Bạn có biết rằng, theo một số nghiên cứu khoa học, phải năm suy nghĩ tích cực mới có thể bù lại một suy nghĩ tiêu cực. Não bộ của chúng ta có xu hướng phản ứng với những điều tiêu cực nhanh hơn, mạnh hơn, ghi nhớ lâu hơn.
Với những nhà sáng tạo nội dung và các influencer, công việc của họ gắn liền với việc tương tác cùng nhóm followers trên môi trường mạng xã hội. Việc tiếp nhận những phản hồi tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Nếu không biết cách đối diện với những tương tác tiêu cực một cách phù hợp, các nhà sáng tạo nội dung và các influencer rất dễ rơi vào trạng thái chán nản, nghi ngờ bản thân.
Trong bài viết này, The Influencer gợi ý bạn một số cách để đối diện với những phản hồi tiêu cực trên mạng xã hội một cách lành mạnh.
“Anh hùng bàn phím” là những người nấp sau những bình luận online của mình, họ cố ý để lại những bình luận tiêu cực, có tính phản đối, gây gổ, lăng mạ,… Họ không quan tâm đến việc tham gia vào những cuộc chuyện chân thành và có ý nghĩa. Họ chỉ muốn kích thích phản ứng tiêu cực từ bạn và những người xung quanh, làm lệch hướng sự chú ý của bạn. Trên hành trình làm người sáng tạo nội dung và influencer, chắc hẳn ít nhiều bạn cũng từng gặp nhóm đối tượng này. Bạn không làm gì quá tồi tệ, nhưng họ để lại những comment như thể bạn đã làm điều tồi tệ nhất trên đời.
Ví dụ, bạn đăng một video “House Tour" lên Youtube về ngôi nhà vừa mới sửa sang của bạn và được rất nhiều lượt quan tâm. Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi đọc được những comment về việc: bạn dành nhiều thời gian cho nhà cửa như thế thì lấy đâu thời gian dành cho con cái, trong khi bao nhiêu người đang phải sống trong điều kiện khó khăn thì bạn lại dành vài tỷ đồng cho một ngôi nhà,... Hoặc, có những người bỗng nhiên vào video của bạn và tạo ra những cuộc tranh cãi gần như không quá liên quan đến nội dung video. Tất cả những chuyện này đều có thể diễn ra.
Thực ra, họ chỉ đang sử dụng mạng xã hội để xả ra những năng lượng tiêu cực, những sự bất mãn họ tích tụ bấy lâu trong cuộc sống. Họ thường là những người có lòng tự trọng thấp, muốn khẳng định bản thân qua những ngôn từ và quan điểm thái quá. Với nhóm đối tượng này, cách tốt nhất là phớt lờ, xóa hoặc chặn họ tham gia vào các cuộc thảo luận trên bài post của bạn, hoặc phản hồi một cách lịch sự và thể hiện quan điểm rằng bạn không muốn tiếp tục cuộc thảo luận này.
Không phải tất cả phản hồi tiêu cực đều giống nhau. Một số người có thể thật sự muốn giúp bạn cải thiện nội dung hoặc chỉ ra một số sai sót hoặc lỗi mà bạn có thể sửa. Đây là phản hồi mang tính xây dựng, và bạn nên đón nhận những phản hồi này như một cơ hội để học hỏi và phát triển. MC Khánh Vy, trong một bài phỏng vấn với The Influencer, cũng chia sẻ rằng, với những phản hồi về chuyên môn dẫn chương trình, bạn sẽ đọc rất kỹ và ghi lại những gợi ý mà có thể giúp bạn cải thiện công việc của mình.
Điều này đòi hỏi sự khiêm nhường và tinh thần cởi mở từ bạn để có thể khám phá những góc nhìn khác biệt. Sau khi nhận được phản hồi mang tính xây dựng, bạn cũng có thể tương tác ngược lại với độc giả, cảm ơn và nhờ họ chia sẻ cụ thể hơn về gợi ý và phản hồi của họ. Với thái độ cầu tiến và cởi mở đón nhận những ý kiến đóng góp, bạn có thể tiến xa và nhận được sự tin tưởng của những người theo dõi.
Ngược lại, một số người có thể chỉ muốn làm tổn thương cảm xúc của bạn, khiến bạn mất uy tín hoặc ngăn cản bạn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Đây là những phản hồi mang tính phá hoại. Với những phản hồi loại này, bạn nên từ chối tiếp nhận bởi nó không giúp ích bạn trên hành trình làm sáng tạo, nó có tính thiên khiến cao và chứa đựng nhiều ác ý.
Để phân biệt hai dạng phản hồi này, bạn có thể chú ý vào ngôn ngữ, ý định và nội dung của phản hồi. Phản hồi đó có thể hiện sự tôn trọng, cụ thể và những gợi ý rõ ràng hay không? Hay phản hồi đó thô lỗ, mơ hồ và mang tính xúc phạm cá nhân cao?
VJ Đặng Thu Hà - VJ tài năng của Schannel, cũng chia sẻ rằng: “Nói chung, với những bình luận tiêu cực, nói không buồn thì chắc chắn là nói dối. Mình buồn chứ, mình cũng suy nghĩ lắm. Tuy nhiên, mình quan niệm nếu mọi người bình luận tiêu cực tức là họ quan tâm đến mình và đó là những góp ý thiện chí để mình tốt lên, dù có thể đọc hơi nặng nề. Vậy nên những bình luận như vậy mình thấy rất trân trọng và đọc kỹ để xem vấn đề của mình ở đâu và cải thiện”.
Chồn - Một Tiktoker nổi tiếng về mảng giáo dục và đời sống, cũng chia sẻ một quan điểm thú vị: “Không hiểu tại sao mà ngày nào mình thấy vui là sẽ đọc được những lời nhắn rất tích cực, ngày nào tâm trạng chạm đáy lại nhận về nhiều bình luận vô cùng tiêu cực. Mình có niềm tin vào Âm - Dương. Không có gì hoàn toàn xấu và hoàn toàn tốt. Mình sẽ coi đó là feedback (phản hồi) cho mình về nội dung. Chẳng hạn như khi ta đọc một bình luận tốt, cảm xúc vui vẻ, tự tin dễ dẫn đến việc chúng ta rơi vào trạng thái ngủ quên trên chiến thắng, chủ quan rằng mình đang làm tốt rồi. Ngược lại, khi ta nhận về một bình luận chê bai tiêu cực, đó có thể là động lực khiến ta nhận ra bản thân cần thay đổi để phát triển hơn. Niềm tin này đã giúp mình luôn giữ được trạng thái cân bằng và trung lập, để cảm xúc không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài”.
Nếu bạn quyết định phản hồi lại những phản hồi tiêu cực, dù mang tính xây dựng hay phá hoại, hãy làm điều đó với lòng biết ơn, sự nhẹ nhàng và khiêm nhường. Cảm ơn họ vì những ý kiến đóng góp của họ, ghi nhận quan điểm của họ và cho họ thấy rằng bạn sẵn sàng đón nhận phản hồi và sẵn sàng cải thiện.
Nếu có những sự hiểu nhầm cần phải được làm rõ, bạn có thể giải thích với thiện chí để hai bên có thêm cơ hội để hiểu nhau, chứ không phải vì bạn muốn “thắng” trong cuộc tranh luận này. Cố gắng không để bản thân bị cuốn vào những cuộc tranh cãi không đầu không cuối trên MXH, và cũng không nên có ý định tấn công hay làm bẽ mặt người để lại comment. Bạn vừa tốn thời gian, tốn năng lượng, và hình ảnh của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng.
Hiểu rằng phản hồi tiêu cực là một phần không thể tránh khỏi trên hành trình làm sáng tạo nội dung hay influencer. Đừng để những phản hồi đó ảnh hưởng đến sự tự tin, niềm đam mê, và việc theo đuổi mục tiêu của bạn.
Bạn sẽ không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người, dù bạn có nỗ lực nhiều đến đâu. Chính vì vậy, hãy tập trung vào những điều bạn có thể làm được. Bạn có thể tiếp tục đầu tư sự sáng tạo và chất xám cho những nội dung chất lượng, tiếp tục lan tỏa những thông điệp ý nghĩa và tích cực đến cộng đồng, tiếp tục chăm sóc những người follower trung thành, cùng hệ giá trị và luôn luôn ủng hộ bạn trên hành trình bạn đang đi. Đôi khi, lùi lại một bước, nhìn thấy cả một bức tranh rộng lớn của những điều bạn đã làm được, những người bấy lâu nay vẫn âm thầm ủng hộ từng bước bạn đi, và rồi bạn sẽ thấy rằng những phản hồi tiêu cực kia chỉ là một thử thách nho nhỏ mà bạn cần học cách đối diện.