Trong vòng 1 tháng, ChatGPT đã khiến cả thế giới “phát cuồng” bởi những gì nó mang lại. Hiểu đơn giản, ChatGPT là một chatbot - một công cụ được xây dựng để trò chuyện với con người thông qua văn bản hoặc chuyển văn bản thành giọng nói. Trước ChatGPT, giới trẻ Việt cũng từng “phát sốt” với SimSimi với loạt đoạn hội thoại hài hước mà nhân vật này đã tạo ra cùng người dùng. Tuy nhiên, ChatGPT còn linh hoạt và thông minh hơn thế. Ứng dụng này mang trong mình một kho dữ liệu khổng lồ, sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo và công nghệ ngôn ngữ GPT-3.5 giúp tạo ra câu trả lời dưới dạng một cuộc trò chuyện. Chính vì thế, sự ra đời của ChatGPT bỗng chốc khiến nhiều ông lớn phải lo ngại bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và đôi khi có sự chính xác cao trong việc tìm kiếm các câu trả lời.
Thời gian gần đây, Microsoft đã tạo ra thêm thách thức cho các gã khổng lồ công nghệ như Google khi ký kết khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD và tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing. Nhờ đó, Bing sẽ có cho mình một kho dữ liệu và công nghệ của ChatGPT, dễ dàng tạo ra những câu trả lời ngắn gọn, trực tiếp khi người dùng tìm kiếm. Hành động này dường như là cuộc đối đầu trực tiếp giữa ChatGPT với Google, khiến nhiều người dùng thắc mắc liệu công cụ nào sẽ chiến thắng trong cuộc đua công nghệ?
Đọc thêm: Giải mã ChatGPT - từ khóa "rần rần" mạng xã hội thời gian qua
Để nói về Google, đây là ông trùm lâu năm của giới công nghệ với vô vàn tính năng và đặc điểm nổi bật khiến người dùng tin tưởng. Một trong những đặc điểm khiến Google nổi bật chính là ở tốc độ phản hồi và khả năng phản hồi chính xác cao. Chỉ trong chưa đến 1 giây, hàng chục triệu kết quả tìm kiếm sẽ hiển thị để người dùng chọn lọc các liên kết thích hợp nhất. Điều này cũng mang đến đáp án đa dạng cho câu hỏi mà người dùng tìm kiếm. Bên cạnh đó, khi tìm kiếm ở Google, phần phản hồi cũng có thêm các tìm kiếm phổ biến liên quan đến chủ đề câu hỏi, giúp cho người dùng mở rộng đáp án. Đi kèm, Google cũng tích hợp nhiều tính năng cho người dùng như Google Docs, Google Sheet, Photos, Calendar… tạo ra một thế giới tiện ích của riêng ông lớn này. Song song, Google cũng kiếm được một số tiền khổng lồ khi có cho mình Google Ads - một dịch vụ quảng cáo dành cho doanh nghiệp mỗi khi tìm kiếm.
Tất nhiên, chưa thể hoàn thiện như ông lớn 20 năm tuổi, ChatGPT cũng có cho mình những đặc điểm nổi trội. Không đưa ra những kết quả tìm kiếm bằng các liên kết như Google, ChatGPT trực tiếp trả lời người dùng dưới dạng một cuộc hội thoại. Với việc hỗ trợ nhiều ngôn ngữ trên thế giới, độ chính xác của câu trả lời trên ChatGPT còn tùy thuộc vào ngôn ngữ người dùng lựa chọn. Ví dụ đơn giản, khi người dùng tìm kiếm thông tin về Chí Phèo bằng Tiếng Việt, ChatGPT đã đưa ra một đoạn phân tích với vô vàn thông tin sai lệch. Điểm hạn chế này vẫn khiến ChatGPT còn kém xa so với Google.
Chí Phèo bỗng nhiên trở thành nhân vật trong Tấm Cám thông qua ChatGPT
Tìm kiếm về The Influencer cũng không mấy khả quan
Tuy nhiên, khi tìm kiếm bằng Tiếng Anh thì kết quả thu về lại chính xác và rõ ràng hơn so với Tiếng Việt
Bên cạnh việc trả lời những câu hỏi tìm kiếm của người dùng, ChatGPT còn dễ dàng hỗ trợ các tác vụ khác như làm thơ, viết văn bản, email hay thậm chí là một đoạn code. Mặc dù vậy, chính điều này đã khiến nhiều người dùng lo ngại về ChatGPT khi công cụ này có khả năng khiến giới trẻ lạm dụng trong việc học tập, tạo ra nhiều hệ lụy về sau. Tại New York, mới đây, người ta đã đưa ra lệnh cấm trên diện rộng việc sử dụng ứng dụng ChatGPT với mục đích cá nhân tại các trường công lập, ngoại trừ Đại học.
Không chỉ dừng lại ở đó, ChatGPT còn khiến nhiều người lo ngại về việc sẽ loại bỏ một số ngành nghề trong tương lai, khi ứng dụng này có thể tạo ra hàng nghìn nội dung khác nhau chỉ với vài từ khóa. Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, ChatGPT có thể trở thành một công cụ hữu ích dành cho các nhà sáng tạo nội dung, đặc biệt tiết kiệm thời gian trong việc tạo dựng kịch bản cho riêng mình. Không những thế, ChatGPT cũng có thể dễ dàng trả lời cho các thương hiệu đâu là gương mặt phù hợp trong mỗi chiến dịch chỉ với một vài từ khóa tìm kiếm.
ChatGPT những ngày gần đây cũng trở thành topic tạo content trên mạng xã hội (Nguồn: BEATVN)
Trước khi ChatGPT làm khuynh đảo thế giới, nhiều công ty lớn cũng đã thể hiện tham vọng của mình khi ra mắt các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Vào năm 2016, Microsoft cũng từng ra mắt chatbot AI có tên Tay vào năm 2016, hay Facebook với Blenderbot. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều chịu nhiều thất bại dưới sự bành trướng và tiện lợi của Google. Mặc dù vậy, khi sự cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo tăng cao, các công ty công nghệ giờ đây không thể đứng yên.
Theo tờ New York Times ngày 21-12, ChatGPT đã khiến ban lãnh đạo Google - Sundar Pichai (CEO của cả Google lẫn công ty mẹ Alphabet) tham gia loạt cuộc họp khẩn liên quan đến chiến lược phát triển AI của Google, và yêu cầu nhiều đội ngũ nhân viên phải tái tập trung vào các nỗ lực nhằm giải quyết mối đe dọa mà ChatGPT đang tạo ra từng ngày. Không chỉ dừng lại ở đó, Google cũng lên kế hoạch về sản phẩm tìm kiếm được kết hợp chatbot và tiết lộ hơn 20 dự án khác sử dụng trí tuệ nhân tạo. Những hành động này của Google cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng đến báo động của ChatGPT đến ông trùm công nghệ 20 năm.