#MentalHeal: Doanh nghiệp học được gì từ những thực hành về chăm sóc sức khỏe tâm thần của giới thể thao?

Với các vận động viên nổi tiếng, sức khỏe tâm thần là vấn đề được họ đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, trong ngành thể thao nói chung đã xuất hiện những nỗ lực tập thể nhằm mang đến những thay đổi quan trọng về câu chuyện này. Từ đó, các lãnh đạo doanh nghiệp có thể rút ra 4 bài học nhằm chuyển hóa tích cực tình trạng sức khỏe tâm thần cho nhân viên của họ.
Mai Chi
19/10/2021
#MentalHeal: Doanh nghiệp học được gì từ những thực hành về chăm sóc sức khỏe tâm thần của giới thể thao?

Tháng 5/2021, ngôi sao tennis Naomi Osaka tuyên bố rút khỏi giải Pháp mở rộng vì lý do sức khỏe tâm thần. Thông báo này đã khiến truyền thông - báo chí bùng nổ với những lời động viên, ủng hộ và khích lệ từ người hâm mộ toàn cầu. Các ngôi sao thể thao nổi tiếng như Serena Williams, Usain Bolt, hay Michael Phelps - vận động viên bơi lội huyền thoại người Mỹ đã và đang vật lộn với trầm cảm - cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ quyết định của Osaka. Calm - một ứng dụng về chăm sóc sức khỏe tâm thần - trở nên nổi tiếng ngay sau khi quyết định chi trả toàn bộ khoản tiền phạt của Osaka sau khi rút khỏi giải đấu. Không lâu sau, vận động viên thể dục dụng cụ Simone Biles cũng tự nguyện rút khỏi một số sự kiện tại Thế vận hội Olympics. Điều này đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận trên toàn cầu về vấn đề sức khỏe tâm thần trong thể thao. 

Đọc thêm: #MentalHeal: Câu chuyện trầm cảm của những huyền thoại thể thao

Khi những nhân vật thể thao thể hiện sự ưu tiên về khía cạnh sức khỏe tâm thần, họ đã góp phần tạo ra một sự thay đổi quan trọng trong ngành thể thao. Những câu chuyện của họ giúp nâng cao nhận thức về những tác động tiềm tàng của nghề nghiệp lên sức khoẻ tâm lý, tinh thần, tâm thần của các vận động viên. Không những vậy, họ còn phải đối mặt với những kỳ vọng không dứt về sự nỗ lực không ngừng và những màn thể hiện hoàn hảo, áp lực kinh khủng từ người hâm mộ, báo chí, truyền thông, động lực luyện tập không ngừng để vượt qua đối thủ, và tuổi nghề tương đối ngắn ngủi. Sự nghiệp của họ có thể tiêu tan trong phút chốc chỉ vì một chấn thương không ngờ tới. 

Trong các doanh nghiệp, số lượng cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần đã tăng lên rõ rệt, sau khi chúng ta chứng kiến những tác động tiêu cực của đại dịch lên sức khỏe tâm thần của nhân viên. Nhiều công ty đang tiến hành sửa đổi và chuyển dịch sự tập trung vào chiến lược về sức khỏe của toàn bộ doanh nghiệp. 

Có rất nhiều bài học mà các lãnh đạo doanh nghiệp có thể học hỏi từ câu chuyện của những nhân vật thể thao. Dưới đây, The Influencer sẽ chia sẻ với bạn bốn chiến lược mà các nhà lãnh đạo đang áp dụng nhằm hỗ trợ tình trạng sức khỏe tâm thần cho nhân viên của họ. 


1, “Check in" với những lãnh đạo cấp cao 

Từ câu chuyện trầm cảm của những ngôi sao thể thao, chúng ta có thể nhìn thấy một điều: Sự thành công của một người trong một lĩnh vực cụ thể hoàn toàn không đồng nghĩa với việc họ có một thể trạng sức khỏe tâm thần hoàn hảo. Không chỉ có vậy, việc trở thành tâm điểm trên thực tế còn gia tăng áp lực, cảm giác cô độc và trách nhiệm phải gồng gánh hết sức trong những giai đoạn khó khăn. Ví dụ, cầu thủ CLB Liverpool Andy Robertson thừa nhận rằng trầm cảm đã “hạ gục" anh bằng đòn đau đớn nhất khi anh “thành danh". Với tất cả sự nổi tiếng mà anh có, khi người ta ngừng hỏi anh “Anh thế nào?”. Sau cùng, trong mắt họ, anh vẫn là một cầu thủ sáng giá với thu nhập đáng mơ ước, anh đang được đá tại một trong những CLB bóng đá lớn nhất hành tinh. Điều tồi tệ nào có thể xảy đến với anh cơ chứ? 

Quill Cloud

Trong thế giới kinh doanh, chúng ta cần tách tạch giữa hiệu suất làm việc khách quan và vấn đề sức khỏe tâm thần. Khi tiếp xúc với những lãnh đạo thành đạt nhất, sẽ chẳng có gì sai hay bất thường khi chúng ta hỏi họ, “Anh/chị thế nào?” Những quản lý cấp cao có thể được trao cơ hội tham gia các buổi khai vấn dành cho lãnh đạo, để họ tìm thấy lối thoát và có cơ hội được kiểm tra sức khỏe tâm thần định kỳ. 

Một chiến lược khác mà doanh nghiệp có thể áp dụng là dành một khoảng thời gian để các thành viên check-in với nhau vào đầu mỗi buổi họp. Mỗi người sẽ có cơ hội chia sẻ những cảm xúc mà họ đang có. Sự thực hành này tạo ra không gian để tất cả mọi người đều được lắng nghe. Sự an toàn về tâm lý trong các đội nhóm ở doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một không gian cởi mở, không phán xét để mọi người được tự do chia sẻ. 

Đọc thêm: #Mentalheal Nói về sức khỏe một cách không khô khan, 03 chiến dịch được giải D&AD đã sáng tạo thế nào? 


2, Ôm lấy những tổn thương của mình

Trước đây, quyền lực, sức mạnh và sắt đá là những “văn hóa" chiếm lĩnh cả hai địa hạt thể thao và quản lý. Chẳng hạn, câu khẩu hiệu một thời của IOC là “Faster, Higher, Stronger" (tạm dịch: nhanh hơn, cao hơn, mạnh mẽ hơn) - một thông điệp có khả năng làm dấy lên cảm giác nhục nhã và chối bỏ khi một người nhìn thấy những thương tổn và mềm yếu bên trong mình. 

Quill Cloud

Dưới góc nhìn của những quan niệm cũ kỹ, việc la hét, mắng mỏ, làm nhục khi một người mắc lỗi là cách người ta “giúp nhau cứng rắn hơn về tinh thần". Nhưng dần dần, hành vi này đã bị loại bỏ. Bấy lâu nay, những nhà tâm lý học trong lĩnh vực thể thao đã hiểu rằng những huấn luyện viên có những hành vi “bắt nạt" kể trên hoàn toàn không giúp ích gì trong việc đưa cầu thủ trở thành những vận động viên hàng đầu, mà trái lại, càng khiến họ thêm sợ hãi để thử sức, để sai và sửa. Sau cùng, nỗi sợ ấy sẽ khiến họ liên tục mắc lỗi khi thi đấu, và càng nung nấu trong họ quyết tâm từ bỏ. Tương tự, phong cách lãnh đạo mang tính chèn ép và lạm dụng ở nơi làm việc cũng có thể dẫn đến tình trạng lo âu, kiệt quệ về cảm xúc, mất ngủ, nghiện rượu, và trầm cảm ở các nhân viên.

Thống kê cho thấy trong một năm bất kỳ, cứ bốn người thì sẽ có một người xuất hiện những triệu chứng bất ổn về sức khỏe tinh thần. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự kỳ thị xung quanh vấn đề này vẫn phổ biến, và điều đó tiếp tục là rào cản khiến những người mắc bệnh tâm lý không tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài. Họ có xu hướng trốn tránh những câu hỏi về sức khỏe tâm thần. Ngoài mặt, họ cố tỏ ra hạnh phúc, hài lòng và viên mãn. Họ tránh tiếp xúc, tìm hiểu, làm quen những đồng nghiệp của mình ở góc độ cá nhân. Những hành vi này, về lâu dài, sẽ càng gia tăng cảm giác mệt mỏi trong họ, và nếu không may mắn, họ có thể bị chính đồng nghiệp và quản lý đánh giá là kém chân thành. 

Tại nơi làm việc, các nhà lãnh đạo có thể “bình thường hóa" các cuộc trò chuyện xung quanh những cảm xúc khó khăn nói riêng và sức khỏe tâm thần nói chung. Họ có thể dẫn dắt bằng cách chủ động chia sẻ câu chuyện cá nhân, và những mặt dễ tổn thương của mình. Chẳng hạn, CEO của Virgin Money, Jayne-Anne Gadhia, đã từng mở lòng về cuộc chiến của cô với trầm cảm sau sinh và ý định tự tử. Các nhà lãnh đạo cũng có thể khuyến khích đội ngũ của họ cởi mở hơn về cảm xúc của họ, nhất là trong những thời điểm khó khăn. 

Kaspar Schmeichel, một cầu thủ bóng đá người Đan Mạch, đã đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần của toàn đội bóng ngay sau khi một người đồng đội của họ bị ngưng tim trong một trận đấu tại Euro 2020:

Quill Cloud

Trở thành một tấm gương tốt không phải một việc đơn giản. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo cần nâng cao sự tự nhận thức về bản thân (mình có ổn không?), ôm lấy những tổn thương của mình (có lẽ mình đang thực sự không ổn), thúc đẩy khả năng đồng cảm và nhận thức với cảm xúc của người khác (họ có ổn không?). Cuối cùng, họ cần có lòng can đảm và sự cam kết để yêu cầu, đề xuất, và thực sự nhận được sự giúp đỡ. 


3, Theo dõi và ưu tiên sự phục hồi tinh thần 

Trong thể thao, cả cơ thể lẫn tinh thần của vận động viên cần hồi phục trước khi họ có thể thi đấu với khả năng tối đa. Do đó, họ phải để tâm đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Các tạp chí nghiên cứu về lĩnh vực thành tích, tâm lý và quản lý trong thể thao đã đề cập đến cách đo lường mức độ phục hồi của thể chất và tinh thần sau những giai đoạn thi đấu căng thẳng, và vì sao việc phục hồi là cần thiết. Các vận động viên và đội ngũ y tế của họ cũng dùng ứng dụng để quan sát các chỉ số như giấc ngủ, số liệu thành tích, và kết quả biomarker, từ đó theo dõi sức khỏe của vận động viên, phòng tránh tổn thương, và sắp xếp lịch trình cũng như cường độ luyện tập của họ. 

Mặt khác, những nghiên cứu và tạp chí trong lĩnh vực quản lý lại có phần lơ là hơn trong việc đề cập đến nhu cầu phục hồi tại nơi làm việc. Trên thực tế, các thành viên của doanh nghiệp thường không được nghỉ ngơi và phục hồi đầy đủ, điều này cũng góp phần khiến tình trạng sức khỏe tâm thần của họ tệ đi. Ngoài ra, hoàn toàn không có một cơ sở khoa học nào chứng minh được rằng nếu chúng ta ngủ ít đi, chúng ta sẽ làm được nhiều việc hơn. Ngược lại, giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp đẩy mạnh hiệu suất, trí nhớ, năng suất, chức năng miễn dịch, và điều tiết cảm xúc. 

Bên cạnh đó, mỗi người phải chủ động và liên tục tự hỏi bản thân: Làm thế nào để mình phục hồi về mặt tinh thần, với tất cả những áp lực và cường độ của mỗi ngày, mỗi tuần, của 18 tháng qua? 

Quill Cloud

Các doanh nghiệp đang cố gắng bắt nhịp cùng xu hướng này, với sự khắc ghi về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn, trụ sở tại London của LEGO Group đã bố trí một khu vực “động nghỉ ngơi", còn trụ sở của Facebook cũng sắp xếp một khu vườn trên tầng thượng với những lối đi bộ cho nhân viên, sau khi nghiên cứu chỉ ra rằng thiên nhiên có khả năng “chữa lành" và mang lại nguồn năng lượng tích cực. Trong thế giới của những kết nối ảo, các nhà lãnh đạo cũng có thể cân nhắc đến những buổi yoga online, hay một số cơ hội để nhân viên được hoàn toàn ngắt kết nối. Ví dụ, vào thứ tư hàng tuần, công ty Lazada tại Việt Nam sẽ thực hành Buổi Sáng Thứ Tư Tĩnh Lặng (Pause Wednesday Morning). Nhân viên được khuyến khích không họp, gửi mail hay nhắn tin cho nhau nếu không phải trường hợp khẩn cấp, để mọi người có cơ hội tập trung tuyệt đối vào công việc riêng của mình. Các công ty lớn như Coca-Cola, Lazada hay Ogilvy Việt Nam cũng triển khai mô hình Half Friday Off - vào ngày thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng, toàn bộ nhân viên sẽ được nghỉ để tham gia các hoạt động team building với công ty, hoặc dành thời gian cho bản thân mình. 

Tại môi trường làm việc, tất cả mọi người nên có không gian cùng chia sẻ với nhau những bí quyết nạp năng lượng, nghỉ ngơi hiệu quả sau những giai đoạn bận rộn, căng thẳng. Các nhân viên cần học cách xác định những tác nhân căng thẳng đang làm cạn kiệt năng lượng tinh thần của họ, từ đó phát triển một “bộ cẩm nang cá nhân", đưa ra những giới hạn và kế hoạch để nghỉ ngơi, phục hồi sau công việc. Họ phải làm điều này càng sớm càng tốt, trước khi họ chạm đến “điểm rơi" của mình và hoàn toàn kiệt sức. 


4, Xây dựng một mạng lưới hỗ trợ 

“Nếu ta chỉ có một mình, ta thật nhỏ bé. Nhưng nếu ta sát cánh bên nhau, ta trở thành những người khổng lồ". Thể thao không phải thế giới duy nhất kêu gọi sự đoàn kết và thống nhất. Trong giới doanh nghiệp, người ta ngày càng chú trọng sức mạnh của đội nhóm, của mạng lưới hỗ trợ. Một trong những tác nhân đẩy một cá nhân tới bờ vực vụn vỡ chính là sự cô lập của xã hội (social disorder). Khi một người đang đối mặt với trầm cảm hoặc những rối loạn tâm lý khác, việc tự cô lập bản thân khỏi đồng đội chỉ khiến tình trạng của họ tệ hơn. Nhưng nếu họ có thể chia sẻ những khó khăn ấy với những người xung quanh, sức khỏe tâm thần của họ sẽ tốt lên trông thấy. 

Sự thực hành này có thể gỡ những gánh nặng và áp lực khỏi đôi vai của mỗi người. Huấn luyện viên Dabo Swinney của đội tuyển Clemson luôn khuyến khích những cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các cầu thủ và huấn luyện viên: một văn hóa nhằm cổ vũ thông điệp “dù thế nào đi chăng nữa, chuyện sẽ ổn, và chúng tôi ở đây để giúp đỡ". Ông cũng bố trí một chiếc “ghế trị liệu tâm lý" trong một căn phòng của đội bóng, và thường xuyên cùng các cầu thủ chia sẻ những câu chuyện cuộc sống của họ tại đó.

Trong thế giới thể thao, người ta thường bố trí một đội ngũ hỗ trợ theo sát từng đội bóng, hay từng cầu thủ. Những đội ngũ này có nhiệm vụ trị liệu chuyên biệt về thi đấu, về cảm xúc, về thể chất, về tâm lý, tâm thần, tinh thần cho các vận động viên trong suốt hành trình của họ. Nhiều doanh nghiệp cũng áp dụng mô hình tương tự, và chúng ta có thể nói rằng họ đang đi đúng hướng. 


Tạm kết, 

Các lãnh đạo doanh nghiệp có quyền lực và trách nhiệm để đảm bảo rằng nhân viên của họ được an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần ở nơi làm việc. Những bài học từ thế giới thể thao đã được trình bày một cách rõ ràng: Đừng giả định hay phỏng đoán về tình trạng của một người; thay vào đó, hãy hỏi họ. Việc che giấu những yếu mềm, tổn thương sẽ chỉ khiến sự e ngại, xấu hổ xung quanh vấn đề tâm lý trầm trọng thêm. Sự phục hồi về sức khỏe tâm thần cũng quan trọng như phục hồi về sức khỏe thể chất. Và một mạng lưới hỗ trợ sẽ có năng lực mở ra một giai đoạn phát triển lành mạnh cho cả nhân viên lẫn doanh nghiệp. 

Theo Harvard Business Review



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa