[WhatIs - Cân Bằng] The Present Writer: Tại sao “bất cân bằng” lại cần thiết để thành công?

Nếu bạn muốn có một cuộc sống bình thường, nhàng nhàng thì hãy giữ sự cân bằng tuyệt đối , còn nếu bạn muốn một cuộc sống thực sự rực rỡ, thì bạn cần một vài điểm bất cân bằng trong cuộc sống.
Đinh Trang
21/02/2023
[WhatIs - Cân Bằng] The Present Writer: Tại sao “bất cân bằng” lại cần thiết để thành công?

“Cân bằng” thực sự là gì? “Cân bằng" có phải là làm việc ít đi và chơi nhiều hơn? “Cân bằng” có đồng nghĩa với một cuộc sống êm ả yên bình nhưng thiếu những khát vọng đam mê? Khi xung quanh ai cũng nói về “cân bằng”, đội ngũ người viết của The Influencer mong muốn thử thách lại định nghĩa về sự “cân bằng”, khám phá nhiều góc nhìn, nhiều tầng nghĩa ẩn sau một chủ đề tưởng như đã rất phổ biến. 

Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ quan điểm của chị Chi Nguyễn - tác giả của blog/Podcast/Youtube có tên The Present Writer, Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ về chủ đề này. 

Đối với Chi, cân bằng không phải cào bằng. Khi nói về cân bằng trong công việc và cuộc sống, điều đó không có nghĩa là 50% thời gian dành cho công việc, 50% thời gian dành cho gia đình. Cân bằng với mình là 100% sống cho hiện tại. Khi mình đi làm, mình tập trung toàn lực cho công việc, không nghĩ đến chuyện chăm sóc nhà cửa gia đình. Mặt khác, trong khoảng thời gian dành cho gia đình, mình sẽ hiện diện trọn vẹn ở đó, không nghĩ đến công việc, không kiểm tra email… Đó là phiên bản cân bằng mà mình hướng tới - phiên bản sống cho hiện tại. 

Hơn nữa, cuộc sống có nhiều khía cạnh khác nhau, ít nhất là có 4 trụ cột như: công việc, bạn bè, gia đình, sức khoẻ. Theo Lý thuyết 4 lò lửa, chúng ta không thể nào để cả 4 “lò lửa” này cháy cùng một lúc, vì bạn có thể sẽ bị bỏng. Tại mỗi thời điểm nhất định, chúng ta chỉ có thể để 1-2 lò cháy rực rỡ nhất. Ví dụ, trong những giai đoạn mình cần tập trung cho công việc, mình sẽ bật lò công việc sáng rực rỡ, lò lửa bạn bè có thể phải tạm tắt hoặc để cháy liu riu. Mình thích tư tưởng về việc cân bằng trong sự bất cân bằng, bởi đó mới là thực tế cuộc sống. Chúng ta không thể nào giỏi tất cả mọi thứ và cũng không thể nào quan tâm được tất cả mọi khía cạnh cùng lúc. Nếu bật cả 4 lò cùng một thời điểm, hoặc là bạn sẽ bị “cháy” khi mọi thứ đều hừng hực, hoặc cả 4 lò đều liu riu không có gì nổi trội.

Trong công việc và sự nghiệp cũng vậy, trong cuốn sách “Sell of Be Sold” (tựa tiếng Việt: Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh) của tác giả Grant Cardone, tác giả cũng chia sẻ đại ý rằng: Đừng nghe những lời như “Hãy cân bằng”, vì cân bằng sẽ dẫn đến cuộc sống tầm thường, không có gì nổi trội. Nếu bạn muốn cuộc sống tầm thường thì hãy sống cân bằng, còn nếu bạn muốn một cuộc sống thực sự rực rỡ, thì bạn cần một vài điểm bất cân bằng trong cuộc sống. “Bất cân bằng” là khi bạn cực kỳ ám ảnh với thành công, cực kỳ tin rằng bản thân sẽ thực hiện hoá được mục tiêu đó, và tập trung toàn lực để thành công ở thời điểm đó. Điểm “bất cân bằng” này sẽ dẫn tới những hành động lớn, thành công lớn, ảnh hưởng lớn. 

Dưới đây sẽ là 3 trường hợp mình đã mất cân bằng, đã cực kỳ ám ảnh và cực kỳ khao khát làm điều gì đó. Đây cũng chính là những sự bất cân bằng đã mang đến thành công rực rỡ của mình sau này. Cân bằng thì thoải mái và dễ chịu. Nhưng tại những thời điểm cụ thể, mình chấp nhận sự bất cân bằng, chấp nhận sự khó chịu và vất vả, nhưng mình chưa bao giờ hối tiếc về quyết định đó vì phải có sự đánh đổi nhất định mới mang lại thành quả như mình mong muốn. 

Điểm bất cân bằng đầu tiên là khi mình ám ảnh với ước mơ đi du học… 

Mình có ước mơ du học từ rất nhỏ, và được tiếp thêm ngọn lửa bởi mẹ và bà của mình. Bà và mẹ luôn nói rằng: “Thế giới bên ngoài rất rộng lớn, nếu con học giỏi và con đi du học, con có thể được trải nghiệm thế giới rộng lớn đó”. Mình vẫn nhớ một buổi chiều khi mình học lớp 1 hoặc lớp 2, mẹ mình đi làm về và nói rằng: “Hôm nay mẹ xem tivi và thấy nói Việt Nam cho phép công dân đa quốc tịch, tức là biết đâu một ngày nào đó, con có thể mang quốc tịch Mỹ và vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam để có thể về với mẹ”. Mình vẫn nhớ nguyên những điều mẹ nói buổi chiều hôm đó. Gần 30 năm sau, trong ngày mình tuyên thệ quốc tịch Mỹ, mình đã nói với mẹ rằng: “Mẹ à, tầm nhìn của mẹ ngày xưa đã trở thành hiện thực”. 

Đam mê là thế, nhưng hành trình du học của mình không hề dễ dàng. Về tài chính, gia đình mình không đủ điều kiện cho mình đi du học tự túc. Khả năng tiếng Anh của mình thời điểm đó cũng hạn chế, vì nguồn tài liệu học không sẵn có như hiện tại, gia đình cũng không đủ chi phí cho mình đi học. Năm cấp 3, mình đã thực sự rất muốn đi du học, nhưng vì không đủ điều kiện nên ước mơ bị trì hoãn. Có rất nhiều người nói với mình rằng: đi du học xa nhà thì liệu có chịu được nỗi nhớ nhà hay không; đi du học về liệu có làm được gì tử tế… Nhưng tất cả những lời nói đó không làm lay chuyển mình một chút nào, vì mình không tìm đến điểm cân bằng giữa lời khuyên của mọi người và mong muốn của mình. Mình chỉ muốn làm điều đó thôi. Rất, rất muốn làm điều đó.Đó là điểm bất cân bằng đầu tiên, vì mính ám ảnh với ước mơ du học, dù kế hoạch du học có trì hoãn như thế nào thì mình vẫn muốn làm nó bằng được. Năm 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học và thậm chí đã đi làm, mình mới đi du học. Ước mơ bị trì hoãn 10 năm nhưng ngọn lửa ước mơ đó chưa bao giờ bị dập tắt. 

Điểm bất cân bằng đầu tiên này là thứ mình thực sự khao khát, là đam mê cháy rực đến mức mình cảm thấy rằng, mình không thể chịu nổi nếu một ngày chết đi mà không làm được việc đó, là điều mình phải làm bằng mọi giá. 

Nếu bạn đang không biết ước mơ của mình là gì, nếu bạn chưa bao giờ làm điều gì lớn trong đời, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về việc: 

- Có điều gì khiến bạn sôi sục, khiến bạn muốn làm đến mức không ai có thể lay chuyển? 

- Có điều gì mà bạn nhất định phải làm, để nếu chết đi thì không hối hận? 

Hãy nghĩ và viết về điều đó. Đó là điểm bất cân bằng mấu chốt có thể đưa bạn đến thành công.

Điểm mất cân bằng thứ hai là khi mình không thể chịu nổi công việc hành chính…

Ở câu chuyện đầu tiên, chúng ta bàn về đam mê, về điều bạn khao khát, điều bạn mong muốn và không thể không làm. Vậy còn chiều ngược lại thì sao? Đâu là điều bạn không muốn làm? Đâu là điều dù có cố làm bạn cũng không thể giỏi và nếu phải làm việc đó đến cuối đời thì bạn sẽ rất buồn? 

Sau khi tốt nghiệp Đại học, mình đi làm công việc đầu tiên là chuyên viên của một trường đại học. Mình biết đó là một công việc tốt, thậm chí là ước mơ của nhiều bạn trẻ mới ra trường, môi trường làm việc và lương thưởng của mình cũng khá tốt. Thế nhưng với cá nhân mình, mình thấy thực sự bất hạnh và khổ sở. Mình từng hàng ngày chịu cảnh tắc đường, ngập nước, ngã xe,… quá trình đó cứ lặp đi lặp lại. Mình cảm thấy nghẹt thở vô cùng, mỗi lần dắt xe ra khỏi nhà là mình lại thấy rằng bản thân đang đi xa khỏi ước mơ du học của mình. Cảm giác đó phát triển đến mức một ngày mình nhận ra rằng: mình không thể làm điều này nữa, và mình muốn thoát ra khỏi nó. 

Mình quyết định nghỉ việc trước khi có học bổng du học nước ngoài. Mình có chỉ có một khoản tiền tiết kiệm vì đã đi học được một thời gian, còn lại hoàn toàn không có thu nhập. Thời gian này, mình rất biết ơn bố mẹ mình vì đã hỗ trợ mình một khoản chi phí trong thời gian mình học và nộp hồ sơ du học. Bố mẹ mình sẵn sàng hỗ trợ mình theo đuổi ước mơ và không trách đứa con gái “kỳ quoặc” nghỉ làm một công việc tốt vì bố mẹ quan sát thấy điểm bất cân bằng của mình. Bố mẹ đã thấy mình khổ sở như thế nào mỗi buổi sáng sửa soạn đi làm, đã nghe không biết bao lần mình nói rằng “con không muốn làm việc này”; “con không thể chịu đựng được nữa”. Mình vẫn có thể hoàn thành tốt công việc, nhưng không hạnh phúc và cảm giác chết dần từ bên trong. 

Đó là điểm bất cân bằng thứ hai, điểm mà mình không chịu thoả hiệp với thứ mình không thích. Những người thân xung quanh, họ cũng hiểu được rằng không có cách nào khác ngoài ủng hộ và giúp đỡ cô bé này, nếu không sẽ dẫn đến kết cục đau buồn. 

Thông qua câu chuyện này, mình cũng muốn gợi ý cho bạn câu hỏi rằng: Có điều gì trong cuộc sống mà bạn nhất định không thể làm được. Bạn cũng cần gọi tên điều đó ra, chia sẻ với những người xung quanh. Bạn không thể làm được không phải vì bạn lười, vì bạn không giỏi,... mà đơn giản là vì bạn không muốn và không thể thoả hiệp để làm điều đó.

Điểm bất cân bằng thứ ba là câu chuyện tạo ra thương hiệu The Present Writer… 

Trong một lần làm bài tập lập kế hoạch 3 năm hướng tới cuộc sống mình mong ước, đến phần “ảnh hưởng cho cộng đồng/dự án đam mê” thì mình bỏ trống vì lúc đó còn đang làm nghiên cứu sinh, cuộc sống không có gì khác ngoài việc đi học và đi làm. Khi nhận ra điều này, mình cảm thấy có điều gì đó còn trống, còn thiếu hụt trong cuộc sống. Rõ ràng, mình đang sống đúng ước mơ đi du học, đang không phải làm công việc hành chính, được linh động trong cuộc sống khá nhiều,… nhưng mình vẫn chưa cảm thấy hạnh phúc. Có điều gì đó thuộc về đam mê sở thích mà mình có thể phát triển thêm. Một ngày, mình nghĩ rằng mình muốn xây dựng một trang blog của riêng mình. Và sau đó mình viết vào bản kế hoạch 3 năm: mình muốn tạo ra một blog có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng. 

Đó là lúc điểm bất cân bằng thứ ba xuất hiện. Mình cực kỳ ám ảnh, đau đáu về việc làm thế nào để xây dựng được trang blog đó. Mình kể ý định này với chồng và tối hôm đó không thể nào ngủ được. Mình cứ nằm nghĩ xem sẽ viết trang đó ra sao, tên blog sẽ là gì, mình cảm nhận thấy một nguồn năng lượng mạnh mẽ, sôi sục, thôi thúc ở bên trong. Và rồi mình nghĩ đến cái tên The Present Writer và mua tên miền ngay lập tức vì chắc chắn đó là cái tên mình muốn. Tính đến hôm nay, mình vẫn sử dụng đường code mà 6 năm trước mình viết để xây trang web trong những ngày sục sôi khí thế ban đầu ấy. Blog được nhiều bạn quan tâm và từ đó mà có “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” - cuốn sách đầu tay của mình, và rồi có kênh Youtube và podcast như ngày hôm nay. 

Có những thứ đến trong cuộc đời, có những ý tưởng và cơ hội không phải ai đó đưa cho mà bạn tự mình nghĩ tới, tự muốn làm tại thời đểm đó. Ý tưởng đó thôi thúc đến mức bạn sẵn sàng làm không vì điều gì (không vì tài chính, không vì tham vọng,…), thì đó là điều khiến bạn thực sự được sống, khiến bạn theo đuổi những điều bạn tin là ý nghĩa và tốt đẹp. Nếu như vì sự cân bằng bình ổn trong cuộc sống mà bạn lựa chọn “để sau hẵng làm”, “khi nào rảnh hơn thì làm”,… có thể bạn sẽ bỏ lỡ những điều quý giá nhất. 

Từ ba câu chuyện trên, ý niệm về cân bằng mà mình muốn chia sẻ là “cân bằng trong sự mất cân bằng”. Khi bạn thực sự muốn thành công, muốn sáng chói, muốn một sự nghiệp rực rỡ, bạn cần có những điểm bất cân bằng. Những điểm bất cân bằng đó là khi bạn cực kỳ ám ảnh, cực kỳ khao khát một điều gì đó, là khi bạn nhất định phải làm/không làm việc gì đó, và không thể thoả hiệp với trạng thái lưng chừng. 

Giống như hình ảnh cái bập bênh, nếu nó ở trạng thái cân bằng và bạn ngồi ở một bên, một ai đó nặng hơn ngồi ở bên còn lại, bạn sẽ bị bảy lên và có thể ngã. Còn khi bạn ở trạng thái bất cân bằng, bạn trở thành một khối nặng ghì cái bập bênh xuống. Khi đó, không có sự tác động nào chạm được tới bạn, mọi lời nói của những người xung quanh, mọi quy chuẩn xã hội,… đều không thể lay chuyển điều mà bạn khao khát.

Khi ở điểm bất cân bằng, bạn cần thật sự ám ảnh với thành công, bạn muốn làm những “hành động khủng” (massive action - theo cách nói của tác giả Grant Cardone) để dẫn đến những thành công khủng, và khi đó động lực từ bên trong trở nên rất lớn. Trong cả quá trình đó, bạn vẫn luôn luôn quan sát bản thân để biết mình cần gì, chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần, để không bị kiệt sức bởi điểm bất cân bằng. Và rồi sau đó, chúng ta luôn có thể quay lại điều chỉnh trạng thái cân bằng lành mạnh trong cuộc sống. Thế nhưng, tại thời điểm bắt đầu, mình nghĩ rằng cần có những điểm bất bằng nhất định thì mới có thể tạo ra những thành công lớn.

Cảm ơn những chia sẻ của chị Chi Nguyễn! 

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa