Chất thải của ngành công nghiệp thời trang đang trở thành một mối đe dọa đối với sức khỏe của nhân loại, động thực vật và sự sống của hành tinh. Mỗi ngày, các nhà sản xuất hàng may mặc vứt ra hàng trăm triệu mét vuông chất thải dệt may. Trung bình khoảng 15% tổng số vải mà ngành công nghiệp thời trang thế giới đang sử dụng đều bị lãng phí, trở thành một trong các vấn đề khiến ngành công nghiệp dệt may ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Hiện nay, thời trang đang cố gắng để không lãng phí tài nguyên của nhân loại thêm nữa. Zero-waste Fashion là giải pháp để sử dụng gần như 100% nguyên liệu dệt may. Ngành công nghiệp thời trang đang được hướng đến tiêu chuẩn không chỉ tận dụng mọi giá trị tái tạo, tái sử dụng và tái chế vật liệu dư thừa mà còn tối thiểu tạo ra chất thải dệt may.
Zero-waste Fashion là một khái niệm thời trang mang tính đạo đức và tầm nhìn xa, có sứ mệnh thuyết phục xã hội thay đổi lối sống và thực trạng môi trường toàn cầu hiện nay. Zero-waste Garment có nghĩa là thiết kế, sản xuất, kiểm soát và quản lý các sản phẩm may mặc sao cho tránh lãng phí, dư thừa và vứt bỏ nguyên vật liệu. Đây là một giải pháp nhằm loại bỏ hàm lượng và độc tính từ rác thải của ngành công nghiệp may mặc đối với đất, nước, không khí. Thời trang Việt Nam cũng đang có những thương hiệu tiên phong theo đuổi hướng đi zero-waste như: Tim Tay, AKA.Mydinh, Archive Sashiko.
TimTay Fall Winter 2020 ft. Archivesashiko
TimTay lấy cảm hứng từ văn hoá bản địa. Tim là trái tim, Tay là bàn tay - hàm ý thể hiện những thiết kế làm ra đều xuất phát từ tâm, từ những đôi tay yêu thích thủ công. BST Lụa 1 đánh dấu lần đầu tiên TimTay áp dụng kỹ thuật cắt không vải thừa. “Zero-waste” thách thức sự sáng tạo và tay nghề của người thiết kế để đảm bảo tỷ lệ vải thừa bằng 0%.
Bên cạnh đó, AKA.MYDINH tạo nên những thiết kế hoàn toàn từ vật liệu tái chế, được gia công vô cùng tỉ mỉ và được đầu tư đến từng chi tiết. AKA.MYDINH tìm ra cách “giải thoát” các nguyên liệu tồn dư từ các dây chuyền sản xuất thời trang khắp Sài Gòn.
Một cái tên khác đáng chú ý, Archive Sakiko là thương hiệu hiếm hoi thực hành Boro tại Việt Nam. Đây là kỹ thuật thêu vá truyền thống của Nhật Bản tận dụng vải vụn, vải thừa. Boro tôn vinh tinh thần tiết kiệm, sáng tạo khi bạn không có quá nhiều của cải. Đặc biệt, các sản phẩm được tận tay chính chủ làm nên - một hành trình chậm rãi mà mỗi món đồ sở hữu một câu chuyện riêng, chứa đựng niềm đam mê và tình yêu của người làm ra nó.
Thời trang thân thiện với môi trường là một xu hướng thời trang sử dụng các nguyên liệu và phương pháp sản xuất có ít ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Thời trang thân thiện với môi trường giúp bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng khí nhà kính, và nâng cao chất lượng không khí và nước.
Tại thị trường thời trang bền vững Việt Nam, Kilomet109 là một cái tên đặc biệt gây ấn tượng bởi sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa, lịch sử và thiên nhiên Việt Nam với phong cách hiện đại và cao cấp. Kilomet109 được sáng lập bởi nhà thiết kế tài năng Vũ Thảo, người có tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đất nước. Kilomet109 sử dụng chất liệu tự nhiên như lụa, lanh, bông, đay, nhuộm bằng thực vật và thủ công bởi những nghệ nhân làng nghề truyền thống. Những sản phẩm thời trang của hãng luôn mang đậm dấu ấn Việt Nam, từ những họa tiết, màu sắc, đường nét cho đến những câu chuyện, ý nghĩa và cảm xúc.
Trong khi đó, The 31 lại mang đến thông điệp “Sống chậm lại để yêu thương bản thân nhiều hơn”. Đằng sau chiếc tên mới lạ “The 31” là một câu chuyện tâm tình cho những nỗi lòng khi bước sang tuổi 30. Không còn những nhịp sống hối hả như khi còn trẻ, tuổi 30 là thời điểm sẵn sàng để “ổn định cuộc sống”. Không còn chạy theo những thứ hợp thời trang mà chúng ta sẽ dần trở nên chú trọng đến môi trường sống hơn, dần tìm kiếm những sản phẩm chất lượng cao và bền vững hơn. The 31 đã dành trọn tâm huyết và tình cảm của mình để tạo ra những thiết kế mang tính hữu ích, thoải mái, nhẹ nhàng và chất lượng, nhưng vẫn đủ thời trang và tinh tế. Họ luôn tỉ mỉ lựa chọn những chất liệu linen nguyên bản có nguồn gốc từ Pháp, Hà Lan và organic cotton đến từ Ấn Độ, để thiết kế những sản phẩm thời trang và đồ dùng gia đình thân thiện với môi trường và có thể phân hủy.
Một cái tên khác cũng nổi bật không kém, Tiệm con Công là thương hiệu thời trang thủ công kết hợp với nhiều kỹ thuật từ nhiều dân tộc khác nhau. Tiệm con Công đã sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như cotton thô, vải lanh 100% sợi đay, lụa tơ tằm và vải bông. Tiệm cũng đã dày công nghiên cứu và phát triển thành công kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm củ nâu với nguyên liệu thiên nhiên, học hỏi từ các đồng bào dân tộc phía Bắc.
Là hình thức quen thuộc nhất được ứng dụng trong thời trang bền vững, việc tái chế luôn là bước khởi đầu cho mỗi hành trình dài mà các thương hiệu đang đi. Trong số những thương hiệu thời trang xanh tại Việt Nam thì Dòng Dòng là cái tên tiêu biểu cho thời trang tái chế. Các sản phẩm của Dòng dòng được tạo ra từ những tấm bạt cũ đã qua sử dụng. Họ chuyên cung cấp những mẫu túi xách, balo, ví tiền độc đáo được thiết kế từ những tấm bạt quảng cáo, bạt xe, bạt che… Dòng Dòng không chỉ kéo dài sự sống cho những thứ tưởng chừng là rác thải, mà còn mang đến cho chúng một cuộc đời mới, đồng thời lấy đi một chút áp lực mà trái đất đang phải gồng gánh mỗi ngày.
Dòng Dòng chọn những nguồn cung cấp bạt cũ uy tín và chất lượng, sử dụng các phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường, và tối ưu hóa quy trình đóng gói để giảm thiểu rác thải. Hơn nữa, thương hiệu còn thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng như tổ chức các buổi workshop, triển lãm, hỗ trợ các dự án giáo dục và xã hội… để truyền cảm hứng và thay đổi tư duy của mọi người về thời trang bền vững.
Tạm kết:
Thời trang bền vững không phải một cuộc chạy đua, đây là mảnh đất “khô cằn” cần sự đầu tư tâm huyết của những con người bền bỉ và kiên trì. Các thương hiệu thời trang bền vững Việt Nam có không ít những cái tên có sức ảnh hưởng không kém các thương hiệu thời trang nhanh đáp ứng xu hướng liên tục thay đổi của người dùng. Những sản phẩm bền vững không chỉ có giá trị về thẩm mỹ mà còn mang giá trị tốt đẹp tới môi trường.