Xây dựng tầm ảnh hưởng từ chuyên môn - chọn ngách như thế nào?

Bài viết được chia sẻ bởi Hương Mai (Mina). Hiện tại, cô đang làm việc trong vai trò Branding Strategist (tư vấn chiến lược xây dựng thương hiệu), đồng thời cũng là co-founder của dự án Visible You. Công việc của cô là hỗ trợ các chuyên gia, Solopreneur, Business owners, hoặc bất cứ cá nhân nào muốn phát triển sức ảnh hưởng, sự uy tín cá nhân dựa trên chuyên môn.
Hương Mai
15/12/2023
Xây dựng tầm ảnh hưởng từ chuyên môn - chọn ngách như thế nào?

“Đâu là chủ đề lớn mà bạn muốn tập trung đào sâu và khai thác trong thời gian tới”- Đây là câu hỏi mà tôi thường sử dụng trong phiên coach với học viên lớp Real You để chọn ngách. Đó là một việc vô cùng quan trọng.

Ngách có thể hiểu là lĩnh vực chuyên môn, chủ đề mà bạn tập trung tìm hiểu và chia sẻ với người theo dõi của mình. 

Ví dụ, ngách mà tôi theo đuổi là thương hiệu, sức ảnh hưởng cá nhân. Tôi viết, chia sẻ và cung cấp dịch vụ xung quanh nó. Khán giả đã và đang theo dõi tôi vì tôi cung cấp cho họ những thông tin, góc nhìn chuyên sâu, chất lượng, uy tín về lĩnh vực này.

Cụm từ “One size fits all - một bộ đồ mà vừa cho tất cả mọi người” có lẽ không phù hợp trong việc xây dựng sức ảnh hưởng. Bạn không phải là tờ báo hay cuốn bách khoa toàn thư. Người đọc cũng không tìm tới bạn chỉ để đọc các tin tức tổng hợp, một màu. Ngược lại, họ tới để tìm những nội dung chuyên sâu, giải pháp chất lượng và trải nghiệm, cá tính mà chỉ bạn sở hữu. Nhiệm vụ của bạn là làm tốt và phục vụ hiệu quả nhóm người quan tâm tới những gì bạn đang có. 

Việc tập trung vào một ngách cụ thể sẽ giúp bạn: 

  • Khẳng định tính chuyên môn, sự uy tín, vừa là điểm nhấn phân cấp để bạn trở nên khác biệt khi được đặt cạnh một nhân vật khác. 
  • Tập trung cao độ vào mảng mà bạn theo đuổi mà không bị phân tâm hoặc lãng phí nguồn lực cho mảng khác mà không có hiệu quả cao. 
  • Kết nối, tìm hiểu, chăm sóc tệp độc giả mục tiêu của mình chu đáo hơn, từ đó gắn kết bạn và độc giả bền chặt hơn, sức ảnh hưởng mà bạn tạo sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Vậy làm thế thế nào để chọn ngách?  

Qua thực hành thực tế và kinh nghiệm hướng dẫn các học viên, tôi đã thử nghiệm và xây dựng phương thức có thể áp dụng cho các bạn, tôi tạm đặt tên nó là: PEDIT

1. Passion - Niềm đam mê

Tôi luôn đề cao niềm đam mê trong công việc hoặc bất cứ thứ gì lựa chọn để gắn bó lâu dài. Bởi kiến thức có thể trau dồi, kỹ năng có thể rèn luyện và trở nên thành thục nhưng đam mê thì không, nó không phải là thứ có thể gượng ép. Niềm đam mê chính là thứ cháy âm ỉ, tự nhiên trong người bạn, thứ mà được phát hiện ra bằng một mồi lửa nhỏ, được nuôi dưỡng bởi sự tự thân chứ không phải ép buộc hay cố gắng. Nhất là trong ngành công nghiệp sáng tạo và tiếp thị, không có đam mê thử hỏi sao mà thăng hoa và bứt phá được.

Tôi đã từ bỏ công việc tốt cả về mức lương và môi trường làm việc ở tập đoàn đa quốc gia tại Đài Loan chỉ vì không đam mê với ngành dược. Nội dung công việc có tương đồng nhưng tôi mệt mỏi khi nói về những thông tin mà mình không có hứng thú.  

Người như tôi, rời bỏ một công việc mà mình không thích thì nhiều lắm. Nếu bạn cũng vậy, muốn phác họa được đam mê một lần nữa, hãy thử trả lời một vài câu hỏi sau nhé: 

  • Chủ đề gì khiến bạn hào hứng khi tiếp cận và khám phá?
  • Chủ đề gì khiến bạn tự tin khi chia sẻ nhất?
  • Mỗi khi rảnh bạn thích làm việc gì? 
  • Những loại thông tin nào (lĩnh vực gì?, thể loại nào?) khiến bạn cảm thấy mê mẩn hoặc không thấy mệt khi đọc cho dù phải nghiên cứu chúng bằng thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ. 
  • Hãy tưởng tưởng về thứ mà bạn sẽ thấy rất thỏa mãn và hạnh phúc khi được làm.

2. Expertise - Chuyên môn

Trong một nghiên cứu của tôi về Influencer Marketing trong ngành làm đẹp tại thị trường Việt Nam vào năm 2018, hầu hết những người được hỏi và phỏng vấn đều thể hiện thái độ hài lòng và tích cực với dạng thông tin hữu ích, hướng dẫn chuyên sâu và liên quan tới ngách mà Influencer đó theo đuổi.

Điều này chứng minh rằng tính chuyên môn là yếu tố tạo nên một thương hiệu vững chắc, một sức ảnh hưởng tích cực và thuyết phục. Và bạn cần phải thể hiện được điều đó trong nội dung mà bạn chia sẻ.  

Xác định được chuyên môn của mình thì không khó. Tôi gợi ý các bạn có thể tìm nó qua hai cách, một là dựa trên học vấn, hai là dựa trên kinh nghiệm, trải nghiệm của mình. Tôi cũng đã chuẩn bị một vài câu hỏi dành cho các bạn ngay sau đây: 

  • Bạn đang theo học ngành gì?
  • Bạn đã có chứng chỉ/bằng cấp về ngành, công việc gì? 
  • Bạn đang theo học hoặc làm công việc gì? 
  • Công việc gì mà bạn đã làm lâu nhất, kinh nghiệm phong phú nhất?
  • Kỹ năng nào trong công việc mà bạn tự tin nhất?
  • Thông tin, kiến thức về lĩnh vực nào khiến bạn tự tin nhất khi nói về vì bạn biết nó chính xác (ít nhất ở thời điểm hiện tại)? 
  • Kể tên một vài sở thích, tài năng của bạn? (Hát, múa, chơi đàn, vẽ, kể chuyện, biến thông tin khó hiểu thành dễ hiểu, v.v...) Và bạn làm điều gì tốt nhất? Bạn đã luyện tập và thực hành nó trong bao nhiêu lâu rồi? Tài năng nào mà bạn cảm thấy nổi trội và tự tin thể hiện nó nhất? 

3. Demand - Nhu cầu

Nhu cầu ở đây là những thông tin mà người đọc đang quan tâm và chịu trả phí để tiếp cận nhưng thị trường còn đang thiếu, khan hiếm nguồn thông tin. Bạn cần hiểu thị trường đang thiếu thông tin gì, đâu là mảnh đất để bạn đào sâu và tạo năng lực cạnh tranh. Nếu bạn bỏ qua chữ D này thì rất có thể bạn sẽ chẳng thể tạo thu nhập vì thông tin bạn mang tới chẳng có ai cần sử dụng.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, chúng ta hãy cùng bắt tay nhau vào khảo sát để hiểu về thị trường, đặc biệt trong giới hạn, quy mô ngách lĩnh vực mà bạn theo đuổi:

  • Đã có blogger, chuyên gia, hoặc bất cứ ai viết về chủ đề đó chưa? Họ viết như thế nào, cách tiếp cận của học ra sao và thể hiện thông tin đó như thế nào?
  • Đâu là đề tài đang được quan tâm, săn đón nhất? (Bạn có thể tìm hiểu qua các bài báo, blogger, google trends, báo cáo xu hướng mà bạn đang theo dõi, các cộng đồng mà bạn đang tham gia). Nếu bạn cũng muốn viết về thông tin đó thì bạn có cách tiếp cận khác và có thể cải thiện không?
  • Đâu là loại thông tin, chủ đề mà chưa được nhiều người khai thác, thông tin còn nghèo nàn và cách tiếp cận còn sai lệch? 
  • Đâu là chủ đề đã có người viết nhưng chưa được sự đón nhận của người đọc? Trong vai trò người đọc, bạn nghĩ lý do đó là gì?

4. Instinct - Lắng nghe trực giác

Tôi từng quyết định nhiều việc quan trọng dựa vào trực giác và trong đó quyết định được đưa ra đều đúng tới 80%. Tôi đã cho rằng giác quan thứ 6 (tự như một khả năng trong tâm linh) của mình rất mạnh cho tới khi đọc được bài báo của tiến sĩ thần kinh học Valerie Van Mulukom, bà cho rằng : “Trực giác hoặc linh tính là kết quả của quá trình xử lý thông tin xảy ra trong não. Dựa trên nghiên cứu, bộ não là một cỗ máy dự đoán lớn, liên tục so sánh dữ liệu từ cảm giác và trải nghiệm ở hiện tại với kiến thức và ký ức được lưu trữ về những trải nghiệm trước đó và đồng thời dự đoán điều gì có thể xảy ra tiếp theo.” 

Điều này cho thấy rằng, trực giác không phải là phản ứng xảy ra không có khoa học. Làm theo trực giác mách bảo không phải là một quyết định vô căn cứ. Nó chính là kết quả của quá trình xử lý thông tin dựa trên kinh nghiệm, sự hiểu biết của bạn trong quá khứ và nhận thức của bạn với những gì xảy ra ở hiện tại để cho ra một quyết định rất nhanh mà không cần vận dụng tới các phân tích phức tạp khác.

Khi đứng trước một sự lựa chọn về ngách, bạn có thể lục lại những suy nghĩ, hiểu biết, thông tin về nó và hãy lắng nghe những dấu hiệu của trực giác thay vì chỉ chăm chăm vào những con số hay phân tích nhàm chán.

Vậy sau khi đọc phần này, tôi mong rằng bạn sẽ có một góc nhìn và sự lưu tâm về những linh cảm của mình. Nó có thể xuất hiện dưới dạng của cảm giác, niềm tin, một thông tin hay dưới dạng một ý tưởng, v.v… Nó có thể tới ngay trong khi bạn phân tích thông tin, tìm kiếm tin tức, có thể luôn thường trực trong suy nghĩ nhưng cũng có thể rất bất ngờ vụt qua khi bạn đang đi tắm, dọn dẹp nhà. 

Nhưng để trực có thể tin cậy hơn, ngược lại, bạn nên trau dồi thêm kinh nghiệm, tích lũy thêm thông tin. Cuối cùng, hãy nhớ tận dụng linh cảm cùng với phân tích khác để cho ra một quyết định đúng đắn và hiệu quả nhất. 

5. Test - Thử

Sau khi đã hoàn thành các bước ở trên thì hãy bắt tay vào làm ngay bước 5. Đây mới là lúc để bạn có thể thực sự trả lời cho câu hỏi: “Ngách nào dành cho tôi?”. 

Bởi nếu chỉ dừng ở bước số 3 thì hàng ngàn mô hình, câu trả lời, kế hoạch vẫn chỉ là những con chữ trên tờ giấy, sẽ chẳng có sự ảnh hưởng nào được tạo ra. Hơn nữa, mọi thông tin mà bạn có mới chỉ đang dừng lại ở mức độ thu thập, nghiên cứu và phân tích. 

Các bạn có thể đầu tư khoảng 6 tháng tới 1 năm cho bước này. Đây là quãng thời gian đủ để bạn trải qua vòng tròn trải nghiệm: sự lên xuống của thị trường, khẳng định tính chuyên môn và mức độ đam mê của bạn với ngách đó. Nếu bạn có thể viết hàng ngày trong suốt giai đoạn này mà vẫn vẹn nguyên niềm hứng thú và chúng giúp bạn kiếm ra thu nhập thì hãy theo đuổi nó nhé. 

Bạn có thể vẽ một sơ đồ gồm 3 ô bao gồm: Expertise - Chuyên môn, Passion - Đam mê, Demand - Nhu cầu như hình. Bạn ghi lại tất cả những câu trả lời cho các câu hỏi mà tôi đã gợi ý. Khi làm xong, hãy sử dụng bút highlight để đánh dấu những chủ đề, cụm từ trùng lặp, được nhắc nhiều nhất trong ba ô này. 

Lưu ý sử dụng bút và giấy để ghi lại những thông tin này thay vì đánh máy. Khi viết tay, bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng hay, bộ não bạn sẽ hoàn toàn tập trung vào câu hỏi được đặt ra mà không bị sao lãng bởi bất cứ tab giải trí nào có trên máy tính. 

Hãy khoan chọn những chủ được nhắc nhiều nhất, hãy để tờ giấy ở đó và quay trở lại sau một tuần. Trong suốt thời gian này, hãy thử nghĩ thêm về câu trả lời, những điều bạn yêu thích, giỏi và thấy thân thuộc. Hãy tham gia thêm những cộng đồng và bàn luận nhiều hơn về những chủ đề đó, hoặc chia sẻ và trao đổi với tiền bối trong ngành mà bạn quen để xem trải nghiệm, câu chuyện của họ là gì. 

Và hãy lắng nghe những tín hiệu từ trực giác rằng bạn cảm thấy thân quen hay có cảm giác thuộc về. Tại sao? Rồi cuối cùng mới tới bước quyết định ngách và thử nghiệm nó trong vòng 6 tháng - 1 năm.  

Cuối cùng, chúc bạn sớm lựa chọn ra được hướng đi - ngách cho riêng mình.


Bạn có thể kết nối thêm với Mina tại: 

Fanpage: https://www.facebook.com/heyminablog
Trang Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/huongdozy/
Website: huongmai.co 
Bản tin: visibleyou.vn

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa