#MentalHeal: Nhà thơ Nhược Lạc - Chúng ta cần dành thời gian “đổ rác” định kỳ cho tâm trí

Đi cùng với chiến dịch #MentalHeal của The Influencer lần này, chúng ta sẽ cùng nghe Nhược Lạc chia sẻ về hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần và về vai trò của nghệ thuật trong việc chữa lành những trái tim tổn thương.
Đinh Trang
08/10/2021
#MentalHeal: Nhà thơ Nhược Lạc - Chúng ta cần dành thời gian “đổ rác” định kỳ cho tâm trí

“phía sau ngày giông gió

là một mùa sương giăng

mong đến ngày có nắng

biết có chờ được chăng”

Đó là những dòng thơ tâm tình nhỏ nhẹ của Nhược Lạc, tác giả tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm”. Lúc vào cũng vậy, đọc thơ, đọc văn Nhược Lạc, ta luôn có cảm giác thật nhẹ nhõm bình yên. Giữa không gian mạng xã hội xô bồ náo nhiệt, thơ văn Nhược Lạc như một nơi trú an yên, nơi ta chậm lại để lắng nghe, suy ngẫm và yêu thương hơn chính bản thân mình. 

Nếu chỉ đọc thơ Nhược Lạc, không nhiều người tưởng tượng được rằng, chị cũng đang là người làm trong ngành truyền thông với áp lực liên miên của những dự án không hồi kết. Chị cũng từng trải qua giai đoạn chớm trầm cảm sau sinh khi cùng lúc chăm 2 bạn nhỏ. Vậy chị đã đi qua những giai đoạn áp lực ấy như thế nào? Đi cùng với chiến dịch #MentalHeal của The Influencer lần này, chúng ta sẽ cùng nghe Nhược Lạc chia sẻ về hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần và về vai trò của nghệ thuật trong việc chữa lành những trái tim tổn thương.

Quill Cloud

Truyền thông là một ngành vận động nhanh và có nhiều áp lực. Chị đã đi qua những áp lực đó như thế nào? 

Ngành truyền thông đúng là rất nhiều áp lực, nhiều deadline dồn đến mà mình buộc phải hoàn thành vào một thời gian nhất định. Có những thời điểm mà team phải chạy nhiều dự án cùng lúc. Dự án trước vừa hoàn thiện, chưa kịp thời gian “hồi sức” đã phải nhảy sang dự án tiếp theo. Sống trong môi trường này lâu ngày, mình hiểu chính xác rằng những áp lực đó sẽ ảnh hưởng đến bản thân như thế nào. Quan điểm của Lạc là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mình không nên để đến khi đã mệt rũ ra rồi mới xin nghỉ phép vài ngày, vài tháng. Ngay khi nhận thấy bản thân chớm có dấu hiệu không ổn, mình sẽ chủ động tự thư giãn, nghỉ ngơi, làm những việc khiến mình cảm thấy thoải mái. Mình luôn cố gắng giữ trạng thái tinh thần ở mức bình thường, không chủ động tạo ra quá nhiều sự lên xuống. Mình cũng không để bản thân phải vượt ngưỡng chịu đựng.

Quill Cloud

Giai đoạn nào mà chị cảm thấy sức khỏe tinh thần của mình không ổn nhất? 

Giai đoạn thử thách nhất là khi mình có hai em bé liên tiếp. Nhà Lạc chỉ có hai vợ chồng, không có ông bà hay người giúp việc hỗ trợ. Hai vợ chồng cùng lúc vừa chăm con, vừa duy trì công việc bình thường, vậy nên khối lượng công việc luôn rất lớn. Đã vậy, mỗi đứa trẻ đều là một thế giới sống động không bao giờ ngừng lại. Đi làm nếu có mệt quá, bạn có thể xin nghỉ phép vài hôm để nghỉ ngơi, nhưng còn khi làm mẹ, con bạn sẽ không phê duyệt cho kỳ nghỉ đó. 

Trước giờ, chưa bao giờ mình trải qua một giai đoạn vất vả đến thế. Nếu bạn hỏi lúc đó mình cảm thấy thế nào, thì cảm giác chỉ đơn giản là mệt, rất mệt, mệt đến mức không còn chút năng lượng dự trữ nào, mà công việc nuôi con vẫn luôn phải tiếp tục. Mình biết đó là những dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh. Nghe thì có vẻ kinh khủng, nhưng mình tin là phần lớn phụ nữ đều có những dấu hiệu như vậy, chỉ khác nhau ở cấp độ nặng nhẹ. Có những lúc mình bủn rủn mệt mỏi, mất tinh thần, rồi bắt đầu có nhiều suy nghĩ tiêu cực. 

Cách để mình đi qua giai đoạn này là giảm bớt kỳ vọng. Nuôi con, chăm con là một dự án cả đời. Người mẹ nào cũng kỳ vọng mình phải làm thật tốt, cũng tự đặt lên vai rất nhiều trách nhiệm. Người mẹ nào cũng áp lực phải nuôi con thật giỏi, mong con tăng cân đều đặn, rồi tự trách bản thân khi con bị ốm. Nhìn ra bên ngoài, mình thấy ai nuôi con cũng thật xuất chúng, còn bản thân mình lại quá vụng về. Những kỳ vọng có thể xuất phát từ hai nguồn: từ xã hội bên ngoài, và từ những áp lực bên trong. Với những người xung quanh, mình sẽ chủ động chọn cách sống khép kín trong khoảng thời gian nhạy cảm, tạm tránh giao tiếp với những người còn có nhiều đánh giá, định kiến. Không phải mình ghét bỏ họ, mà đó chỉ đơn giản là cách mình tự bảo vệ chính mình. Sau khi tạm tách ra khỏi những nguồn năng lượng tiêu cực từ bên ngoài, mình quay về tự làm công tác tư tưởng và chăm sóc sức khỏe bản thân. 

Hơn nữa, sức khỏe thể chất cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần. Đôi khi, mình mệt mỏi chán nản chỉ đơn giản vì mình đã quá vất vả, mình cần ai đó đỡ đần hỗ trợ. Nếu có thể, mình sẽ nhờ chồng trông con 1-2 tiếng, còn mình sẽ tách hẳn ra một chỗ khác để nghỉ ngơi và nạp năng lượng. 

Không ít tổn thương về tâm lý xuất phát từ gia đình, từ cách cha mẹ nuôi dạy con cái. Vợ chồng chị đang làm những gì để duy trì một môi trường lành mạnh cho hai bé?

Thực ra, sẽ không có một công thức chung nào, không phải hai người quyết định lấy nhau rồi ngồi xuống làm một bản hợp đồng là sau này chúng tôi sẽ nuôi dạy con như thế nào. Tuy nhiên, trong đời sống gia đình, mình sẽ cần có những cuộc trò chuyện sâu, những buổi deep talk. Mình và chồng sẽ thường uống trà với nhau và trao đổi những vấn đề mà cảm thấy cần có sự đồng thuận hai bên. Ví dụ, vợ chồng mình đều không có nhiều trải nghiệm với trẻ nhỏ trước khi làm bố mẹ, nên hai đứa thống nhất với nhau rằng, nếu không biết thì cứ học dần, học từ thực tế. Sự thống nhất này khiến cả hai đỡ áp lực, cũng giảm bớt chuyện đổ lỗi cho nhau. 

Mình cũng luôn coi con là một con người độc lập, dù còn nhỏ, nhưng con cũng có thế giới của riêng mình. Vợ chồng mình sẽ luôn hỏi chuyện con và lắng nghe một cách tôn trọng. Mình nhớ một lần, con có nói rằng “Hôm nay con muốn ở một mình, con không muốn nói chuyện với ai”. Nếu là bố mẹ mình trước đây, chắc chắn bố mẹ sẽ hỏi tại sao, có chuyện gì, hoặc thậm chí không cho mình không gian riêng. Còn lần này khi đến lượt mình làm mẹ, mình lại thấy vui vì con đã nhận ra được những mong muốn bên trong của mình. Nhìn chung, mình và chồng sẽ trung thực với cái mình đang là và cho con không gian riêng để tư duy độc lập. Cả bố mẹ và con cùng lớn lên, dựa trên nền tảng là sự đồng thuận và tôn trọng lẫn nhau. 

Quill Cloud

Sau một vài giai đoạn bất ổn, chị rút ra được những bài học gì về việc chăm sóc tinh thần cho bản thân? 

Đầu tiên, mình cho rằng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cần phải có thời gian. Nhiều người chỉ thực sự hành động, thực sự tìm kiếm sự giúp đỡ khi thấy bản thân đã quá mệt, khi sức khoẻ tinh thần đã tệ lắm rồi. Theo mình như vậy là hơi muộn. Sức khỏe tinh thần cần được chăm sóc hàng ngày. Nếu mỗi ngày bạn lên một thời gian biểu, thì cần có một khung thời gian cố định gọi là “healing time”, “me time” - đó là lúc bạn thực sự dành thời gian chỉ cho chính mình, làm những việc khiến bạn cảm thấy thoải mái. 

Tiếp theo, một cách định kỳ, chúng ta cần có thời gian để tự trò chuyện với chính mình hoặc những người thân trong gia đình. Ngồi lại cùng nhau và nói những điều có giá trị. Mình gọi đấy là “quy luật đổ rác”. Nếu để tích lũy quá lâu, bên trong tâm trí mình đã là cả cái “nhà rác” rồi, rất khó xử lý. Còn nếu “đổ rác” định kỳ, tâm trí mình sẽ nhẹ nhõm vì đã chia sẻ được ra những khúc mắc, vướng bận trong lòng. 

Mình tin rằng, mỗi người sẽ có những cách thức khác nhau, nhưng quan trọng nhất là bạn cần chủ động dành thời gian để chăm sóc tinh thần cho chính mình. 

Quill Cloud

Theo chị, nghệ thuật có giá trị như thế nào trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của mỗi người? 

Mình nghĩ nghệ thuật nói chung đã là một sự xoa dịu. Mỗi khi buồn, hạnh phúc, đau khổ, chúng ta sẽ muốn có một hình thức để thể hiện cảm xúc đó ra bên ngoài. Có người chọn cách viết thơ như Lạc, có người vẽ, có người chụp ảnh, có người viết nhạc, có người đàn hát. Tất cả, dù ở hình thức nào, về bản chất đều là cách để đưa đời sống tinh thần, đưa cảm xúc, suy nghĩ của mình ra bên ngoài. Cảm xúc như một quả bóng ở bên trong. Dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực, quả bóng đó sẽ tích tụ và lớn dần lên, đến một ngày sẽ nổ tung nếu như không được “xả hơi" kịp thời. Với mình, nghệ thuật là một cách an toàn để quả bóng cảm xúc xả hơi.

Chị có nghĩ việc biểu hiện cảm xúc bằng nghệ thuật là phù hợp với tất cả mọi người? 

Đúng! Mình thực sự nghĩ vậy. Mình nghĩ rằng ai cũng sẽ có xu hướng tìm đến một hoạt động nào đó phù hợp với mình. Nếu như ai chưa tìm thấy thì lại càng dễ hơn, bởi bạn có thể thử bất cứ hình thức nào. Mình bắt đầu viết vì hồi nhỏ mình luôn bị đánh giá là một đứa trẻ không giỏi ăn nói. Mình sợ nhất là khi ra ngoài gặp khách mà bố mẹ phải bảo “Sao không chào? Chào hỏi to rõ ràng lên chứ?”, hay là đến những dịp phải chúc Tết mọi người. Mình quá dở trong chuyện ăn nói, nên chỉ muốn được ở một mình. Vậy là theo một cách rất tự nhiên, mình tìm đến những hoạt động có thể làm một mình. Thực ra cũng không nhiều đâu, chỉ đó đọc truyện, đọc sách, nghe radio và viết. Cũng từ đó mà mình thích viết và gắn bó với nó cho đến tận ngày hôm nay. 

Quill Cloud

Nhiều bạn có những định kiến như là: tôi viết dở lắm, tôi hát chẳng hay, tôi làm gì có khiếu nghệ thuật. Thế nhưng, mục tiêu của bạn đâu có phải trở thành nghệ sĩ mà nhất thiết phải vẽ đẹp, phải hát hay? Miễn là chúng ta tìm thấy sự kết nối với hoạt động đó, miễn rằng hoạt động đó giúp ta biểu đạt được những cảm xúc trong mình. Lúc đầu mới tập viết, tập vẽ thì có thể cảm thấy gượng gạo khó khăn, nhưng dần dần mọi thứ sẽ tuôn chảy dễ dàng hơn. Việc tìm cách giải tỏa cảm xúc bằng cách này cách kia cũng phải được thực hiện thường xuyên, cứ không phải đợi mình có một khối cảm xúc khổng lồ rồi mới đi tìm phương pháp. Có thể ngày đầu tiên bạn chỉ cần viết 20 chữ thôi, khi dần quen thì bạn có thể ngồi vào bàn và viết cả nghìn chữ mà không cảm thấy mệt mỏi. Việc này cũng có thể áp dụng với tất cả các hình thức nghệ thuật khác. Mình nghĩ tốt nhất là biến nó thành một thói quen nhỏ hằng ngày, mình có một công cụ để giải tỏa cảm xúc, khi cần thì lôi ra xài thôi.

Quill Cloud

Trong cuộc sống hàng ngày, chị có từng tiếp xúc với những người có những tổn thương về tâm lý? 

Mình có từng, và thực ra cũng khá nhiều ấy chứ. Không chỉ là những bạn bè người thân xung quanh, mình còn có cơ hội đọc được tâm sự của nhiều bạn trẻ khác. Lạc có một hòm thư là cuatiemcualac@gmail.com, mọi người có thể gửi đến hòm thư này những điều mà họ không biết chia sẻ cùng ai, và mình hứa sẽ không mang câu chuyện của họ đi bất cứ đâu, không đưa lên mạng, không in thành sách. Mình chỉ đơn thuần là tiếp nhận, viết thư trả lời để cho họ biết rằng có một ai đó vẫn đang lắng nghe họ. 

Người gửi thư đến mình thường là các bạn trẻ, và mình nhận ra rằng những người trẻ như mình gặp rất nhiều tổn thương từ gia đình. Bố mẹ thì không được biết nhiều về thế giới của cảm xúc tinh thần, thế hệ của mình có biết nhiều hơn nhưng vẫn chưa đủ, hai thế hệ không biết cách nói cho nhau những cảm xúc của mình. Bố mẹ chúng ta hầu như đều đã đi qua những giai đoạn cực kỳ vất vả, vậy nên cái cách họ giữ cho mình an toàn là áp xuống tất cả những gì họ tin là đúng. Bố mẹ cũng chỉ là bố mẹ thôi, bố mẹ không phải thần thánh và biết tất cả mọi việc. Vậy nên, mình có thể đồng cảm với những câu chuyện về khúc mắc trong gia đình, những hoang mang về tương lai, những hoài nghi về việc ứng xử trong xã hội. Với những bức thư này, mình đơn giản chỉ thể hiện rằng mình đang lắng nghe, mình hiểu được câu chuyện mà các bạn chia sẻ, đôi khi động viên nhẹ nhàng, chứ không thể trò chuyện sâu như những cuộc gặp mặt trực tiếp. 

Theo chị, đâu là cách lành mạnh để ứng xử, quan tâm đến những người có những tổn thương tâm lý? 

Trong chuỗi workshop “Mở vì Sài Gòn” do Lạc tổ chức vừa rồi, có một buổi workshop tên là “Lắng lại mà nghe”. Trong buổi trò chuyện đó, Giang - một người bạn của Lạc có đang học về tâm lý đã chia sẻ một vài nguyên tắc khi giao tiếp với những người mang trong mình nhiều tổn thương tâm lý. Mình xin chia sẻ lại một số thông tin hữu ích: 

  • Thứ nhất, ta cần hiểu rằng, mình không thể thay thế vị trí của bác sĩ tâm lý. Nếu họ là người có những căn bệnh về tâm lý và cần sự can thiệp của y khoa, việc ta nên làm là hướng họ đến gặp các chuyên gia tâm lý. Mình có thể giúp đỡ họ tìm hiểu các địa chỉ tư vấn tâm lý uy tín, chứ không thể giúp họ giải quyết được những rối loạn bên trong, dù cho mình có yêu thương họ đến đâu. 
  • Thứ hai, phải thật thận trọng khi nói về những nỗi đau trong quá khứ. Làm việc với quá khứ là trách nhiệm của các bác sĩ, mình không có đủ chuyên môn để đụng đến những tầng sâu cảm xúc như vậy. Khi bạn gợi lại và họ kể ra những câu chuyện rất đau đớn trong lòng, trước mắt họ sẽ là một mớ cảm xúc cực kỳ hỗn độn, còn bản thân mình lại không có đủ kỹ năng để giúp họ xử lý. 

Quill Cloud

Nói vậy để thấy rằng, khi muốn giúp ai đó, chúng ta thường có cảm giác xông xáo muốn lao vào giúp họ, nhưng đôi khi mình thiếu những kỹ năng cần thiết, có khi còn làm tình huống tệ hơn. Bằng lời nói hoặc hành động, bằng những sự quan tâm nhỏ nhẹ hàng ngày, mình có thể giúp họ hiểu rằng mình vẫn đang ở đó, mình là một sự lựa chọn nếu họ muốn có ai đó ở bên. Nhưng nếu họ chưa có nhu cầu được nói, thì ta không nên sấn sổ vào không gian riêng của họ. 

Cảm ơn những chia sẻ thân tình của Nhược Lạc. Chúc chị và gia đình luôn giữ được sự an yên bên trong mình. 


Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày Mai (0963061414) - một dự án cộng đồng, phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.




MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa