Nối tiếp nhũng thành công từ mùa 1, Rap Việt mùa 2 vẫn nhận được không ít sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Trong 06 tuần liên tiếp kể từ 29/10 đến 20/12, Rap Việt lọt top 10 từ khóa hot nhất trên bảng xếp hạng Social Trending Keywords của The Influencer.
Năm 2021, Rap Việt được đánh giá là một trong những show truyền hình hot nhất, góp phần đưa văn hóa Hiphop và Rap đến gần với khán giả đại chúng hơn. Cùng với độ nổi tiếng của Rap Việt, sức nóng của loạt huấn luyện viên, giám khảo và thí sinh bước ra từ chương trình, Rap phủ sóng khắp các TVC, MV quảng cáo của các nhãn hàng, đặc biệt là quảng cáo dịp Tết 2021. Một số sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến MV Em Bé của Baemin kết hợp với Karik, MV Cả Ngàn Lời Chúc của OMO kết hợp với Suboi và Rhymastic, MV Ting Ting Là Tết Về của Momo kết hợp với GDucky ,...
Sức hút và độ thành công của Rap Việt và Rap quảng cáo trong năm 2021 vừa qua là điều không thể phủ nhận, song không ít ý kiến cho rằng Rap quảng cáo chỉ là một xu hướng. Ban đầu, Rap Việt mang đến cho khán giả đại chúng một luồng gió mới và lạ, một tinh thần khác biệt so với các show truyền hình thực tế về âm nhạc khác. Tuy nhiên, khi sự mới lạ không còn, điều gì khiến Rap Việt mùa 2 vẫn giữ được độ hot? Và khi tính xu hướng qua đi, liệu Rap quảng cáo sẽ phát triển như thế nào?
Để giải đáp những câu hỏi này, The Influencer đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng chị Annie Trương, người có 10 năm kinh nghiệm trong ngành Truyền thông - Giải trí và hiện giữ chức vụ Head of Sales & Commercial - Digital. Thông qua những trao đổi và trò chuyện cùng chị Annie, The Influencer kết hợp nghiên cứu và phân tích để cùng mang đến những dự đoán về Rap quảng cáo sau Rap Việt mùa 2.
Ít nhất, mọi người đón nhận nhạc Rap nhiều hơn. Người ta không còn nói về Rap như một thể loại nhạc underground, quá đường phố với lời nhạc thường mang tính chỉ trích, tiêu cực,... Rap Việt mùa 1 mang tính chất là một cú hích, góp phần giúp mọi người, từ già, trẻ, lớn, bé, có thiện cảm với nhạc Rap hơn.
Sự đón nhận của công chúng đối với Rap góp phần lớn vào lý do khiến mọi người đón nhận Rap quảng cáo. Về độ bùng nổ của chương trình mùa 1, hầu hết các thí sinh lọt vào top 10 của Rap Việt đều có những sản phẩm quảng cáo gần như “mì ăn liền”. Bạn có thể thấy các sản phẩm quảng cáo trong năm ngoài đa phần đều có yếu tố Rap. Điều này thậm chí vẫn kéo dài trong thời gian tới.
Từ mùa 1 đến mùa 2, sự thay đổi lớn nhất có lẽ là mức độ phổ biến của chương trình. Vì mùa 1 quá thành công, mùa 2 ít nhiều cũng có áp lực. Đặc biệt, trong tình trạng dịch bệnh, chương trình Rap Việt mùa 2 đáng lẽ lên sóng vào tháng 6 năm nay, nhưng phải hoãn đến 4 tháng - chính thức phát sóng vào tháng 10. Mọi thứ liên quan đến công tác sản xuất đều gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, xuyên suốt quá trình hoãn chiếu, truyền thông không có content mang tính cú hích hay điểm sáng để thu hút, duy trì sự quan tâm của khán giả. Bên cạnh đó, sau mùa 1, những sự tò mò về format chương trình, thể lệ các phần thi,... đã không còn bởi mọi người đều đã nắm được. Tuy nhiên, nhìn chung, cá nhân mình cũng như những người bạn trong ngành vẫn là fan của Rap Việt bởi chất lượng thí sinh cũng như các phần trình diễn năm nay.
Mình nghĩa yếu tố quan trọng nhất là chất lượng của các sản phẩm quảng cáo. Đây là yếu tố tiên quyết không thể thiếu trong bất cứ sản phẩm âm nhạc nào, không chỉ riêng quảng cáo. Sự chỉn chu trong hình ảnh, thông điệp, sự kết hợp giữa thương hiệu với KOL phù hợp,... sẽ làm nên một sản phẩm chất lượng.
Ví dụ điển hình là chiến dịch Đi Về Nhà của Honda kết hợp với Đen Vâu và Justatee cho dịp Tết 2021. Thứ nhất, nội dung MV rất cuốn hút. Câu chuyện thương hiệu chọn để kể trong một chiến dịch Tết chạm đến cảm xúc của nhiều người, dù già, trẻ, đang sống xa nhà. Đi Về Nhà được tung ra vào khoảng giữa tháng 12 thay vì vào thời điểm cận Tết - thời điểm này càng góp phần tô đậm thông điệp: Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể trở về nhà, dù thành hay bại chúng ta cũng có thể trở về nhà, không nhất thiết phải đợi đến Tết. Thứ hai, sự lựa chọn KOL của nhãn hàng rất hợp lý. Cả Đen Vâu và Justatee đều là những nghệ sĩ được yêu mến tại thời điểm ra mắt chiến dịch. Dù họ là 2 đại diện của 2 trường phái nhạc khác nhau trong rap, có 2 tệp khán giả khác nhau, Đi Về Nhà vẫn mượt mà với giai điệu và lời nhạc bắt tai. Nhờ vậy, Đi Về Nhà thu hút cả 2 trường phái nhạc và 2 tệp khán giả của họ.
Đúng như chị Annie chia sẻ, chất lượng là yếu tố hàng đầu làm nên sức sống của một sản phẩm. Mọi yếu tố truyền thông, quảng cáo có thể giúp sản phẩm đến gần hơn với công chúng, nhưng để khiến họ ở lại, yêu mến và ủng hộ sản phẩm cũng như nghệ sĩ lâu dài, sản phẩm đó phải thực sự có giá trị, ý nghĩa hay yếu tố cuốn hút riêng.
Năm nay chắc chắn sẽ có nhiều nội dung hơn. Những tên tuổi quen thuộc như Justatee, Rhymastic, Karik, đội OTD,... vẫn là những rapper tiềm năng cho các chiến dịch quảng cáo Tết. Họ là những nghệ sĩ làm thương hiệu và chiến lược tốt.
Xét riêng về Rap Việt, thí sinh lọt vào đêm chung kết của chương trình chắc chắn sẽ có khả năng hợp tác cùng nhiều nhãn hàng không chỉ cho các chiến dịch Tết mà còn cho toàn bộ năm 2022. Chất liệu để làm nên những content phổ biến tại thị trường Việt Nam không nhiều, trong khi hiện nay, truyền hình chỉ có 2 show nổi bật là Rap Việt và Running Man, nên chắc chắn các chiến dịch song hành cùng các bạn rapper sẽ khá nhiều trong năm nay.
Có thể thấy, những dự đoán của chị Annie rất sát với thực tế. Hiện tại, dù Rap Việt chưa đi đến đêm Chung kết, các thí sinh của cuộc thi đã được các nhãn hàng săn đón. Cụ thể, ngày 17/12 vừa qua, thương hiệu snack khoai tây số 1 thế giới - Lay’s đã trở thành một trong những thương hiệu đầu tiên tung MV quảng cáo cho dịp Tết Nguyên đán 2022 với sự góp mặt của nữ ca sĩ Orange và nam rapper gây ấn tượng mạnh tại Rap Việt mùa 2 - Seachains (đội huấn luyện viên Karik). MV Tết Là Đây Chứ Đâu mang giai điệu vui tươi, tràn ngập không khí những ngày đoàn viên. Hình ảnh Lay’s xuất hiện xuyên suốt MV như một món ăn không thể thiếu trong những ngày gia đình quây quần chuyện trò. Những từ khoá về thương hiệu như “giòn tan”, “lay’s” được lồng ghép khéo léo trong sáng tác Huỳnh Hiền Năng cũng như phần rap của Seachains: “Tết Tết Tết giòn tan tiếng cười”, “Tết vẫn luôn ở ngay đây khiến lòng ta vui lây (lays)”, “Bánh quà rất giòn - Cả nhà ngồi xoay tròn”,... Sau 3 ngày ra mắt, Tết Là Đây Chứ Đâu đạt hơn 500k lượt xem, hơn 3k bình luận cùng nhiều nhận xét tích cực. Trong thời gian tới, các sản phẩm rap quảng cáo hứa hẹn sẽ tiếp tục được lên sóng.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, cơ hội hợp tác quảng cáo cùng các nhãn hàng là động lực để các bạn theo đuổi con đường làm một rapper lâu dài. Tuy nhiên, mặt trái là việc này sẽ đẩy giá thương mại ngành quảng cáo của influencer lên quá cao. Chính việc đẩy giá đấy làm các bạn hạn chế phát triển theo chiều dọc (chuyên môn, đam mê của bản thân) mà chỉ phát triển theo chiều ngang (đi theo con đường đa nhiệm, thương mại hoá, không có đủ thời gian chứng minh chuyên môn của mình) và có thể sẽ chết đứng với một sản phẩm như thế. Vậy nên, mình hy vọng mặt bằng chung về giá cũng như chiến lược mà các bạn nhìn nhận để phát triển theo con đường rap chuyên nghiệp lâu dài sẽ được các bạn cân nhắc cẩn trọng hơn.
Chắc chắn, các music video không nên chứa quá nhiều những yếu tố quá commercial (quảng cáo). Mình nghĩ các thương hiệu bỏ ra nhiều tiền sẽ muốn đảm bảo key message (thông điệp chính) của họ được truyền tải đến công chúng, người tiêu dùng. Thế nên, thứ quan trọng nhất vẫn là tagline và hook (điệp khúc). Thương hiệu làm music marketing sẽ cần những bản nhạc truyền tải được trọn vẹn nhất thông điệp, tagline trong bài hát. Ý nghĩa ca từ, giai điệu phải cuốn hút, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Theo mình, đây là những yếu tố gần như một “công thức vàng” cho các chiến dịch quảng cáo trong dịp Tết mỗi năm.
Cũng trong ngày 17/12, huấn luyện viên Karik cho ra mắt một MV Gu Em Là Nam Á quảng cáo cho Nam Á Bank kết hợp cùng nữ ca sĩ Orange. Ca khúc này là một ví dụ điển hình cho “công thức vàng” mà chị Annie đã chia sẻ. Phần hát của Orange và phần rap của Karik hoà quyện, kết hợp ăn ý với nhau giúp ca khúc có phần dí dỏm, thú vị, trẻ trung và vẫn nêu bật được thông điệp của Nam Á Bank: “Một chạm, một trải nghiệm”. Cụ thể, ngay từ những ca từ đầu tiên, Gu Của Em Là Nam Á đã chứa đựng loạt từ khoá của thương hiệu:
“Chạm chạm
Chạm phải, chạm trái
Chạm chạm
Chạm sao cho đúng gu em đây”
Thêm vào đó, phần lời rap của Karik đã lồng ghép cả 3 thế hệ người tiêu dùng là Gen X, Gen Y và Gen Z. Điều này giúp người xem dễ dàng nhận ra Nam Á Bank hướng đến mọi đối tượng ở mọi độ tuổi, truyền tải thông điệp về sự thuận tiện mà ngân hàng đem lại. Trong 3 ngày, Gu Của Em Là Nam Á đạt hơn 2 triệu views, 58k lượt yêu thích. Đây là một con số tương đối tích cực cho một sản phẩm quảng cáo.
Cảm ơn chị Annie đã có những chia sẻ và dự đoạn thú vị về xu hướng Rap quảng cáo trong dịp Tết 2022 cũng như trong năm tới! Chúc chị nhiều sức khoẻ và niềm vui!