#MentalHeal: Câu chuyện trầm cảm của những huyền thoại thể thao

Dưới đây là câu chuyện của Michael Phelps, vận động viên bơi lội huyền thoại Mỹ; Alexa Pappas - Nữ vận động viên chạy hàng đầu người Hy Lạp và Simone Biles - Vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ.
Đinh Trang
07/10/2021
#MentalHeal: Câu chuyện trầm cảm của những huyền thoại thể thao

Bài viết được tổng hợp từ chuỗi bài của Đường Dây Nóng Ngày Mai

“Yếu đuối.” “Lười.” “Không có ý chí.”

Những câu nói quen thuộc về người trầm cảm này, ai mà đã chẳng nghe chúng nhiều lần. Nhưng chúng có đúng không? Trong thế giới thể thao, không ít vận động viên đang phải căng mình chống chịu với căn bệnh này. Bên cạnh họ luôn có các huấn luyện viên thể chất, những người giữ cho cơ thể họ hoạt động như một cái máy trơn tru. Nhưng không có một ai quan tâm đến trạng thái tâm lý, những áp lực họ phải đối mặt. Tại các kỳ thi lớn, họ thi đấu dưới kỳ vọng lớn của cả quốc gia, của người hâm mộ, của báo chí truyền thông. 

Dưới đây là câu chuyện của Michael Phelps, vận động viên bơi lội huyền thoại Mỹ; Alexa Pappas - Nữ vận động viên chạy hàng đầu người Hy Lạp và Simone Biles - Vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ. 

1, Michael Phelps - vận động viên bơi lội huyền thoại Mỹ: Tôi thấy mình cứ đang chìm xuống

Ở tuổi 15, Phelps trở thành thành viên nam trẻ nhất của đội tuyển bơi quốc gia Mỹ sau bảy thập kỷ. Khi giải nghệ ở tuổi 31, anh đã đoạt tổng cộng 28 huy chương tại bốn kỳ Olympic (trên mức huy chương của 161 quốc gia) và được coi là vận động viên bơi lội vĩ đại nhất của thời đại.

Nhưng đây mới chỉ là một nửa câu chuyện. Sau Olympic London 2012, sau khi đoạt bốn huy chương vàng và hai huy chương bạc, anh bắt đầu rơi vào khủng hoảng tâm lý nặng nề và sa vào rượu chè. Phelps không biết mình là ai, mình đang làm gì. Anh thấy mình là một cái máy bơi, không phải là người. Năm 2014, sau khi bị bắt vì lái xe với tốc độ gấp đôi ngưỡng cho phép với nồng độ cồn rất cao trong máu, anh vào một trung tâm trị liệu tâm lý và cai nghiện ở bang Arizona, Mỹ. Những ngày đầu, anh giam mình trong phòng, khóc, hoảng sợ và tiếp tục uống. “Tôi không thấy mình có giá trị gì. Tôi nghĩ thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu không có tôi. Điều tốt nhất tôi có thể làm là kết thúc cuộc đời của mình.” 

Đây là những suy nghĩ đặc trưng của người trầm cảm nặng.

Cuộc sống 45 ngày trong trại với các bệnh nhân khác, cùng các phiên trị liệu với các nhà tâm lý đã là bước đầu cho quá trình chữa lành của anh. Anh hàn gắn quan hệ với bố, học cách kết bạn, mở lòng, cải thiện sức khỏe tinh thần của mình. Hai năm sau, tại Olympic Rio 2016, thế vận hội cuối cùng của anh, anh đạt 5 huy chương vàng và 1 huy chương bạc.

Quill Cloud

Michael Phelps thường xuyên chia sẻ về vấn đề sức khoẻ tinh thần

Sau khi giải nghệ, Michael Phelps thường xuyên phát biểu tại các tập đoàn toàn cầu và các hội nghị quốc tế về sức khỏe tinh thần, chia sẻ các trải nghiệm cá nhân về trầm cảm, rối loạn lo âu và tự sát của mình. Năm ngoái, anh ủng hộ 500 giờ tham vấn tâm lý cho các nhân viên y tế chống dịch Covid-19. Quỹ từ thiện do anh lập ra tài trợ cho các chương trình giáo dục năng lực cảm xúc và quản lý stress ở các trường phổ thông Mỹ.

Nhưng, cuộc vật lộn của Michael Phelps vẫn tiếp diễn. Như một biện pháp trị liệu, mỗi ngày anh bơi hay tập thể thao từ sáu mươi tới chín mươi phút. Anh viết nhật ký, anh thiền. Tuy nhiên, năm ngoái, vào cao điểm của dịch Covid-19 ở Mỹ, sức khỏe tinh thần của anh “chưa bao giờ tệ như vậy.” “Có những lúc tôi chỉ muốn cuộn tròn như quả bóng, nằm trong một góc,” anh nói. Nhiều lúc anh thấy mình như đang bị chìm xuống, một cảm giác kỳ lạ đối với một vận động viên bơi lội. Vợ chồng anh giải thích để đứa con đầu 4 tuổi của họ hiểu vấn đề của anh, và khuyến khích nó thể hiện cảm xúc của mình, điều anh đã không làm được trong phần lớn cuộc đời mình.

Với Michael Phelps, những cố gắng hàng ngày của anh để đi qua trầm cảm, những nỗ lực của anh để giúp đỡ người trầm cảm khác và để xã hội hiểu về trầm cảm quan trọng hơn và mạnh mẽ hơn bất cứ huy chương vàng nào.

2, Alexa Pappas - Nữ vận động viên chạy hàng đầu người Hy Lạp - Chúng tôi cũng cần những huấn luyện viên tinh thần

Mẹ của Alexa Pappas qua đời vì tự sát năm cô 5 tuổi. Lớn lên, cô trở thành người vô cùng nỗ lực, luôn cảm thấy rằng mình cần phải cố gắng hết sức thì “mới đủ.” Những thành tích điền kinh trao cho cô cảm giác không gì có thể phá hủy được mình. Năm 26 tuổi, cô phá kỷ lục quốc gia Hy Lạp ở cự ly 10000m. Cô tham gia Olympic Rio 2016 và ở đó lại phá kỷ lục quốc gia một lần nữa. 

Pappas đã quen với những thách thức của một vận động viên, nhưng cô bị bất ngờ trước những gì xảy ra sau Rio. Cô rơi vào trầm cảm. Mất ngủ, đầu óc rối tung và căng thẳng, Pappas đối diện với trầm cảm bằng cách “lên số”. Cô lao vào thương thảo các hợp đồng, tập luyện ở trên núi, tìm huấn luyện viên mới, chạy 200 km một tuần trong khi chỉ ngủ được một vài tiếng một ngày, và chỉ dừng lại khi cơ đùi sau và lưng dưới của cô bị tổn thương nghiêm trọng khiến cô đau đớn vô cùng. Cô nghĩ tới tự sát. Điều này thật kinh khủng bởi trong quá khứ cô đã luôn tự nhủ rằng mình không được giống mẹ.   

Tới lúc này, Pappas hiểu rằng cô cần phải chữa các vấn đề tâm lý của mình như là chữa cơ đùi và lưng dưới. Cô gặp chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần, đều đặn như họ là huấn luyện viên của cô vậy. Cô nêu lên thực trạng đáng báo động: trong khi có rất nhiều chuyên gia vây xung quanh các vận động viên chuyên nghiệp để giữ cơ thể của họ như một cái máy trơn tru, hoạt động ở mức độ cao nhất, thì chẳng ai quan tâm tới trạng thái tâm lý của họ. Pappas kêu gọi các vận động viên không xấu hổ mà lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ tâm lý khi cần, và huấn luyện viên cần lưu ý tới các biểu hiện của sức khỏe tinh thần của vận động viên như tới các biểu hiện của việc căng cơ đùi hay chấn thương dây chằng. 

Quill Cloud

Alexa Pappas chia sẻ về căn bệnh trầm cảm trên The New York Times: "Tôi đạt được ước mớ lớn nhất cuộc đời. Rồi trầm cảm ập đến"

Qua quá trình trị liệu, Pappas cũng dần buông bỏ được sự oán hận người mẹ. Trước kia, cô cho rằng mẹ cô không yêu cô nên mới bỏ đi như vậy. Giờ đây cô hiểu rằng mẹ cô cần được giúp đỡ và những gì bà nhận được đã không hiệu quả. “Mẹ tôi không đáng phải chết. Thật là buồn,” cô nói, “bởi vì chúng tôi đã có thể trở thành những người bạn rất tốt của nhau.” 

Ngày nay Pappas viết sách, đóng phim và sản xuất phim. Cô hiểu rằng giống cơ thể lúc khỏe lúc yếu, không phải ngày nào cô cũng sẽ hạnh phúc như nhau. Nhưng cô chăm sóc tinh thần mình, như một vận động viên chuyên nghiệp chăm sóc cơ thể của mình.

3. Simone Biles - Vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ: Đủ rồi, tôi muốn nghỉ

Trước Thế vận hội Tokyo mùa hè năm nay, Simone Biles, 24 tuổi, đã được coi là một trong những vận động viên thể dục dụng cụ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ở Olympic trước ở Rio, cô đạt ba huy chương vàng, một huy chương đồng ở các môn cá nhân và huy chương vàng đồng đội cho Mỹ, nâng thành tích của cô lên tổng cộng 30 huy chương từ các Olympic và giải Vô địch thế giới. Tới Tokyo, Biles được coi là siêu sao, mang trên vai kỳ vọng khổng lồ của quốc gia, của truyền thông, của người hâm mộ và của các nhãn hàng tài trợ. 

Ngày đầu tiên ở Tokyo, Biles nổi trội, dẫn đầu ba trong số bốn bài tập. Sang ngày thứ hai, Biles phạm nhiều lỗi mà bình thường người như cô không phạm. Vẫn lọt vào vòng chung kết, nhưng sau một đêm, Biles quyết định rút khỏi các cuộc thi vì lý do “sức khỏe tinh thần.”

Quill Cloud

Simone Biles quyết định rút khỏi thế vận hội Tokyo để bảo vệ sức khoẻ tinh thần của mình

Quyết định của cô là một quả bom. Một số báo chí tấn công cô là “bỏ cuộc”, là “ích kỷ” (sau 8 năm, đội thể dục dụng cụ Mỹ đánh mất huy chương vàng đồng đội). Tuy nhiên, cô nhận được một làn sóng ủng hộ lớn. Nhiều nhà báo và chuyên gia bình luận rằng cử chỉ của cô khiến nhiều người vô danh cảm thấy được khuyến khích để lên tiếng, “Đủ rồi, tôi muốn nghỉ.” Một nhà báo lưu ý là Biles không có trách nhiệm phải “sống cho những giấc mơ và hy vọng” của công chúng, và chúng ta không có quyền kỳ vọng những người như cô là siêu nhân. Một huấn luyện viên khác cho rằng chúng ta có hiểu biết sai lầm về kiên cường. Người kiên cường không phải là người cắn răng đi qua mọi thứ, mà là người cho phép bản thân lựa chọn dù gặp sức ép rất lớn. New York Times viết rằng Biles thật sự có tâm trí của nhà vô địch. 

Qua việc đứng thẳng lưng và khước từ thi đấu để bảo vệ bản thân trong một thế giới thể thao nghiệt ngã biến các vận động viên thành hàng hóa, công cụ, cô đã đạt được thành tích lớn nhất của mình.

“Cuối cùng thì chúng tôi cũng là người,” Biles nói. “Chúng tôi cần phải bảo vệ tâm trí và cơ thể của mình, thay vì bước ra ngoài và làm điều mà thế giới muốn chúng tôi làm.”

Bài viết nằm trong chiến dịch #MentalHeal. Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày Mai (0963061414) - một dự án cộng đồng, phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa