Flex, Kiến tạo, Pressing hay Thoát pressing đều là những social slang xuất phát từ group Flex đến hơi thở cuối cùng - một trong những hội nhóm từng “làm mưa làm gió” khắp Facebook trong mùa hè 2023.
Theo đó, Flex là một từ tiếng Anh chỉ sự khoe khoang mang đến cảm giác khó chịu cho người nghe. Tại group, Flex cũng được hiểu theo nghĩa này; Pressing là thuật ngữ được sử dụng trong bóng đá, ý chỉ sự áp lực mà đội bóng tạo ra cho đối phương. Thoát pressing có nghĩa là cách thoát ra khi bị gây áp lực. Tại group, Thoát pressing được hiểu là trạng thái thành công phản khác lại sự ngăn chặn khoe khoang; Kiến tạo được hiểu là cách dẫn dắt bóng để đồng đội ghi bàn vào lưới. Tại group, Kiến tạo được hiểu là cách thức tạo ra tình huống giúp người khác Flex.
Không mang đến cảm giác tiêu cực như nghĩa gốc mà nhiều người vẫn hiểu, Flex đến hơi thở cuối cùng là nơi mọi màn thành tích đều đáng được công nhận và nhận lời khen ngợi. Tại đây, các thành viên trong nhóm đều tích cực đăng tải câu chuyện của mình. Đó có thể là một đêm concert với hàng nghìn người tham dự, là những dự án phim quốc tế có sự góp mặt của người Việt, là người lính cứu hỏa với bức ảnh khẳng định công việc “đã từng cứu rất nhiều người”, hay đơn giản chỉ là một cái tên đầy lạ lùng và hài hước.
Nhận về hơn 1 triệu thành viên chỉ trong thời gian ngắn, Flex đến hơi thở cuối cùng đã đột ngột dừng hoạt động ngay sau đó khiến cho nhiều người tiếc nuối. Mặc dù vậy, những câu chuyện đầy tích cực và đáng yêu của group này đã trở thành xu hướng đáng chú ý một thời trong năm 2023, được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng và bắt trend.
Đọc thêm: #SocialSlang: "Flex", "Thoát pressing" và loạt ngôn ngữ mới được giới trẻ rần rần bắt trend
(Nguồn ảnh: Facebook Đài Phát Thanh)
Được đánh giá là màn quay trở lại ấn tượng trong năm 2023, Rap Việt mùa 3 cùng với Over hợp của chú Thái VG đã trở thành social slang đáng chú ý trong chương trình. Over hợp xuất phát từ câu hỏi của MC Trấn Thành dành cho rapper Thái VG trước màn trình diễn của thí sinh. Và để thể hiện rõ sự yêu thích của mình, Thái VG đã nhận xét rằng “She over hợp” với cá tính và đội của anh. Cách nói chuyện “nửa Tây nửa ta” này của chú Thái đã khiến cộng đồng mạng thích thú và sử dụng thường xuyên trong suốt quá trình diễn ra chương trình.
Ngoài ra, một trong những lý do khác hiến Over hợp trở nên trending đó chính là tinh thần Việt mà Thái VG mang lại. Sinh sống ở nước ngoài từ khi còn nhỏ, nam rapper gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng Việt, hay thậm chí đôi khi còn không hiểu hết những gì thí sinh muốn truyền tải. Mặc dù vậy, Thái VG luôn thể hiện rõ sự nỗ lực nói tiếng Việt cũng như trải nghiệm mọi điều thú vị liên quan đến Việt Nam. Chú Thái cũng là một trong những nickname đầy đàng yêu và gần gũi mà cộng đồng mạng đặt cho nam rapper.
Đọc thêm: #Toplist: Những tổ đội Hiphop khuấy đảo thị trường âm nhạc hậu Rap Việt
À Lôi được biết đến là bản hit ấn tượng của Double 2T - Quán quân Rap Việt 2023. Với nickname là Người Miền Núi Chất, Double 2T đã mang văn hoá bản làng đến gần hơn tới giới trẻ, đặc biệt thông qua thanh âm miền núi, những câu nói đậm âm sắc địa phương, từ đó khiến cộng đồng mạng không khỏi thích thú.
À Lôi xuất phát từ tiếng Tày, với ý nghĩa cảm thán tương tự như từ “hả” hay “trời ơi”. Cụm từ này cũng xuất phát từ ca khúc cùng tên, trở thành hiện tượng trên TikTok nhờ giai điệu mới lạ, kết hợp được văn hóa vùng miền và âm nhạc hiện đại ngày nay. À Lôi cũng nhanh chóng tạo ra xu hướng biến hình trending trên nền tảng này, khi các bạn trẻ hoá thân thành trai bản/gái bản trong những bộ trang phục truyền thống của người miền núi, mang đến trải nghiệm văn hoá đầy thú vị cần được lan rộng.
Đọc thêm: #Toplist: Khuấy đảo mạng xã hội Gen Z, đâu là hiện tượng âm nhạc 2023?
Một trong những tình huống gây hài của Kiếp nạn thứ 82 (Nguồn: Facebook Chuyện của Hà Nội)
Kiếp nạn thứ 82 ra đời dựa trên bộ phim Tây Du Ký với 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh, với ngụ ý miêu tả những tình huống, câu chuyện oái oăm, khó đỡ xảy ra y như những kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua. Bằng cách miêu tả đầy hài hước cùng với những “kiếp nạn” có một không hai, Kiếp nạn thứ 82 đã trở thành xu hướng dẫn đầu trên TikTok trong một thời gian dài. Ta có thể thấy rõ hàng loạt những câu chuyện được chia sẻ, từ đi làm, dạy con học, lấy chồng, đi mua đồ,... tất cả mọi tình huống khó đỡ đều có thể xảy ra. Nội dung này càng trở nên hài hước hơn khi được kết hợp với OST của bộ phim Tây Du Ký đình đám một thời.
Đúng nhận sai cãi là cụm từ xuất phát từ TikTok của một nhân vật tự nhận mình có khả năng tâm linh - cô đồng Trương Hương, thường xuyên đăng tải các clip bói toán trên nền tảng này. Cụm từ này có ý nghĩa diễn tả một chủ đề thảo luận giữa các bên đúng hay sai, nếu đúng thì sẽ đồng tình còn sai sẽ phản biện lại.
Cụm từ này dần trở nên viral khi các clip của cô đồng Trương Hương lên xu hướng, khiến người xem ấn tượng bởi cách nói chuyện dồn dập, kết thúc câu luôn là “đúng nhận sai cãi cho cô”. Cùng với đó, cách thức xem bói thông qua việc bổ cau của cô đồng Trương Hương cũng khơi dậy được trí tò mò của người xem, nhất là khi trong mỗi video TikToker này có thể bổ đến hàng chục quả cau. Nhờ những đặc điểm này, Đúng nhận sai cãi cùng hình ảnh cô đồng Trương Hương đã trở thành trend được nhiều bạn trẻ cosplay và thảo luận, chỉ dừng lại cho đến khi các bên cơ quan vào cuộc và thực hiện theo quy định của pháp luật trước sự việc mê tín này.
Xuất phát từ một trend từ nước ngoài mang tên "He's a 10, but..." (Tạm dịch: Anh ấy 10 điểm, nhưng…), ý chỉ một người có ngoại hình 10 điểm nhưng lại có một khuyết điểm nào đó khiến mọi người phải suy nghĩ lại. Ví dụ như:
"He's a 9, but he only showers once a week" (Tạm dịch: Anh ta 9 điểm nhưng chỉ tắm mỗi tuần 1 lần)
She's a 3, but her family is rich rich" (Tạm dịch: Cô ấy 3 điểm, nhưng gia đình thì cực kỳ giàu có)
Nguồn: Báo Mực Tím
Khi về đến Việt Nam, trend này đã được biến tấu thành nhiều thể loại, trong đó có 10 điểm không có nhưng là cụm từ chỉ một người không có khuyết điểm nào cả, hoàn hảo và được coi như là một lời khen ngợi. Nhiều group Facebook còn nhanh chóng cập nhật xu hướng, sáng tạo ra các nội dung liên quan đến câu nói này như: “10 điểm thì sao lại nhưng?” hay một số sound trên TikTok mang tên 10 điểm đầy thú vị và hài hước.
Social Slang luôn là một trong những xu hướng được cộng đồng mạng yêu thích và nhanh chóng sử dụng. Không chỉ bắt nguồn từ những câu nói “lái” của Gen Z, Social Slang giờ đây còn trở thành một trong những điểm nhấn đáng chú ý của nhiều chương trình giải trí, là cách thu hút và tạo thảo luận đối với người hâm mộ. Nổi bật như Oải cả chưởng - Sao hay ra zẻ quá của 2 Ngày 1 Đêm, hay Khát khao center đến thế à? của The New Mentor. Những câu nói này càng trở nên viral hơn dưới sự góp mặt của các fanpage Gen Z, từ đó mang đến nhiều góc nhìn hài hước cùng các tình huống ứng dụng đầy thực tế mà cộng đồng mạng mang lại.