Sợ người khác phát hiện ra mình không giỏi như họ nghĩ, đó là vấn đề không của riêng ai. Rất nhiều influencer chúng tôi từng phỏng vấn, dù đã có vài trăm ngàn follower trên Youtube, đã xuất bản cuốn sách của riêng mình, có vài bài thuyết trình xuất sắc trên Ted Talk, vẫn có trong mình nỗi sợ đó. Hội chứng kẻ giả mạo (Imposter Syndrome) hiện diện trong cuộc sống và thế giới của các content creator và các influencer nhiều hơn chúng ta tưởng tượng.
Trong bài viết này, cùng The Influencer khám phá hội chứng kẻ giả mạo và một số cách thức để các content creator có thể khám phá và làm chủ vấn đề này.
Hội chứng kẻ giả mạo (Imposter Syndrome) là hiện tượng tâm lý trong đó cá nhân cảm thấy mình không xứng đáng với thành công mình đạt được và luôn lo sợ rằng một ngày nào đó sẽ bị "vạch trần" là kẻ lừa đảo. Những người mang hội chứng này không nhận ra hoặc không chấp nhận những thành tựu của mình, thay vào đó, họ cho rằng thành công đến từ may mắn, ngẫu nhiên, hoặc sự giúp đỡ của người khác hơn là từ năng lực bản thân. Điều này dẫn đến sự tự ti, lo lắng, và đôi khi cả trầm cảm.
Ví dụ, một content creator nổi tiếng trên Instagram với hơn 500.000 người theo dõi. Dù nhận được nhiều lời khen ngợi và có sự hợp tác với nhiều thương hiệu lớn, người này vẫn thường xuyên cảm thấy mình không xứng đáng với sự nổi tiếng đó. Cô tin rằng các bức ảnh của mình không thực sự sáng tạo, và thành công chỉ là do sự giúp đỡ từ bạn bè trong ngành và may mắn hơn là từ khả năng nhiếp ảnh và biên tập của mình. Điều này khiến cô thường xuyên sợ rằng mọi người sẽ nhận ra cô không tài năng như họ vẫn nghĩ.
Hội chứng kẻ giả mạo khác với sự nghi ngờ bản thân như thế nào?
Mặc dù hội chứng kẻ giả mạo và sự nghi ngờ bản thân có một số điểm tương đồng, chúng không hoàn toàn giống nhau. Sự nghi ngờ bản thân là cảm giác tạm thời và thường xảy ra trong những tình huống cụ thể, chẳng hạn như khi đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hoặc mới mẻ. Nó là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi và phát triển.
Ngược lại, hội chứng kẻ giả mạo là một trạng thái tâm lý liên tục và ăn sâu vào tâm trí của người mắc. Những người này có thể có nhiều thành tựu đáng kể, nhưng họ vẫn cảm thấy rằng mình không xứng đáng và rằng thành công của họ là do may mắn hoặc do người khác giúp đỡ.
Các content creator có thể trải qua hội chứng kẻ giả mạo qua nhiều cách khác nhau, cụ thể như sau:
Chủ nghĩa hoàn hảo
Những người mang hội chứng kẻ giả mạo thường đặt ra các tiêu chuẩn quá cao và cảm thấy thất bại khi không đạt được những tiêu chuẩn đó. Điều này dẫn đến việc làm việc quá sức và kiệt quệ khi cố gắng đạt được mức độ hoàn hảo không thể đạt được.
Ví dụ: Một YouTuber có thể dành hàng giờ để chỉnh sửa video, liên tục tinh chỉnh những chi tiết nhỏ nhặt, và vẫn cảm thấy video chưa đủ tốt để xuất bản.
Quy cho thành công là do may mắn
Họ tin rằng thành công của họ là do may mắn thay vì kỹ năng hay nỗ lực. Họ cho rằng may mắn khi có được lượng follower hoặc lượt xem, và rằng họ không thực sự xứng đáng với thành công đó.
Ví dụ: Một influencer trên Instagram có thể có hàng trăm ngàn người theo dõi nhưng lại cho rằng đó chỉ là do may mắn với một bài đăng viral.
Sợ bị lộ ra sự thiếu sót
Luôn lo sợ rằng người khác sẽ phát hiện ra những điểm yếu của mình. Nỗi sợ này có thể ngăn cản các creator không dám thử thách bản thân hay thử những điều mới, hạn chế sự phát triển và tiềm năng của họ.
Ví dụ: Một streamer trên Twitch tránh chơi các trò chơi mới trên stream, sợ rằng họ sẽ không giỏi và khán giả sẽ mất hứng thú.
Hạ thấp thành tựu của bản thân
Họ thường tự đánh giá thấp thành tựu của mình và cảm thấy mình không xứng đáng được công nhận. Điều này thường đi kèm với cảm giác không thuộc về hoặc cho rằng công việc của mình không có giá trị như người khác nghĩ.
Ví dụ: Một blogger giành vừa có một cuốn sách best seller, Nhưng bản thân họ cảm thấy mình không thực sự xứng đáng và hạ thấp thành tựu đó trong tâm trí của mình.
So sánh với người khác
Thường xuyên so sánh bản thân với các creator khác, đặc biệt là những người có vẻ thành công hơn họ. Sự so sánh này có thể làm tăng cảm giác thiếu sót và khuếch đại sự nghi ngờ bản thân.
Ví dụ: Một podcaster có thể cảm thấy kém cỏi sau khi thấy sự thành công của một podcaster khác, dẫn đến suy nghĩ "Tôi sẽ không bao giờ giỏi như họ."
Nguồn: Internet
Để biết bản thân có đang mang hội chứng kẻ giả mạo ở mức độ nào, bạn có thể tự đánh giá bản thân mình qua một số bài kiểm tra trực tuyến phổ biến. Một trong số đó là “Công cụ tự đánh giá Hội chứng kẻ mạo danh Clance” (Clance Impostor Syndrome Self-Assessment Tool ) - một công cụ được phát triển bởi Tiến sĩ tâm lý học Pauline Clance. Dưới đây là những nhận định được đưa ra trong công cụ. Với mỗi nhận định, bạn sẽ đánh giá mức độ từ 1 đến 5 (1-Không đúng chút nào; 5- Rất đúng):
Tổng số điểm của bạn càng cao, bạn càng có nhiều dấu hiệu rõ ràng của hội chứng kẻ giả mạo.
Đọc thêm: #InfluencerTips: Đi bền với nghề sáng tạo nhờ chăm sóc sức khỏe tinh thần
Nguồn: Unplash
Content creators thường dễ bị hội chứng kẻ giả mạo hơn vì nhiều lý do khác nhau:
Đọc thêm: #InfluencerTips: Làm thế nào để đối diện với những phản hồi tiêu cực trên mạng xã hội?
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo để đối diện với hội chứng kẻ giả mạo:
Tìm hiểu thực tế (Fact)
Để quản lý cảm giác kẻ giả mạo, bạn có thể bắt đầu quan sát những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Hãy nhìn lại hành trình bạn đã trải qua để đạt được vị trí hiện tại và tự hỏi mình có những bằng chứng nào chứng tỏ bạn xứng đáng. Ví dụ, bạn đã kiên trì 3 năm sáng tạo và liên tục cố gắng để có được vị trí như ngày hôm nay. Khi khách quan nhìn nhận lại, bạn có thể nhận thấy mình đã trưởng thành hơn 1 năm trước, hay 3 năm trước rất nhiều.
Đặc biệt, bạn nên chú tâm nhiều hơn đến cuộc hội thoại nội tâm của mình. Bạn đang tự nói với mình những điều gì? Khi thấy nhưng câu nói như “tôi không đủ giỏi như mọi người nghĩ”; “ai cũng giỏi hơn tôi”, “tôi không xứng đáng”,... hãy biết rằng cảm giác kẻ giả mạo đang bắt đầu xuất hiện trong bạn.
Chia sẻ cảm xúc của bạn
Nếu bạn không tin tưởng vào những “thực tế” của bản thân, hãy nhờ người khác. Chia sẻ cảm xúc của mình với người khác có thể giảm bớt cảm giác cô đơn và mở ra những góc nhìn tích cực từ người khác về bạn. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người bên ngoài môi trường làm việc có thể cung cấp một cái nhìn khách quan hơn. Việc tìm đến các chuyên gia khai vấn (coach), chuyên gia tâm lý,... có thể rất hữu ích với bạn.
Ăn mừng thành công của bạn
Những người cảm thấy mình là kẻ giả mạo thường không đánh giá cao thành công của mình. Khi ai đó khen ngợi bạn, đừng vội chối từ, cho phép mình chấp nhận lời khen đó và tận hưởng điều đó. Hãy lưu giữ những lời khen và phản hồi tích cực để tự nhắc nhở mình về năng lực của bản thân. Bạn có thể lưu lại những bình luận tích cực từ khán giả hay những bài viết được nhiều lượt chia sẻ.
Nguồn: Internet
Buông bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
Bạn không cần hạ thấp tiêu chuẩn của mình, nhưng điều chỉnh tiêu chuẩn để phù hợp với bối cảnh của từng thời điểm. Hãy tập trung vào tiến bộ của mình thay vì tìm kiếm sự hoàn hảo. Nếu bạn không đạt được tiêu chuẩn của mình, hãy coi đó là cơ hội để học hỏi và phát triển. Đôi khi, những video hoặc bài viết không hoàn hảo nhưng chân thật lại thu hút hơn rất nhiều.
Tự chăm sóc bản thân
Tự chăm sóc bản thân và học cách chấp nhận chính mình là một bước quan trọng. Hãy chú ý khi nào cảm giác kẻ giả mạo xuất hiện và cách bạn phản ứng với nó. Tập chấp nhận bản thân mà không cần phải dựa vào thành tựu để cảm thấy có giá trị. Thử áp dụng các kỹ thuật chánh niệm (mindfulness) để giúp bạn tập trung vào hiện tại và giảm bớt căng thẳng.
Chấp nhận cảm giác kẻ giả mạo
Cảm giác kẻ giả mạo có thể xuất hiện trong bất kỳ giai đoạn nào trong sự nghiệp. Hãy nhận biết và chấp nhận rằng cảm giác này có thể tái xuất hiện, đặc biệt khi bạn đối mặt với những trải nghiệm mới hoặc vai trò mới. Đôi khi, cảm giác này sẽ trở lại khi bạn thử nghiệm nội dung mới hoặc khi bạn đạt được một cột mốc quan trọng. Khi cảm giác đó quay lại, cho phép mình được quan sát những suy nghĩ và cảm xúc đó, và biết rằng đó là một “người bạn cũ”, là bạn có thể lựa chọn cách thức để ứng xử với điều này.