#Learnwithinfluencer: Khi gen Z trở thành người chia sẻ kiến thức

Thông qua buổi trò chuyện với 2 bạn trẻ gen Z đang làm trong ngành sáng tạo nội dung có tính giáo dục và ảnh hưởng đến nhận thức cộng đồng, The Influencer mang đến cho người đọc hình ảnh một thế hệ những người chia sẻ kiến thức mới.
Ý Như
29/11/2021
#Learnwithinfluencer: Khi gen Z trở thành người chia sẻ kiến thức

Hiện nay, gen Z đang tiến bước vào thị trường lao động một cách mạnh mẽ. Hàng loạt content creator thế hệ trẻ xuất hiện trên mạng xã hội với những nội dung viral, chất lượng. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở nội dung giải trí, nhiều bạn trẻ gen Z đang tạo ra những nội dung chuyên môn, mang tính giáo dục hữu ích cho cộng đồng học-mà-chơi trên mạng xã hội. 

Để đem đến góc nhìn đa dạng về các content creator trong vai trò người chia sẻ kiến thức thuộc thế hệ Z, The Influencer đã có buổi trò chuyện với 02 bạn trẻ chung một mục đích giáo dục cộng đồng nhưng có hướng đi rất khác nhau: Hảo Phí - cô bạn sinh viên năm tư trường Đại học Thương mại chuyên ngành Thương Mại Điện Tử - hiện sở hữu một kênh TikTok chia sẻ về marketing hơn 200k followers và Mai Huy trong vai trò admin của Genderation Vietnam, một kênh thông tin chia sẻ các câu chuyện về vấn đề giới thuộc dự án "Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới", phát triển bởi TUVA Communications. 

Quill Cloud

Đọc thêm: Nhà Nhiều Cột - Sự bất bình đẳng giới trong quảng cáo và hướng đi nào cho một xã hội bình đẳng


Quill Cloud

Hành trình trở thành một content creator chuyên chia sẻ về nội dung chuyên môn của bạn diễn ra như thế nào?

Hảo Phí: Mình bắt đầu làm TikTok từ khoảng 3 tháng trước. Thực ra, chuyên ngành tại trường đại học của mình là thương mại điện tử vì trước kia mình từng đạt một số giải về mặt lập trình. Nhưng khi theo ngành này, mình cảm thấy vỡ mộng vì mọi thứ không như mình nghĩ. Sau đó, mình tìm hiểu và thấy thương mại điện tử rất rộng, bao trùm cả marketing nên mình quyết định học thêm lĩnh vực này vì nó có thể giúp ích cho công việc sau này. Gần như mọi ngành nghề hiện nay đều cần marketing. Vậy là mình làm TikTok để lưu lại những kiến thức marketing đã học.

Sau khi clip thứ 3 của mình bất ngờ lên xu hướng và được nhiều người biết đến, mình quyết định lên chiến lược lâu dài để phát triển kênh TikTok vì cảm thấy mảng nội dung mình theo đuổi rất tiềm năng. Mình mất khoảng một tháng để đạt được con số 100k followers. Sau đó, quãng thời gian từ 100k-200k followers của mình có chút “uể oải”. Mình lười ra content hơn cộng với vướng phải một số lần vi phạm chính sách nên phải mất 2 tháng để đạt được 200k followers. Followers của mình thường là những bạn trẻ 16-23 tuổi đang trong quá trình tìm hiểu về marketing và học tập thêm. Mình phát triển kênh để chia sẻ cũng như cùng mọi người học tập. Bản thân mình cũng không đưa ra quá nhiều kiến thức chuyên sâu về marketing mà tập trung chia sẻ nhiều về cách học nhiều hơn. 

Hiện tại, mình quyết định đi sâu vào mảng giáo dục hơn nữa thông qua việc thiết kế các khóa học dựa trên nhu cầu của đối tượng mục tiêu. Dù người Việt còn khá e ngại với việc sử dụng nội dung có trả phí, mình vẫn muốn làm để đem đến nội dung chất lượng hơn. 

Đọc thêm: #Influencertips: Trải nghiệm bất ngờ nổi tiếng của một TikToker đã tạm “bỏ nghề”

Mai Huy: Bạn bè lâu năm thường khen ngợi mình vì khả năng sáng tạo khá là “vô biên”, luôn được tin cậy sẽ nghĩ ra những cái tên hay, những cách “lái” vào vấn đề mượt mà, những lối chơi chữ dí dỏm, tạo không khí và hứng thú cho khán giả. Có lẽ đây là lý do đầu tiên mình nghĩ bản thân hợp với nghề sáng tạo nội dung. 

Bên cạnh đó, mình là một người quan tâm đến các vấn đề xã hội, và giới là một trong số đó. Cơ duyên đem mình đến công việc hiện tại cũng liên hệ mật thiết tới vấn đề xã hội. Thời điểm này năm ngoái, mình đang tham dự cuộc thi Nhà Truyền thông Tài ba (IC MASTER 2020) - do Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại của Học viện Ngoại giao (nơi mình đang theo học) tổ chức - với chủ đề năm: “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”. Đạt ngôi vị Quán quân, một trong những giải thưởng mình nhận được là cơ hội để được thực tập tại công ty TUVA Communications. Một thời gian ngắn sau đó, mình chính thức được lựa chọn để cùng với 2 thành viên đáng yêu khác chạy dự án liên quan đến truyền thông và giới. 

Mình đã biết rằng mỗi môi trường mình tiếp xúc sẽ đem đến nhiều bài học quý giá, nhưng không ngờ được làm nghề này giúp mình mở mang đến thế. Cho đến giờ, dự án đã được 3 tháng tuổi, vượt 3,7 nghìn lượt thích và hơn 4 nghìn người theo dõi - mỗi cột mốc mình đều lưu lại trong máy. Trong quá trình đó  không thiếu những lần vấp ngã, nhưng nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kinh nghiệm, và sự dẫn dắt của những người đi trước, chúng mình tự hào là một trong những trang kiến thức giới hoạt động hiệu quả.


Về phía người chia sẻ, bạn thấy sản xuất nội dung mang tính chuyên môn cho Gen Z cần chú ý những gì?

Hảo Phí: Với Gen Z, mình thấy điều quan trọng nhất là phải làm những chủ đề họ hứng thú nhưng không quá dài dòng. Trong các video và nội dung Hảo chia sẻ trên mạng xã hội, mình thường đặc biệt chú ý CTA (Call to Action, kêu gọi hành động). Những CTA này không phải mang lại lợi ích cho mình mà để giúp cho người xem nhận được một giá trị cụ thể. Hiện tại mình cũng đang phát triển một kênh TikTok mới đi vào dạng content có chứa CTA cụ thể hơn và nhận được dấu hiệu tích cực - 1 triệu views cho 2 clip đầu tiên. 

Mai Huy: Trong lĩnh vực của mình, bản thân từ “giới tính” đã có nhiều cách nhận biết. Chưa kể, các kiến thức về giới ngày càng cập nhật như sự xuất hiện những thuật ngữ mới, sự cải thiện, sửa chữa cho các lý thuyết lỗi thời,... nên người làm nội dung về giới cần biết phân biệt đâu là sự thật, đâu là định kiến. Bạn không thể nói những từ như “thế giới thứ ba”, “đồ đàn bà”, “bị gay” hay hàng nghìn từ tương tự. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy và kho kiến thức của mình.

Quill Cloud

Khi thay đổi rồi, bạn phải phân biệt được lằn ranh giữa chủ quan và khách quan, giữa tinh tế, nhạy cảm và thiếu suy nghĩ. Làm nội dung mang tính chuyên môn, bạn phải biết phân biệt và cân bằng giữa việc trở thành một đại diện truyền tải kiến thức và làm một chiếc blog để trút tâm tư. Giảng dạy, cung cấp kiến thức thường được xem là khô khan nên dù nội dung mình truyền tải được cộng đồng quan tâm về giới sẵn sàng dành nhiều thời gian tìm hiểu, mình vẫn có suy nghĩ cần sáng tạo hơn để nội dung tiếp cận được nhiều người hơn. Việc này cũng đòi hỏi một thái độ trung lập, không thể quá chủ quan. Về khía cạnh này, mình thấy bạn founder của Ann Wolf (một blog về giới), đồng thời cũng là founder của You Need To Know (1 trang kiến thức về giới) đang làm tốt và đáng được đón nhận.

Về phần người xem, theo bạn, các bạn trẻ nên làm gì để tiếp nhận kiến thức, nội dung một cách hiệu quả qua MXH?

Hảo Phí: Mình nghĩ trước tiên chúng ta nên chọn lọc kênh để theo dõi vì thông tin người bạn theo dõi đến với bạn mỗi ngày và sẽ tác động đến tư duy, suy nghĩ của bạn. Hiện nay, trên mạng xã hội không thiếu những content “không sạch”. Nó giống như một nạn đói content, người ta cố gắng để tạo ra content, chia sẻ nội dung về đạo đức nhưng lại thể hiện sự phi đạo đức. Điển hình là về vấn đề tình dục, nhiều TikToker đang không chia sẻ nội dung có tính giáo dục giới tính đúng đắn mà chia sẻ nó theo khía cạnh phi đạo đức làm ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy của các bạn trẻ về vấn đề này. 

Ngoài ra, khi bắt gặp những gợi ý hay ho trên mạng xã hội, một mẹo học tập, hãy thử thực hiện luôn bởi nếu chỉ like, share hay save nội dung lại, bạn rất có khả năng sẽ bỏ nó vào xó mãi mãi. 

Mai Huy: Mình cũng đồng ý bước chọn kênh để theo dõi rất quan trọng. Thêm vào đó, mình nghĩ bất kỳ ai, với bất kỳ vấn đề nào, đặc biệt là vấn đề giới, cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng xem những gì mình đọc có xác thực không, hay được sử dụng vì mục đích gì. Mới đây Genderation Vietnam có một bài viết mang tên “5 nguyên tắc để thông hiểu truyền thông (5 concepts of media literacy)” rất hữu ích, các bạn có thể đón đọc để hiểu rõ hơn. Cụ thể, ngoài việc hiểu rằng mỗi thông điệp có mục đích riêng, được cấu trúc bởi một bên/ cá nhân với hệ ý thức của họ, bạn cần chủ động trong mọi việc mình làm. Tiếp thu chọn lọc, đừng tiêu thụ tới tấp. Việc bạn xây dựng chính kiến cho mình để có thể tiếp thu chọn lọc cũng đã là một bước tiến rồi. 

Bên cạnh đó, khi lĩnh hội được kiến thức hay, hãy lan tỏa nó đến với mọi người vì dù gì vấn đề về giới vẫn là vấn đề xã hội, không phải “chuyện anh, chuyện ả hay chuyện của riêng ai”. Chia sẻ kiến thức để cùng nhau đi lên. 

Quill Cloud

Nội dung chuyên môn/ mang tính giáo dục có ảnh hưởng rất lớn với thế hệ trẻ, vậy việc còn rất trẻ trong mảng này với bạn là một lợi thế hay bất lợi?

Hảo Phí: Mình cảm thấy “trẻ” là con dao hai lưỡi. Mình rất dễ đồng cảm, sẻ chia, nhận được sự tin tưởng từ các bạn đồng tuổi mình. Nhưng chỉ cần một bước đi sai nhỏ, mình rất dễ rơi vào trạng thái tiêu cực. Mình cũng nhận được nhiều comment đánh giá không hay, những lời nhận xét gay gắt kiểu “trẻ vậy thì biết gì mà dạy”, “không có chuyên môn”... Ban đầu mình thấy hơi buồn, nhưng ngẫm lại thì mình không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Đối diện với những bình luận này, mình chỉ cảm ơn đóng góp của mọi người và sẽ tìm hiểu lại kiến thức. Mình cũng đang trong quá trình học nên mình có thể sai. Quan trọng là mình chọn cách ứng xử lịch sự. Làm người chia sẻ trên mạng xã hội nghĩa là bạn công khai về trạng thái, cảm xúc và hành động của mình, nên người ta sẽ đánh giá bạn từ những cái nhỏ nhất. 

Mai Huy: Với mình, trẻ có nhiều lợi thế hơn bất lợi. Khi mới bắt đầu, mình tự tin lắm vì kiến thức và trải nghiệm xã hội của mình rất nhiều, nhưng rồi cũng có lúc mình nhận ra bản thân không những đã từng sai lầm, mà chính những quan điểm hiện tại của mình cũng đang tồn tại nhiều vấn đề. 

Tuy nhiên, thế hệ trẻ chúng mình, nhìn chung, khá bao dung và cầu tiến về vấn đề này. Mình nói vậy bởi vì hai lý do. Thứ nhất, thế hệ lớn tuổi hơn đóng vai trò rất lớn trong việc để lại những tư tưởng lỗi thời đến bây giờ; nhưng đồng thời phần lớn trong số họ có liên hệ với mình, đặc biệt là bố mẹ, ông bà, nên chúng ta hướng thiện, muốn tìm đến hướng giải quyết chung, hoà thuận. Thứ hai, phần đông chúng mình biết rằng những vấn đề này phức tạp hơn tưởng tượng rất nhiều, nên việc ai đó có thể mắc sai lầm trong phát ngôn là một chuyện rất bình thường. Chúng ta góp ý cho nhau, đỡ nhau dậy từ những lần vấp ngã và bước tiếp. Nhiều người làm lâu năm về giới thỉnh thoảng vẫn phải quay lại mô hình “Bánh giới tính” (Genderbread, bao gồm Giới tính sinh học, Xu hướng tính dục, Bản dạng giới và Thể hiện giới), vì những thuộc tính này đều có thể thay đổi. Tóm lại, cái tâm hướng thiện sẽ là kim chỉ nam thành công để thế hệ trẻ chúng mình vững bước trong công cuộc mở rộng bình đẳng giới, và truyền lại cho cả thế hệ sau.


Quill Cloud

Là một người đang chia sẻ những kiến thức hữu ích cho cộng đồng học-mà-chơi trên MXH, bạn có “người thầy” nào đặc biệt truyền cảm hứng cho mình?

Mai Huy: Người thầy của mình, không ai khác chính là những người “sếp” trong công ty và dự án của mình. Chị Mai Quỳnh Anh (Quản lý dự án Nhà Nhiều Cột) cũng là giám khảo trong cuộc thi IC Master, nên việc chị chọn mình để thực hiện dự án truyền thông về giới cảm giác như nhiều chiến thắng đến với mình cùng một lúc vậy. Chị là một trong số ít người thực sự khiến mình phải thay đổi những bản ngã quen thuộc. Chị cung cấp những hướng dẫn cần thiết để mình học hỏi và thể hiện theo cách riêng của mình mà cũng phù hợp, sáng suốt nhất với tình cảnh. Anh Đinh Trần Tuấn Linh (một trong hai founder của TUVA Communication) theo khá sát chúng mình trong những ngày training đầu tiên, những kiến thức anh đem lại cảm giác như cả một môn học mà mình chăm chú nghe vậy. Chị Hoàng Thanh Bình (đồng quản lý dự án Genderation) giúp mình dày dặn hơn trong những sự việc cụ thể, đặc biệt là về đối nhân xử thế. Điều đặc biệt là cả ba người đều không chỉ là những “nhà giáo” chất lượng, mà còn đem đến năng lượng trẻ trung, động lực làm việc cũng như tạo không gian để trao đổi kinh nghiệm cho mình cũng như các đồng nghiệp. Kiểu như, “chào mừng em trở thành một trong chúng ta, đã đến lúc cùng thực hiện sứ mệnh này rồi, đã đến lúc chúng ta cùng tiến rồi!”

Hảo Phí: Bất cứ nơi nào mình học được kiến thức, ở đó đều có người thầy. Người mình kính trọng nhất (trong công việc) là một anh đồng nghiệp - người đã cho mình nhiều lời khuyên từ khi mình học năm nhất tới năm tư. Mình rất nhớ câu nói anh từng bảo mình: “Nếu chịu được áp lực dư luận thì cứ làm thôi”. Và mình cứ làm thôi!

Quill Cloud

Thử tưởng tượng, nếu không gặp người đó, bạn bây giờ sẽ như thế nào?

Hảo Phí: Nếu không gặp người đồng nghiệp - người anh này, có lẽ mình hiện tại vẫn đang mất phương hướng, cũng có thể các bạn cũng không biết mình là ai luôn. Thế nên, việc có một mentor trong suốt quá trình học tập và phát triển là rất quan trọng. Để tìm được mentor, bạn cần biết mình muốn gì. Sau đó, hãy chủ động tiếp cận họ qua Facebook, Email,... Mentor không tự nhiên xuất hiện, chúng ta phải chủ động tìm kiếm. 

Mai Huy: Tất cả những gì mà mình đang có, đang làm đều là công sức của mình gây dựng và tác động từ những người xung quanh mình. Nên nếu mình không gặp họ, mình sẽ trở thành một người khác, vẫn ổn vì  trước khi gặp họ, mình cũng đã trải qua một quá trình dài rồi. Nhưng chắc chắn không tuyệt vời như bây giờ được (cười).

Mình được khen ngợi khá nhiều về khoản viết lách, sáng tạo. Trước đó, mình đúng hợp làm blog hay làm những stand up comedy show, vì góc nhìn của mình, được ủng hộ đến mấy thì vẫn được triển khai rất chủ quan. Bởi thế, mình khó có thể sử dụng khả năng của mình để thay đổi góc nhìn ở quy mô rộng hơn như bây giờ. Mong muốn cả đời của mình là được thế giới đón nhận, ủng hộ và yêu thương, những sản phẩm, đặc biệt là bài viết và âm nhạc (mình cũng là một người yêu nhạc và làm nhạc) được lắng nghe, tin dùng và có giá trị lâu dài. Hướng đi hiện tại đang rất phù hợp với mình. Mình sẽ tiếp tục phát triển với tinh thần của bản thân và sự động viên từ mọi người mình quan tâm. 

Cảm ơn Hảo Phí và Mai Huy đã dành thời gian chia sẻ cùng The Influencer! Chúc hai bạn ngày càng thành công trong hành trình lan toả kiến thức hữu ích của mình!






MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa