Trước khi chính thức bắt tay vào việc viết bài, tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nho nhỏ với chính những người “đồng ngành” để xem ở cái thời mà họ vẫn còn là “tấm chiếu mới” chưa trải với đời… ngành, hai chữ “influencer marketing” gợi lên trong họ điều gì.
Dưới đây, The Influencer sẽ cùng độc giả “mổ xẻ” những điều người ta thường nghĩ về influencer marketing. Thực lòng mà nói, chúng ta vẫn vô thức áp đặt định kiến lên mọi ngành, mọi nghề; đặc biệt là một lĩnh vực vừa mới mẻ, vừa có sự góp mặt của nhiều “ngôi sao sáng”, vừa mang vẻ “tiền nhiều để làm gì” đầy hào nhoáng như influencer marketing.
Trong suốt quá trình phỏng vấn, từ được gọi tên nhiều nhất là “giàu”. Nhãn hàng phải giàu thì mới dám book một dàn celeb hạng A với sao hạng nhất! Mà influencer, đã mang trên mình một (hoặc vài) nền tảng cả trăm ngàn, cả triệu follow, bài quảng cáo lên ầm ầm tới tấp, ắt hẳn phải “kiếm ác” ấy chứ nhỉ! Chưa bàn đến số tiền influencer nhận được sau phi vụ hợp tác cùng nhãn hàng, chỉ riêng việc họ nhận một cơn mưa quà tặng với những sản phẩm từ bình dân tới cao cấp, được tài trợ chi phí đi du lịch sang chảnh, chụp ảnh đẹp lung linh - tất cả đã vẽ lên một bức tranh về một đời sống influencer rất “giàu” trong mắt công chứng - giàu tiền, giàu trải nghiệm, giàu cảm hứng.
Sự thật thì:
Nếu chỉ nhìn vào bề nổi, công việc của một influencer quả là thuận tiện. Nhận brief từ nhãn hàng hoặc agency, set up “sương sương”, make up xinh đẹp chuẩn chỉnh, cầm sản phẩm lên và “tách tách” - xong job! Ngoài ra, influencer cũng không có thời gian làm việc cố định. Họ toàn quyền quyết định thời gian biểu cá nhân, có thể ngủ khi phần còn lại của thế giới đang cật lực làm việc, có thể tự do rong ruổi trên các miền đất mới khi những nhân viên văn phòng vẫn dính chặt vào không gian bao quanh bởi bốn bức tường.
Thế nhưng, nếu nhìn kỹ hơn vào phần chìm của tảng băng, thực tế nghề influencer đòi hỏi nhiều hơn thế. Để phát triển và sinh tồn, influencer buộc phải xây dựng được một “hình ảnh thương hiệu”, một dấu ấn cá nhân. Đây không phải việc họ có thể làm được trong ngày một, ngày hai; influencer phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để thử-và-sai, để tìm hiểu, để mày mò cho tới khi họ khám phá và phát triển “unique selling points” của mình.
Mọi người thường nghĩ, influencer là một nghề thật chảnh, thật sang, thật giàu có. Nhưng có gì đằng sau cuộc sống “trong mơ” ấy mà người thường không thể nhìn thấy được? Nguồn: The A List.
Thời gian làm việc linh hoạt của influencer cũng phải một giấc mơ như nhiều người thường nghĩ. Họ không có một khung thời gian làm việc do pháp luật hay doanh nghiệp quy định, vì họ là một người-làm-toàn-thời-gian đúng nghĩa. Họ phải cực kỳ “active” trên các trang mạng xã hội, cập nhật liên tục, đăng bài thường xuyên ngay cả trong cuối tuần hoặc kỳ nghỉ. Không có một khái niệm cụ thể như “cuối tuần” hay “nghỉ phép” đối với những ai đang theo đuổi nghề influencer.
Làm influencer cũng không đồng nghĩa với việc có nhiều thời gian nghỉ ngơi rảnh rỗi. Gia đình Cam Cam từng chia sẻ rằng, việc họ chỉ được ngủ 4 tiếng mỗi ngày là điều hết sức bình thường để đảm bảo tần suất cực lớn của công việc. Đây không phải câu chuyện riêng của một mình nhà Kiên Hoàng - Loan Hoàng, mà là “nỗi khổ” chung của hầu hết influencer. Đúng, họ có sự thành công, có sự nổi tiếng, có tiền bạc. Nhưng họ cũng phải đánh đổi một cái giá tương xứng - sức khỏe, công sức, thời gian cho bản thân, gia đình và các mối quan hệ khác.
Nghề influencer không “ngồi mát ăn bát vàng” như nhiều người lầm tưởng.
Không thể phủ nhận rằng nghề influencer mang lại một nguồn thu nhập tương đối tốt. Tuy nhiên, influencer cũng phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để duy trì hình ảnh, cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhìn chung, đại đa số các influencers sẽ phải đầu tư vào nhân sự, vào máy móc, và vào bản thân influencer.
Đi liền với từ “giàu” là một câu hỏi cũng xuất hiện nhiều không kém: “Nhãn hàng phải giàu đến mức nào để chi tiền mời từng nấy influencer nhỉ?”
Sự thật thì:
Chìa khóa của những dự án hợp tác thành công giữa nhãn hàng và influencer không nhất thiết phải nằm ở những hợp đồng “bạc tỉ” hay những ngôi sao lớn. Tiêu chí quan trọng nhất khi nhãn hàng lựa chọn influencer vẫn là sự tương đồng và phù hợp.
Tùy thuộc vào ngân sách và mục tiêu chiến dịch, nhãn hàng hoàn toàn có thể đưa ra những tiêu chí cụ thể để lựa chọn những influencer phù hợp nhất. Chẳng hạn, một thương hiệu tã bỉm không có nhiều ngân sách cho hoạt động influencer marketing có thể hợp tác với các Micro Mom - những người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng các “bà mẹ bỉm sữa” để “tấn công trực diện” nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng của mình. Vậy là nhãn hàng đã thành công “bắn một mũi tên trúng hai đích” - vừa tiết kiệm ngân sách, vừa đảm bảo sản phẩm của mình đến được với đúng người dùng mục tiêu.
Không book ngôi sao điện ảnh này, ca sĩ “nam thần” kia, chiến dịch “Đấu trường mùa đông 2020” của Clear Men & Garena vẫn xuất sắc ghi tên mình vào TOP 3 Chiến dịch nổi bật trên Social Media tháng 10/2020, đạt TOP 2 về lượng thảo luận theo BXH BSI. Thành công của chiến dịch này nằm ở sự thấu hiểu người dùng mục tiêu của nhãn hàng, cùng với đó là sự khôn ngoan khi lựa chọn những gương mặt hợp tác. Chiến dịch “Đấu trường mùa đông 2020” có sự tham gia của hàng loạt những streamer tiếng tăm - chính là những người có sức ảnh hưởng đến khách hàng của Clear Men & Garena - như K.A, Lai Bâng, Turtle, Kéo Rank TV, Hoa Nhật Huỳnh, Công Kiên… Cùng với đó, nhãn hàng cũng đưa ra những scope of work phù hợp - lồng ghép sản phẩm và chương trình ưu đãi trong các buổi stream game, đăng tải video hướng dẫn cách gank vật phẩm và quà tặng đặc biệt... Tất cả những chiến thuật này đã giúp Clear Men và Garena thu hút lượng tương tác khổng lồ, “thắng đậm” trên khía cạnh truyền thông dù không đi cùng một celeb hạng A nào.
Lựa chọn influencer phù hợp nhất thay vì influencer nổi tiếng nhất - Một bí kíp “vàng” mà nhãn hàng nên ghi nhớ và tận dụng triệt để. Nguồn: The A List.
Trong năm 2020, xu hướng influencer marketing cũng có sự chuyển dịch từ celebrities sang micro influencer. Chi phí hợp tác với micro influencer tiết kiệm hơn, nhưng họ có thể đem lại tỷ lệ tương tác cao gấp 3 lần cho nhãn hàng. Điều này được lý giải bởi hai yếu tố: sự gần gũi và đáng tin cậy, “cầu nối” giúp họ tiếp cận và chinh phục nhóm khách hàng tiềm năng. Sự dịch chuyển này cũng tạo cơ hội cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác thị trường influencer marketing đầy rộng mở.
Đọc thêm: Gen Z tin ai hơn? Người nổi tiếng hay influencer trên mạng xã hội?
Một cụm từ khác - xuất hiện ít hơn, nhưng không hề kém phần long trọng - là... “không biết”. Thực lòng, một số người ngoài ngành, và vài người trong ngành - thuở “ngày xưa lúc thơ bé” - đã không nhận thức được rằng có một nghề gọi là NGHỀ INFLUENCER, cũng không cho rằng influencer marketing là một thị trường đủ lớn để khai thác.
Sự thật là:
Theo báo cáo do Influencer Marketing Hub thực hiện, thị trường influencer marketing thực hiện được dự đoán sẽ đạt tổng giá trị 13.8 tỷ đô trong năm 2021. Dù nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng doanh thu của thị trường influencer marketing sẽ sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID, thực tế đã cho thấy thị trường này vẫn tiếp tục tăng trưởng ngay cả trong thời dịch bệnh. Chỉ riêng trong năm 2019, hơn 380 agency và nền tảng về influencer marketing đã được ra mắt.
Báo cáo cũng chỉ ra tầm quan trọng của influencer marketing trong kế hoạch truyền thông của các nhãn hàng.75% các thương hiệu dự định dành ra một khoản ngân sách dành riêng cho influencer marketing trong năm 2021. 91% người được hỏi cũng đồng tình rằng influencer marketing chính là một hình thức marketing cực kỳ hiệu quả.
Influencer Marketing - công cụ marketing tiềm năng trong thời đại số. Nguồn: The A List.
Những con số trên đã phần nào cho thấy một bức tranh toàn cảnh đầy tiềm năng và sôi động của thị trường influencer marketing. Tại Việt Nam, dù influencer marketing chỉ mới thực sự “lên ngôi” trong một vài năm trở lại đây, công cụ này đã ngay lập tức trở thành một “vũ khí tối thượng” trong các chiến dịch truyền thông. Việc những ngôi sao lớn, các streamer, TikToker, đến cả các mẹ bỉm sữa liên tục hợp tác với các nhãn hàng từ to đến nhỏ với những nội dung công việc đa dạng chính là minh chứng cho điều này. Đồng thời, sự tin tưởng của người tiêu dùng vào influencer cũng là một trong những lý do đằng sau sự trỗi dậy mạnh mẽ của hình thức marketing này. Theo Vero Asean, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam thuộc thế hệ gen Y và gen Z - đối tượng tiềm năng của rất nhiều nhãn hàng - đều có xu hướng tin tưởng vào influencer, đặc biệt là những blogger, streamer, vlogger trên các nền tảng trực tuyến.
Sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội cùng sức ảnh hưởng ngày một rõ rệt của thế hệ influencer không chỉ cho ra đời một hình thức marketing, một lĩnh vực hoàn toàn mới - influencer marketing, mà còn thu hẹp khoảng cách giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Cho dù ở ngoài kia vẫn còn tồn tại những định kiến - cả đúng, cả sai - cùng những hoài nghi, không thể phủ nhận rằng influencer marketing đã đem đến một làn gió mới cho cách làm marketing trong thời đại số, thỏa mãn những xu hướng và hành vi của người tiêu dùng.