emagazine image

Thử thách bản thân với một concept mới lạ, Uy Lê đã vượt qua chặng hành trình như thế nào để định hình nên một chương trình ‘giải trí tuệ’, đưa giải trí và giáo dục song hành cùng nhau?


Nhắc đến Uy Lê, mọi người thường nhớ đến một diễn viên hài độc thoại, trưởng nhóm Saigon Tếu với những set diễn mang màu sắc hài hước đặc trưng giàu chất xám và không kém phần thâm thúy. Cùng với đồng đội của mình, Uy đã thổi một làn gió mới vào thị trường hài kịch vốn nhiều cạnh tranh ở Việt Nam, đưa hài độc thoại từ một khái niệm xa lạ trở thành hình thức giải trí gần gũi có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả.


Thế nhưng không dừng lại ở một danh xưng duy nhất, Uy Lê tích cực ghi tên mình ở nhiều vai trò, dự án khác nhau, không ngừng nỗ lực đem những concept mới mẻ tới với khán giả Việt Nam mà gần đây nhất là dự án gameshow Thử thách trốn thoát với vị trí biên kịch. Đây là chương trình truyền hình thực tế về trốn thoát đầu tiên tại Việt Nam, ghi dấu trong lòng khán giả với yếu tố giải trí thú vị và những thông điệp đầy nhân văn, ý nghĩa, hay theo cách gọi của Uy: một show giải - trí - tuệ.


Tò mò trước cách định vị độc đáo này, The Influencer đã có một cuộc trò chuyện cùng với Uy Lê để lắng nghe hành trình tạo nên một món ăn tinh thần mới mẻ, sáng tạo cho khán giả, nơi những thông điệp giáo dục được lồng ghép cùng nội dung giải trí.

emagazine image

Quill Cloud

Cụm từ “giải trí tuệ” được Uy dịch ra từ khái niệm “edutainment” trong tiếng Anh. Đây là một kiểu nội dung vừa cung cấp cho người xem kiến thức (education), vừa cài cắm các yếu tố giải trí (entertainment) để người xem dễ tiếp thu hơn. Trong chương trình giải trí tuệ, hai yếu tố này luôn xuất hiện song song, đồng thời, không phân biệt thứ tự ưu tiên cao - thấp.


“Giải trí” ở đây, với Uy, không dừng lại ở những buồn vui đơn thuần. Tính giải trí phải có khả năng tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc. Mình không đóng khung cảm xúc của từng tập vào một từ khóa cảm xúc duy nhất, hoặc vui, hoặc buồn. Mình không cứng nhắc trong việc phải quăng miếng hài mọi phút, mọi giây. Lúc nào nên buồn, mình phải buồn cho tới. Mình cần đảm bảo mỗi tập gameshow là bàn tiệc nhiều mùi, nhiều vị, với nhiều cách tiếp cận khán giả khác nhau.

Quill Cloud

Uy tình cờ được anh Nguyễn Thanh Tú - Trưởng biên kịch “lôi” vào dự án này. Đây là cơ hội để Uy và “đồng bọn" bung hết thế mạnh của mình. Nhờ có một team biên kịch đa dạng góc nhìn: Anh Thanh Tú, Hiền Nguyễn, Thanh Tâm, Hoàng Duy, Ái Linh, anh Quý… Người chuyên Toán, người chuyên Văn, mỗi người có một ít kiến thức từ các mảng khác nhau từ sáng tạo trò chơi đến lên nội dung giải trí… Team sẽ có một góc nhìn đa diện hơn khi tiếp cận một mảng chủ đề.


Còn riêng nhiệm vụ Uy được giao là viết format chương trình, đưa ra concept, câu chuyện lớn cần truyền tải tới người xem và đưa những nội dung kiến thức vào chương trình. Điều quan trọng nhất là phải lồng ghép giá trị tri thức vào câu chuyện một cách tự nhiên để người chơi tự rút ra bài học sau khi giải đố. Mình không cố thuyết giảng một thông điệp mình muốn truyền tải.

emagazine image

Quill Cloud

Đúng là có rất nhiều chương trình nước ngoài khai thác nội dung escape room rồi. Dù về mặt kỹ thuật và khả năng sản xuất, mình không theo kịp người ta. Nhưng khi viết format riêng cho Việt Nam, điều mình muốn làm là bản địa hóa chương trình thay vì tìm cách “copy paste” chương trình nước ngoài. Các chi tiết đều phảng phất hình ảnh văn hóa Việt nhằm đảm bảo tính nguyên bản cho một chương trình truyền hình của Việt Nam.


Bên cạnh đó, yếu tố giải trí vẫn được đề cao. Ngay cả trong những phân đoạn người chơi giải mã, chúng tôi vẫn nghĩ cách đan cài yếu tố giải trí, tạo hoạt động để khán giả có cơ hội tương tác với người chơi và trở thành một phần của tiến trình giải mã.


Đó là hai yếu tố chính dẫn dắt và định hướng cho team biên kịch trong suốt quá trình thực hiện kịch bản cho Thử thách trốn thoát.

Quill Cloud

Tụi mình không quá cứng nhắc trong việc tìm người như thế nào, đóng vai trò gì. Hai thứ mà team Uy quan tâm nhất là mình cần tìm những người có suy nghĩ khác nhau, thậm chí chưa quen nhau; và mình cần một “siêu trí tuệ” dù có thể bạn không quá nổi tiếng. Hà Việt Hoàng là cái tên mọi người đề xuất cho mình. Khi ấy mình chưa biết bạn là ai, nhưng sau khi xem màn thể hiện của Hoàng trên Siêu trí tuệ, mình hạ quyết tâm phải mời bằng được bạn vào chương trình.


Hà Việt Hoàng là đại diện hoàn hảo cho concept giải trí tuệ vừa thông minh, vừa vui tính. Chị Hari là người Hàn nên có những khoảnh khắc rất ngây ngô, sở hữu một lối tư duy khác hẳn khuôn mẫu thông thường. Anh Luân là người quyết liệt, gặp thử thách là phải giải cho đến cùng mới thôi. Anh Tuấn mang màu sắc hài hước, là người tạo không khí cho cả phòng. Chị Trương Quỳnh Anh là nhân tố vừa logic vừa may mắn, đôi khi chị chỉ nói bâng quơ mà lại… trúng ngay cách giải. Thú thực, đội biên kịch ngồi ngoài nhiều phen thót tim với chị bởi tốc độ giải mã quá thần sầu của chị.


Mình tin khán giả sẽ nhìn ra những mảng màu riêng biệt ấy khi theo dõi chương trình. Mỗi người chơi đều có một màu sắc riêng mà vẫn dung hòa, bổ khuyết cho nhau rất tốt. Ngay từ ngày đầu tiên sau khi quay xong tập mở màn, mình đã cảm thấy có một mối quan hệ thân thiết đang thành hình.Thực tế cho thấy qua từng tập mọi người càng ngày càng gần gũi và hiểu nhau hơn, sự tương tác càng lúc càng dễ thương và tính gắn kết trong teamwork được thể hiện rất rõ ràng. Mình cảm thấy mừng vì mình không chỉ xây dựng kịch bản của chương trình mà qua đó còn xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt giữa mọi người.

emagazine image

Quill Cloud

Có một câu này khá lạ nhưng Uy thấy rất hay: “Khán giả luôn rất thông minh, nhưng khán giả có thể bị thiếu dữ liệu”. Khi đó việc của mình là phải đưa đầy đủ dữ liệu cho khán giả, tuy nhiên mình chỉ đưa ĐỦ chứ mình không đưa DƯ. Phải đưa thật khéo để công chúng có thể tự cảm nhận, nhưng vẫn chừa lại một khoảng trống để họ tự có những tranh luận, suy nghĩ của riêng mình.


Nhóm biên kịch cố gắng đạt được mức cân bằng đó. Chúng mình không sợ làm khó quá, khán giả xem không hiểu. Khán giả thực sự rất thông minh, thậm chí có thể thông minh hơn cả biên kịch. Nếu bạn chịu khó đọc bình luận đề xuất ý tưởng của khán giả dưới mỗi tập Thử thách trốn thoát, Uy tin bạn sẽ phải ngỡ ngàng. Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng tư duy của khán giả.


Chương trình chỉ nên là mở bài để khơi gợi mọi người tự viết nên thân và kết bài. Mình không “làm hộ”, “nghĩ hộ” khán giả được đâu! Chương trình phải khiến mọi người quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, nhưng nghĩ thế nào, phản ứng ra sao, rút ra bài học gì, có những cảm xúc nào…, đó là trách nhiệm của bản thân mỗi người chơi, người xem.


Bạn cứ nhớ lại thời đi học, nếu chỉ học thuộc bài để trả bài, Uy đảm bảo chỉ 2, 3 tuần sau bạn sẽ quên ngay. Nhưng nếu nếu bạn tự tiếp cận một vấn đề và tìm ra cách giải, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thỏa mãn. Vậy nên, khó hay dễ sẽ không quan trọng bằng hứng thú hay không. “Khó nhưng có lý do để cố” - đó mới là trí tuệ mà chúng ta đang cần. Môt trí tuệ chủ động trong tư duy và có được trong góc nhìn đa chiều.

emagazine image

Quill Cloud

Ý tưởng của Uy sẽ thường bắt đầu từ câu chuyện mà Uy muốn kể. Trước hết mình định hình rõ khung chương trình với 8 căn phòng thử thách, xuyên suốt từng phòng là hành trình khám phá của người chơi. Kế đến, Uy cùng với team sẽ suy nghĩ về các câu hỏi: “Mình muốn nói với người chơi điều gì?”, “Mình muốn nói như thế nào?”. Từ đó, cả team đi tìm những chi tiết, đạo cụ, những mẩu chuyện nhỏ giúp thể hiện được thông điệp lớn một cách khéo léo, và thông qua đó người chơi có thể tự khám phá ra ý nghĩa đằng sau.


Quá trình này rất khác với việc viết phim, là mình tự “khai sinh” ra toàn bộ tình tiết câu chuyện. Còn khi viết một chương trình như Thử thách trốn thoát, mình phải tưởng tượng những tình tiết có thể xảy ra. Từ đó, mình đưa ra giả định về cảm xúc, phản ứng, hành xử, quyết định của người chơi, từ đó định hình cách tiếp cận và dẫn dắt phù hợp. Nhưng trên thực tế, người chơi có thể phản ứng một cách khác hoàn toàn so với mọi dự liệu của biên kịch.


Vậy nên việc sửa kịch bản trực tiếp trên trường quay diễn ra như cơm bữa. Tùy theo diễn biến thực tế, mình phải sửa đổi kịch bản gấp để nương theo mạch chương trình. Bởi vậy nên vào những ngày quay, nhóm biên kịch ai nấy đều căng thẳng. Có chuyện “tự ngược” này là bởi chúng mình thống nhất một tôn chỉ: Không được bắt người chơi phải đi theo một hướng cụ thể để dễ kiểm soát tình hình. Thử thách trốn thoát phải là một show THỰC TẾ. Tức, mọi cảm xúc đều là thực, mọi quyết định cũng là thực. Biên kịch không ép người chơi phải diễn vui khúc này, nói đùa khúc khác. Một kịch bản hay phải biết cách bày biện mọi thứ để người chơi tự mình đi qua những cung bậc cảm xúc của chương trình.

emagazine image

Nhưng quá trình viết kịch bản chương trình lại khá giống và tương đồng với lúc Uy viết kịch bản cho set diễn hài độc thoại của mình. Mọi người thường nghĩ một bạn diễn viên hài thường chỉ cần đoán ý và quan tâm xem người ta sẽ cười chỗ nào. Nhưng thực ra mình phải đoán hết câu này sẽ làm cho người ta thấy ghê, câu này làm cho người ta thấy sợ, thấy buồn. Khi mạch cảm xúc của mình và người nghe là một, mình mới thật sự kết nối với họ. Còn nếu một người đứng trên sân khấu họ nói một thứ mà mình không hiểu và không cảm được đương nhiên mình cũng không thể cười được.


Nếu may mắn người chơi trong chương trình có chung cảm nhận, suy nghĩ giống với biên kịch đấy là một thành công lớn của người viết kịch bản. Nếu sau đấy khán giả xem chương trình cũng cảm nhận đúng thông điệp thì đó lại là một thành công lớn hơn nữa. Cứ mỗi một tuần mình lại phải học một thứ mới. Ví dụ như tập cải lương mình phải nghe mọi người xướng âm mà mình chả hiểu gì và mình phải mất một thời gian rất lâu để có thể phân biệt được các nốt. Học đánh đàn cũng vậy, nếu mà mình muốn nghĩ ra một thử thách liên quan về cây đàn mà mình lại không biết cái đàn vận hành như thế nào thì làm sao làm được.


Nhưng khi đấy mình nhận ra cách tiếp cận của mình cũng sẽ giống với hầu hết khán giả. Mình bắt đầu đặt ra câu hỏi nếu một người chưa biết gì về thứ này thì mình phải nói cho họ biết về thứ gì. Nó giống với câu: “Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó cho một đứa con nít thì chính bạn cũng không hiểu điều đó”. Mình sẽ truyền đạt giống như nói với một đứa con nít. Góc nhìn đấy sẽ cho mình biết là mình nói đủ, mình nói đúng yếu tố cốt lõi của vấn đề hay chưa.


Tuy nhiên có những vấn đề rất rộng mà mình chỉ đóng vai trò một người đưa chìa khóa. Còn có mở cánh cửa ấy ra để đến với thế giới tri thức hay không, đó là quyền quyết định của khán giả.

emagazine image

Quill Cloud

Nhóm biên kịch luôn cố gắng giữ vị thế ngang bằng, không phân biệt lớn bé, cao thấp, và tôn trọng những quan điểm cá nhân để tránh bỏ lỡ những ý kiến hay ho và góc nhìn đa chiều. Rất may là team của mình ai cũng logic và có chính kiến để bảo vệ ý tưởng, nhưng luôn nỗ lực đi đến một thống nhất chung cùng cả nhóm. Khi làm việc với những bộ phận khác cũng vậy. Tụi mình phải biết rất rõ là mình muốn gì, mình muốn truyền đi thông điệp ra sao. Có những vấn đề liên quan đến đạo cụ, góc máy, những anh chị kỹ thuật sẽ trình bày khó khăn và trao đổi với ban biên kịch để tìm hướng giải quyết.


Thậm chí có những khó khăn vốn là “trò đùa nội bộ”, thế mà lại được đưa lên hình. Mình chỉ bâng quơ: “Bây giờ kiếm tài trợ sao mọi người ơi? Hay mình dán sticker lên là cần tiền tài trợ nha!” Nhưng mà mọi người lại nhìn nhận nghiêm túc và thấy đó là một ý tưởng thú vị. Mọi người đều tin vào điều mình đang làm, trân trọng ý tưởng mình viết ra nên mình cảm thấy rất vui vì được ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình như vậy.

emagazine image
emagazine image

Quill Cloud

Mình nghĩ mỗi chương trình sẽ đáp ứng một nhu cầu riêng của khán giả. Không phải lúc nào cũng có nhu cầu xem một thứ gì đó căng não, có những ngày mình sẽ chỉ muốn xem một bộ phim tình cảm lãng mạn, hài hước nhẹ nhàng. Thế nên bên cạnh show giải trí tuệ cũng vẫn luôn có những show giải trí đơn thuần.


Tùy từng thời điểm, có một giai đoạn nội dung này lên ngôi nhưng sang giai đoạn khác lại bị thoái trào. Đây là một xu hướng lên xuống rất bình thường trong ngành giải trí. Những năm qua, dịch bệnh Covid khiến mọi người gặp rất nhiều chuyện không may, không vui, khán giả sẽ muốn đi tìm những sự giải trí, hài hước không cần đặt nặng suy nghĩ quá phức tạp, đấy là một nhu cầu tất yếu.


Nhưng sau giai đoạn đó, mình bắt đầu có những nhu cầu khác như phát triển bản thân, tìm hiểu kiến thức…, và sẽ luôn có những nội dung phục vụ nhóm nhu cầu này. Trước giờ mình quen lướt TikTok, Facebook để theo dõi các nội dung ngắn, nhưng giờ mình cũng có thể dành ra 1, 2 tiếng nghe podcast về một vấn đề sâu sắc, chuyên môn.

emagazine image

Thế nên, có thể nói những nhu cầu mới cần những sản phẩm giải trí mới. Uy tin là show giải trí tuệ sẽ luôn có một chỗ đứng vững chãi. Bài toán của những người làm chương trình là tìm ra được công thức phù hợp với đúng khán giả mục tiêu mình nhắm tới. Chương trình Đường lên đỉnh Olympia có tính học thuật rất cao, nhiều kiến thức chuyên môn. Siêu trí tuệ lại chọn một điểm giao hài hòa giữa giải trí và trí tuệ. Cả hai đều là những chương trình có chỗ đứng và tập khán giả của riêng mình. Do đó, chúng ta nên hướng tới sự đa dạng thay vì một công thức cứng nhắc.

Quill Cloud

Trước hết, nó cho mình rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm mới. Thứ hai, cơ hội làm việc của Uy cũng rộng mở hơn. Hiện mình đã nhận được một số lời đề nghị rồi. Thứ ba, Uy tự có những bài học lớn cho bản thân mình.Trước giờ mình luôn là một người chuẩn bị cực kỳ kỹ càng và mình coi ứng biến là một điều gì đấy rất khủng khiếp. Nhưng quá trình làm Thử thách trốn thoát dạy Uy ứng biến với mọi sai lệch, sai sót khi đi từ kịch bản thành thước quay. Góc nhìn của mình do vậy mà thay đổi, mình nhìn ứng biến như một kỹ năng cần có trong công việc thay vì một rào cản phải né tránh.


Nhìn xa hơn, Uy nghĩ chúng ta đừng nên đánh giá thấp khả năng tiếp nhận thông tin và cái mới của khán giả đại chúng. Giống như Thử thách trốn thoát đã tìm được chỗ đứng riêng của nó, tất cả các format khác cũng làm được điều ấy nếu được làm có tâm, chỉn chu, đến nơi đến chốn. Nếu bạn là một người làm trong ngành giải trí hay content creator, đừng sợ làm những điều mình thích, viết những thứ mình tin, nói những gì mình muốn. Hãy đầu tư vào việc thể hiện nó đúng cách, bằng cách đó, chắc chắn bạn sẽ luôn tìm được khán giả của riêng mình.


emagazine image

Quill Cloud

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa