Facebook Ads vs. Instagram Ads vs. TikTok Ads: Hiểu căn bản để phân bổ chuẩn xác

Quảng cáo trên Facebook, Instagram và TikTok có gì giống và khác? Tiềm năng và lợi thế chúng mang lại cho thương hiệu là gì? Thương hiệu nên phân bổ ngân sách quảng cáo cho ba nền tảng này như thế nào cho hợp lý? Bài viết của The Influencer sẽ cung cấp cho bạn những hiểu biết căn bản để giải đáp những câu hỏi trên đây.
Mai Chi
10/10/2021
Facebook Ads vs. Instagram Ads vs. TikTok Ads: Hiểu căn bản để phân bổ chuẩn xác

Sự hiện diện và “lên ngôi" của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok, cùng với xu hướng chuyển dịch của người tiêu dùng lên những nền tảng này đã mở ra những cơ hội tiếp cận mới cho thương hiệu. Thêm nền tảng đồng nghĩa với việc thương hiệu có thêm một điểm chạm mới với nhiều định dạng nội dung sáng tạo và hình thức quảng cáo để tiếp cận gần hơn với tập khách hàng mục tiêu.  

Tuy nhiên, cơ hội này cũng đồng thời mở ra những thách thức mới dành cho thương hiệu. Với một ngân sách quảng cáo giới hạn, nay thương hiệu lại càng “đau đầu" hơn khi giải quyết bài toán phân bổ ngân sách quảng cáo và “chi tiền" hiệu quả. Facebook, Instagram và TikTok hẳn sẽ có một tập người dùng trùng nhau, tuy vậy, những thông tin về nhân khẩu học của người dùng hay chỉ số tương tác giữa những nền tảng này vẫn có sự khác biệt mà thương hiệu cần nắm rõ. Do vậy, việc dùng chung một “công thức" quảng cáo cho tất cả các nền tảng có lẽ sẽ không thể mang đến hiệu quả tối ưu nhất cho thương hiệu.

Trong bài viết này, The Influencer sẽ giới thiệu những thông tin căn bản về ba hình thức quảng cáo - Facebook Ads, Instagram Ads và TikTok Ads. Khi đã hiểu được cách quảng cáo vận hành trên ba nền tảng Facebook, Instagram và TikTok, thương hiệu sẽ có thể để đưa ra một kế hoạch phân bổ ngân sách phù hợp, chiến lược và khoa học hơn dựa trên những mục tiêu, nội dung và đối tượng của mình. 


1, Tổng quan về Facebook Ads 

Quảng cáo trên nền tảng Facebook là một trong những “vũ khí" quan trọng của các thương hiệu nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Điểm cốt lõi của Facebook Ads là đưa thông điệp đến với một nhóm người dùng chính xác - những người có nhiều khả năng sẽ thực sự muốn mua sản phẩm/ dịch vụ của thương hiệu. 

Để có thể tận dụng tối đa những tiềm năng và thu về nhiều lợi ích, thương hiệu cần hiểu được sự khác biệt giữa những hình thức Facebook Ads khác nhau. 

  • Image Ads: Image Ads là bước khởi đầu đơn giản cho bất kỳ ai mới “nhập môn” quảng cáo trên Facebook. Thương hiệu có thể tạo Image Ads chỉ với một vài lượt click bằng cách đẩy quảng cáo cho một bài đăng sẵn có từ chính Facebook Page của thương hiệu. 
  • Video Ads: Video Ads có thể hiển thị trên News Feed và Stories, hoặc hiển thị như một in-stream ads trên một video Facebook có độ dài lớn hơn. 
  • Poll Ads: Poll Ads sẽ kích thích người tiêu dùng tương tác với nội dung thương hiệu bằng cách đặt tính năng poll với hai lựa chọn tại một hình ảnh hoặc video được quảng cáo. Thương hiệu có thể gắn link riêng tại mỗi lựa chọn của poll. 
  • Carousel Ads: Với Carousel Ads, thương hiệu có thể hiển thị tối đa 10 hình ảnh hoặc video để trưng bày những sản phẩm, dịch vụ nổi bật nhất của mình. 
  • Slideshow Ads: Đây là một cách đơn giản để tạo ra những đoạn video ngắn tổng hợp ảnh tĩnh, văn bản, hoặc những video clips có sẵn. Slideshow Ads mang đến những chuyển động “hút mắt" hệt như một video thông thường, nhưng lại có tốc độ load nhanh hơn ngay cả khi kết nối mạng không ổn định. Do đó, Slideshow Ads là một cách thu hút sự chú ý tương đối dễ dàng. 
  • Collection Ads: Với Collection Ads - hình thức cho phép hiển thị 5 hình ảnh hoặc video, người dùng có thể mua trực tiếp sản phẩm hoặc dịch vụ khi nhấn vào nội dung quảng cáo. 
  • Lead Ads: Lead Ads là một công cụ hữu hiệu nhằm đơn giản hóa quá trình nhập thông tin liên hệ của khách hàng, mà không khiến họ mất quá nhiều thời gian nhập trên điện thoại. Lead Ads sẽ là sự lựa chọn cho những doanh nghiệp muốn thu về lượng theo dõi newsletter, hay đăng ký dùng thử sản phẩm...
  • Dynamic Ads: Dynamic Ads cho phép thương hiệu quảng cáo sản phẩm đến những khách hàng nhiều khả năng sẽ hứng thú với sản phẩm đó. Chẳng hạn, nếu như một người đã ghé thăm bài viết/ trang về sản phẩm, hoặc bỏ sản phẩm vào giỏ hàng mà chưa thanh toán, nhãn hàng có thể quảng cáo chính sản phẩm đó trên Facebook Feed của người dùng với Dynamic Ads. 
  • Messenger Ads: Messenger Ads của Facebook sẽ giúp thương hiệu tiếp cận với 1.3 tỷ người sử dụng Messenger hàng tháng. Khi tạo quảng cáo với Messenger Ads, thương hiệu chỉ cần chọn Messenger là vị trí hiển thị mong muốn của mình. Bên cạnh đó, thương hiệu còn có thể thêm quảng cáo “click-to-Messenger" ads trên Facebook feed. Đó là nút CTA giúp mở ra một đoạn hội thoại trên Messenger với Facebook Page của thương hiệu. Người dùng có thể sử dụng tính năng này để trao đổi một-một với người bán hàng, hoặc bộ phận chăm sóc khách hàng. 
  • Stories Ads: Stories Ads là hình thức video dọc hiển thị toàn màn hình điện thoại, cho phép thương hiệu sử dụng tối đa không gian trên màn hình để thu hút sự chú ý của người dùng. 
  • Augmented Reality Ads: Với hình thức này, thương hiệu có thể dùng filter hoặc hình động (animation) để cho phép người dùng tương tác với thương hiệu. Augmented Reality Ads còn có thể được dùng để mở rộng khả năng tiếp cận, bởi người dùng có thể sử dụng filter của thương hiệu, và chia sẻ trên trang cá nhân hoặc Stories của mình, từ đó kích thích bạn bè, followers của họ cùng sử dụng. 


2, Tổng quan về Instagram Ads

Tương tự như Facebook, Instagram Ads có thể hiện thị trên toàn app, gồm feeds của người dùng, Stories, hay tại mục Explore… Những bài đăng quảng cáo trên Instagram sẽ có hình thức tương tự như bài đăng thông thường, nhưng sẽ luôn được gắn nhãn “sponsored" để người dùng biết được đó là nội dung đã được push media. Ngoài ra, các bài Instagram Ads sẽ được bổ sung nhiều tính năng hơn so với bài đăng thông thường, chẳng hạn như links, nút CTA, hay product catalogs. 

Quill Cloud

Các nội dung quảng cáo trên Instagram sẽ được gắn nhãn “sponsored" 

Trên nền tảng Instagram, có rất nhiều định dạng quảng cáo mà doanh nghiệp có thể tham khảo và sử dụng, bao gồm: 

  • Image Ads: Image Ads cho phép doanh nghiệp sử dụng ảnh đơn để quảng cáo thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình. Image Ads sẽ phù hợp với những chiến dịch có hình ảnh ấn tượng, với thông điệp có thể được thể hiện chỉ với một khung hình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể chèn text trên ảnh, tuy nhiên, Instagram không khuyến khích việc “lạm dụng" text để đảm bảo rằng Image Ads đem lại hiệu quả tốt nhất 
  • Stories Ads: Với Stories Ads, hình ảnh, video hay carousels sẽ được hiển thị trên toàn màn hình, giữa những Stories của người dùng. Thông thường, Stories Ads sẽ đem lại tương tác cao hơn, vì định dạng này sẽ hiển trị trên toàn màn hình điện thoại, và dễ thu hút sự chú ý hơn in-feed ads.  
  • Video Ads: Các đoạn in-feed video ads có thể dài tới 60 giây. Tuy nhiên, những video có thời lượng ngắn hơn thường đem lại hiệu quả cao hơn. 
  • Carousel Ads: Định dạng Carousel Ads sẽ mang đến một chuỗi các hình ảnh và video về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mà người dùng có thể swipe để xem thêm. Carousel Ads có thể hiển thị in-feed hoặc trên Instagram Stories, với nút CTA hoặc đường link để định hướng người dùng trực tiếp tới trang chính của doanh nghiệp. 
  • Collection Ads: Collection Ads là sự kết hợp giữa Carousel Ads và Shopping Ads. Collection Ads sẽ “trưng bày" trực tiếp toàn bộ sản phẩm của thương hiệu từ chính product catalog. Collection Ads chính là sự lựa chọn phù hợp với các thương hiệu bán hàng, ecommerce, bởi hình thức này cho phép người dùng mua hàng trực tiếp từ bài quảng cáo. 
  • Explore Ads: Explore Ads sẽ không hiển thị trực tiếp trên Explore grid, mà sẽ được hiển thị sau khi người dùng nhấn vào một bức hình hoặc video từ không gian Explore. Bởi những nội dung tại phần Explore của người dùng luôn luôn thay đổi, Explore Ads cho phép doanh nghiệp hiển thị cùng với những nội dung gần gũi, hợp thời nhất. 
  • IGTV Ads: IGTV Ads là những đoạn video quảng cáo được chạy sau khi người dùng nhấn xem một video IGTV trên feed của họ. Tuy nhiên, IGTV Ads hiện mới chỉ được áp dụng cho các tài khoản Instagram tại Anh, Mỹ và Úc. 
  • Shopping Ads: Với Shopping Ads, người xem không cần thoát ra khỏi ứng dụng Instagram mà vẫn có thể mua sản phẩm mình mong muốn. 
  • Reels Ads: Các video quảng cáo sẽ được hiển thị xen giữa những đoạn Reels thông thường, với thời lượng dưới 30 giây.   


3, Tổng quan về TikTok Ads 

Hiện tại, nền tảng thương hiệu có thể chạy quảng cáo trên TikTok với ba loại TikTok Ads: Standard Ads, Content Ads, và Auction Ads 

Standard Ads có nhiều điểm tương đồng với Facebook Ads và Instagram Story Ads, tuy nhiên Standard Ads vẫn có những đặc điểm riêng của một nền tảng video ngắn. Thông thường, Standard Ads sẽ phù hợp với những chiến dịch có mục tiêu tăng nhận diện thương hiệu (brand awareness), tăng doanh số bán hàng - bằng việc kéo traffic về trang chính hoặc trang mua hàng của thương hiệu. Hiện tại, TikTok đang cung cấp ba hình thức Standard Ads, gồm Brand Takeover, Top View, và In-feed Ads

Quill Cloud

Nguồn: TikTok Ads for Business 

 Content Ads của TikTok cũng là một sự lựa chọn được đông đảo thương hiệu tìm đến, bởi loại quảng cáo này có thể tạo ra tương tác hai chiều với người dùng, và đem lại tương tác cao cho thương hiệu. Hai hình thức Content Ads quen thuộc chính là Hashtag ChallengeBrand Effect

Cuối cùng, để có thể thực hiện các chiến dịch marketing trên TikTok và đưa những loại quảng cáo kể trên vào sử dụng, thương hiệu cần trải qua vòng Auction Ads (quảng cáo đấu thầu). Thương hiệu cần xác định mục tiêu, cách thức và nội dung quảng cáo để có thể đưa ra những chiến lược TikTok Marketing và lựa chọn hình thức quảng cáo phù hợp cho chiến dịch của mình, từ đó tối ưu hóa khoản ngân sách dành cho quảng cáo. 

Đọc thêm: TikTok Marketing: Hiểu các loại ads - Bước đầu để thành công 


4, “Chạy quảng cáo trên nền tảng nào?” - Những tiêu chí giúp doanh nghiệp xác định câu trả lời 

Xác định nhân khẩu học và chân dung đối tượng mục tiêu 

Trước tiên, thương hiệu cần biết được đâu là nhóm người đang hoạt động trên mỗi nền tảng. Tùy theo mục tiêu của thương hiệu - như có thêm người theo dõi mới, tăng tương tác của những người theo dõi hiện tại, thương hiệu sẽ tiến hành nghiên cứu về nhân khẩu học của mỗi nền tảng mạng xã hội để biết được những người khách hàng trung thành, những người dùng tích cực nhất của mình hiện đang dành nhiều thời gian và sự quan tâm, chú ý ở nơi đâu. 

Ngoài ra, phần Insights trên mỗi nền tảng, thương hiệu sẽ được cung cấp những chỉ số và thông tin giúp định hình chân dung cơ bản của những đối tượng trên nền tảng tương ứng. Nếu thương hiệu mong muốn có được những thông tin chi tiết hơn, những chân dung rõ nét hơn, thương hiệu có thể tìm đến những báo cáo phân tích từ các công cụ quản lý mạng xã hội. 

Quill Cloud

Nguồn: Sprout Social 

Xác định nội dung quảng cáo 

Một trong những sự khác biệt rõ nét nhất của ba nền tảng là cách người dùng phản ứng, tương tác với các nội dung nói chung, và nội dung quảng cáo nói riêng. 

Trên Facebook, người dùng đã quá quen thuộc và “tinh tường" trước những hình thức quảng cáo khác nhau, nên tâm lý đề phòng của họ cũng lớn hơn nhiều. Vì vậy, để có thể thu hút sự chú ý của người dùng và khơi gợi những hành động thực sự, các thương hiệu cần đầu tư vào nội dung chỉn chu, hấp dẫn, tối ưu, cùng những CTA rõ ràng để “giữ chân" họ không bỏ đi ngay trong những giây đầu. 

Bên cạnh đó, người dùng Facebook cũng dễ bị thu hút bởi một số dạng nội dung như tin báo, bài chia sẻ quan điểm, bài blog…, bởi họ có xu hướng chia sẻ những thông tin thú vị trên tường nhà, và chia sẻ với bạn bè của mình. Tuy vậy, điểm mạnh của Facebook Ads nằm ở những định dạng quảng cáo cực kỳ đa dạng để thương hiệu “khoe triệt để" về sản phẩm, dịch vụ của mình và kêu gọi người dùng tương tác. 

Câu chuyện trên Instagram thì ngược lại. Hình ảnh trực quan mới là “vũ khí" chiếm trọn sự chú ý của người dùng một cách hiệu quả nhất. Do đó, để thành công trên Instagram, thương hiệu cần đầu tư về mặt hình ảnh, video để chúng kể câu chuyện về thương hiệu. Do đó, nếu như thương hiệu đã có sẵn một nguồn nội dung dồi dào với hình ảnh trực quan thu hút, hấp dẫn, Instagram Ads có lẽ sẽ là phương án thương hiệu nên cân nhắc. 

Trên TikTok, các hình thức quảng cáo có sự đa dạng và sáng tạo, nhằm đem đến những nội dung tự nhiên nhất đến với người dùng của nền tảng này. Chính yếu tố mới mẻ, sáng tạo, dễ gây tò mò, dễ dùng, dễ thử này của TikTok Ads là một lợi thế vô cùng lợi hại khiến nhiều thương hiệu sẵn sàng chi ra một khoản ngân sách không nhỏ để thực hiện các chiến dịch truyền thông trên nền tảng này. 


Xác định nền tảng mà nhóm ngành đang hoạt động sôi nổi nhất 

Nền tảng hoạt động của nhóm ngành cũng là một yếu tố then chốt mà nhãn hàng cần xem xét trước khi quyết định lựa chọn một nền tảng để quảng cáo. Hiện tại, nhóm ngành của thương hiệu đang hiện diện và hoạt động mạnh nhất trên nền tảng nào? Liệu khoản đầu tư ngân sách quảng cáo vào một nền tảng bất kỳ có khả năng giúp thương hiệu sinh lời hay không? 

Có thể thấy, với thế mạnh về hình ảnh trực quan của mình, Instagram đang dần trở thành một sân chơi mới cho những nhóm ngành về thời trang, làm đẹp, F&B, thực phẩm. Bên cạnh đó, với đặc trưng là nền tảng dành cho những video ngắn, TikTok cũng đang thu hút sự góp mặt của nhiều thương hiệu về game, thời trang, làm đẹp. 

Để có cơ sở xác định nền tảng phù hợp, thương hiệu nên nghiên cứu bản phân tích tổng thể mạng xã hội để đánh giá nền tảng nào, định dạng nội dung nào đang có lượt tương tác organic cao nhất, và dựa vào đó có kế hoạch lựa chọn nền tảng, xây dựng định dạng, phân bổ ngân sách phù hợp. 


Tạm kết, 

Môi trường mạng xã hội luôn chuyển động và biến đổi không ngừng, do đó, câu chuyện quảng cáo trên mạng xã hội là câu chuyện của những thử nghiệm và đánh giá. Để khai thác tiềm năng và hiệu quả khả quan nhất từ hoạt động quảng cáo, thương hiệu có thể thử nghiệm trên đa dạng nền tảng, sử dụng nhiều dạng nội dung tương ứng với những mục tiêu quảng cáo khác nhau với cùng một tập đối tượng, từ đó đưa ra đánh giá trực quan về nền tảng và hình thức quảng cáo tối ưu nhất cho thương hiệu của mình. 


MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa