Với nhiều người thì cậu bạn Trần Đức Thắng (Chồn) - sinh viên năm ba Đại học Ngoại thương (FTU) có lẽ chính là hình mẫu điển hình của "con nhà người ta" trong truyền thuyết. Lý do là bởi không chỉ có ngoại hình điển trai, Đức Thắng còn sở hữu “bảng vàng” thành tích dài dằng dặc khiến ai cũng phải “ngước nhìn”.
Với điểm số IELTS 7.5, gần đây Đức Thắng đã trở thành host trẻ tuổi nhất của chương trình IELTS FACE-OFF trên Kênh truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7. Tuy nhiên, cư dân mạng đã biết đến Thắng trước đó bởi kênh TikTok Chồn với nội dung chia sẻ xoay quanh lĩnh vực giáo dục và đời sống. Đến với TikTok một cách tình cờ vào buổi chiều mưa tháng 8 năm nọ, tới nay đã gần hai năm anh bạn gắn bó cùng nền tảng này trong vai trò nhà sáng tạo nội dung. Hãy cùng The Influencer lắng nghe tâm sự về hành trình đi từ “tình cờ” tới “tâm huyết” cùng TikTok và nguồn gốc của công thức viral của Chồn nhé!
Gần đây group “Flex đến hơi thở cuối cùng” đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và chú ý từ cộng đồng mạng. Chồn thử “đu trend” cùng The Influencer Việt Nam nhé?
Xin chào các độc giả của The Influencer Việt Nam! Mình là Chồn - profile của mình không có gì ngoài một số giải thưởng nho nhỏ, cụ thể là giải Nhất Thành phố Hà Nội môn Ngữ Văn, giải Ba Quốc gia môn Ngữ Văn, Quán quân giải đấu High School Best Dance Crew năm 2020. Với điểm số IELTS 7.5 khiêm tốn, hiện tại mình đang là host trẻ tuổi nhất trên chương trình IELTS FACE-OFF của Kênh truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7. Ngoài ra, mình cũng đang sở hữu một kênh TikTok cá nhân với gần 180,000 lượt theo dõi và hơn 4 triệu lượt thích.
Nghĩ về những ngày đầu tiên làm TikTok, Chồn cảm thấy thế nào?
Đó là ngày mùng 4 tháng 8 năm 2021. Sở dĩ mình nhớ như in là vì ngày mình đăng tải video đầu tiên cũng là ngày mình tải ứng dụng TikTok về điện thoại. Video đầu tiên xuất hiện trên danh sách xu hướng mình xem được là video của vlogger Vừng - chia sẻ về hành trình bạn đã học và cố gắng ra sao để có được thành tích như hiện tại.
Và thế là mình sử dụng luôn âm thanh video của Vừng để tạo nên video đầu tiên trên kênh - vào ngày đầu tiên mình cài ứng dụng TikTok. Bất ngờ là sau một đêm, video đó lên xu hướng và được hơn 100,000 lượt xem luôn. Tuy nhiên, mình bị xoá video vì lộ số căn cước công dân nhưng mình nghĩ rằng đây là tín hiệu vũ trụ gửi tới để mình biết bản thân nên thử. Trong những ngày tiếp theo, mình được truyền cảm hứng bởi rất nhiều anh chị kỳ cựu trong lĩnh vực sáng tạo nội dung về giáo dục. Mình học hỏi mỗi ngày và dấn thân vào ngành lúc nào không hay.
Chồn lên lịch sản xuất video như thế nào?
Ban đầu mình tạo hẳn một kế hoạch tổng quan, chăm chỉ nghiên cứu về những dạng nội dung có thể thu hút sự chú ý của khán giả. Nhưng sau đó mình nhận ra TikTok là một nền tảng “liên tục” với những xu hướng thay phiên nhau lọt bảng xếp hạng thịnh hành. Vậy nên hành vi và nhận thức của người dùng có thể đúng vào ngày hôm nay nhưng ngay lập tức có thể thay đổi.
