5 tháng kể từ bài phỏng vấn nhân dịp GiGi ra mắt album đầu tay “Du hành vào tâm trí", tôi lại có dịp trò chuyện cùng GiGi về một chủ đề rất… Nhà giáo Việt Nam: Chân dung người thầy của GiGi trên hành trình làm nghệ thuật. Tôi đã nghĩ mình sẽ được nghe GiGi kể về hành trình khổ luyện để cải thiện kỹ năng thanh nhạc, sáng tác, lẫn kỹ năng trình diễn trên sân khấu; về mối quan hệ của GiGi về những “cây đa cây đề” mà cô có cơ hội đồng hành trên một vài chặng đường nghệ thuật. Hay những bài học mà GiGi nhận được khi quay lại với âm nhạc sau gần chục năm xa cách, mà trong đó, có tới 5-6 năm GiGi không nghe bất kỳ một giai điệu nào.
Nếu bạn đang chờ mong được khám phá tất cả những điều ấy, tôi đành phải… thành thật: Bạn sẽ không tìm thấy chúng trong bài viết này. Chỉ sau 1 câu hỏi, bài phỏng vấn đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Ở đó, GiGi lần đầu chia sẻ về Mận Cơm - cậu con trai mà GiGi coi là bạn, là thầy. Về cách Mận Cơm đã giúp GiGi trở thành người sống kỷ luật, lắng nghe không phán xét, và cô đọng những trải nghiệm thành nguyên liệu cho âm nhạc của mình…
Từ thời điểm bắt đầu hành trình nghệ thuật đến nay, GiGi tự học nhiều hơn hay được hướng dẫn nhiều hơn?
Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ là tuýp học sinh sẽ ngồi chăm chú nghe giảng trong lớp, mà sẽ học từ trải nghiệm sống quanh mình. Sau khi vào Sài Gòn, tôi bắt đầu học cách lập trình mỗi ngày của mình. Tôi đặt đồng hồ báo thức cho mọi cột mốc trong ngày, trong đó có một khung giờ tôi gọi là “learning time", thường bắt đầu vào 8h tối. Vào lúc đó, tôi sẽ giữ mình hiện diện để học bất kỳ điều gì - qua những cuộc hội thoại, qua những bản nhạc, cuốn sách… Đó không nhất thiết phải là một người thành công vang dội hay một bản nhạc tuyệt tác; tôi nghĩ mình luôn có thể học được một điều gì đó từ bất kỳ ai.
Tất cả đều là những “người thầy" của tôi, xét trên một phương diện nào đấy. Nói cách khác, trong cuộc đời này, tất cả chúng ta đều là thầy của nhau.
Và GiGi đã duy trì thói quen đặt báo thức ấy đến tận bây giờ?
Đúng thế! Tôi nghĩ một trong những việc khó nhất là giữ mình chú tâm vào giây phút hiện tại. Thường, mọi người sẽ dằn vặt về quá khứ, đắn đo về tương lai. “Đáng lẽ ra ban nãy mình phải làm này, tí nữa mình sẽ làm kia…” Bằng cách đặt ra những khoảng learning time nhất định, tôi tự nhắc nhở bản thân vào tập trung vào những gì đang xảy ra, và lắng nghe những người tôi đang tiếp xúc. Việc học của tôi bắt đầu với việc lắng nghe.
Tôi đặt báo thức bắt đầu từ 6 rưỡi sáng cho tới 10 giờ tối. Chẳng hạn, tôi ăn sáng lúc 8 giờ, học piano lúc 9 giờ, và luyện thanh lúc 11 giờ. Việc “đặt báo thức sinh học" như vậy khiến tôi yên tâm rằng thời gian của tôi không trôi qua một cách vô ích hay vô nghĩa.
GiGi của ngày xưa có phải người kỷ luật như vậy?
Chắc chắn không phải rồi (cười).
Và cột mốc cho sự “chuyển mình" đó là…
Tôi có con. Đó chắc chắn là một cột mốc đánh thức rất nhiều sự thay đổi trong tôi. Tôi vừa nói, tôi đặt báo thức cho từng hoạt động trong ngày vì không muốn cuộc sống trôi đi vô nghĩa và bản thân lãng quên bất kỳ điều gì. Khi biết trân trọng những phút giây mình được sống, chúng ta sẽ sống kỷ luật hơn.
Một điều nữa, tôi không muốn ốm. Sau khi có con, tôi từng có thời gian khó khăn về tài chính, đến mức nếu để mình bị ốm, tôi e rằng mình còn không đủ tiền để đi viện. Ngày xưa tôi sống rất… lung tung, cũng chẳng quan tâm hậu quả; tôi chỉ cần biết mình… thích sống như thế. Rất bốc đồng phải không? Nhưng rồi khi thực sự rơi xuống đáy vực, tôi mới biết mình cần cố gắng để vươn lên.
Hiện tại, tôi chấp nhận sống xa con trai để vào Sài Gòn lập nghiệp lại. Khi đã đưa ra một sự lựa chọn khó khăn đến thế, phải đánh đổi thời gian quý báu được gần con, tôi phải trân quý từng giây, từng phút để hoàn thiện bản thân, tự tạo cơ hội và cho con trai một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đây là lần đầu tiên tôi chính thức được nghe GiGi chia sẻ về con trai mình…
Tôi nghĩ là khi bản thân chưa đạt đến cột mốc mình đề ra, tôi sẽ tạm thời chưa nhắc về em bé. Nhưng hiện tại, tôi nghĩ mình đã ổn định và có thể tự hào về những gì mình đã làm. Tôi đã dành cho con khoảng thời gian rất đẹp. Dù ở xa, tôi vẫn tranh thủ trò chuyện với con, cho con mọi điều tốt nhất. Tôi hạnh phúc khi có con làm người bạn đồng hành, để có thể kể cho con nghe về cuộc sống và những gì tôi đã đi qua. Gần đây, tôi cũng thoải mái hơn khi nói về Mận Cơm - con trai mình, rằng con đã luôn là một động lực mạnh mẽ với tôi đến nhường nào.
Mận Cơm, với tôi, là người thầy đích thực. Khi có con, tôi biết không chỉ mình dạy con, mà con cũng dạy mình rất nhiều điều.
Có một bài học cụ thể nào đó mà Mận Cơm đã dạy chị?
Mận Cơm mới 8 tuổi, còn rất bé, nhưng tôi luôn có cảm giác gần gũi với con như một người bạn. Tôi không muốn giấu Mận Cơm điều gì, và tôi tin Mận Cơm cũng thế. Tôi cũng không muốn bắt ép con làm theo ý mình, mà chỉ gợi mở để con chia sẻ và tự mình giải quyết tất cả mọi thứ. Tôi là mẹ, lại còn là người mẹ sống xa con, nên tôi tự cho việc gọi điện mỗi ngày là một cách để bù đắp. Tôi từng giận dỗi và trách Mận Cơm, rằng sao Mận Cơm không gọi cho mẹ. Lúc ấy Mận Cơm nói: “Con nghĩ mẹ đang rất bận và cần thời gian để nghỉ ngơi.”
Tôi thấy… wow, Mận Cơm còn rất nhỏ, nhưng một cách rất hồn nhiên, con hiểu rằng đôi khi, mẹ chỉ mong được ở một mình khi quá mệt mỏi, áp lực với công việc, cuộc sống và không cần ai thăm hỏi quá nhiều. Thỉnh thoảng tôi cho Mận Cơm đi làm cùng mẹ, bé thấy mẹ rất bận, nên những lần sau bé yên tĩnh hơn để mẹ tập trung làm việc.
Hiện tại, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc với cuộc sống. Tôi không biết thành công với mọi người là gì, nhưng tôi chỉ muốn tiếp tục cố gắng trên con đường của mình, có con trai, gia đình và bạn bè đồng hành, cứ yêu đời và viết được thật nhiều nhạc, vậy thôi. Có lẽ tôi là một người khá an phận đấy!
Tôi muốn học làm nhạc. Trước giờ tôi chưa bao giờ chia sẻ điều này, nhưng tôi không phải người viết nhạc bài bản, mà tôi chỉ ngồi vào đàn, đệm nốt, hòa thanh và viết. Sắp tới tôi cũng muốn học múa, học guitar. Tôi có tận 2 cây đàn mà vẫn chưa gom đủ động lực để học tử tế. Mới hôm qua thôi, tôi còn hạ quyết tâm sẽ học làm producer, bởi tôi muốn là người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm âm nhạc của mình. Không phải vì tôi muốn thể hiện, mà với cương vị là một người nghệ sĩ, tôi muốn có trách nhiệm với bài hát của mình. Oh my god, kể ra mới thấy… tôi muốn học, muốn làm quá nhiều thứ bạn ạ!
Sau khi đã cố gắng một khoảng thời gian rất dài để có được ngày hôm nay, tôi không còn đau đáu câu chuyện phải làm gì để thành công nữa. Tôi tự nhủ, mình đã ổn định rồi, vậy thì đâu là việc mình cần làm tiếp theo? Tôi nghĩ ra đủ thứ để học, để đọc, để làm. Tôi thích đọc sách, ngày nào tôi cũng đọc. Đi đâu tôi cũng mang một cuốn sách theo mình. Đôi khi, tôi chỉ cần mở sách ra, và tìm thấy câu trả lời cho vấn đề của mình hiện diện trên trang giấy.
Có bài học nào mà GiGi đã phải học một cách rất khó khăn?
Đó là bài học im lặng và quan sát. Tôi vẫn đang học cách lắng nghe mà không đánh giá, phán xét. Khi mọi người thảo luận về một vấn đề mà tôi biết ít nhiều, tôi muốn mình im lặng và lắng nghe ý kiến của mọi người để hiểu được góc nhìn của họ, thay vì ngay lập tức lên tiếng bác bỏ những gì họ nói và thể hiện rằng quan điểm của mình mới là đúng.
Đây là bài học mà tôi phải học liên tục, học đi học lại. Có những lúc tôi tưởng như mình đã học xong rồi đấy, vậy mà lâu lâu cuộc sống xung quanh quá ồn ã, tôi lại quên mất mà bị cuốn theo năng lượng, cảm xúc của mọi người. Cuộc sống sẽ đưa cho mình rất nhiều phép thử, và khi ấy, mình phải thật tỉnh táo. Tôi nghĩ bản thân sự việc không tiêu cực hay tích cực, điều đó phụ thuộc và góc nhìn của mình mà thôi. Có những việc xảy ra mà với mọi người là xấu xa, tệ hại, nhưng tôi chỉ thấy… buồn cười.
Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ, của mạng xã hội, drama, nhưng tôi chỉ muốn im lặng và quan sát để cảm nhận mọi thứ sâu sắc hơn. Tôi nghĩ nhờ vậy mà tôi có thể mở mang những giá trị bên trong mình, và hơn cả, điều đó tốt cho âm nhạc của tôi.
Cụ thể, GiGi đã học như thế nào?
Tôi nghĩ rằng thứ dễ gây hiểu lầm nhất không phải hành động, mà là lời nói. Chỉ cần nói sai một từ, biểu cảm khác thường trong một giây thôi là gây ra hiểu lầm, xung đột liền. Tôi muốn khi quan sát, tôi cảm nhận được một cách sâu sắc hơn, còn khi lắng nghe, tôi nghe rõ ràng hơn. Và tất cả những gì được nghe và thấy, tôi chỉ dùng làm dữ liệu cho bản thân thay vì “câu chuyện làm quà" cho người khác.
