Những năm gần đây, mạng xã hội TikTok đã trở thành một trong những nền tảng được yêu thích nhất trên thế giới với tổng 2 tỷ lượt tải xuống ứng dụng trên smartphone. Kể từ 2020 tới nay, TikTok đã trở thành một kênh truyền thông quan trọng cho các cá nhân và nhãn hàng muốn chạm tới đối tượng khán giả trẻ, là “cái nôi” sinh ra và lan tỏa của hàng loạt xu hướng (trend) hay social slang phủ sóng internet. Sự bùng nổ của TikTok cũng làm thay đổi cách tiêu thụ và sản xuất nội dung trên mạng xã hội của nhiều người dùng, mở ra cơ hội trở thành content creator, influencer hay KOL cho mọi cá nhân ở mọi lứa tuổi.
Mặc dù TikTok có thể là một phương tiện thú vị để giải trí, xây dựng hình ảnh thương hiệu hay kết nối bạn bè, thì người dùng cũng cần lưu ý rằng: Mạng xã hội nào cũng tiềm ẩn rủi ro và TikTok không phải ngoại lệ. Trong bài viết này, hãy cùng The Influencer điểm qua những rủi ro mà người dùng TikTok có thể gặp phải, cùng với một số gợi ý để trải nghiệm sử dụng TikTok của bạn được an toàn hơn.
Rủi ro của một nền tảng mạng xã hội có thể tới từ nhiều phía: Công nghệ ứng dụng chưa phát triển kịp với tốc độ mở rộng, nhà sản xuất, người dùng,...Hiện nay, người dùng TikTok đang phải đối mặt với một số rủi ro như:
Đây là một trong số những rủi ro lớn nhất người dùng có thể gặp phải khi sử dụng TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram,...Tính từ khi bắt đầu xuất hiện và bùng nổ vào năm 2020, TikTok đã nhiều lần bị “bóc trần” các lỗ hổng về bảo mật của mình trong tính năng tìm bạn bè, giả mạo video, chiếm tài khoản và thao túng người dùng…gây ra nhiều tranh cãi và những làn sóng tẩy chay nền tảng này.
TikTok âm thầm thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dùng
Tuy nhiên, trong quá khứ, có nhiều lo ngại liên quan đến việc TikTok thu thập dữ liệu người dùng. Năm 2020, TikTok đã phải đối mặt với các chỉ trích từ phương Tây về việc thu thập thông tin cá nhân và chia sẻ dữ liệu với chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, TikTok còn thu thập thông tin sinh trắc người dùng. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc này có thể mở ra cánh cửa cho các hoạt động giám sát, theo dõi và xâm nhập vào quyền riêng tư của bất cứ ai có tài khoản trên TikTok. Những dữ liệu này có thể được sử dụng để theo dõi người dùng nhắm mục tiêu quảng cáo hoặc thậm chí là xác định danh tính người dùng trong cuộc sống thực.
Vấn nạn video xấu độc như chứa nội dung nhảm, khiêu dâm, câu view, đã tồn tại từ lâu trên TikTok. Trừ những trường hợp bị tẩy chay rộng rãi như TikToker Nờ Ô Nô, TikTok vẫn chưa có biện pháp xử lý cụ thể.
Vụ việc của TikToker Nờ Ô Nô là một trong số những content “bẩn” làm dậy sóng cộng đồng mạng nửa cuối năm 2022
Theo nghiên cứu đăng trên Towards Data Science, TikTok phân bổ hàng triệu video mỗi ngày bằng thuật toán AI. Điểm đặc biệt của thuật toán là không thiên vị tài khoản nổi tiếng hay bình thường. AI lan truyền nội dung đến hàng triệu người chỉ trong thời gian ngắn mà không đặt nặng vấn đề độc hại hay hữu ích. Trong khi các mạng xã hội khác ưu tiên hiển thị video của tài khoản "được xác minh" để giảm thiểu nội dung độc hại, thuật toán TikTok bỏ qua khâu sàng lọc quan trọng này.
Đọc thêm: #SocialTrendingKeywords: Nờ Ô Nô cùng bài học "của cho không bằng cách cho"
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh tế Mỹ với tiêu đề "Truyền thông xã hội và sức khỏe tâm thần", sử dụng mạng xã hội có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu và trầm cảm. Với đối tượng sử dụng chính là giới trẻ - vốn là thế hệ đi liền với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, những video TikTok có nội dung liên quan đến cân nặng,hình thể, thành tích,...đều có thể gây ra áp lực về mặt tinh thần đối với người xem. Bên cạnh đó, người sáng tạo nội dung trên TikTok cũng có thể phải đối mặt với nạn quấy rối, bạo lực mạng.
Các ứng dụng xã hội như TikTok có thể gây nghiện, dẫn tới những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và thể chất của người dùng. Thạc sĩ Lê Minh Huân - giảng viên Tâm lý học, nhà sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên trong bài phỏng vấn trên Báo Lao Động cho biết: “TikTok với thế mạnh là video ngắn, đa dạng, cập nhật liên tục và sáng tạo bằng hình ảnh đẹp, âm thanh dễ chịu và thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu… có thể khiến người dùng nghiện và dành nhiều thời gian đến mức tập trung quá độ, thiếu kiểm soát”.
Đọc thêm: #InfluencerTips: Đi bền với nghề sáng tạo nhờ chăm sóc sức khỏe tinh thần
Hành vi lừa đảo, phạm pháp trên TikTok có thể diễn ra dưới nhiều hình thức: Đánh cắp thông tin, buôn bán hàng giả, lợi dụng mối quan hệ để chiếm đoạt tài sản, bạo lực mạng, lan truyền thông tin sai lệch, bôi nhọ danh dự cá nhân nhằm điều hướng dư luận…
Sự xuất hiện của TikTok Shop cũng vô tình tiếp tay cho nhiều hoạt động buôn bán bất hợp pháp, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích và sức khỏe của người dùng. Rất nhiều mặt hàng như "thực phẩm chức năng", "trà giảm cân" hay thậm chí là sản phẩm của một số thương hiệu nổi tiếng bị làm giả với mức giá rẻ vẫn công khai bán trên nền tảng này thông qua hình thức quay video quảng cáo, livestream bán hàng trực tuyến.
TikTok Shop có thể vừa là “cơ” cho người bán, vừa là “nguy” cho người mua
Đọc thêm: Những điều cần biết về TikTok Shop - Mảnh đất màu mỡ dành cho các TikToker
Dù nền tảng còn nhiều lỗ hổng, nhưng không thể phủ nhận rằng nếu sử dụng đúng cách, TikTok vẫn là một phương tiện giải trí tuyệt vời cho người xem và nhiều “đất” khai thác cho content creator. Để trải nghiệm TikTok được trọn vẹn và an toàn, The Influencer có một vài gợi ý cho bạn.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần thực hiện là hiểu rõ vấn đề bảo mật thông tin trên TikTok, sau đó tiến hành rà soát các tài khoản bạn sở hữu và thực hiện các thao tác tăng cường bảo mật cho tài khoản của mình. Nếu tài khoản TikTok của bạn có liên kết với Facebook, Google,...hãy chắc chắn rằng bạn đã rà soát bảo mật trên cả các nền tảng đó.
Bên cạnh đó, mọi thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, tên đầy đủ,...đều không được phép chia sẻ công khai qua video hay bình luận với bạn bè. Khi đăng một video lên TikTok, bạn cũng cần kiểm tra thật kỹ để chắc chắn rằng không có thông tin bạn không muốn công khai nào lọt vào một video công khai.
Bạn có thể chủ động “làm sạch” TikTok bằng cách bỏ qua (Không quan tâm) các nội dung không phù hợp và báo cáo các nội dung “bẩn”, bình luận công kích, tiêu cực xuất hiện trên FYP (Fou You Page) của mình. Mọi thao tác của người dùng đều được TikTok sử dụng để đo lường hiệu quả và phân phối video, do đó, bên cạnh việc thả tim thể hiện sở thích, hãy cho TikTok thấy bạn không thích những nội dung nào.
Nền tảng không xấu, chỉ có những ai lợi dụng nền tảng để làm nội dung độc hại mới xấu. Chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn mọi nội dung độc hại trên một nền tảng có cả tỷ người dùng, nhưng ta có quyền và khả năng tự kiến tạo một không gian trải nghiệm TikTok lành mạnh, phù hợp với bản thân.
Một yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dùng TikTok là việc dễ sa vào việc lướt xem mất kiểm soát. Theo chuyên gia tâm lý, việc bị cuốn theo các video ngắn trên TikTok trong thời gian dài sẽ khiến các bạn trẻ dễ căng thẳng, mệt mỏi hơn. Không những vậy, thời gian sử dụng ứng dụng càng nhiều, người dùng càng tăng khả năng tiếp cận với nhiều nội dung độc hại được phân phối ngẫu nhiên trên FYP.
Để hạn chế rủi ro này, người dùng cần chủ động giới hạn thời gian sử dụng TikTok của mình bằng các công cụ có sẵn như Time Limit trên điện thoại, hoặc dành thời gian cho các hoạt động giải trí khác. Bạn cũng có thể hạn chế bị cuốn vào các video ngẫu nhiên trên FYP bằng cách chủ động chỉ xem những video bên mục “Đang Follow”.
Để bảo vệ bản thân khỏi tin giả trên TikTok và tránh trở thành người lan tỏa tin giả, khi tiếp xúc với bất kỳ video tin tức nào trên TiKTok, người dùng luôn cần để ý tới danh tính người đăng video. Hiện nay, các trang tin uy tín của Việt Nam hầu như đều được cấp tick xanh để xác minh tài khoản, người dùng có thể ấn theo dõi các tài khoản tick xanh này để cập nhật thông tin chính xác, thay vì bị cuốn vào những video “bóc drama”, “nhân danh sự thật” của một tài khoản vô danh.
TikTok Shop: “Đến sớm không bằng đến đúng lúc”