Nhận ra điều này, mình bắt đầu chuyển sang hai dạng nội dung xuyên suốt trên kênh. Thứ nhất là dạng nội dung “đu trend”: sử dụng những “slangs” thịnh hành, âm thanh đang được lên xu hướng để tạo video. Dạng nội dung thứ hai là “fan cứng”, tức là nội dung để giữ chân khán giả, dù họ mới theo dõi hay đã theo dõi mình từ lâu. Nội dung này sẽ xoay quanh lĩnh vực giáo dục hay những vấn đề mà mình cũng như các bạn đồng trang lứa đều gặp phải trong quá trình trưởng thành.
Cho tới hiện tại, mình vẫn luôn tự quay, tự hậu kỳ, “one-man-show” (cười). Nhớ lại trước đây, vừa dựng chân máy lên cái là sập xuống, mình nản vô cùng. Tới bây giờ vẫn vậy nhưng mình lại thấy bình thường. Hay như khi ở trên lớp, ban đầu các bạn thấy hơi phiền và lạ lẫm khi mình cầm chân máy và gắn máy ảnh quay tất cả mọi thứ ở lớp nhưng bây giờ mọi người đã dần quen và coi đó là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Chồn đã bao giờ hoài nghi về định hướng hình ảnh cá nhân của mình?
Thời điểm cận kề kỳ thi THPT năm trước, sau một thời gian liên tục lên video chia sẻ kiến thức cho tới ngày có điểm thi Đại học, kênh mình tụt tận 8000 lượt theo dõi. Lúc ấy mình vô cùng hoang mang, không biết có phải mình đang trở thành “dụng cụ” các bạn chỉ tìm đến khi cần và có thể rời đi bất cứ lúc nào hay không. Sau đó bạn bè xung quanh bắt đầu làm TikTok và mình tự đặt ra muôn vàn câu hỏi cho bản thân: hay mình đi theo hướng này, xây dựng kênh theo hướng kia có ổn không…
Sau thời kỳ khủng hoảng ấy, mình bình tĩnh lại và nhận ra rằng, cho dù rẽ hướng mới hay thậm chí xây một kênh khác, không thể phủ nhận việc khán giả đã biết tới Chồn và ấn tượng với hình ảnh ban đầu của mình. Vậy thay vì cố bó hẹp trong một hình ảnh và loay hoay tìm kiếm định hướng mới thì hãy cứ là chính mình và mở rộng nội dung trong lĩnh vực mình hiểu biết, quan tâm đồng thời giữ vững giá trị cốt lõi của bản thân. Có thể nhiều khi khán giả không quá thích nội dung video của mình nhưng họ thích cá tính con người mình, thích cách mà mình xuất hiện trên mạng xã hội. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Nhắc tới tương tác, có thể thấy kênh TikTok của Chồn không sở hữu những con số quá bùng nổ. Tuy nhiên, kênh của bạn lại có được một lượng tương tác ổn định. Nhìn vào sự “bằng phẳng” này, có khi nào Chồn cảm thấy hơi… nản?
Câu hỏi này đụng trúng “tim đen” của mình. Trước đây, mình từng tâm sự với bạn về việc tương tác trên kênh luôn trong vùng an toàn, loanh quanh vài trăm ngàn lượt xem, vài chục ngàn lượt yêu thích, không có con số nào quá bùng nổ tới mức phải “Wow!”. Khi ấy, bạn mình bảo rằng hãy tưởng tượng ra cảnh bản thân đứng trước 10 nghìn người, ngang với một sân vận động luôn đó. Vậy tại sao mình không nghĩ đơn giản: Kể cả bây giờ có một người thích, một người xem thì vẫn có người quan tâm đến kênh của mình. Chưa kể đến rất nhiều bình luận, tin nhắn, email mình được mọi người tìm đến và chia sẻ những câu chuyện khi họ cảm thấy không ổn. Vậy thì biết đâu những con số tương tác không quá bùng nổ, nằm trong vùng an toàn và “bằng phẳng” có khi lại hay!
Chồn thường nhận quảng cáo của các nhãn hàng trong lĩnh vực nào?
Mình thường hợp tác cùng các nhãn hàng liên quan đến giáo dục và đời sống, nhiều nhất là các bên trung tâm, nền tảng giáo dục ngoại ngữ.
Câu chuyện nội dung quảng cáo hiện nay là câu chuyện giữa ba bên: nhãn hàng, người sáng tạo nội dung và khán giả. Trong đó, khán giả là người nắm yếu tố quyết định sự thành công của chiến dịch và cũng là yếu tố khó nắm bắt nhất. Chồn có tự tin rằng mình hiểu khán giả của mình không?
“Mình biết cách làm video như thế nào để lên xu hướng, chỉ là mình không muốn thôi”. Đây là suy nghĩ của mình một năm về trước. Sau khi có kiến thức chuyên ngành marketing, mình nhận ra cần nghiên cứu rất kỹ đối tượng khán giả trước khi làm bất cứ điều gì thay vì đoán bừa như trước. TikTok là một nền tảng thân thiện với các nhà sáng tạo. Mình hoàn toàn có thể xem được giờ nào có nhiều người trực tuyến nhất, giới tính, độ tuổi của họ ra sao, họ ở khu vực nào, hành vi và nhu cầu của họ là gì… Từ những số liệu và phân tích cụ thể mới có thể kết luận khán giả của mình muốn xem dạng nội dung nào.
Tuy nhiên, thời điểm này mình thấy dù ở bất cứ nền tảng nào, việc sáng tạo nội dung cũng đang dần bị bão hoà. Chỉ cần lướt một vài video, mình sẽ nhận ra một số kênh sản xuất nội dung giống nhau, có phong cách và hình thức video tương đồng. Cách đơn giản nhất để có thể hiểu khán giả chính là trở thành khán giả của chính mình. Khi mình xem video mà nhận ra được phong cách mình theo đuổi giống ai thì khán giả cũng sẽ nhận ra được điều ấy, mình thấy có gì “sai sai” thì phải thay đổi ngay vì chắc chắn khán giả cũng sẽ biết ngay.
Điều bạn cảm thấy không thích nhất ở công việc này là gì?
Một lần mic của mình bị hỏng, không thể thu âm được như những video bình thường. Mình rất cố gắng khắc phục để video được đăng tải đúng theo lịch đã sắp xếp. Tuy nhiên, bình luận đầu tiên mình nhận được lại là: “Không hiểu sao hôm nay tiếng nghe khó chịu quá…”. Hay như lần khác, mình nhận được một email ẩn danh với nội dung thắc mắc tại sao mình lại chia sẻ những điều bản thân cảm thấy không thoải mái trong cuộc sống, công việc lên mạng xã hội, rằng một influencer dù là ít hay nhiều người theo dõi thì tất cả những gì đăng tải lên mạng đều phải mang tính tích cực.
Những lần nhận về phản hồi tiêu cực ấy luôn khiến một cậu bé chưa đầy 20 tuổi như mình cảm thấy hoài nghi về năng lực và định hướng xây dựng hình ảnh. Mình đang làm nội dung cho khán giả xem nhưng nếu khán giả thấy khó chịu, không thoải mái thì có phải lỗi là ở mình? Phải chăng cứ sáng tạo nội dung trên mạng xã hội là mình luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng đối diện với những điều đó? Nếu từ trước tới giờ mình luôn mạnh mẽ nhưng chỉ cần một lần yếu đuối thì sẽ nhận về ý kiến giả tạo, không sống thật? Ngược lại, nếu mình chia sẻ mọi cảm xúc và suy nghĩ lên mạng sẽ trở thành một người sống ảo, chuyện gì cũng đăng lên?
Xoay vần với những câu hỏi đó, mình đã quyết định tự tìm ra lối thoát cho mình bằng cách chỉ làm những điều mình cảm thấy tâm đắc chứ không chỉ để giữ chân người xem nữa. Chỉ khi đó mình mới có thể đặt công sức và niềm tin vào nội dung của mình, vững bước trên con đường mình đã chọn thì mới có thể đi được lâu dài.
“Love What You Do, Do What You Love” (Yêu Điều Mình Làm, Làm Điều Mình Yêu) - đây là câu châm ngôn yêu thích trong cuộc sống của mình.
Nhắc đến những bình luận tiêu cực, Chồn có thói quen thường xuyên đọc chúng?
Không hiểu tại sao mà ngày nào mình thấy vui là sẽ đọc được những lời nhắn rất tích cực, ngày nào tâm trạng chạm đáy lại nhận về nhiều bình luận vô cùng tiêu cực. Mình có niềm tin vào Âm - Dương. Không có gì hoàn toàn xấu và hoàn toàn tốt. Mình sẽ coi đó là feedback (phản hồi) cho mình về nội dung. Chẳng hạn như khi ta đọc một bình luận tốt, cảm xúc vui vẻ, tự tin dễ dẫn đến việc chúng ta rơi vào trạng thái ngủ quên trên chiến thắng, chủ quan rằng mình đang làm tốt rồi. Ngược lại, khi ta nhận về một bình luận chê bai tiêu cực, đó có thể là động lực khiến ta nhận ra bản thân cần thay đổi để phát triển hơn. Niềm tin này đã giúp mình luôn giữ được trạng thái cân bằng và trung lập, để cảm xúc không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài.
Mục tiêu làm TikTok của Chồn có nhắm đến việc độc lập tài chính hay xa hơn là tự do tài chính không?
Kiếm tiền từ TikTok không còn là một thông tin hay khái niệm quá xa lạ với tất cả chúng ta, đặc biệt là thế hệ GenZ. Rất nhiều bạn trẻ thành công từ việc xây dựng kênh TikTok, xây nhà, báo hiếu cho bố mẹ, trở thành trụ cột tài chính cho gia đình… Đó là một điều rất tích cực. Tuy nhiên đối với bản thân, ở thời điểm hiện tại, nguồn thu nhập từ TikTok chỉ là khoản kiếm thêm. Mình biết rằng bản thân hoàn toàn có thể có được nguồn thu nhập tốt hơn từ việc sáng tạo nội dung trên TikTok và các nền tảng khác song song với việc hiệu suất làm việc cũng cần phải… “căng” hơn.
Ngay từ ban đầu, giá trị cốt lõi mình đặt ra cho kênh TikTok cá nhân của mình đã là chia sẻ. Khẩu hiệu đầu tiên mình nhìn thấy ở Tiktok vào ngày đầu tiên tải nền tảng này về là: “Video cho ngày của bạn thêm thư giãn”. Mình nghĩ thư giãn ở đây không chỉ cho người xem mà còn cho cả người tạo ra nội dung nữa. Nếu xuất hiện áp lực tài chính xen vào sự thư giãn này, có lẽ sẽ mất đi tình yêu tự nhiên mình dành cho nền tảng TikTok.
Cuối cùng, câu hỏi đại diện cho series TikTokRising: Bài học lớn nhất bạn có được trên hành trình trưởng thành cùng TikTok là gì?
Như đã nói ở trên, kênh của mình không có quá nhiều sự bùng nổ nhưng lại giữ phong độ ổn định, phẳng lặng qua ngày tháng. Nhắc tới đây mình nghĩ đến nhóm nhạc Kpop mình yêu thích - Red Velvet. Họ không có MV một tỷ lượt xem nhưng mỗi lần xuất hiện họ đều có một dấu mốc mới: người nghe nhiều hơn, số album bán ra phá kỷ lục… Bài học lớn nhất mình rút ra cũng xuất phát từ câu chuyện này.
Mình nhận ra bản thân không cần thiết phải có loạt video hàng triệu lượt xem, phong độ nhất thời rồi lại tụt xuống. Mình sẽ ở một mức độ phù hợp và tiến dần, nâng cấp bản thân lên một mức độ khác một cách thầm lặng, chậm rãi. Đôi khi mình có nhiều tham vọng trong cuộc sống, mình muốn đối mặt với “sóng gió” để thử thách chính mình nhưng với TikTok, mình học được bài học về sự bình tĩnh, trân trọng và khả năng nhận thức về chính bản thân. Mình ra được giá trị cốt lõi của mình là gì và mọi người nhận ra mình là ai, đó là điều mình thấy vô cùng hạnh phúc!
Thêm nữa, TikTok cho mình rất nhiều cơ hội tốt đẹp. Không chỉ về những hợp đồng quảng cáo, thương mại, mình còn được làm việc với những người mình từng ngưỡng mộ. Gần đây, mình trở thành MC cho một talkshow xuất hiện cùng hai diễn giả là Vừng (VJ/ Content Creator) và Thạch Trang (Content Creator). Mình được trò chuyện và học hỏi thêm rất nhiều điều bổ ích, thú vị từ người mình đã ngưỡng mộ từ lâu, người đã đưa mình tới “vùng đất thần kỳ” này.