Một kênh truyền hình địa phương đã đưa tin: Một cậu bé 12 tuổi từ Oklahoma đã qua đời sau khi tham gia vào một trào lưu mạng xã hội cực kỳ nguy hiểm trên nền tảng TikTok. Cậu bé là trường hợp đáng tiếc mới nhất được ghi nhận do hậu quả khôn lường của một TikTok challenge với tên gọi Blackout Challenge - thử thách yêu cầu người dùng phải ghi lại hình ảnh họ nín thở hoặc thắt cổ chính mình cho tới khi bất tỉnh.
Theo cảnh sát, dường như có một “bí thuật” được truyền tai nhau giữa những người dùng TikTok này, rằng một khi tỉnh lại sau trải nghiệm mất nhận thức ấy, họ sẽ đạt được một trạng thái tương tự như sự hưng phấn tuyệt vời. Các bác sĩ đã bày tỏ quan ngại, bởi lẽ hành vi này có thể gây suy giảm lượng oxy truyền tới não, từ đó có thể gây co giật, tổn thương não và thậm chí là tử vong.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên challenge nguy hiểm này gây tử vong ở người dùng TikTok. Vào tháng 6 vừa qua, một cậu bé 9 tuổi tại bang Tennessee cũng được tìm thấy trong phòng ngủ tại nhà, đã ngừng thở do bị một chiếc thắt lưng quấn quanh cổ. Vào tháng 4, một cậu bé 12 tuổi tại Colorado cũng được phát hiện trong nhà tắm trong tình trạng khó thở sau khi tham gia Blackout Challenge. Dù được tìm thấy sớm hơn hai trường hợp nêu trước, đáng tiếc thay, cậu bé vẫn qua đời do chết não sau đó vài ngày.
Trước khi Blackout Challenge trở thành trào lưu, thậm chí trước khi mạng xã hội bùng nổ, một trò chơi tương tự với tên gọi Choking Game (tạm dịch: Trò chơi nghẹt thở) đã dẫn đến 82 cái chết trong thời gian từ năm 1995 đến 2007, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S. Centers for Disease Control and Prevention). Hầu hết các nạn nhân đều là các cậu bé ở độ tuổi 11-16.
Theo tờ Time Magazine, dẫu những trò chơi nguy hiểm này được lan tỏa thông qua truyền miệng trong những câu chuyện phiếm và cuộc vui đùa giữa những bạn trẻ, các nền tảng mạng xã hội như TikTok khiến thông tin ngày càng dễ tiếp cận hơn, và có thể khiến nhiều trẻ em bị hấp dẫn để thử chơi một mình thay vì chơi cùng các bạn.
Mặt khác, chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích tích cực cũng như những đóng góp xã hội mà một số trào lưu, challenge trên TikTok mang lại. Năm 2014, thử thách Ice Bucket Challenge “một thời tiếng tăm” đã quyên góp được hàng triệu đô la cho việc nghiên cứu chứng teo cơ một bên. Năm 2018, thử thách nhảy InMyFeeling cũng đã mang lại nguồn giải trí vui vẻ, tích cực cho người dùng khi mùa hè đến.
Ice Bucket Challenge - một trong những trào lưu mạng xã hội có đủ các tiêu chí: vui, khỏe, có ích
Đọc thêm: Đầu xuân năm mới hashtag #Tinhbandieuky nhanh chóng trending trên TikTok
“Khi các thành phố buộc phải giãn cách do tình hình dịch bệnh, những đứa trẻ trở nên buồn chán. Chúng bắt đầu tìm cách để giết thời gian. Mạng xã hội có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các bạn trẻ, do vậy, cha mẹ cần kiểm soát chặt chẽ việc con mình sử dụng mạng xã hội.”, theo đài truyền hình KWTV-DT đưa tin trong buổi họp báo.
Có thể nói, những thử thách trên mạng xã hội đặc biệt hấp dẫn với thanh thiếu niên, những người luôn khao khát sự công nhận, cổ vũ và cái nhìn đầy ngưỡng mộ từ bạn bè và cộng đồng mạng. Họ chấp nhận thực hiện những hành động đầy rủi ro để đổi lấy sự cổ động, đón nhận từ người khác.
Đọc thêm: Lý giải cơn nghiện xem TikTok không thể dừng lại được
Theo Mitchell Prinstein, giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, trẻ em vốn dễ bị tác động bởi bạn bè khi bước vào độ tuổi thanh thiếu niên. Sự xuất hiện của mạng xã hội càng thúc đẩy sự ảnh hưởng này theo chiều hướng nguy hiểm hơn bội phần so với trước đây. Đối tượng thanh thiếu niên coi những challenge này là một hình thức giải trí ly kỳ, đặc biệt là khi họ không thấy ai bị thương khi tham gia những challenge có phần “táo bạo” này. Điều này, ngược lại, càng khiến họ thêm háo hức và tích cực tham gia. Đây cũng là đối tượng có ít trải nghiệm, ít khả năng cân nhắc rủi ro hơn so với người trưởng thành. Và khi được bạn bè khen ngợi, cổ vũ, động viên vì đã thực hiện những hành động đầy thử thách - thông qua những lượt likes và comments - họ càng không có lý do gì để lắc đầu trước nguy hiểm rình rập.
Một nghiên cứu năm 2016 trên tờ Psychological Science (tạm dịch: Khoa học Tâm lý) đã chỉ ra rằng thanh thiếu niên có xu hướng thích trải nghiệm cảm giác “bùng nổ tương tác” trên mạng xã hội, hơn là những bức ảnh đăng lên chỉ có vài lượt likes. Đồng thời, khi xem những bức hình có lượt like “khủng” như vậy, nhiều người dùng khác cũng được tiếp thêm “động lực” và mong muốn bắt chước theo những hành vi ấy.
Khi đối thoại với phóng viên của tờ Insider, đại diện TikTok cho biết nền tảng này chặn “những hashtags và kết quả tìm kiếm liên quan nhằm ngăn cản người dùng tham gia hoặc chia sẻ những nội dung tiềm ẩn nguy hiểm”.
Khi tìm kiếm cụm từ “blackout challenge” trên TikTok, không có kết quả nào được tìm thấy. Bên cạnh đó, TikTok cũng đưa ra cảnh báo rằng cụm từ khóa này có thể liên quan đến những hành vi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok - cấm những nội dung “miêu tả, quảng cáo, bình thường hóa, hoặc tôn vinh những hành động hoặc thử thách nguy hiểm”.
Tuy nhiên, TikTok vẫn gặp khó khăn trong việc loại bỏ hoàn toàn những challenge nguy hiểm khỏi ứng dụng này. Trước đây, TikTok cũng từng gặp rắc rối với một hashtag mang tên “nutmeg challenge” (tạm dịch: thử thách nhục đậu khấu), yêu cầu người chơi phải ăn một lượng gia vị hết sức nguy hiểm. Hashtag này đã nhận hơn 46 triệu lượt xem tại một thời điểm. Khi ấy, TikTok tuyên bố họ đang tích cực loại bỏ những video liên quan đến challenge này, và kể từ đó, hashtag này đã hoàn toàn không còn tăm tích. Tuy nhiên, những challenge ít nguy hiểm, nhưng tiềm ẩn nguy cơ - như nhét tỏi vào lỗ mũi để giảm nghẹt mũi - vẫn đang hiện diện trên nền tảng này.
Theo bà Jacqueline Nesi, giáo sư tâm thần học và hành vi con người tại ĐH Brown, một trong những điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm để kiểm soát những hành vi mạng xã hội của con mình là duy trì những cuộc đối thoại cùng con. Chẳng hạn, cha mẹ có thể hỏi han, gợi mở để con vui vẻ khoe với bố mẹ những tài khoản mà con theo dõi. Đồng thời, cha mẹ cũng nên thẳng thắn với con rằng chúng hoàn toàn có thể tìm đến bố mẹ để hỏi hoặc trò chuyện bất cứ khi nào chúng bắt gặp một nội dung gây khó chịu trên mạng.
Cụ thể về những thử thách đang “viral”, bà Nesi cũng đưa ra một số gợi ý. Trước hết, cha mẹ nên đánh giá mức độ nhận thức của con mình về những trào lưu nổi bật mà cha mẹ từng nghe qua trong thời gian gần đây, và gợi mở để con chủ động chia sẻ quan điểm của mình về những trào lưu ấy, chẳng hạn như vì sao những người bạn của con lại thích thú và tham gia trào lưu này nhiều đến vậy, hay có những nguy hiểm tiềm tàng nào đằng sau những hoạt động tưởng như vô hại, thú vị và hấp dẫn ấy. Từ đó, cha mẹ khéo léo chia sẻ những nỗi lo ngại của mình về mức độ nguy hiểm của một số thử thách trên mạng xã hội tới con mình và những người xung quanh.