Tháng 3 là tháng nâng cao nhận thức về sự lắng nghe (Listening Awareness Month). Lắng nghe, việc chúng ta vẫn làm hằng ngày, đôi khi lại không dễ dàng đến thế. Trong thế giới có quá nhiều điều khiến ta sao nhãng, làm thế nào để chúng ta dành cho những người xung quanh sự hiện diện và lắng nghe trọn vẹn? Đó là một câu hỏi đáng suy ngẫm.
Cùng The Influencer trò chuyện về chủ đề này với Vừng, Meichan và Mẫn Nhi nhé!
Vừng (tên thật là Lê Nam Thuận An) là một trong những gương mặt Gen Z không quá xa lạ với những nội dung thú vị của một công dân toàn cầu, một du học sinh có trải nghiệm ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản,... Vừng có bảng thành tích đáng chú ý khi trúng tuyển 6 trường đại học ở Mỹ với mức học bổng từ 70-100%, đang theo học tại Đại học Cornell (Mỹ) với học bổng 7,2 tỷ đồng, là chủ nhân phim ngắn A Drop of the Ocean được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế về biển vào tháng 3/2019.
1, Chào Vừng, khi nào bạn cảm thấy bản thân mình đang thực sự được lắng nghe?
Mình cảm thấy được lắng nghe khi có thể cùng trò chuyện với một người bạn và chia sẻ bất kỳ suy nghĩ, cảm xúc nào mà không có cảm giác bị phán xét, được chấp nhận với những sự không hoàn hảo của chính mình.
Đó thường là những người bạn thân nhất ở trường, mình được quen từ câu lạc bộ. Vì học chung ngành nên các bạn rất thấu hiểu những khó khăn mà chúng mình cùng trải qua với nhau. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn riêng liên quan tới đặc thù công việc làm content creator của mình mà các bạn khó có thể hiểu được.
Tuy nhiên, mình vẫn cảm thấy biết ơn và được lắng nghe khi chúng mình chủ động dành thời gian chất lượng với nhau. Đôi khi, đó là những bữa ăn tối ở ký túc xá, khi chúng mình chăm chú lắng nghe câu chuyện của nhau mà không sử dụng điện thoại hay có bất kỳ sự phân tâm nào bên cạnh.
2, Theo bạn, một người lắng nghe trọn vẹn sẽ thể hiện những đặc điểm nào?
Đối với mình, một người lắng nghe trọn vẹn sẽ hội tụ cả 3 yếu tố: 1) một tư duy tò mò rộng mở, 2) biết cách kiến tạo một không gian an toàn, 3) dành cho mình sự chú tâm trong cuộc trò chuyện.
Yếu tố đầu tiên là một tư duy tò mò rộng mở để đón nhận và tôn trọng những sự khác biệt. Hồi cấp 3, mình học tại trường United World College tại Nhật Bản - một ngôi trường tuy chỉ có 200 học sinh nhưng đến từ hơn 70 quốc gia khác nhau, những sự khác biệt về văn hoá, lối sống là không thể tránh khỏi. Có những sự khác biệt rất đơn giản trong đời sống sinh hoạt, ví dụ như ở châu Á, mình sẽ quen dùng giá phơi quần áo để cho quần áo khô, còn những bạn cùng phòng người Mỹ thì sẽ quen dùng máy sấy quần áo, nhưng sẽ rất ồn nếu dùng máy sấy quần áo vào buổi tối muộn. Những sự khác biệt nhỏ như vậy cũng cần được bàn luận với nhau một cách thoải mái, chân thành, chúng mình cũng cần học cách lắng nghe nhau để chào đón nhiều luồng ý kiến khác biệt.
Để tạo ra một không gian an toàn, mình sẽ không phán xét và phản chiếu ý kiến cá nhân của mình khi bạn đang chia sẻ, hoặc là hạn chế không đưa ra lời khuyên nếu như bạn không hỏi. Bởi vì đôi khi, điều người bạn của mình cần không phải là lời khuyên mà là một người bạn lắng nghe, quan tâm và trân trọng những chia sẻ của bạn.
Yếu tố thứ ba là sự chú tâm. Mình là sinh viên đang đi học, có công việc part-time, cùng lúc là sản xuất nội dung trên MXH. Dù bận rộn, trong các cuộc trò chuyện, mình sẽ không lướt điện thoại và luôn cố gắng tập trung vào những gì đang diễn ra, hạn chế phân tâm vào những điều khác.
3, Bạn đã và đang thực hành lắng nghe sâu như thế nào trong cuộc sống?
Trước khi phản hồi về những chia sẻ của người đối diện, mình luôn thể hiện sự biết ơn “Cảm ơn bạn đã tin tưởng chia sẻ với mình”. Sau đó, mình sẽ hỏi xem là bạn cần thêm những gì ở mình, có phải là một lời khuyên, một lời bình luận, hay đơn giản chỉ là lắng nghe thôi, sau đó mình sẽ chia sẻ lại đúng mục nội dung mà bạn mình đang cần lắng nghe. Ngoài ra, trong khi lắng nghe thì mình cũng có thể dùng ngôn ngữ cơ thể để bày tỏ sự quan tâm của mình, ví dụ như thỉnh thoảng sẽ gật đầu, giữ sự giao tiếp bằng mắt một cách tự nhiên và đúng với bản thân mình nhất.
Meichan (Hà Trang, 2000) là một trong những influencer được các bạn trẻ yêu thích. Cô là cựu học sinh của lớp chuyên Anh tại trường THPT Chuyên Amsterdam - Hà Nội và xuất sắc giành học bổng 100% ngành Truyền thông tại Trường Đại học Yonsei - Top 3 ngôi trường Đại học hàng đầu Hàn Quốc.
1, Khi nào Meichan cảm thấy bản thân mình đang thực sự được lắng nghe?
Mình cảm thấy được lắng nghe khi người đối diện cho mình thời gian và không gian để trò chuyện, kiên nhẫn đón nhận những điều mình chia sẻ trước khi đưa ra bất kỳ bình luận hay lời khuyên nào. Mình cũng thấy được lắng nghe hơn nữa khi đối phương đặt ra những câu hỏi để khai thác thêm về câu chuyện của mình rồi dần chia sẻ ngược lại góc nhìn từ phía họ và đưa ra những lời khuyên mà họ nghĩ là tốt cho mình.
2, Theo bạn, yếu tố nào đang cản trở chúng ta dành cho người đối diện sự lắng nghe trọn vẹn?
Chúng ta khi quan tâm tới đối phương sẽ dễ có xu hướng vội vàng đưa ra quan điểm và lời khuyên để giúp họ sớm giải quyết vấn đề. Điều này vô hình trung lại khiến đối phương cảm thấy suy nghĩ và cảm xúc của mình không thực sự được đón nhận và chấp nhận.
Với nhịp sống mỗi ngày càng hối hả tất bật, chúng ta dễ bị sao nhãng hơn và việc lắng nghe người khác cũng khó đến một cách tự nhiên hơn. Vì vậy, việc dành thời gian lắng nghe người khác cần nhiều sự chủ động và ý thức tập trung cao hơn.
3, Bạn đã và đang thực hành lắng nghe sâu như thế nào trong cuộc sống?
Mình đang học cách lắng nghe người khác một cách trọn vẹn hơn qua việc dành hết sự tập trung của mình cho câu chuyện, đón nhận mọi thông tin với lòng thấu cảm và hạn chế đưa ý kiến cá nhân một cách vội vàng. Sau khi đối phương đã chia sẻ hết, mình bày tỏ rằng mình đã nắm được, đặt thêm câu hỏi để hiểu sâu hơn và từ từ chia sẻ những suy nghĩ của mình để hai bên cùng nhau bóc tách câu chuyện.
Mẫn Nhi cũng là một YouTuber về chủ đề phát triển bản thân được nhiều người quan tâm. Cô là cựu học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, vừa hoàn thành chương trình học ngành Truyền thông tại Đại học Macquarie Úc, trước đó, Mẫn Nhi cũng từng là du học sinh tại Hà Lan. Trên các trang MXH của mình, Mẫn Nhi chia sẻ nhiều về quá trình chinh phục học tập, cuộc sống du học sinh, và các nội dung khác gần gũi với các bạn trẻ.
1, Khi nào Nhi cảm thấy bản thân mình đang thực sự được lắng nghe?
Bản thân mình cảm thấy được lắng nghe nhất là khi người đối diện đặt ra những câu hỏi sâu hơn về câu chuyện mà mình đang chia sẻ. Hoặc chỉ đơn giản là khi họ nhớ những điều nho nhỏ mà trước đây mình đã từng nhắc đến. Mình biết rằng, họ đã phải rất để ý và lắng nghe rất kỹ thì mới nhớ những điều ấy.
2, Theo bạn, yếu tố nào đang cản trở chúng ta dành cho người đối diện sự lắng nghe trọn vẹn?
Mình nghĩ rằng trong thời buổi hiện nay - ngoài việc mạng xã hội vẫn đang rất phát triển, thì chúng mình còn rất dễ dàng truy cập công việc và làm việc trên điện thoại. Đôi khi, chỉ cần một thông báo về công việc trên điện thoại hoặc một tin nhắn “online” cũng có thể làm chúng mình xao nhãng và bớt tập trung với cuộc hội thoại “offline” mà chúng mình đang có. Bên cạnh đó, mình nghĩ người đối diện còn khó có sự lắng nghe trọn vẹn khi họ đang có nhiều cảm xúc không phải tích cực nhất, hay có nhiều việc cá nhân cần giải quyết khác.
3, Bạn đã và đang thực hành lắng nghe sâu như thế nào trong cuộc sống?
Mình là ví dụ điển hình của việc mỗi khi nhận được thông báo về công việc trên điện thoại thì mình thường sẽ có xu hướng giải quyết luôn và mất tập trung vào cuộc hội thoại mình đang có. Để khắc phục điều này, mình thường cố gắng tắt điện thoại đi khi đã quyết định dành thời gian cho bạn bè và người thân. Ngoài ra, mình cũng cố gắng chú ý và ghi nhớ những điều nhỏ mà người đối diện chia sẻ trong cuộc trò chuyện để họ cảm thấy được lắng nghe trọn vẹn nhất.
Cảm ơn những chia sẻ của Vừng, Mẫn Nhi và Meichan.