Linh Phan - tác giả sách/solo-preneur/coach, là nhân vật thứ ba mà chúng tôi tìm đến trong series này. Cô là một trong những người đưa khái niệm freelancing, solopreneur đến gần hơn với cộng đồng Việt Nam. Cô đặc biệt có kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm số (digital products) và giúp tạo ra thu nhập thụ động cho các freelance coach/ writer.
Nếu theo dõi Linh Phan một thời gian, bạn sẽ ngạc nhiên về tốc độ làm việc, sự quyết đoán và đam mê trong mọi việc cô làm. Hẳn nhiều người sẽ hỏi rằng: “Làm thế nào để một người mẹ hai con nhỏ, sống ở nước ngoài không có người thân hỗ trợ, lại có thể làm cùng lúc nhiều việc đến thế?”. The Influencer sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Mình nghĩ rằng, giai đoạn nghỉ dịch cho phép người lao động ở khắp nơi trên thế giới cơ hội để chậm lại, suy nghĩ và chiêm nghiệm. Họ nhận ra rằng họ đã bỏ lỡ những gì khi lao vào làm việc quá nhiều ở thời gian trước. Họ biết trân trọng cuộc sống, yêu thương bản thân mình và những người xung quanh nhiều hơn. Đồng thời, họ cũng lo sợ những điều bất an sẽ lại xảy đến bất ngờ như đại dịch. Từ rất nhiều những phát hiện và nhận thức mới đó, không khó hiểu khi nhiều người bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng, đến lối sống tỉnh thức, đến những điều nên được ưu tiên trong cuộc đời mỗi người.
Trên thế giới, có một làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ tại các môi trường làm việc. Từ chuyện chủ yếu làm việc toàn thời gian tại văn phòng, người lao động bắt đầu mong muốn có thể làm việc từ xa (remote) hoặc làm việc với giờ giấc và địa điểm linh hoạt (flexible working). Chính sách ở rất nhiều công ty cũng đang được nới lỏng. Chính sách tuần làm việc 4 ngày cũng đang được cân nhắc tại nhiều quốc gia để cải thiện sự hài lòng trong công việc, cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động.
Hậu đại dịch, sức khoẻ (bao gồm cả sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần) đang trở thành ưu tiên hàng đầu của hầu hết mọi người. Trong một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới mà gần đây mình có đọc được, dịch bệnh đã làm cho chứng rối loạn lo âu tăng 25% trên dân số toàn cầu. Có vẻ, rất nhiều người đang phải vật lộn với sự lo âu và cần tìm cách bình tĩnh lại. Sự cân bằng là một phần quan trọng trong việc có một sức khoẻ tinh thần ổn định đó.
Ở giai đoạn tuổi 20, mình cùng từng nghĩ về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống phần nhiều ở khía cạnh thời gian. Mỗi ngày 24 tiếng, bao nhiêu phần cho công việc, bao nhiêu phần cho gia đình, cân bằng được là được. Còn tại thời điểm này, mình cho rằng suy nghĩ này không còn phù hợp.
“Làm sao để chị cân bằng được giữa công việc và cuộc sống?” cũng là câu hỏi mình được hỏi nhiều nhất trong vòng 5 năm qua. Mọi người thường thắc mắc làm sao mình làm được khối lượng công việc khổng lồ, vừa chăm 2 con nhỏ (cùng với chồng và không có một ai khác hỗ trợ), có lúc làm fulltime partime song song, mà vẫn làm việc hiệu quả. Chưa kể bọn trẻ nhà mình thường ốm, khó chiều và bản thân mình cũng là người dễ ốm.
Trong một buổi trò chuyện, phỏng vấn với khách hàng (là CEO một chuỗi thương hiệu lớn) mà mình chấp bút năm ngoái, anh bày tỏ quan điểm rằng không có cái gọi là work-life balance như các bạn trẻ vẫn nghĩ. Công việc chiếm ít nhất là 1/3 thời gian của con người, bởi vậy nó cũng là cuộc sống. Mình đồng ý hoàn toàn. Khi chúng ta nói nhiều về chuyện “cân bằng”, mình có cảm giác dường như nếu nghiêng về một bên nào đó, thì nó sẽ là tiêu cực và chúng ta phải kiểm soát nó. Giống như một sự cạnh tranh, phải chú ý đều cho cả hai thì chúng ta mới hạnh phúc. Mình không nói cách nghĩ này sai, nhưng nghĩ thế chỉ làm cho chúng ta cảm thấy khó khăn và mỏi mệt hơn. Cuộc sống và công việc không bao giờ tách rời nhau. Và thật ra, đều là cuộc sống. Còn được làm việc là còn cảm thấy có ích, còn được sống mà.
4 năm gần đây, khi trở thành fulltime freelancer, mình mới cảm nhận sâu sắc được niềm vui khi có thể kiếm sống tốt bằng cách làm điều mình thích. Bởi vì khi được làm thứ mình thích, làm tốt nó và hài lòng với nó, mình luôn có cách để dành thời gian cho nó một cách hợp lý và trong sự vui vẻ. Đó có lẽ cũng là lý do mà lâu lắm rồi, mình không còn chủ đích phải tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống nữa
Có lẽ là hơn 10 năm trước, trong một lần đi chơi ở Huế, mình trò chuyện với cô lao công quét dọn vệ sinh hai bên sông Hương. Cô đã đon đả nói “Cô làm việc này hơn 25 năm rồi. Làm nhiều, thấy thành phố sạch đẹp hơn cô thấy vui. Cô làm việc này cũng thấy khoẻ người, nên cô thích làm, không muốn đổi”. Trước đó, mình từng nghĩ những con người làm công việc này chắc hoạ hoằn lắm mới chấp nhận, vì họ không có lựa chọn khác. Đó là lần đầu tiên, mình thấy mở mang hẳn ra về ý nghĩa của một công việc.
Vậy nên nếu nó chỉ là “công việc” bạn làm cho có, bạn không thích nó, hoặc nó cũng không dành cho bạn thì... nó không phải là công việc thực sự. Khi đó bạn sẽ có nhu cầu đi tìm sự cân bằng vì bạn cảm thấy mất cân bằng. Muốn cân bằng thực sự theo cách này, bạn phải có sự thay đổi đủ lớn. Chẳng hạn, lựa chọn lại nghề nghiệp, hoặc tìm những cách tiếp cận mới để cảm nhận được niềm vui trong những việc mình làm.
Hơn nữa, đừng nghĩ rằng công việc có nghĩa là chỉ có văn phòng, máy móc, cổ cồn trắng. Mình đã làm việc từ xa và hoàn toàn làm việc tự do trong 4 năm qua. Mình có thể tranh thủ viết khi con ngủ. Có thể đeo tai nghe để trò chuyện với khách hàng khi đang bế con. Có thể leo lên đỉnh núi và ngồi đó trả lời một chiếc email. Cũng có thể họp từ xa khi mang laptop ra ban công ngồi vào mùa hè. Hoặc là, tranh thủ đọc vài trang sách, khi 2 đứa trẻ chơi nghịch với nhau ở sân chơi sau nhà.
Với mình, cân bằng là sự kết hợp của việc làm việc mình đam mê và tích hợp nó vào cuộc sống một cách tích cực, linh hoạt. Công thức của mình chỉ có vậy thôi.
Lúc mình thấy mất cân bằng nhất là khi các con bị ốm. Hai đứa nhà mình đang trong giai đoạn dễ ốm, có những lời điểm chúng thay nhau ốm liên tục trong một thời gian dài. Có những ngày, mình khá đuối cả về sức khoẻ thể chất và tinh thần. Có những lúc mình nằm dài trên sàn nhà, tự hỏi bản thân những câu như “Tại sao tôi lại rơi vào trạng thái như thế này?”, và chỉ muốn khóc vì quá mệt. Nhưng rất may, mình là người kiểm soát suy nghĩ tốt và có thể thoát ra khỏi những cảm xúc đó khá nhanh.
Mỗi lần đuối sức, mình lại nghĩ về quyết định trở thành một người làm việc tự do và độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ tổ chức nào. Nhờ lựa chọn này, mình có thể quyết định tạm gác lại công việc để chăm sóc các con mà không phải xin nghỉ làm, không phải cảm thấy áy náy, và cũng gần như không ảnh hưởng đến một ai khác. Mình cảm thấy may mắn vì một vài năm trước đã dũng cảm lựa chọn con đường này. Những suy nghĩ đó khiến mình tích cực trở lại.
Với mình, cân bằng không đến từ những yếu tố bên ngoài. Vì vậy, khi mất cân bằng, mình sẽ không tìm đến những cách thay thế tạm thời như đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè,... mà trước tiên, mình sẽ “làm việc” với những suy nghĩ bên trong. Đâu là điều quan trọng nhất trong thời điểm này? Đâu là điều tôi cần phải ưu tiên? Tôi cần thu xếp điều gì để có thể làm được điều quan trọng đó? Chúng ta rất khó để làm được tất cả mọi thứ cùng một lúc. Vì vậy, theo mình, bản chất của sự cân bằng là biết mình cần ưu tiên điều gì cho từng giai đoạn, và chấp nhận rằng mình phải buông bỏ một số thứ. Khi có sự sáng rõ trong suy nghĩ, tự khắc mình sẽ cảm thấy cân bằng trở lại. Tình huống không thay đổi, chỉ là tâm thế mình đã khác.
Làm freelancer rồi solopreneur, mình đã từng rất nhiều lần phải hỏi câu: Mình đang bận rộn thôi hay đang làm việc hiệu quả? Nếu các bạn đang làm việc quá nhiều giờ mỗi ngày, các bạn cũng hãy thử hỏi bản thân câu hỏi này.
Bản thân mình trước đây cũng đã từng ở trạng thái tương tự. Năm 2019, có những thời điểm mình phục vụ 10 khách hàng trong cùng một tháng. Có những ngày mình phải làm việc tới 10-12 tiếng, có khi làm đêm thứ 7 chủ nhật (vì ban ngày thì vẫn phải dành thời gian cho gia đình). Quãng thời gian đó, mình bị kiệt sức thật sự. Vừa phải làm công việc phục vụ người khác, chấp nhận làm những thứ mình không thích, vừa phải làm cho rất nhiều người cùng một lúc.
Nhiều freelancer nổi lên trong đại dịch vì nhu cầu tăng lên, nhưng vừa đối phó với chuyện thu nhập, vừa phải đáp ứng nhu cầu của rất nhiều khách hàng một lúc, lại chưa có ý thức về cân bằng và chăm sóc bản thân - thì đó sẽ là một cơn càn quét hoàn hảo của sự kiệt sức.
Có vài điều mình thường hay dặn dò các bạn học viên và coachee của mình khi các bạn đang làm tự do đó là:
Cuối cùng, mình biết rằng chúng ta đang cần sử dụng mạng xã hội cho mục đích công việc rất nhiều. Vậy thì hãy dùng nó đúng với mục đích công việc, chứ đừng dành thời gian để ngồi với nó từ sáng đến tối khuya. Bạn cứ nghĩ mình chỉ ngồi lướt MXH 10-20 phút thôi nhưng cộng dồn nó trong một ngày mà xem, bạn sẽ thấy mình lãng phí quá nhiều thời gian.
Đặc biệt là nếu thấy cần, hãy tìm sự giúp đỡ. Hãy tuyển trợ lý cho dự án, cho cá nhân bạn. Thời gian là vàng bạc, hãy dành nó làm những việc quan trọng và giá trị hơn. Đầu tư một chút tiền nhỏ thì bạn mới có cơ hội và thời gian để đạt được những thứ giá trị hơn!
Trong một khảo sát của Deloitte mà mình từng đọc, 83% những người bị kiệt sức vì làm việc chăm chỉ có thể gây hấn và làm nổ tung các mối quan hệ xung quanh họ. Tất nhiên chăm chỉ là cần thiết, nhưng không thể bền vững nếu chỉ lao vào làm chăm chỉ suốt một thời gian dài. Chẳng có sự hối hả gấp gáp nào không mang tới kiệt sức.
“Slow down to speed up” là một slogan nội bộ của một tổ chức mình từng tư vấn. Muốn nhanh thì phải từ từ, muốn tăng tốc thì trước tiên nên chậm lại. Với những bạn đang thấy mình ở trạng thái kiệt sức, lời khuyên của mình là hãy cho mình một khoảng thời gian để chậm lại. Việc chậm lại thực sự giúp công việc mình tốt hơn. Mình tỉnh thức hơn. Mình có thời gian quan sát tiến trình. Mình suy nghĩ sâu sắc hơn về những gì đang diễn ra. Mình có cơ hội chiêm nghiệm những điều đã làm hoặc chưa làm. Mình có không gian để nghĩ liệu có thể làm gì tốt hơn.
Công việc về bản chất sẽ chỉ trôi chảy khi nó có sự tập trung sâu sắc. Khi không bị phân tâm, dòng chảy sẽ chảy mạnh mẽ mà không còn vật cản nào. Khi ở trong trạng thái dòng chảy, khái niệm thời gian cũng thay đổi và cách thức hoạt động của tâm trí cũng thay đổi. Và khi bạn đã trở thành bậc thầy ở trong trạng thái dòng chảy đó, 3-4 giờ làm việc là đủ để hoàn thành tất cả công việc.
Chỉ khi bạn làm việc mà không còn cảm giác “phải làm”. Chỉ khi bạn làm việc mà biết rằng đó sẽ là những gì mình mãn nguyện để làm tới hết phần đời còn lại. Cánh cửa tự do mới mở ra. Và ở đó, một sự cân bằng vững vàng sẽ xuất hiện.
Cách đây khoảng 2 năm, mình bắt đầu thực hành thiền. Mỗi buổi sáng thức dậy, mình sẽ ngồi thiền khoảng 10-15 phút, có nghe theo lời dẫn thiền hoặc tự ngồi trong yên lặng. Sau đó, mình bắt đầu ghi ra những việc mình cần làm trong ngày. Đến nay, mình vẫn duy trì thói quen đó. Trong khoảng nửa năm gần đây, mình bắt đầu thiền sâu hơn, có những hôm ngồi đến gần 1 tiếng. Tất nhiên, không phải ngày nào mình có thời gian để làm vậy, nên mỗi tuần mình sẽ có một buổi thiền sâu, những ngày còn lại duy trì trong khoảng 20 phút. Khi thiền, mình thấy rất tĩnh. Mình có thể quét cơ thể và nhận biết các dấu hiệu. Trí não lúc đó được giải phóng và nghỉ ngơi.
Ngoài việc ngồi thiền một chỗ, mình cũng thích thiền động. Vào mùa xuân hay mùa hè, mình rất hay ra ngoài đi dạo, đến rừng thông và biển, đôi khi cứ ngồi lặng lẽ dưới tán cây hoặc bình tĩnh đi xuyên qua rừng. Khi mình ở trong thiên nhiên, mình chỉ quan sát và gần như chẳng nghĩ gì. Chính lúc đó, mình cảm thấy bản thân đang giải phóng năng lượng, giải phóng suy nghĩ vô ích ra khỏi đầu. Khi đó, sóng não mình rất thấp, tiệm cận với sóng năng lượng của thiên nhiên, và đó là lúc mình cực kỳ sáng tạo.
Việc gần gũi với thiên nhiên như vậy giúp ích cho mình rất nhiều. Hầu hết các ý tưởng sáng tạo, các hoạt động liên quan đến công việc kinh doanh,... đều đến với mình trong những lúc thiền động như vậy. Mình đi và không suy nghĩ vẩn vơ quá nhiều, mình nhìn ngắm thiên nhiên, và có những quãng thời gian rất yên lặng để hoà cùng thiên nhiên. Năng lượng tích cực và ý tưởng sáng tạo sẽ đến, như những món quà kỳ diệu của thiên nhiên và vũ trụ. Vậy nên, mình cố gắng làm việc đó khoảng 45-60 phút mỗi ngày, đi bộ hoặc leo núi tầm 7-10km hoặc nhiều hơn.
Mình nghĩ việc này giúp ích rất nhiều trong việc cân bằng cuộc sống, cải thiện thể chất và tinh thần.
Cảm ơn những chia sẻ của chị Linh Phan. Chúc chị một hành trình cân bằng và an yên phía trước.