẫn đang được xây dựng và hoàn thiện, nhằm tạo ra một thế giới mới cho người dùng.
Là một trong những cú nổ lớn tiếp theo được Meta trình làng trong năm nay, Threads - một mạng xã hội được so sánh với Twitter - đã ra mắt vào tháng 7 vừa qua. Chỉ trong 7 tiếng ra mắt, Threads đã có hơn 10 triệu người đăng ký sử dụng, và con số này đã tăng lên 100 triệu người dùng chỉ trong 5 ngày - vượt qua kỷ lục của ChatGPT. Sự thành công này được cho là kế thừa từ Instagram - nền tảng được liên kết trực tiếp với Threads, cho phép chuyển danh sách người theo dõi sẵn có và tên tài khoản của người dùng từ Instagram. Mặt khác, trước sự điêu đứng mà Elon Musk đang tạo ra cho Twitter, Threads được kỳ vọng là sẽ trở thành mạng xã hội thay thế chú chim xanh.
Đọc thêm: Giải mã ChatGPT - từ khóa "rần rần" mạng xã hội thời gian qua
Được ra mắt vào ngày 6/7 vừa qua, Threads là nền tảng được liên kết trực tiếp với Instagram, cho phép người dùng đăng tải trạng thái - hay nói cách khác là ứng dụng trò chuyện bằng văn bản của Instagram. Threads có giao diện và cách sử dụng khá giống với Twitter, nổi bật như đăng tải các dòng tin nhắn ngắn, repost lại các trạng thái của người dùng mà bạn yêu thích, cho phép chia sẻ video dài 5 phút… Những đặc điểm này khiến người dùng không khỏi đặt lên bàn cân so sánh hai mạng xã hội với nhau. Hiện tại, mục tiêu của Threads đang là tập trung xây dựng nền tảng và gia tăng người đăng ký, ngoài ra quảng cáo sẽ được phát triển về sau.
Influencer Việt tích cực tham gia Threads
Giống như người dùng trên toàn cầu, Threads cũng mang lại sự thích thú cho cộng đồng Việt. Chỉ trong 1 tuần ngắn ngủi, mạng xã hội này đã trở thành từ khoá được thảo luận tích cực trên các nền tảng cũng như trang mạng truyền thông. Cùng với đó, nhiều Influencer cũng tích cực sử dụng Threads như một “cuốn nhật ký” hàng ngày, chia sẻ trạng thái và các khoảnh khắc ngẫu hứng, mang đến sự gần gũi cho các followers khi theo dõi. Song song, nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu xây dựng một số nội dung nhất định trên Threads, nổi bật như food review hay dưới dạng blogger chia sẻ trạng thái dễ thương, hài hước. Liên kết trực tiếp với Instagram, chính vì thế người dùng cũng có thể repost trạng thái từ Threads lên Instagram Story, từ đó dễ dàng tiếp cận được lượng người dùng cùng tương tác cao hơn qua cách thức này.
Mặc dù chưa thể hiện rõ định hướng phát triển cũng như những tính năng nổi bật hơn Twitter, nhưng sự xuất hiện của Threads, hay trước đấy là Reels đã thể hiện phần nào tham vọng của Meta khi muốn độc quyền sân chơi mạng xã hội. Nhiều người cho rằng nếu điều này xảy ra sẽ dễ dẫn đến tình trạng monopolist trong ngành công nghệ.