Có một câu nói tôi thấy rất đúng: Mọi việc trên đời đều được sắp đặt cả rồi. Những gì cần đến sẽ đến vào đúng thời điểm. Sự nghiệp của chúng tôi cũng thế. Có người sẽ nổi tiếng sau một đêm, có người phải vật lộn 10 năm mới nổi tiếng. Chúng tôi có một hành trình riêng, không ai giống ai cả.
Khi bước chân vào showbiz, chúng tôi mặc định phải sống trong muôn vàn so sánh - điều mà từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng thích thú bao giờ. Nhưng rốt cục để tồn tại, mình phải làm quen với điều đó. Tôi chấp nhận việc bị so sánh, miễn sao bản thân tôi không tự so sánh mình với bất kỳ ai là được. Thỉnh thoảng vẫn có người hỏi tôi: “Trong âm nhạc, chị coi ai là đối thủ?” Tại sao lại phải có đối thủ, mình có… thi đấu với ai đâu? Đối thủ duy nhất mà tôi có là chính mình. Tôi đặt ra kỷ luật và sống theo đó để hoàn thiện mình mỗi ngày, để tôi của ngày mai tốt hơn tôi của ngày hôm nay.
Tôi từng nghe rất nhiều người nói điều tương tự, rằng chúng ta nên sống cho mình, vì mình, nên tập trung vào bản thân. Nhưng nói thì dễ, để làm và nghiệm ra thì mấy ai làm được…
Có người nói đây là cách sống ích kỷ, không quan tâm đến ai. Không phải. Làm sao có thể giúp đỡ người khác khi bản thân ta còn đang lạc lối? Hãy cứ hướng về bên trong mình, hoàn thiện bản thân, để khi ai đó cần một bàn tay khi họ chới với, ta có thể nắm lấy tay họ và dẫn đường một cách tỉnh táo nhất.
Đó có phải một bài học mà chị muốn Mận Cơm học được?
Khi Mận Cơm mới đi học, Mận Cơm tâm sự với tôi rằng con bị bạn học bắt nạt. Những người mẹ khác có lẽ sẽ gọi thẳng cho phụ huynh đứa trẻ kia để chất vấn, mắng mỏ. Nhưng thay vào đó, tôi tâm sự với Mận Cơm, hỏi vì sao các bạn lại làm vậy với con. Mận Cơm không biết; con đã chủ động mang đồ ăn đến lớp chia cho các bạn nhưng vẫn bị trêu chọc. Khi tôi hỏi Mận Cơm có muốn chuyển trường hay không, con lắc đầu và nói “con vẫn quý các bạn”.
Nghe vậy, trong tôi trào dâng cảm giác tự hào về con. Và tôi tôn trọng quyết định ấy; nếu một ngày Mận Cơm không thể chịu đựng được nữa và tâm sự với tôi, tôi sẽ ngay lập tức hành động. Còn lại, tôi sẽ không giải quyết vấn đề thay con. Tôi không muốn Mận Cơm quen với suy nghĩ lúc nào cũng có bố mẹ nghĩ hết, làm hết cho mình. Có những chuyện phải do chính bản thân ta đối diện và tự xử lý. Nếu Mận Cơm có thể đối diện và giải quyết mâu thuẫn với bạn học, con sẽ càng thêm độc lập và mạnh mẽ.
Thôi, cứ cho là tôi ngây thơ đi, nhưng tôi thật lòng tin tình yêu thương chân thành sẽ hóa giải nhiều điều xấu xí trong cuộc đời này. Sau này lớn lên, có thể Mận Cơm sẽ bị… tình yêu làm đau khổ đấy, nhưng tôi tin nếu điều đó thực sự xảy ra, thì đấy là trải nghiệm cần thiết để Mận Cơm học hỏi và trưởng thành.