Nối tiếp bài viết “Vừng, Meichan, Mẫn Nhi chia sẻ về cách lắng nghe sâu trong một thế giới vội vã”, The Influencer tiếp tục mở rộng cuộc trò chuyện về sự lắng nghe với các influencer khác.
Trong bài viết này, chúng ta cùng khám phá 3 câu hỏi cũ:
với 3 góc nhìn mới của Phillip Lê, Lovving Family và Chi Phạm.
Phillip Le (ninomars) là nhiếp ảnh gia nổi tiếng đang làm việc tại New York (Mỹ), từng hợp tác với nhiều ngôi sao tại Việt Nam (Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi,..) và Hollywood (Selena Gomez, Karlie Kloss…). Anh cũng là một nhà sáng tạo nội dung đa nền tảng với kênh Youtube hơn 150k subscribers và kênh Instagram có 70k người theo dõi.
1, Khi nào bạn cảm thấy bản thân mình đang thực sự được lắng nghe?
Mình cảm thấy thực sự được lắng nghe khi người đối diện thấu hiểu và ghi nhớ cuộc trò chuyện giữa mình và họ. Cuộc trò chuyện không chỉ dừng lại ở vài câu hỏi nhỏ hằng ngày mà nó được gắn kết qua nhiều lần trò chuyện, hay qua sự quan sát của họ về mình trong mỗi cuộc hội thoại.
Khi người đối diện đầu tư và trao đổi góc nhìn của họ về câu chuyện của mình, cũng như khi mình đưa ra quan điểm và hiểu họ muốn truyền đạt những gì, lúc đó chắc chắn không chỉ mình sẽ cảm nhận được sự lắng nghe từ họ mà họ cũng cảm nhận điều tương tự từ mình.
2, Theo bạn, yếu tố nào (chủ quan và khách quan) đang cản trở chúng ta dành cho người đối diện sự lắng nghe trọn vẹn?
Sự phê phán và thiếu kiên nhẫn là hai yếu tố chủ quan khiến người đối diện cảm thấy tiêu cực và ngại chia sẻ. Nói cách khác, chúng ta dễ mắc phải một lỗi giao tiếp đó là muốn nhanh chóng đưa ra ý kiến để giải quyết vấn đề mà không dành thời gian để thực sự lắng nghe họ.
Còn về yếu tố khách quan thì thời gian và môi trường có thể dẫn đến việc giao tiếp không hiệu quả. Thông điệp truyền tải không rõ ràng sẽ cản trở việc lắng nghe trọn vẹn.
3, Bạn đã và đang thực hành lắng nghe sâu như thế nào trong cuộc sống?
Mình thực hành sống chậm lại và đầu tư thời gian để lắng nghe người xung quanh trước khi hành động hay nói ra một điều gì đó. Mình tập quan sát và xây dựng sự đồng cảm khi trò chuyện, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để lắng nghe. Khi đó, mình sẽ có được những mối quan hệ tích cực và đáng tin cậy trong cuộc sống.
Lovvin’ Family là sự kết hợp tổng hòa giữa 2 cá thể khác nhau - Đức Triệu và Linh Bùi. Hành trình từ những người bạn thân đến cặp vợ chồng sẵn sàng vì nhau mà thay đổi có lẽ cần sự lắng nghe sâu từ hai phía. Thứ tồn tại giữa cặp vợ chồng dễ thương này không chỉ là tình yêu mà còn là tình thương, sự thấu hiểu và lắng nghe tiếng nói của nhau.
1, Khi nào bạn cảm thấy bản thân mình đang thực sự được lắng nghe?
Linh: Mình cảm thấy bản thân được lắng nghe nhất khi trò chuyện với một người có tư duy mở và quan tâm đến cảm xúc của người đối diện. Người có tư duy mở sẽ luôn nhìn mọi thứ với ánh mắt khách quan, không phán xét, và chấp nhận ý kiến của người khác dù họ có thể không ủng hộ suy nghĩ đó. Việc quan tâm đến cảm xúc của người đối diện cũng thể hiện rằng họ tôn trọng mình, khiến mình dễ mở lòng và có cảm giác được lắng nghe.
Đức: Việc cảm thấy được lắng nghe đối với mình không hề vì việc này đòi hỏi phải đến từ hai phía. Người nói cần cảm thấy đủ an toàn, đủ thân cận để chia sẻ và người nghe phải đủ quan tâm, đủ cảm thông để đón nhận. Đôi khi, mình cảm thấy đối phương đang chờ tới lượt để thể hiện quan điểm cá nhân, và đó là điều khiến mình cảm thấy không được lắng nghe và dừng chia sẻ.
2, Theo bạn, yếu tố nào (chủ quan và khách quan) đang cản trở chúng ta dành cho người đối diện sự lắng nghe trọn vẹn?
Linh: Lý do lớn nhất có lẽ là mỗi chúng ta đều đang đặt cái tôi quá lớn trong một mối quan hệ. Đôi khi, một người chỉ cần được lắng nghe, cần sự quan tâm để giãi bày tâm tư. Nhưng chúng ta lại đặt cái tôi của bản thân vào câu chuyện và đưa ra những nhận xét chủ quan. Khi đó, họ sẽ cảm thấy dè dặt hơn khi chia sẻ và mở lòng.
Đức: Mình nghĩ nhu cầu thể hiện cái tôi cá nhân, chứng minh bản thân là bản năng của con người. Một cách tích cực, điều này rất quan trọng để ta tìm kiếm một chỗ đứng trong cuộc sống, nhưng trong những mối quan hệ thân thiết, cái tôi lại làm ta đánh mất khả năng lắng nghe một cách trọn vẹn.
Đọc thêm: Lovvin Family: Năm đầu tiên yêu nhau, Đức đã biết mình muốn cưới Linh làm vợ
3, Bạn đã và đang thực hành lắng nghe sâu như thế nào trong cuộc sống?
Linh: Thú thật mình là người có cái tôi cao nên việc mình tập trung cải thiện nhất chính là bỏ cái tôi sang một bên khi lắng nghe người khác. Kể cả khi những chia sẻ của họ đi ngược lại với những gì mình tin tưởng thì mình sẽ tập nghĩ là “ồ, đây là một góc nhìn cuộc sống rất thú vị”. Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
Đức: Tuy là một người hướng nội, nhưng mình rất thích tìm hiểu về mọi người xung quanh, tìm hiểu họ nghĩ gì, tư duy của họ ra sao và cách họ nhìn nhận các vấn đề khác mình như thế nào. Mình luôn cảm thấy mỗi người có thật nhiều điều thú vị và việc lắng nghe họ giúp mình học hỏi được rất nhiều. Cũng nhờ suy nghĩ đó cùng với sự cảm thông với người khác, mình có thể dành sự lắng nghe cho những người xung quanh.
Là một người theo đuổi nghệ thuật từ sớm, Chi Phạm đã có thời gian là người mẫu, diễn viên nhạc kịch, diễn viên phim ngắn và tham gia diễn xuất trong một số MV ca nhạc. Tưởng chừng sẽ dấn thân vào con đường nghệ thuật một cách chuyên nghiệp nhưng khi Covid-19 ập đến, cô nàng đã “trốn” vào Đà Lạt và theo học bộ môn Yoga tại đây, tham gia các khóa đào tạo Yoga cùng các khóa học trị liệu trong ngành y học cổ truyền của Ấn Độ. Sau khi về Hà Nội một thời gian, hiện tại, Chi Phạm đã quay trở lại Đà Lạt, bước sang hành trình mới nhiều trải nghiệm muôn màu về cuộc sống hôn nhân, hành trình làm cha mẹ tại đây.
1, Chào Chi Phạm, khi nào bạn cảm thấy bản thân mình đang thực sự được lắng nghe?
Mình là một người khá nhạy cảm nên có thể thông qua sự cảm nhận và quan sát để biết được ai đang lắng nghe mình. Khi cảm thấy an toàn, mình có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc, kể ra những điều thầm kín mà không lo sợ bị phán xét hay trỉ trích. Mình có thể nói ra mà không bị một lực phản lại hay bị họ khuyên bảo, giáo điều khi mình chưa yêu cầu.
Có thể thông qua vài điều cơ bản này để biết được họ có đang thực sự lắng nghe mình hay không:
2, Theo bạn, yếu tố nào đang cản trở chúng ta dành cho người đối diện sự lắng nghe trọn vẹn?
Mình nghĩ yếu tố lớn nhất cản trở sự lắng nghe là bản ngã của chính chúng ta. Chúng ta nghĩ mình khác biệt với mọi người, chúng ta muốn kiểm soát, áp đặt quan điểm cá nhân lên câu chuyện của họ. Chúng ta dễ phán xét, đưa ra lời khuyên mặc dù bản thân không phải là người trải nghiệm hoàn cảnh đó. Chúng ta trở nên thiếu đồng cảm với nỗi khổ, với vấn đề của người khác.
Trong xã hội ngày nay, con người ngày càng sống nhanh, sống gấp, kèm theo là chứng nghiện đau khổ truyền từ bao thế hệ trước, những câu chuyện tiêu cực, khổ đau sẽ thu hút chúng ta hơn. Thật khó để ngồi lại nói chuyện sâu sắc với ai đó, thật khó để bộc bạch những điều thầm kín hay những điều khổ đau trong trái tim mình vì mọi người thiếu sự đồng cảm vì ngay chính họ cũng còn chưa đồng cảm với chính mình.
Cuộc sống này đơn giản lắm. Nếu bạn tin là như vậy. Hãy để việc lắng nghe đơn giản chỉ là nghe thôi, mà không cần có bất kì một hành động nào khác đi kèm như: nói, nghĩ.
Khi lắng nghe ai đó mà trong đầu bạn còn liên tưởng đủ thứ, vẽ ra bao câu chuyện, tâm trí bạn dẫn dắt và tưởng tượng đủ thứ thì lúc đó bạn không còn lắng nghe nữa. Nghe tưởng dễ mà lại không dễ đối với những ai tâm trí xáo động khó trở về với thực tại.
Bạn hoàn toàn lắng nghe ai đó là khi bạn để tâm rỗng lặng, không có cái tôi, không có bạn trong câu chuyện của họ. Bạn trở thành cái nghe ấy rồi. Bạn và sự lắng nghe hoà vào làm một. Khi lắng nghe với sự chú tâm và mở rộng trái tim mình, bạn sẽ nhận được thông điệp cho chính bạn trong câu chuyện của họ.
Với tất cả những người bạn gặp dù lạ hay quen, dù yêu hay ghét, dù xa hay gần, bạn kết nối với họ trong giây phút hiện tại tức là bạn đang soi chính mình trong một chiếc gương. Bất kỳ ai cũng đều là những chiếc gương để bạn tự soi lại chính mình, đều có những thông điệp mà Vũ Trụ thông qua người đó muốn gửi đến cho bạn. Hãy lắng lòng xuống, chịu buông đi cái tôi nghĩ mình tách biệt với mọi người và lắng nghe những thông điệp mà mỗi người mang tới cho bạn.
Đọc thêm: [WhatIs - Cân Bằng] - Chi Phạm: Hành trình bỏ Hà Nội vào Đà Lạt tìm lại sự cân bằng qua bộ môn Yoga
3, Bạn đã và đang thực hành lắng nghe sâu như thế nào trong cuộc sống?
Từ khi còn là một đứa trẻ, mình đã là thích quan sát hơn giao tiếp. Mình quan sát tất cả mọi thứ, niềm vui và cả nỗi khổ đau của những người xung quanh. Nhưng một đứa trẻ thì rất hồn nhiên và không có quá nhiều điều trong tâm trí, vậy nên nghe đơn giản là nghe thôi. Mình được tôi luyện từ bé về cách lắng-nghe-như-mọi-thứ vẫn-là. Đến khi nhận thức rõ ràng, mình nhận biết rằng mình có khả năng lắng nghe người khác. Đó vừa là một sức mạnh “thiên bẩm” mà cũng là do hoàn cảnh tạo nên.
Mình bắt đầu hành trình đi sâu vào nội tâm được khoảng 4 năm nay. Trong thời gian này mình biết tới từ khoá “Compassionate Listening” - lắng nghe từ bi. Mình đã thực hành xuyên suốt, bất cứ khi nào giữ được nhận thực rõ ràng. Cụ thể, mình thực hành hoàn toàn chú tâm vào câu chuyện của họ, mình luôn giao tiếp bằng mắt khi họ kể chuyện, mình hướng về trái tim mình và mở rộng nó. Mình thả lỏng, chỉ tập trung vào câu chuyện họ kể và hơi thở của mình.
Khi một người dám nói và một người khác lắng nghe thực sự, quá trình chữa lành bắt đầu diễn ra. Chữa lành cho cả hai bên vì chúng ta là những chiếc gương soi cho nhau.
Mình cũng chia sẻ cách lắng nghe thấu cảm cho cộng đồng những bạn có kết nối với mình, với những vòng tròn, workshop, khoá học mà mình tổ chức. Mình chia mọi người những cặp 1:1 và để họ có dịp để cùng học cách thấu hiểu người khác thông qua kỹ năng lắng nghe sâu này.
Điều cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất. Trước khi có thể lắng nghe người khác, bạn cần biết lắng nghe chính mình. Lắng nghe xem linh hồn bạn đang muốn nói điều gì. Nếu tự nói chuyện một mình có vẻ hơi “kì dị” thì viết nhật ký là một cách hữu hiệu và đã cứu giúp bản thân mình rất nhiều. Mình dùng việc viết để thấu hiểu bản thân, để xả đi những gì không còn phù hợp, để làm bạn tâm giao với chính mình. Các bạn có thể thực hành viết nhật ký mỗi ngày, hãy đặt ra cho mình thật nhiều câu hỏi và tự trả lời, hãy viết ra những cảm xúc, câu chuyện mà bản thân. Không ai hiểu rõ bạn hơn chính bạn. Đó là bước đầu tiên để mình đi đến lắng nghe thấu hiểu và có được sự đồng cảm với người khác.
Cảm ơn chia sẻ của các bạn. Chúc chúng ta luôn đủ bình tĩnh và yêu thương để dành cho nhau sự lắng nghe trọn vẹn.