*CGI (Computer Generated Imagery): Đây là công nghệ giúp tạo ra các hình ảnh hư cấu tĩnh hoặc động bằng phần mềm máy tính. CGI dùng để tạo ra những hình ảnh đồ họa 3D như nhân vật, cảnh vật và hiệu ứng khó trong phim hay game... Ngoài ra CGI còn ứng dụng trong cả quảng cáo, kiến trúc, kỹ thuật.
Trong quá trình tìm kiếm và sáng tạo chất liệu cho các ấn phẩm truyền thông - marketing, các chuyên gia thường cho rằng các sản phẩm CGI không mang lại lợi ích quá khác biệt so với hình ảnh thực tế. Nhưng bối cảnh đại dịch đã thay đổi hoàn toàn quan điểm này.
Khi cuộc sống bị hạn chế giữa 4 bức tường nhà, con người càng đòi hỏi cao về nội dung họ trải nghiệm trên các kênh truyền thông. Một thế giới màu sắc, rộng mở với các ý tưởng táo bạo nằm ở phía bên kia màn hình là thứ người xem khao khát, và cũng là thứ mà các nhà quảng cáo dày công đầu tư để thu sự chú ý quý giá của người tiêu dùng. Công nghệ CGI đã cho phép các marketer đạt được mục tiêu đánh chiếm sự quan tâm của khách hàng theo cả 2 phương thức: nội dung và hình ảnh.
Một sản phẩm của công nghệ CGI trong điện ảnh: #SocialTrendingKeywords: Sau 13 năm chờ đợi, kiệt tác thế giới Avatar đã quay trở lại
CGI thay đổi ngành truyền thông
Phương thức quay chụp truyền thống từng được ưa chuộng vì tính chân thực giờ lại trở thành thách thức hàng đầu trong việc sản xuất. Quá nhiều rủi ro và chi phí phát sinh để dựng các set quay hoành tráng, thuê diễn viên, sắp xếp lịch trình di chuyển, đoàn quay mà chưa chắc đã ra được thành phẩm như mong muốn. rõ ràng, có quá nhiều yếu tố trên hiện trường không thể kiểm soát toàn bộ. Đặc biệt trong mùa dịch, với đủ các quy định giãn cách, phong toả nghiêm ngặt, sản xuất hình ảnh càng vấp phải nhiều khó khăn khiến nhiều dự án lao đao, đình trệ nghiêm trọng.
Sử dụng CGI mang lại nhiều sự thuận tiện. Mọi yếu tố đều trong tầm kiểm soát và giám sát chặt chẽ, từ khâu tạo hình nhân vật, bối cảnh cho đến chuyển động, màu sắc, ánh sáng. Doanh nghiệp dễ dàng phối hợp với đơn vị sản xuất để theo dõi, đánh giá và đồng sáng tạo chỉ với vài cú click.
Không thể phủ nhận sự chiếm lĩnh của các công nghệ thị giác trong thời đại số hiện nay: Virtual Reality (Thực tế ảo), Augmented Reality (Tương tác thực tế ảo), Stimulation Gaming (Trò chơi mô phỏng)… Các mô phỏng xen lẫn thực – giả ấy được hỗ trợ bởi công cụ đắc lực: Công nghệ CGI.
Hàng loạt thương hiệu nhanh chóng chuyển dịch số hoá, tiếp cận người tiêu dùng ngay tại tư gia qua những điểm chạm công nghệ tân tiến trên, mang tới trải nghiệm người dùng mới lạ, độc đáo. Điển hình có thể kể đến là màn thâm nhập thị trường game của Gucci hay khai trương Virtual Store của Dior.
CGI là công cụ đắc lực giúp Gucci lấn sân thị trường game, không đơn thuần chỉ là một bước đi mới, đây là chiến lược của Gucci để chạm tới đối tượng khách hàng tiềm năng mới - GenZ. Gucci thậm chí có thể kinh doanh thời trang ngay trong game. Còn với Dior, CGI đã giúp thương hiệu xa xỉ này mang tới một trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng khi có thể bước vào cửa hàng của họ trong thế giới công nghệ.
Đọc thêm: Vũ trụ ảo Metaverse - Sẵn sàng cho cuộc cách mạng mới của Internet
CGI có ảnh hưởng như thế nào đến ngành Influencer?
Xu hướng CGI Influencer (người ảnh hưởng được tạo ra từ mô phỏng máy tính) đã được sinh ra từ sự bùng nổ của CGI. Những Influencer ảo đang phát triển mạnh mẽ trên các mạng xã hội nước ngoài. Một số cái tên nổi bật phải kể đến là Lil Miquela, Lu do Magalu, Shudu,...
Đọc thêm: Top 12 Virtual Influencers có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới
Họ chỉ là sản phẩm từ máy tính, không phải người thực, nhưng những điều CGI Influencer đang làm thực sự tương tự như một ngôi sao điển hình. Đây chính là tương lai của Influencer Marketing kết hợp với công nghệ tiên tiến.
CGI Influencer có khả năng cung cấp cho các thương hiệu nhiều ưu điểm: Nếu một thương hiệu có thể tạo ra những CGI Influencer của riêng họ, đây sẽ là cách hiệu quả và độc đáo trong việc kiểm soát thông điệp thương hiệu. Họ sẽ có toàn quyền kiểm soát tất cả nội dung được đưa ra.
Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích lý tưởng, CGI Influencer sẽ còn có những mặt hạn chế. Xét trên mức độ ảnh hưởng có thể không thua kém các Influencer đời thực, thế nhưng, đối với mục đích của từng chiến dịch quảng cáo sẽ khó đáp ứng. Lấy ví dụ như khi một nhãn hàng cần truyền tải thông điệp về cảm xúc tự ti của khách hàng khi có vấn đề về da, cần những người dùng thực tế thì sự xuất hiện Influencer ảo sẽ thiếu sức thuyết phục.
Hay một case điển hình từng xuất hiện trong một tập phát sóng của The New Mentor, thương hiệu Ariston cần tìm một người mẫu truyền tải được sự “Ấm và Yên" khi sử dụng sản phẩm thì họ cần những người mẫu thật. Đó là lý do vì sao, CGI Influencer không thể thay thế Real Influencer.
Đọc thêm: Virtual Influencer - Khi người ảnh hưởng được tạo nên bởi bàn tay công nghệ
Fake OOH (fake out-of-home advertising) - ứng dụng công nghệ CGI vào các chiến dịch quảng cáo ngoài trời để tạo ra những video vừa thực vào ảo đang là xu hướng truyền thông đang được chú ý hiện nay. Trên thực tế, những quảng cáo này vốn không phải là "Out-of-home advertising" bởi nó không hề hiện diện ngoài không gian thực. Tuy nhiên, chúng lại mang lại cảm giác rất thật cho người xem nhờ vào những công nghệ xử lý hình ảnh trên video. Các thương hiệu sử dụng Fake OOH để mang đến những thước phim quảng bá sản phẩm, dịch vụ độc lạ và thu hút sự chú ý và khiến người xem hứng thú hơn.
Maybelline New York
Tháng 7/2023, Maybelline New York đã cho ra mắt một video Fake OOH siêu độc đáo: Chiếc mascara khổng lồ “chạy” trên đường phố London và “chuốt mi” cho xe bus, tàu điện. Như trong video Maybelline đã đăng tải trên Instagram vào ngày 8/7 vừa qua, người xem thấy rằng chiếc mascara Lash Sensational Sky High khổng lồ được gắn vào nóc đường hầm của nhà ga và bức đường trên phố London, mỗi khi tàu điện ngầm hay xe buýt đi ngang qua, chiếc lông mi với size XXXL gắn trên nóc đoàn tàu hoặc xe bus sẽ được “chuốt cong” bằng cây mascara khổng lồ của Maybelline.
Ngoài ra trong một video khác được đăng tải, Maybelline cũng sử dụng kỹ xảo CGI để hô biến cây mascara Falsies Surreal thành chiếc xe buýt (hoặc xe điện) khổng lồ chạy trên đường phố khiến người đi đường trầm trồ ngắm nhìn.
Alexander Wang
Không chỉ Maybelline, Alexander Wang cũng là một cái tên gây ấn tượng với hình ảnh quảng cáo chiếc áo lót khổng lồ của nhà mốt Alexander Wang treo lửng lơ trên Cầu Brooklyn (New York, Mỹ). Một sản phẩm được thực hiện bởi công nghệ CGI nhằm quảng bá cho dòng sản phẩm Athletic mesh mới của Alexander Wang. Hình ảnh chiếc áo bay phấp phới như kia tưởng vô ý nhưng thực chất là ý đồ của thương hiệu nhằm nhấn mạnh tính chất thoáng, mỏng nhẹ của sản phẩm.
L’Oreal Paris
L’Oreal Paris cũng tham gia vào cuộc chơi với một video quảng cáo thú vị nhằm quảng cáo cho thỏi son mới. Ý tưởng video quảng cáo OOH sử dụng công nghệ CGI với chiếc xe ô tô “cõng” thỏi son khổng lồ tô sơn đỏ trên đường phố Paris. Video đã gây bão mạng xã hội với hơn 100,000 lượt thích trên Instagram và hơn 3 triệu lượt xem trên Tik Tok chỉ sau một ngày đăng tải.
Jacquemus
Khi thước phim ghi lại hình ảnh những chiếc Le Bambino phiên bản xe bus khổng lồ vi vu khắp đường phố Paris còn chưa hạ nhiệt, Jacquemus lại tiếp tục "gây bão cõi mạng" với màn "hô biến" túi xách của mình thành những chiếc du thuyền nhằm quảng bá cho cửa hàng Pop-up mới của thương hiệu tại hồ Como nổi tiếng nước Ý.
Cách làm quảng cáo đầy sáng tạo này thu hút vô số sự quan tâm của người xem, đồng thời mang về cho Jacquemus lượng lớn tương tác trên các nền tảng Instagram, TikTok, Twitter...
Không cần booking vị trí quảng cáo, không cần thực hiện những bảng quảng cáo đồ sộ,... Fake OOH vẫn khiến cho người dùng mạng xã hội phải choáng ngợp bởi những hình ảnh bắt mắt được thực hiện dựa trên các công nghệ xử lý hình ảnh chuyên nghiệp như 3D và CGI. Vì vậy, Fake OOH chủ yếu được các thương hiệu sử dụng để tạo sự chú ý và viral trên mạng xã hội. Những hình ảnh độc lạ kích thích sự tương tác, chia sẻ tự nhiên của người xem, tạo nên những cuộc thảo luận về thương hiệu.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam công nghệ CGI chưa phát triển mạnh và cũng tốn chi phí tương đối lớn, vậy nên công nghệ này vẫn chưa được nhiều thương hiệu chú ý khai thác.