Wokeupat4am: “Tranh cãi từ khoảng cách thế hệ sẽ là thứ khiến âm nhạc luôn tiến lên”

Với phong cách âm nhạc tiệm cận thế giới, Gen Z đang chứng tỏ cá tính độc đáo của mình là điểm nhấn cần thiết để Vpop có được sự đa dạng và mới mẻ. Đại diện cho làn sóng đó là những producer sáng giá của thế hệ Gen Z, mà Wokeupat4am là cái tên không thể không nhắc tới.
Happy Meomeo
29/05/2023
Wokeupat4am: “Tranh cãi từ khoảng cách thế hệ sẽ là thứ khiến âm nhạc luôn tiến lên”

Vpop đang bước vào một giai đoạn chuyển giao đầy thú vị giữa hai thế hệ: Millennial và GenZ. Với phong cách âm nhạc tiệm cận thế giới, Gen Z đang chứng tỏ cá tính độc đáo của mình là điểm nhấn cần thiết để Vpop có được sự đa dạng và mới mẻ. Đại diện cho làn sóng đó là những producer sáng giá của thế hệ Gen Z, mà Wokeupat4am là cái tên không thể không nhắc tới. 

Sinh năm 2001, Wokeupat4am - Kyle Nguyễn là một GenZ điển hình. Không chỉ có những sản phẩm càn quét các playlist của người trẻ với thứ âm nhạc được các fan ưu ái review là “thế giới”, Wokeup còn hứa hẹn trở thành một cái tên cực hot trong thời gian tới bởi ngoại hình cực kỳ… đẹp trai. Việc gianhập S•HUBE Label của Aiden cùng các nghệ sĩ trẻ khác, Wokeup đã có cho mình một bàn đạp đủ mạnh để không chỉ được biết đến nhiều hơn, mà còn có thể thực hiện được ước mơ góp phần  đưa âm nhạc Việt Nam tiến lên phía trước.

Chị có nghe nói là trước khi là một producer thì em từng theo học Nhạc viện, khoa Piano và cả nhạc Jazz nữa, phải không? 

Đúng là như vậy. Em từng theo học piano và nhạc cổ điển. Sau mấy năm thì theo nhạc jazz, rồi cuối cùng bỏ ngang. 

Trong làng producer cũng có không ít người từng theo học nhạc cổ điển và sau này thì tiến rất xa. Ví dụ như anh Touliver hay anh SlimV đều bước ra từ Nhạc viện. 

Việc đi học nhạc viện, lúc đầu có thể chưa thấy hữu ích đâu. Nhưng càng về sau, em càng tìm ra những điểm giao để cân bằng giữa thực tế và những gì mình từng học trên lý thuyết. Và quả nhiên khi cân bằng được rồi thì thấy nó hữu ích thật! 

Quyết định theo học nhạc cổ điển là do em yêu âm nhạc và em thấy đấy là con đường gần nhất để mình tiếp cận âm nhạc ư? 

Thật ra là vì: Mẹ em… bắt. Hồi nhỏ, mẹ bắt em học piano rất nhiều. Em từng gào thét để không phải đi nhưng mẹ vẫn bắt học. Chắc cũng vì mẹ muốn con trai biết đàn một chút, có một tài lẻ nào đó hay ho. Nên dù thích âm nhạc, nhưng em cũng không thích piano đến mức quyết tâm theo đuổi nó đâu, chị à. 

Piano với em như một love-hate relationship vậy. Khi bắt đầu chơi được những bản cover trên Youtube, em thấy sung sướng và tự hào kinh khủng. Có tí kiến thức vào là tự tin hơn hẳn. Nhưng mọi thứ vẫn là kiểu đi học, là ràng buộc về trường lớp, thầy cô… chứ chưa có gì là tự phát từ sở thích cả đâu. Mãi đến sau này, khi bắt đầu tìm tòi làm nhạc và dành hết tâm huyết cho nó, em mới nhận ra mình thật sự yêu âm nhạc. Em rất thích hiphop, nên bắt đầu mọi thứ một cách nghiêm túc với hiphop. Và cũng đúng vào thời điểm Rap Việt xuất hiện nữa, mọi thứ tạo ra một chuyển động rất mới cho làng nhạc Việt. Em nhận ra đây là một cơ hội cho mình nên cũng quyết tâm thử sức một lần xem sao. 

Mẹ - một người định hướng em theo con đường piano - có ý kiến gì trước quyết định này của em không?

Em nghĩ là chắc có đấy! Nhưng khi mẹ nhìn thấy những thành công và cột mốc nhất định, cũng nhìn thấy tâm huyết em dành cho âm nhạc thì dần được thuyết phục. Thật ra em phải cảm ơn mẹ rất nhiều, nhờ sự thúc ép ngày ấy mà bây giờ em có được một nền tảng vô cùng vững chắc trong công việc hiện tại. 

Bản thân em thì sao? Khi bắt đầu hành trình này, em có tự hoài nghi chính mình? Em còn quá trẻ và những cơ hội thì cũng chưa thật sự rõ ràng sẽ mang đến những lợi ích vững chắc trong tương lai? 

Sự hoài nghi là có, nhưng chúng đến ở thời điểm ở giữa - khi em đã bắt đầu được một thời gian. Có những lúc em thấy hoài nghi và tự ti khủng khiếp. Em nghe nhạc mình làm cũng thấy dở, bây giờ mà phải nghe lại nhạc khi ấy làm - em không dám nghe luôn. Thật ra, em vẫn không tự tin vào khả năng của mình lắm đâu, nhưng em tự tin vào tâm huyết của mình bỏ ra. Em có thể ngồi ở nhà làm nhạc từ sáng đến đêm, thậm chí đến sáng hôm sau luôn, chỉ để mày mò và nghiên cứu. Vậy nên sự hoài nghi đến vào thời điểm ở giữa là bởi em không biết mình có đang làm đúng không. 

Nhưng điều gì khiến em cảm thấy tự hoài nghi? Một khoảnh khắc vụt qua nào đó, một cơ hội bỏ lỡ hay một lời nói của ai đó khiến em như vậy? 

Em luôn nhìn nhận âm nhạc giống như thể thao. Hồi nhỏ, em mơ ước được làm cầu thủ bóng đá và đến bây giờ, em vẫn rất thích một khái niệm trong thể thao là thay vì mình thay đổi hướng đi, thì mình hãy xoay chuyển cái tình huống hiện tại để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Thì sự hoài nghi ở thời điểm đó đến từ việc em theo đuổi dòng nhạc rap/ hiphop - vốn không phải là một dòng nhạc được quá ưa chuộng ở Việt Nam. Em lại đang làm việc với một công ty quản lý ở Mỹ nữa và chủ yếu sản xuất nhạc cho thị trường bên đấy, vậy nên em mất nhiều thời gian để tìm hiểu gout nghe nhạc của người Việt và khá bối rối trong việc đấy. 

Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua khi em xác định rằng đây là cả một quá trình mình phải thử và sai nhiều lần, từ đó học hỏi liên tục thì mới có thể tìm ra câu trả lời đúng nhất. Mọi thứ định hình dần âm nhạc của em, và năm 2023 này cũng là năm mà em quyết định bước chân sang dòng nhạc pop nhiều hơn. Em cũng xác định được hướng đi của mình trong thời gian tới là sẽ kết hợp được khẩu vị nghe nhạc của người Việt với khẩu vị của thế giới. 

Chị thấy em nhận ra điều này khá sớm đấy! Thường thì các bạn sẽ nghĩ rằng khán giả phải nghe theo cái chất của mình chứ không nghĩ đến việc làm nhạc để thoả mãn khán giả trước. 

Thật ra, mục đích cuối cùng của em là góp phần tạo ra một làn sóng mới cho âm nhạc của Việt Nam, và nó phải thuyết phục được chính người Việt. Em không chỉ muốn làm âm nhạc cho mình em, mà còn là cho tất cả mọi người. 

Em có sợ khi chuyển qua nhạc pop thì những khán giả cũ sẽ cảm thấy thất vọng, sẽ thấy em xa lạ? 

Trước đây, em vẫn luôn đặt mình ở vị trí một người đứng sau nghệ sĩ. Nhưng cho đến khi gặp anh Aiden và tham gia S•HUBE Label, em mới thật sự nghĩ đến việc mình sẽ bước ra ngoài ánh sáng, đứng ngang hàng như một nghệ sĩ trước khán giả. Vậy nên đây cũng là điều mà em phải suy nghĩ khá nhiều. 

Dù còn rất trẻ nhưng em đã có không ít các sản phẩm ấn tượng rồi! Em có thể chia sẻ một chút về quá trình sáng tạo của mình chứ? 

Mọi thứ thay đổi khá nhiều kể từ lúc em bắt đầu làm đến nay, và cũng đến từ nhiều hình thức khác nhau. Ngày đầu mới làm, em không có nhiều nguyên liệu, làm được bao nhiêu beat thì gửi hết cho tlinh, wxrdie, MCK thôi… Bây giờ thì khác, em đã có các anh chị ca sĩ tìm đến, và bản thân em cũng có những kết nối với họ để chủ động nói chuyện và làm việc. Em cũng đã có khả năng làm một bản phối trên nền nhạc người khác viết sẵn rồi, cũng có nhiều bạn nhạc sĩ biết đến em nữa. Vậy nên cảm hứng và sự sáng tạo đều có thể đến được từ rất nhiều phương thức khác nhau. 

Là một người trẻ và còn đang rất hăng say sáng tạo nữa, em nghĩ sao nếu có những ý kiến cho rằng sự sáng tạo của mình đang trở thành nổi loạn? Ví dụ như bài Ghệ iu dấu của em ơi đi, một bài hát mà em và ekip đã đưa vào rất nhiều yếu tố cởi mở của người trẻ bây giờ. 

Em không hoàn toàn nghĩ người lớn sai khi họ nói vậy. Nhưng chúng em đã chơi với nhau rất lâu và cực kỳ hiểu định hướng âm nhạc của nhau, nên dù mọi người nói thế nào thì cuối cùng thông điệp âm nhạc của bọn em vẫn là bắt nguồn từ sự tích cực. Chúng em không mang những tư tưởng độc hại hay tiêu cực đến với cộng đồng, vậy nên em nghĩ mọi thứ đơn giản là những góc nhìn khác biệt. Ai đó nhìn thấy sự tiêu cực thì sẽ là tiêu cực. Còn nhìn về mặt tích cực sẽ thấy những điều tích cực. Còn nói về mặt kỹ thuật thì em thật sự rất thích bài hát đó, trước giờ ở Việt Nam em chưa thấy một bản nhạc nào ra được màu R&B 2022, 2023 như vậy. Dùng từ dân dã thì rất là “Tây”. 

Đâu đó, chúng ta vẫn phải đi tìm điểm cân bằng giữa các thế hệ khi làm nhạc nhỉ? 

Em nghĩ việc có những ý kién trái chiều giữa các thế hệ là không thể tránh khỏi. Từ trước đến nay mọi chuyện vẫn diễn ra như vậy mà, nhất là với những dòng nhạc mang tính nổi loạn một chút. Nhưng những tranh luận sẽ tạo ra cú hích để thị trường phát triển, khiến người làm phải bỏ chất xám nhiều hơn, tìm cách sáng tạo hơn. Vậy nên em nghĩ khoảng cách thế hệ không phải là vấn đề, mà vấn đề là làm sao để âm nhạc liên tục được phát triển. Nếu không có những ý kiến trái chiều thì làm sao chúng ta bước tiếp được? Chỉ cần tìm được cách dung hòa sao cho phù hợp, thì những tranh luận ấy sẽ tạo ra một bước phát triển vững chắc cho ngành công nghiệp âm nhạc. Và đó là một điều tốt. 

Chị có nghe một vài bài của em trước đây thì thấy nó rất… chiến. Khi em tiết lộ rằng mình sẽ làm thứ âm nhạc mềm mại hơn, thì đó có phải một sự thỏa hiệp giữa cá tính của mình và điều khán giả muốn nghe?

Em nghĩ chắc chắn là có rồi! Nhưng không có nghĩa là em sẽ đánh mất đi những thứ tạo nên màu sắc của mình hiện tại, mà sẽ có sự tính toán sao cho phù hợp. Cũng hơi hé lộ một chút là trước mắt, em sẽ có những sản phẩm là phép thử rất tốt khi vừa dung hòa giữa yếu tố âm nhạc Âu Mỹ và Việt Nam, em nghĩ sẽ thuyết phục được khán giả. 

Em vừa nhắc đến việc trong âm nhạc của mình có màu Âu Mỹ rất rõ. Chị cũng đọc không ít ý kiến cho rằng âm nhạc của GenZ bây giờ bị Tây quá, nhạc Việt mà không nghe ra nhạc Việt. Em nghĩ về những ý kiến đấy như một lời khen hay một… cái bẫy? 

Em nghĩ đó là một lời khen. Bởi quan điểm của em từ xưa đến nay là âm nhạc cần phải cầu tiến và luôn chuyển động. Gần đây, em nghe nhạc Việt nhiều chứ ngày nhỏ em toàn nghe nhạc nước ngoài. Bản thân BXH Billboard của US/UK cũng luôn là thứ âm nhạc mới mẻ nhất. Em nghĩ đó là một sự tính toán để âm nhạc luôn có thể thay đổi chứ không dậm chân tại chỗ và một màu. 

Vậy khi làm nhạc, em nhìn thế nào về những xu hướng âm nhạc hiện tại của Việt Nam? Ví dụ như nhạc trending TikTok đi chẳng hạn! 

Có vẻ như em là người tích cực nên nhìn mọi thứ rất tích cực. Em thấy nhạc TikTok cũng hay mà! Em cũng từng nói về chuyện này rất nhiều với anh em, bạn bè trong giới. Nếu việc chinh phục một nền tảng như TikTok thì nó cũng là một thử thách thú vị để cùng trải nghiệm. Cũng giống như ngày xưa, khi nhạc rap về Việt Nam cũng đã tạo ra một thử thách cho các anh em producer phải thay đổi góc nhìn của mình. TikTok cũng vậy, nó buộc người làm nhạc phải thử nghiệm để bắt được tai người nghe trong chỉ có từng ấy giây. 

Cảm ơn em về buổi trò chuyện và chúc em sẽ gặp thật nhiều thành công trong thời gian tới! 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa