Những điều content creator nên biết về nền tảng bản tin Substack

Nếu bạn cần một nền tảng nội dung chuyên sâu, có tính kết nối, tạo sự tập trung cho người đọc và người sáng tạo nội dung, Substack là một nền tảng tiềm năng.
Đinh Trang
09/06/2024
Những điều content creator nên biết về nền tảng bản tin Substack

Đã bao giờ bạn cảm thấy chán ngán khi lướt Facebook, Instagram,... với những nội dung tương đương nhau và thiếu đi một độ sâu nhất định? Nếu bạn từng trải nghiệm cảm giác này, Substack có thể là một nền tảng nội dung thỏa mãn nhu cầu của bạn về việc khám phá những nội dung có chiều sâu, chất lượng cao, và tránh được sự đông đúc xô bồ của các trang MXH. 

Substack là một nền tảng trực tuyến cho phép các cá nhân và nhóm tạo và phân phối bản tin (newsletter) trực tiếp đến độc giả. Nền tảng này được ra mắt vào năm 2017 và nhanh chóng trở nên phổ biến. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều các expert influencer (influencer là chuyên gia trong một số lĩnh vực) lựa chọn Substack để chia sẻ chuyên môn và xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình. Trong bài viết này, The Influencer sẽ chia sẻ cùng bạn những thông tin chính bạn nên biết về nền tảng này. 

(Nguồn ảnh: Substack) 

1, Subtack là gì? 

Substack là một nền tảng trực tuyến của Mỹ cho phép các nhà báo, nhà văn và những người sáng tạo nội dung xuất bản bản tin (newsletter) và xây dựng tệp khán giả của riêng mình thông qua bản tin đó. Nếu độc giả cảm thấy một bản tin trên Substack là hữu ích với họ, họ sẽ để lại email đăng ký. Nền tảng này cung cấp các công cụ để tác giả tạo và phân phối bản tin của họ một cách dễ dàng, quản lý danh sách người đọc và kiếm tiền từ nội dung (khi tác giả bật chế độ bản tin trả phí).

Nhà sáng tạo nội dung có thể tùy chọn việc cung cấp bản tin miễn phí hay trả phí. Chỉ khi tác giả phát sinh doanh thu từ bản tin của mình (thông qua hình thức trả phí), Substack sẽ thu về một phần tỷ lệ từ doanh thu đó. Tại thời điểm ban đầu, Substack chỉ dành cho bản tin dạng văn bản (text-based). Thế nhưng, đến thời điểm này, Substack cung cấp bốn định dạng chính cho các bài đăng: bài đăng dạng văn bản, podcast, chuỗi thảo luận (threads) và video. 

Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Substack đạt được sự phát triển ổn định. Theo Axios, vào năm 2023, nền tảng này có hơn 17.000 tác giả (người xây dựng bản tin), có 2 triệu người đã đang trả phí cho một bản tin trên nền tảng này. Hàng trăm nhân vật truyền thông, nhà báo, nhà lãnh đạo tư tưởng và nhà văn nổi tiếng đã đang sử dụng Substack, bao gồm các chủ đề như nghệ thuật, chính trị, thời trang, thời sự, thể thao.... Ví dụ, ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Patti Smith chia sẻ các bài đọc thơ trên nền tảng này.

Bản tin trên Substack của Patti Smith

Tác giả cuốn sách nổi tiếng Ăn, Cầu nguyện và Yêu - cô Elizabeth Gilbert, cũng sở hữu một bản tin nổi tiếng có tên “Letter From Love" (Lá thư từ tình yêu thương) trên Substack với hơn 101.000 người theo dõi. 

* Chú thích: Newsletter (bản tin) là một ấn phẩm được phát hành định kỳ, thường qua email, nhằm cung cấp thông tin, tin tức, hoặc nội dung đặc biệt cho một nhóm người đăng ký.

2, Nhóm content creator nào nên cân nhắc sử dụng Substack?

Substack có thể là một lựa chọn phù hợp cho nhiều nhóm content creator (người sáng tạo nội dung) khác nhau. Dưới đây là một số nhóm nên cân nhắc sử dụng Substack và lý do tại sao:

  • Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, người viết độc lập
  • Chuyên gia ngành, nhà lãnh đạo tư tưởng
  • Influencer, podcaster

Nhìn chung, định dạng này phù hợp với những nội dung chuyên sâu, có hàm lượng chuyên môn nhất định, thể hiện góc nhìn cá nhân và quan điểm của người sáng tạo nội dung. Định dạng này sẽ không phù hợp với những ai muốn đăng tải nội dung chính là hình ảnh, video ngắn,... 


Bản tin Self Lab về chủ đề thấu hiểu và khám phá bản thân thông qua các thực hành phản tư, chiêm nghiệm

Đọc thêm: #Toplist: 9 bản tin hàng tuần giúp mở mang góc nhìn về bản thân, về cuộc sống, về sự nghiệp

3, Substack có miễn phí không? 

Substack hoàn toàn miễn phí cho người viết và người sáng tạo sử dụng. Họ có thể đăng ký, tạo bản tin và phân phối nội dung mà hoàn toàn không cần chi phí ban đầu. Nếu lựa chọn cung cấp gói đăng ký trả phí trên Substack, nền tảng này sẽ lấy 10% phí hoa hồng từ doanh thu đăng ký trả phí.

Bản tin miễn phí

Đăng ký miễn phí cho phép độc giả nhận bản tin hoặc bài đăng từ nhà văn mà không mất phí. Nếu nội dung được cung cấp miễn phí, tất cả người đăng ký đều có thể truy cập.

Bản tin trả phí

Đăng ký trả phí cho phép người xuất bản kiếm tiền từ nội dung của họ. Người đăng ký trả một khoản phí định kỳ, thường là hàng tháng hoặc hàng năm, để truy cập vào nội dung độc quyền. Chi phí của gói đăng ký trả phí sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc nhà sáng tạo nội dung tự đặt giá, mặc dù hầu hết các gói đăng ký có giá từ $5 đến $15.

4, Các định dạng nội dung trên Substack

Ngoài bản tin dạng văn bản, Substack còn có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác, bao gồm:

  • Podcast: Substack cho phép người dùng ghi âm podcast, sau đó có thể chuyển chúng lên các trang web và ứng dụng phát trực tuyến như Apple Podcasts, Spotify, Stitcher, TuneIn và Pocket Casts. Người sáng tạo có thể ghi âm podcast trực tiếp qua nền tảng hoặc thêm podcast từ các nguồn khác.
  • Video: Đăng video trên Substack là một tính năng mới và hữu ích khác dành cho người sáng tạo. Giống như podcast, video có thể được ghi trực tiếp trên Substack hoặc nhập vào nền tảng. Video trên Substack sẽ tự động tạo phụ đề và cho phép chia sẻ âm thanh và clip. Ngoài ra, chúng cũng có thể được sử dụng làm nội dung độc quyền cho những người đăng ký trả phí.
  • Ghi chú (Notes): Ghi chú Substack là các bài đăng ngắn (tương tự như Twitter) cho phép người dùng Substack chia sẻ văn bản, liên kết (link), hình ảnh và bình luận. Mục đích của Ghi chú là khuyến khích sự tương tác thường xuyên hơn giữa nhà sáng tạo nội dung và tập khán giả của mình.

5, Các hình thức để người đọc theo dõi và ủng hộ content creator trên Substack? 

Không giống như các nền tảng truyền thông xã hội khác, Substack cung cấp nhiều cách khác nhau để người dùng theo dõi hoặc ủng hộ các nhà sáng tạo nội dung. Dưới đây là sự khác biệt giữa từng cách thức:

  • Theo dõi (Follow): Người theo dõi trên Substack có thể đọc các bản tin, bài viết, video, podcast mà nhà sáng tạo nội dung đăng ở dạng miễn phí. Tuy nhiên, người theo dõi không chia sẻ email của họ với người sáng tạo nội dung và sẽ không nhận được email là các bản tin mới nhất của nhà sáng tạo nội dung.
  • Đăng ký (Subscribe): Người đăng ký trên Substack có thể miễn phí hoặc trả phí. Người đăng ký miễn phí sẽ có quyền truy cập vào nội dung miễn phí của người sáng tạo, trong khi người đăng ký trả phí sẽ trả theo gói tháng, năm hoặc gói thành viên sáng lập để nhận nội dung độc quyền qua email và trong ứng dụng Substack. Người đăng ký tự động trở thành người theo dõi và sẽ có thể xem các bài đăng từ quá khứ, cũng như các ghi chú (notes) được đăng tải.
  • Hứa hẹn ủng hộ (Pledge): Substack cũng cung cấp cho người dùng khả năng Pledge (Hứa hẹn ủng hộ). Đây là cách để người đăng ký miễn phí hỗ trợ những người sáng tạo nội dung có kế hoạch tạo bản tin trả phí trong tương lai.

6, Kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển bản tin trả phí trên Substack

Chia sẻ trong một bài viết khác, Linh Phan - tác giả sách/Coach chuyên nghiệp/Solo-preneur, tác giả của bản tin Freelance to Freedom, đã chia sẻ lộ trình và kinh nghiệm phát triển bản tin trả phí. Dưới đây là phần chia sẻ kinh nghiệm của tác giả Linh Phan: 

“Về mặt công nghệ, tạo một bản tin có thể chỉ mất… 15 phút. Cái khó là ở phần ý tưởng, concept của bản tin, nội dung và việc duy trì nó. Tính đến nay, bản tin đã có hơn 18000 subscriber, doanh thu trung bình: $700 - $1100/tháng với mức phí $5/tháng hoặc $49/năm

Ở phần này, mình sẽ chia sẻ ngắn lộ trình phát triển bản tin trả tiền trong 30 ngày, cũng là những nội dung mình sẽ hướng dẫn sâu trong chương trình kèm cặp Growth Hacking Newsletter (Newsletter Business). Lộ trình này được biểu đạt ngắn gọn trong sơ đồ sau:

Từ hành trình phát triển bản tin Freelance to Freedom, dưới đây là những bài học kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn. 

Nhất quán và đều đặn là hai điều quan trọng nhất

Ban đầu bạn có thể nghĩ “Có 1-2 bài viết mỗi tuần thì khó gì”, nhất là với những bạn đã có 2-3 năm kinh nghiệm trở lên. Đúng, viết 1-2 bài trong tuần thì không khó, duy trì nó trong thời gian dài mới khó. Việc lên kế hoạch dài hạn cho bản tin cũng không khó, bám sát và nhất quán với nó mới khó.

Đã có những người đọc mới tìm tới và chia sẻ họ học được nhiều từ bản tin bởi sự tập trung, nội dung nhất quán (chỉ xoay quanh viết lách và làm việc tự do), giàu thông tin nhưng cũng giàu cảm xúc, có sự kết nối cao. 

Cách bản tin giao tiếp với người đọc hoàn toàn khác với blog hoặc mạng xã hội

Mạng xã hội có tính chất cập nhật, tin tức đưa nhanh và có tính giải trí nhiều hơn là giáo dục. Blog phù hợp với giáo dục nhưng người ta vẫn phải vào “nhà” của bạn mới có thể đọc được nội dung. Bản tin thì đơn giản hơn nhiều, mỗi tuần họ nhận được một điều hữu ích nào đó trực tiếp tới email. Và với tôi, đó là cách giao tiếp trực diện, có sự kết nối mạnh mẽ hơn với người đọc đã đăng ký.

Tất nhiên blog và mạng xã hội vẫn rất hữu ích và có những tầm quan trọng riêng, đặc biệt là trong quá trình làm tiếp thị và phát triển danh sách subscriber, nhưng càng đi sâu vào làm bản tin tôi lại càng thấy nó giống với những gì tôi mong muốn: có tính kết nối, tập trung chuyên môn, chuyên nghiệp. Người đọc cũng có thể ngay lập tức trả lời cho bản tin của bạn chỉ bằng việc nhấn nút “Trả lời/Reply” cho bản tin.

Để tính phí bản tin, điều bạn làm không phải là “thêm” mà là phải “khác đi”. Nếu chỉ đơn thuần là phát triển một bản tin cung cấp “thêm” về một chủ đề/nhóm nội dung nào đó, chưa chắc bản tin của bạn đã được trả tiền để đọc.

Một trong các lý do mọi người trả tiền cho bản tin của tôi (dù mình chỉ khoá và tính phí khoảng 20% số lượng bản tin phát hành mỗi tháng) là bởi tôi tạo ra được sự “khác” đối với những nội dung trả phí. Mọi người được nhận nội dung, tri thức, kỹ năng, chuyên môn về viết/làm việc tự do (miễn phí) và muốn biết chính xác cách mình đã làm, đã phát triển sự nghiệp ra sao khi theo đuổi freelance business và solo-preneurship (trả phí một phần).

Miễn phí 80% và trả phí 20%, đó là cách thức mà tôi chọn lựa và nó hiệu quả với tôi. Tất nhiên, sẽ còn nhiều cách khác để thành công với một bản tin trả phí, bởi nó còn phụ thuộc vào thị trường ngách, đối tượng… của riêng bạn.

Email không chết

Đã hơn 2 thập kỷ kể từ những cuốn sách bán chạy nhất thế giới về email ra đời, email giờ vẫn còn tồn tại và vẫn là một công cụ hiệu quả trong tiếp thị.

Đúng là đã có những thời điểm mà email trở nên bão hoà, ngập tràn trong thư rác, nhưng khi thực hiện đúng, nó sẽ luôn có hiệu quả. Điều quan trọng là tôn trọng độc giả và sự chú tâm của họ. Bằng cách thử nghiệm, thể hiện sự chân thành, chia sẻ những điều hữu ích, tôn trọng khi gửi thư… thì công cụ nào cũng sẽ đều có giá trị và đáng được chia sẻ.

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa