Linh Phan: Hành trình phát triển từ freelancer đến solo-preneur với thu nhập $10,000/ tháng (Phần 2)

Để đi được đến thành công và sự hài lòng trong công việc làm solo-preneur, chị Linh Phan đã rút ra được những bài học gì cho bản thân? Mời bạn đến với phần thứ hai của bài viết!
Đinh Trang
14/07/2022
Linh Phan: Hành trình phát triển từ freelancer đến solo-preneur với thu nhập $10,000/ tháng (Phần 2)

Tại phần 1 của bài viết, chúng ta đã cùng tìm hiểu về sự khác biệt giữa freelancer và solo-preneur, cũng như các cấp độ phát triển của công việc này. Chị Linh Phan cũng đã chia sẻ rằng:

“Tôi nhận ra rằng, khi dám phát triển theo hướng một solo-preneur, tôi đạt được nhiều sự phát triển vượt bậc. Không chỉ là về tài chính, mà còn về đam mê và mức độ nhiệt huyết của bản thân. 2-3 năm trở lại đây, càng làm tôi lại càng ham, càng làm lại càng mở ra nhiều ý tưởng, càng làm mình lại càng học được thêm rất nhiều thứ mới mẻ. Kỹ năng được nâng tầm, hiệu suất cũng đạt đỉnh cao so với 20 năm đi làm”. 

Vậy, để đi được đến thành công và sự hài lòng trong công việc, cuộc sống như hiện tại, chị Linh Phan đã rút ra được những bài học gì cho bản thân? Mời bạn đến với phần thứ hai của bài viết! 


Có hai bài học mà tôi cho là quan trọng nhất với bản thân mình: thứ nhất là cần có tư duy phát triển (growth mindset), thứ hai là luôn cần sự chủ động. 

Bài học thứ nhất là về tư duy phát triển. Theo quan sát của tôi khi làm việc với các học viên cũng như khi xây dựng cộng đồng, phần lớn các bạn freelancer tại Việt Nam không hề thiếu kỹ năng, mà thiếu sự tự tin và mang trong mình nhiều niềm tin giới hạn. Nhiều bạn tự đặt ra rất nhiều rào cản như “tôi chưa đủ giỏi”, “kỹ năng của tôi chưa đủ tốt”, “tôi chưa là ai trong một thị trường quá nhiều người giỏi này”… Một nhóm tư duy cố định khác là nhóm mà tin rằng thành công là một điều gì đó có thể diễn ra sau một đêm. Nhiều bạn tìm đến tôi với mục tiêu là sau 3 tháng học, thu nhập của bạn sẽ đạt đến vài nghìn đô. Các bạn có những niềm tin thiếu thực tế về chuyện kiếm tiền và đặt tài chính là thước đo cho sự phát triển bản thân mình. Cả hai nhóm này đều đang mang tư duy cố định (fixed mindset). Nếu như không giải quyết được những niềm tin giới hạn này được, các bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc. 

Người thành công trên con đường này chắc chắn là người mang tư duy phát triển. Họ tin rằng, dù là thành công thay thất bại, họ đều có được những bài học mới từ trải nghiệm đó. Từ những va vấp, họ sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn, nhờ đó xứng đáng nhận được thù lao cao hơn từ khách hàng hoặc xây dựng được một doanh nghiệp freelancer/solo-preneur thành công. Họ sẵn sàng dành thời gian, công sức, nỗ lực để khám phá và thử nghiệm những điều mới. Tài chính là một yếu tố cần quan tâm. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là bản thân mình đang phát triển, đang đi lên, đang trưởng thành hơn rất nhiều so với chính mình của thời gian trước. 


Bài học quan trọng thứ hai là về sự chủ động. Khi làm freelancer hoặc solo-preneur, sự chủ động giúp chúng ta đi nhanh và đi bền hơn rất nhiều. Chủ động giao tiếp, chủ động học hỏi, chủ động ra quyết định. 

Ví dụ về việc chủ động ra quyết định, như có chia sẻ trong bài viết trước, năm 2019 tôi có một cú nhảy vọt về thu nhập khi ra mắt khoá học viết cơ bản đầu tiên trên một cộng đồng 2000 người. Sau khi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng, tôi nhận ra tiềm năng lớn của việc phát triển và kinh doanh các khoá học. Thế nhưng, sau 3 tháng hoạt động thì tôi thấy không ổn, mọi thứ đều phải chạy bằng “cơm” hết, từ việc thông báo tuyển sinh, kiểm tra tài khoản, gửi thư xác nhận, xếp lớp, chăm sóc học viên… Tôi thấy cách vận hành này không hề chuyên nghiệp, và tôi cũng không muốn vận hành lớp học của mình trên một nền tảng mạng xã hội mà mình không thể kiểm soát. Vậy là tôi quyết định dừng lại, dành ra 9 tháng tiếp theo để nghiên cứu xem đâu là nền tảng phù hợp nhất. Đến tháng 3/2020, tôi chính thức quay trở thành một một nền tảng học trực tuyến (e-learning) chuyên nghiệp, tự động. Quyết định này một lần nữa mang lại cho tôi doanh thu vượt trội. Tính đến thời điểm này, tôi có khoảng 10.000 học viên online, doanh thu khoảng 2,5 tỷ. 

Có những thứ mình phải quyết định nhanh, nhưng cũng có những thứ phải duy trì nuôi dưỡng nó trong sự tính toán kỹ lưỡng. Điều quan trọng là phải tự hỏi bản thân rằng: “Tôi có thể làm gì cho khách hàng? Tôi có thể hỗ trợ họ như thế nào để đạt hiệu quả và bền vững nhất?… Đôi khi chúng ta buộc phải đưa ra quyết định ngay cả khi phải hy sinh một vài lợi ích ngắn hạn trước mắt. Tất cả những điều này đều phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động của người làm freelancer/solo-preneur.


Nếu như bạn mong muốn trở thành một solo-preneur, tầm nhìn của bạn không nên dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ, mà nên có những sản phẩm của riêng mình. Khi các bạn bắt đầu có sản phẩm riêng, bạn đánh dấu một bước tiến đầu tiên từ mảnh đất của freelancer sang mảnh đất của solo-preneur. Sản phẩm đó có thể là gì? Dưới đây là một số ý tưởng bạn có thể tham khảo:

- Cung cấp gói dịch vụ tư vấn chuyên môn. Ví dụ, nếu như bạn có nhiều năm làm về content marketing, chiến lược marketing, bạn hoàn toàn có thể trở thành người tư vấn cho các doanh nghiệp. 

- Xây dựng các chương trình đào tạo. Khi bạn có kỹ năng, kinh nghiệm dày dặn trong một lĩnh vực nào đó, bạn hoàn toàn có thể dạy lại những kỹ năng đó cho người khác. Khoá học có thể tổ chức online hoặc offline tuỳ thuộc vào mong muốn và điều kiện của bạn. Đây là một hướng đi không quá khó khăn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc xây dựng một khoá học ngắn chia sẻ những kiến thức kỹ năng liên quan trực tiếp đến chuyên môn của mình, ví dụ như kỹ năng thiết kế cơ bản, kỹ năng lập kế hoạch content marketing cho doanh nghiệp, kỹ năng quản lý tài chính khi làm freelancer,… 

- Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing). Nếu như bạn sở hữu một trang cá nhân có nhiều người theo dõi, hoặc một trang blog/website có nhiều độc giả, bạn cũng có thể nghĩ đến tiếp thị liên kết. Điều quan trọng với hình thức này là những sản phẩm bạn lựa chọn để tiếp thị liên kết cần phù hợp với nhóm độc giả của bạn. 

- Xuất bản sách: Khi bạn đã có sẵn một cộng đồng khoảng 1000 - 2000 trở lên, bạn cũng có thể viết một cuốn sách về chuyên môn, về câu chuyện của riêng bạn. Sau đó, bạn gửi bản thảo đến nhà xuất bản, hoặc tự đầu tư xuất bản như một sản phẩm của riêng mình. Nếu bạn thấy sách là một sản phẩm quá lớn, bạn có thể bắt đầu với những sản phẩm số nhỏ hơn như workbook, ebook, template…và bán trên chính website của mình. 

Trên đây là một số cách bạn có thể tham khảo. Đương nhiên, chúng ta cũng không nên dàn trải mà tập trung vào một vài sản phẩm mà bạn yêu thích và cảm thấy phù hợp nhất. Sau đó, khi đã có kinh nghiệm hơn, bạn có thể mở rộng ra nhiều sản phẩm khác nhau.


Cẩn chuẩn bị rất nhiều và cần học hỏi liên tục, vì việc học mà việc cả đời mà! Thế nhưng, nếu để gọi tên những điều quan trọng nhất, tôi sẽ chọn ra ba điều sau. 

Thứ nhất là cần luôn đặt ra giới hạn và những giá trị riêng của chúng ta khi theo đuổi công việc này. Những giá trị và giới hạn này là la bàn cho nhiều quyết định của chúng ta trong cả sự nghiệp. Bạn có thể trả lời một số câu hỏi như: Đâu là những khách hàng tôi không muốn làm việc cùng? Đâu là những nội dung tôi sẽ không sản xuất? Đâu là lối sống mà tôi mong muốn theo đuổi khi làm một freelancer?… Ở giai đoạn đầu phát triển sự nghiệp, có những ngày tôi phải làm việc đến 12-13 tiếng, vắt kiệt sức lao động và sự sáng tạo của bản thân. Đó không phải là một cách làm lành mạnh. Việc đặt ra những giới hạn ngay từ đầu là chìa khoá để chúng ta bắt đầu bước vào cuộc sống của chúng ta thực sự mong muốn. 

Thứ hai là cần có tư duy phát triển. Khi làm freelancer hay làm solo-preneur, chắc chắn sẽ có thất bại, không ai có thể đi một đường thẳng để đến được thành công. Nhiều khi, chúng ta sẽ phải “mặt dày” một chút. “Mặt dày” để không nản lòng khi thấy người chê bài viết, chê sản phẩm của mình. “Mặt dày” để gạt đi sự tự ái của bản thân, để chỉ tập trung vào những điểm mình có thể làm tốt hơn. 

Thứ ba là sự kỷ luật và cam kết. Tôi vẫn thường nói với mọi người rằng tôi không có tài năng gì xuất chúng, tôi chỉ có sự lì lợm thôi. Tôi có sự kiên nhẫn và một khi đã quyết định làm gì thì sẽ có kỷ luật rất tốt. Tôi từng đọc được một câu nói đại ý rằng: Trên thế giới có rất nhiều người thông minh. Nhưng người thành công đến cùng là những người kiên nhẫn”. 


Trong những tháng ngày đầu tiên làm freelancer, tôi cùng từng bị khách hàng “ăn chặn”, từng nhận về những bài viết sửa chi chít lỗi, từng bị từ chối nhiều lần, thậm chí đang làm việc bình thường khách hàng vui tính cắt hợp đồng luôn… Thế nhưng, tôi vẫn có niềm tin về những việc mình sẽ làm được và kiên nhẫn đi tiếp. Không ai trong chúng ta biết được chuyện gì sẽ có thể xảy ra trong tương lai. Và nếu muốn biết mình có thể lớn được đến mức độ nào, chúng ta buộc phải đi tiếp.


Đây sẽ là một câu trả lời dài. Các bạn đừng sợ mà chạy mất nhé! (Cười)

Freelancer hay solo-preneur là những công việc mang tính cá nhân hoá rất cao, đòi hỏi sự linh hoạt, đam mê lớn, và thậm chí là cả khả năng đối mặt với sự cô đơn. Vì vậy, khó khăn trên chặng đường này là không hề ít. 


Vấn đề đầu tiên mà mọi người thường gặp là không có một tầm nhìn rõ ràng. Các bạn đều nhìn thấy rất nhiều ngọn núi và biết rằng mình đang leo núi. Nhưng bạn đang leo lên ngọn núi nào, đích đến thực sự mà bạn đang chinh phục là gì thì không phải ai cũng xác định được. Vì điều này, nhiều bạn cứ rẽ ngang rẽ dọc, nhiều khi bỏ cuộc giữa chừng. Tầm nhìn là điều rất quan trọng. 3-5 năm nữa, bạn muốn sự nghiệp freelancer/ solo-preneur của bạn phát triển đến mức độ nào? Bạn muốn doanh nghiệp freelancer của mình đi theo hướng nào? Đâu là những cột mốc cần phải đạt được?..

Vấn đề thứ hai là nhiều bạn chưa biết cách sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Khi làm freelancer/ solo-preneur, cùng lúc các bạn sẽ phải làm nhiều việc, nhiều dự án và không phải việc nào cũng là thế mạnh của bạn. Hơn nữa, đôi khi những đầu việc mới sẽ ập đến khiến bạn phải giải quyết ngay lập tức. Nếu như không biết cách phân bổ thời gian hợp lý, bạn sẽ luôn rơi vào trạng thái không đủ thời gian để làm những việc cần làm. 

Vấn đề thứ ba mà ôm đồm nhiều việc mà không chịu thuê ngoài, không chịu đầu tư. Khi phát triển theo hướng solo-preneur, chắc chắn sẽ có những việc nằm ngoài chuyên môn của bạn như thuế má, giấy tờ, tài chính, các công việc admin… Nếu như bạn không tuyển thêm trợ lý, không có những người công sự hỗ trợ, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian vào những việc này, trong khi chất xám của bạn nên được sử dụng ở những đầu việc khác quan trọng hơn. Từ kinh nghiệm của tôi, việc có trợ lý cá nhân sẽ giúp công việc được chảy trôi nhanh và thuận lợi hơn rất nhiều. 

Vấn đề thứ tư là các bạn chưa biết cách buông bỏ khi cần. Khi làm tự do, sẽ có những lúc có rất nhiều dự án cùng lúc tìm đến với bạn, hoặc bạn đã làm ra quá nhiều sản phẩm. Điều đó có thể khiến bạn và những người công sự của mình bị ngộp, cạn kiệt năng lượng trong việc chạy theo các deadline. Thế nên, đôi khi chúng ta phải chấp nhận buông bỏ những thứ không thực sự phù hợp với năng lực, chuyên môn và sở thích của mình. Và hãy nhớ rằng, khi bạn dám buông bỏ, bạn đang dọn chỗ cho những cơ hội, những ý tưởng phù hợp hơn. 

Vấn đề thứ năm là nhiều bạn dành quá nhiều thời gian cho việc bán hàng mà không tập trung phát triển thương hiệu cá nhân. Thế nhưng, nếu như nhìn đường dài, khi bạn có một thương hiệu đủ mạnh, khách hàng sẽ tự tìm và bạn không cần phải nỗ lực quá nhiều trong chuyện bán hàng nữa. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ đòi hỏi các bạn phải chia sẻ chuyên môn của mình, thể hiện những kiến thức kỹ năng mà bạn có, từ đó tạo dựng niềm trong trong lòng khách hàng tiềm năng. Đây mới là cách thức để bạn phát triển bền vững với nghề. 

Vấn đề thứ sáu là không biết cách quản lý tài chính. Nhiều người vẫn không biết cách phân biệt rạch ròi giữa một tài khoản cá nhân và một tài khoản doanh nghiệp. Hàng tháng, bạn sẽ cần tự trả tiền cho chính mình, số tiền còn lại sẽ để đầu tư vào doanh nghiệp, vào việc học tập hoặc để lại cho những tháng tiếp theo. Khi không có sự phân biệt đó và không biết cách quản lý dòng tiền hợp lý, bạn sẽ không có được sự ổn định, cảm thấy bấp bênh khi có tháng kiếm được rất nhiều tiền, có những tháng lại không cả đủ chi phí sinh hoạt. 

Vấn đề cuối cùng là không có sự ưu tiên. Hầu như ai khi lựa chọn làm freelancer/ solo-preneur cũng đặt ra cho mình nhiều kế hoạch. Thế nhưng khi bắt tay vào triển khai, khách hàng mới, dự án mới lại tới khiến bạn bị kéo theo và đôi khi quên mất đích đến, quên mất mục tiêu dài hạn của mình. Đôi khi, chúng ta sẽ cần lùi lại một bước để tự chiêm nghiệm. Đôi khi, chúng ta phải chấp nhận loại bỏ một số thứ để tập trung vào những mục tiêu dài hạn hơn. Ví dụ, tôi đang tập trung vào lĩnh vực làm cha mẹ và viết lách. Nếu như nhận được một lời mời viết về lĩnh vực giáo dục khai phóng, dù trả nhiều tiền đến đâu tôi sẽ không làm vì lĩnh vực này chẳng liên quan gì đến định hướng mà tôi theo đuổi.


Câu hỏi cơ bản đầu tiên sẽ là: Bạn có đang hiểu solo-preneur là gì không? Trước khi lựa chọn theo đuổi con đường này, bạn cần thực sự hiểu solo-preneur là gì, khác biệt như thế nào với freelancer và những loại hình kinh doanh khác. 

Câu hỏi thứ hai là: Việc trở thành solo-preneur có gắn liền với mục tiêu cá nhân, mục tiêu cuộc đời bạn hay không? Nếu như đây chỉ là một điểm nhỏ trong cuộc đời bạn, nếu như bạn có tâm lý mình chỉ làm cho biết, hoặc vì thấy người khác làm được nhiều tiền lắm…. thì rất khó để bạn đi được con đường này lâu dài và chạm được đến thành công. 

Câu hỏi thứ ba là: Chuyên môn của bạn là gì và liệu khách hàng có sẵn sàng bỏ tiền ra để mua cái đó hay không? Ví dụ, chuyên môn của tôi là viết lách, là coach, là tâm lý học trẻ nhỏ. Tôi sẽ phải nhìn nhận thực tế rằng khách hàng có trả tiền cho chuyên môn đó hay không và nếu có thì là hình thức nào. Đó có thể là dịch vụ viết, các khoá học viết, chương trình coach cho cha mẹ… 

Câu hỏi thứ tư là: Bạn có dám chấp nhận những rủi ro sẽ có trên con đường này không? Rủi ro có thể đến từ cái đơn giản nhất là chẳng ai trả tiền cho mình như mình nghĩ. Bạn có thể phải mất đến 6 tháng đến một năm để xây dựng sự nghiệp này. Và nếu trường hợp không có ai trả tiền cho bạn trong 6 tháng đầu tiên, bạn sẽ cần chuẩn bị sẵn tài chính và tinh thần cho việc đó. Bạn có sẵn sàng trong việc này. 

Sau khi vượt qua được bốn câu hỏi phía trên và bạn vẫn thấy mình khao khát mong muốn trở thành solo-preneur, thì bạn có thể đến với một loạt các câu hỏi kế tiếp để đi sâu hơn về kế hoạch cũng như mục tiêu của bạn trên con đường này: 

  • Bạn sẽ phát triển doanh nghiệp của mình như thế nào?
  • Bạn có tìm thấy khách hàng ở những đâu?
  • Đâu là những rào cản bên trong, rào cản bên ngoài bạn cần vượt qua?
  • Đâu là những nguồn lực bạn sẵn có để tiến đến mục tiêu bạn đề ra? 
  • Sau năm đầu tiên, thành quả nào sẽ khiến bạn hài lòng?


Cuối năm nay, tôi sẽ ra mắt chương trình huấn luyện (coaching) liên quan đến việc trở thành solo-preneur. Việc huấn luyện sẽ không cào bằng tất cả mọi người mà có sự kết hợp linh hoạt giữa đào tạo, kèm cặp và huấn luyện, và có những điều kiện nhất định mới có thể tham gia chương trình. Từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng hành trình trở thành solo-preneur sẽ có nhiều khó khăn và cần tính chiến lược rất cao, thế nhưng thành quả đạt được thì lại vô cùng xứng đáng. Chính vì vậy, tôi luôn muốn có thể hỗ trợ, giúp đỡ, định hướng cho thêm nhiều bạn trẻ cùng chinh phục con đường này.

Cảm ơn chị Linh Phan và chúc chị có thật nhiều bước tiến mới trên hành trình sắp tới! 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa