Gen Z là thế hệ có thói quen tiêu dùng tương đối thoải mái và phóng khoáng, nhưng đổi lại, Gen Z cũng sớm hình thành cho bản thân tư duy độc lập, tự do tài chính để có thể chi trả cho những nhu cầu của bản thân. Chính vì thế, việc có một bài toán kinh tế phù hợp với chi tiêu hàng ngày là điều các bạn trẻ mong muốn hơn cả.
Đồng thời, đây là thế hệ có thói quen tiêu dùng online trên các nền tảng thương mại điện tử hay các kênh mua sắm trực tuyến lớn hơn so với các thế hệ khác. Từ đó, nhu cầu về việc thanh toán nhanh - gọn, cùng với việc có thể liên kết đến các ví tiền online của thế hệ này sẽ cao hơn. Xu hướng này cũng càng được thúc đẩy và gia tăng đột biến bởi sự đứt gãy các hoạt động dịch vụ trong đại dịch Covid-19, còn các giao dịch online và thanh toán không tiền mặt giải quyết được các vấn đề của giãn cách.
Nhận thấy được sự phát triển đó, các ngân hàng giờ đây đang dần tạo dựng những chiến dịch và cách thức phù hợp với người trẻ, cụ thể hơn là Gen Z. Đây được đánh giá là khách hàng tương lai của các doanh nghiệp tài chính - những người đi đầu trong kỷ nguyên số.
Đọc thêm: #Toplist: Những chiến dịch "trẻ hóa" ngành hàng bảo hiểm - tài chính - ngân hàng
Những năm gần đây, các ngân hàng đang có dần thành công khi chạm tay đến giới trẻ. Đơn cử như việc tổ chức các liveshow âm nhạc với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ trẻ có sức ảnh hưởng, xây dựng các chiến dịch số hoá đơn giản và bắt trend, tạo ra các số thẻ ngân hàng mang tính cá nhân hoá hơn như sử dụng tên, biệt danh… Tất cả những điều này đã cho thấy sức hút của thế hệ Z đối với ngành tài chính - ngân hàng đang ngày càng lớn mạnh hơn.
Vào đêm kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ACB vừa qua, Chủ Tịch Trần Hùng Huy đã có màn thể hiện khiến nhân viên trong công ty cũng như cộng đồng mạng bất ngờ. Rũ bỏ hình tượng tổng tài khó tiếp cận, vị Chủ Tịch trẻ tuổi này đã tắm mưa thể hiện ca khúc Always Remember Us This Way và Cô Đơn Trên Sofa. Điều này đã giúp cho từ khoá về ngân hàng ACB đứng đầu top tìm kiếm, ghi nhận 58.670 tương tác và 6.750 lượt thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đưa ra nhận định, màn trình diễn “cây nhà lá vườn” của Chủ Tịch Trần Hùng Huy đã giúp ACB đã thu về kết quả truyền thông ngang ngửa với chiến dịch có chi phí hơn 1 tỷ VND. Dù không tác động trực tiếp tới Gen Z, nhưng những từ khóa như “tắm mưa”, “chủ tịch”, “biểu diễn” cũng phần nào khiến giới trẻ thích thú giải trí.
Năm 2022, Ngân hàng Techcombank cũng cho ra mắt thương hiệu tài chính Techcombank Aspire dành riêng cho thế hệ “Why not” - những người trẻ không ngại chinh phục mọi thử thách. Theo Techcombank, Techcombank Aspire là nơi sẽ tư vấn cho các bạn trẻ những giải pháp phù hợp với mong muốn cá nhân và mức tiêu dùng của họ.
Cùng với đó, Techcombank Aspire cho phép người dùng tự do khoe cá tính với các lựa chọn thiết kế độc đáo của thẻ, tối đa hoá giá trị và giúp hoạch định tài chính. Đây được cho là những trọng điểm đánh vào tâm lý Gen Z trước câu chuyện quản lý chi tiêu ngày nay. Song song, Techcombank Aspire cũng lựa chọn Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên trở thành đại sứ thương hiệu, kết hợp với ca sĩ Trúc Nhân và cầu thủ Tiến Linh trong TVC quảng cáo.
Không sử dụng Influencer Marketing hay xây dựng hình tượng thương mại cho Chủ Tịch như ACB, một số ngân hàng lựa chọn tạo ra các câu chuyện, meme và linh vật đại diện. Điều này cũng góp phần tạo ra sự quan tâm cũng như lượt tương tác cao đến từ mạng xã hội.
Bộ bốn linh vật của Shinhan Bank
Cũng trong năm 2022, ngân hàng VIB đã có màn kết hợp đầy thành công với chương trình The Masked Singer Vietnam. Đây được đánh giá là cú bắt tay hợp thời, khi The Masked Singer Vietnam hướng đến tệp người xem trẻ, có mức thu nhập tài chính ổn định, sẵn sàng chi tiền cho việc tham gia show giải trí - thì đây cũng chính là khách hàng mục tiêu của VIB - thế hệ Millennials và Gen Z.
Ông Tăng Hoàng Quốc Thái - Giám đốc Ban Marketing và Truyền thông VIB - chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao tính sáng tạo, hiện đại, trẻ trung và đầu tư nghiêm túc của The Masked Singer Việt Nam. Đây cũng là các giá trị VIB nỗ lực hướng đến trên hành trình trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng đến khách hàng tại Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi chọn đồng hành với chương trình ngay từ đầu và là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tài chính ngân hàng phối hợp với đối tác sản xuất”
Không những thế, VIB cũng đầu tư khi có một bộ mascot riêng trong chương trình, thường xuyên có những tương tác và reaction đáng yêu ở phía cánh gà, kết hợp cùng câu slogan ngắn gọn - dễ nhớ ở ngay đầu mỗi màn trình diễn, từ đó đã mang về hiệu ứng thành công trên cả mong đợi và cùng đồng hành ở mùa 2 năm nay.
Đọc thêm: Đi tìm công thức thành công của màn kết hợp The Masked Singer và nhà tài trợ Ngân hàng Quốc tế VIB
Trong báo cáo của Buzzmetrics về Gen Z nói chung, một trong những đặc trưng của thế hệ này là việc thường xuyên bày tỏ ý kiến trong các cộng đồng dành riêng cho mình. Cụ thể, khi xét nguồn thảo luận của Gen-Z về ngân hàng, các fanpage về ngân hàng chiếm lượng buzz tương đối khiêm tốn nếu so sánh với các trang và nhóm cộng đồng của Gen Z. Bên cạnh đó, nghiên cứu thảo luận trên fanpage ngân hàng cũng cho thấy bình luận của Gen Z chủ yếu xoay quanh việc review về dịch vụ, chất lượng thương hiệu,…
(Nguồn ảnh: Buzzmetrics)
Ngoài ra, Gen Z mong đợi nhiều hơn các thế hệ khác về ngân hàng, trong đó có tài khoản đẹp, ATM được bao phủ khắp nơi, dễ dàng thanh toán chỉ qua vài thao tác cơ bản… Chính những điều này đã hối thúc các ngân hàng tạo ra chiến dịch phù hợp nhất nhằm lôi cuốn giới trẻ chỉ trong vài giây ngắn ngủi đầu tiên. Đây cũng chính là tác động của TikTok - nền tảng xã hội được Gen Z yêu thích sử dụng hiện nay - là nơi thay đổi định dạng nội dung của các Influencer từ dài sang ngắn.
Tuy nhiên, việc có một CEO tạo dựng sức ảnh hưởng giống celebrity cũng có thể mang lại hiệu ứng ngược cho ngân hàng nếu chính CEO gặp bê bối. Đó cũng chính là lý do vì sao các vị Chủ tịch, CEO thường ít xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội, tránh những lùm xùm không đáng có. Bởi rõ ràng, dù có cẩn thận thế nào thì mạng xã hội vẫn luôn là con dao hai lưỡi.