Linh Phan: Hành trình phát triển từ freelancer đến solo-preneur với thu nhập $10,000/ tháng (Phần 1)

Trong phần thứ nhất của bài viết, chúng ta cùng tìm hiểu về hành trình phát triển cụ thể mà Linh Phan đã đi qua từ một freelancer đến một solo-preneur.
Đinh Trang
11/07/2022
Linh Phan: Hành trình phát triển từ freelancer đến solo-preneur với thu nhập $10,000/ tháng (Phần 1)

Xu hướng làm việc tự do (freelancing) đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là sau đại dịch Covid 19. Theo báo cáo Freelancing in America 2019 (do nền tảng Upwork và tổ chức Freelancers Union thực hiện), ước tính rằng 57 triệu người lao động Hoa Kỳ làm việc tự do vào năm 2019, đóng góp khoảng một nghìn tỷ đô la vào tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ.

Tại Việt Nam, chúng ta cũng chứng kiến một xu hướng tương tự khi ngày càng nhiều người lựa chọn con đường làm freelancer. Sự tự do trong thời gian và không gian làm việc, khả năng làm chủ công việc của mình, tiềm năng nâng cao thu nhập,... đó là một vài lý do chính khiến nhiều người lựa chọn hướng đi này. Trong cộng đồng những người làm freelancer tại Việt Nam (đặc biệt là nhóm freelance writer), Linh Phan là một trong những người tiên phong, đem nhiều xu hướng quốc tế về Việt Nam và có nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp các bạn trẻ vững vàng hơn trên con đường freelancing này. 

Linh Phan là một tác giả sách và coach chuyên nghiệp, solo-preneur với thu nhập khoảng $10,000/ tháng, cô đặc biệt có kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm số (digital products) và giúp tạo ra thu nhập thụ động cho các freelance coach/ writer. Trong phần thứ nhất của bài viết, chúng ta cùng tìm hiểu về hành trình phát triển cụ thể mà Linh Phan đã đi qua từ một freelancer đến một solo-preneur. 


Về cơ bản, freelancer là người sử dụng những kỹ năng, kinh nghiệm của mình để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nhận các dự án outsource bên ngoài. Trong quá trình hướng dẫn về xây dựng doanh nghiệp freelancer (freelancer business) cho nhiều học viên, tôi thường phân chia hành trình freelance thành 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1: Khởi động (0-12 tháng): Đây là giai đoạn mới bắt đầu chuyển sang làm freelancer, mục tiêu đơn thuần là có thể sống ổn với việc làm freelancer. 
  • Cấp độ 2: Tăng tưởng (1-3 năm): Giai đoạn phát triển dịch vụ hiện có, vững vàng về các kỹ năng trong nghề, mở rộng mối quan hệ và tối ưu nguồn thu nhập
  • Cấp độ 3: Cất cánh (3-5 năm): Sau cấp độ 2, phần lớn các freelancer sẽ bước vào một giai đoạn thay đổi, bởi tôi nghĩ không ai muốn làm freelancer cả đời. Từ năm thứ 3 trở lên, lý tưởng thì người làm freelancer bắt đầu có các hướng đi mới để mở rộng sản phẩm, dịch vụ của mình. 

Ở đây sẽ có 2 hướng mở rộng. Hướng thứ nhất là mở rộng về quy mô kinh doanh. Thay vì làm freelancer một mình, bạn có thể thành lập một nhóm, thậm chí là thành lập agency/ công ty riêng để cung cấp dịch vụ. Hướng mở rộng thứ hai là mở rộng về mặt sản phẩm dịch vụ. Ngoài dịch vụ cốt lõi vẫn đang làm, họ sẽ phát triển thêm các digital product, hoặc các dịch vụ cao cấp như coaching/ tư vấn…. Solo-preneur có xu hướng phát triển sản phẩm để phục vụ được nhiều người hơn, tiết kiệm thời gian hơn, và đem lại nguồn thu nhập tốt hơn. Đây là lúc tôi cho rằng người làm freelancer bắt đầu bước sang mảnh đất của solopreneur - một doanh nhân độc lập. 


Tôi cho rằng điểm khác biệt đầu tiên giữa hai khái niệm này là nguồn thu nhập và khả năng mở rộng. Về bản chất, freelancer vẫn là tìm kiếm các dự án bên ngoài, có dự án thì mới có có thu nhập. Còn đối với solo-preneur, họ tự xây dựng các sản phẩm, tự phát triển các dự án của riêng họ và có thu nhập từ chính nguồn thu đó. Cũng chính vì điều này, solo-preneur có sự chủ động cao hơn trong công việc của mình, vì họ không phải phụ thuộc vào nguồn thu từ các dự án bên ngoài. Đương nhiên, đi kèm với sự chủ động cũng là nhiều rủi ro thách thức. 


Điểm khác biệt thứ hai là cách sử dụng nguồn lực về người. Phần lớn các freelancer sẽ tự mình làm tất cả mọi việc. Trong khi đó, khi đã trở thành solo-preneur, bạn khó có thể tự làm mọi thứ một mình mà thường sẽ cần thuê thêm trợ lý, outsource một số công việc ra bên ngoài. Hiện tại, bản thân tôi cũng chạy rất nhiều dự án, nhưng vai trò chủ yếu là người quản lý, ra quyết định, chỉ tham gia sâu hơn về khía cạnh chuyên môn nếu điều đó là cần thiết, còn lại tôi có một vài bạn trợ lý và các cộng sự khác hỗ trợ. Nói cách khác, solo-preneur thường sẽ cần đầu tư nhiều chi phí hơn để công việc được trôi chảy. 

Điểm khác biệt thứ ba là ở định hướng phát triển. Freelancer bán kỹ năng của mình. Kỹ năng của họ càng tốt, tốc độ làm việc càng nhanh, biết cách chăm sóc khách hàng thì sẽ có thu nhập tốt hơn. Còn với solo-preneur, điều bạn cần tập trung là phát triển doanh nghiệp, bao gồm rất nhiều phạm trù như quy trình làm việc, nguồn lực con người, phát triển sản phẩm,… Một freelancer lâu năm sẽ có thể trở thành một chuyên gia độc lập trong một lĩnh vực cụ thể. Còn solo-preneur thì không chỉ là một chuyên gia, mà họ thực sự là một doanh nhân.


Sau khi đã đi qua hành trình đó rồi và nhìn lại, tôi mới thật sự gọi tên được từng chặng phát triển. Còn cá nhân tôi trong 5 năm vừa rồi, mọi thứ đều phát triển khá tự nhiên, thậm chí tôi cũng không biết rằng mình đã đi qua nhiều sự chuyển đổi đến thế. 

Năm 2017-2018, tôi đơn thuần là một freelancer toàn thời gian. Trong khoảng thời gian đó, nói thật là tôi phải làm việc rất vất vả mới có được thu nhập 50 triệu/ một tháng. Tháng nào giỏi lắm, làm đến kiệt quệ sức khoẻ thì được khoảng 100 triệu. Tại cùng một thời điểm, tối đa tôi chỉ phục vụ được 8-10 khách hàng, không thể nhiều hơn. Như vậy, doanh thu mỗi năm của tôi là khoảng 800 triệu. Phải thừa nhận rằng giai đoạn này cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhiều mối quan hệ, nhưng không mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc thực sự vì thời gian làm việc quá nhiều (có khi phải đến 10-12 tiếng mỗi ngày), căng thẳng áp lực không hề ít, có rất nhiều thứ mình muốn làm nhưng lại không làm được, hay là đôi khi phải làm việc với những khách hàng mà mình không thích. Nhìn chung với cá nhân tôi, thu nhập có thể coi là tạm ổn, nhưng lại không hạnh phúc về mặt năng lượng và tinh thần. 

Đến năm 2019, tôi bắt đầu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới và tạo ra một cú hích về thu nhập mà chính tôi cũng phải ngỡ ngàng. Thời điểm đó, tôi có một cộng đồng nhỏ chia sẻ kỹ năng viết với khoảng 2000 thành viên. Sản phẩm mà tôi phát triển và đăng tải trong cộng đồng là một khoá học rất cơ bản về viết lách. Sau 3 ngày mở bán, tôi thu về hơn 100 triệu trong sự choáng váng bất ngờ của chính mình. Năm 2020, doanh thu của tôi nhân đôi, chạm mốc 1,5 tỷ. Năm 2021, doanh thu tiếp tục nhân đôi đến mức 3 tỷ. Còn năm nay, đến tháng 5/2022 tôi đã đạt doanh thu 1,2 tỷ. Đó là sự chuyển đổi rõ ràng nhất về mặt tài chính. 


Về sự phát triển cá nhân, có lẽ chưa bao giờ tôi đầu tư nhiều đến thế. Đầu tư cho học tập, cho công việc, cho con người, cho sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ. So với giai đoạn làm freelancer, tôi tiêu nhiều tiền hơn rất nhiều. Tôi từng mua một khoá học trị giá 250 triệu trong vòng 5 ngày để được học với những người giỏi nhất thế giới. Tôi nghĩ rằng chính nhờ việc phát triển theo hướng solo-preneur, tôi mới có thể mạnh dạn đầu tư cho mình đến như vậy. 

Tôi cũng nhận ra rằng, khi dám phát triển theo hướng một solo-preneur, tôi đạt được nhiều sự phát triển vượt bậc. Không chỉ là về tài chính, mà còn về đam mê và mức độ nhiệt huyết của bản thân. 2-3 năm trở lại đây, càng làm tôi lại càng ham, càng làm lại càng mở ra nhiều ý tưởng, càng làm mình lại càng học được thêm rất nhiều thứ mới mẻ. Kỹ năng được nâng tầm, hiệu suất cũng đạt đỉnh cao so với 20 năm đi làm. 


Việc làm một solo-preneur khiến cuộc sống của tôi thay đổi theo hướng tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra trước đó. Làm freelancer về bản chất vẫn là bán dịch vụ, bán thời gian cho khách hàng, và rất dễ rơi vào tình trạng kiệt sức. Tôi hay so sánh việc làm freelancer như là đi thuê nhà vậy. Mà đã là nhà thuê thì có thể sẽ phải đổi nhà liên tục, đang ở yên ổn chủ nhà lại không cho thuê nữa,… Vì không phải nhà của mình nên mình vẫn luôn có sự rủi ro, không chủ động. 

Còn khi đã trở thành solo-preneur, bạn sẽ có một cái nhà của riêng mình. Có thể phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, tốn kém nhiều chi phí hơn, nhưng mình hoàn toàn chủ động trong việc phát triển ngôi nhà đó. Cá nhân tôi, lúc nào tôi cũng cảm thấy rất tự hào và tràn ngập năng lượng tích cực trong ngôi nhà của mình. 

Việc phát triển trở thành solo-preneur cũng giúp tôi thực sự hiểu mình là ai, mình ở đây để làm gì, mình có thể làm gì, mình muốn làm gì và làm thế nào để mình làm được tất cả những điều đó. Ví dụ, tôi rất thích chia sẻ và giúp đỡ cộng đồng. Khi làm solo-preneur với nguồn tài chính ổn định, tôi có đủ thời gian nguồn lực để làm được những hoạt động phục vụ cộng đồng mà tôi vẫn luôn yêu thích.


Dù trước đây từng giữ những vị trí rất cao trong các tập đoàn lớn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình thực sự vui khi làm những công việc đó. Đến khi là một solo-preneur, tôi mới tìm thấy niềm vui bền vững đó. Điều tôi muốn là làm việc độc lập, mình vẫn có những đồng đội hỗ trợ nhưng vẫn có khả năng tự quyết, được học hỏi và phát triển theo đúng hướng mà mình mong muốn. Hơn nữa, năng lượng và tinh thần của tôi cũng tốt hơn rất nhiều. Tôi có được sự chủ động trong việc phân bổ thời gian cho bản thân, cho gia đình và cho công việc. Mỗi ngày tôi cũng chỉ làm việc 5-6 tiếng thôi nhưng cực kỳ tập trung và hào hứng.


Tôi nghĩ sau solo-preneur sẽ là việc mình trở thành một thought leader (những người dẫn dắt tư tưởng), thành một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. 

Nếu như solo-preneur đơn thuần là bán sản phẩm dịch vụ, thì thought leader phải là người sở hữu một nhóm độc giả rất lớn, phải tạo ra được sự thay đổi thật sự về niềm tin của họ. Và quan trọng nhất, một người thought leader phải là người tạo ra được sự khác biệt thực sự dù làm trong bất cứ lĩnh vực nào. Khi mà làm solo-preneur, sản phẩm của bạn có thể tương tự một vài đối thủ khác, là những sản phẩm/ mô hình đã từng có trên thị trường. Nhưng một khi đã là một thought leader, bản thân bạn đã phải là một sự khác biệt, khách hàng sẽ chọn bạn và các sản phẩm dịch vụ của bạn bởi chính sự khác biệt đó. 


Gần đây tại Việt Nam, tôi thấy nhiều người đang lạm dụng và ngộ thuật thuật ngữ “thought leader”. Thought leader không phải là một danh xưng mà bạn tự nhận với người khác, mà là điều người khác nhận định về mình. Một thought leader sẽ có lập trường rất vững vàng về chủ đề họ theo đuổi. Họ cũng rất đam mê xây dựng cộng đồng, đam mê chia sẻ giá trị với những người đang theo dõi mình.

Có 3 yếu tố quan trọng trên hành trình trở thành một thought leader. Thứ nhất là danh tiếng, họ cần tạo ra được sự uy tín, tin tưởng cao trong cộng đồng của mình. Thứ hai là doanh nghiệp cần có khả năng mở rộng liên tục. Thứ ba là họ phải tạo ra được những sản phẩm trí tuệ có hàm lượng chất xám cao. Đó có thể là sách, phim ảnh, những bộ công cụ, những bài báo nghiên cứu,… Tôi cũng đã đang đi trên con đường này và hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều bước tiến hơn nữa.

Cảm ơn chị Linh Phan và những chia sẻ của chị! 

Tại phần thứ 2 của bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu về những bài học kinh nghiệm mà chị Linh Phan đã rút ra được trên hành trình phát triển của mình. 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa