Tự thiết kế Brand Identity cho mình, tại sao không?

Brand Identity (Bản sắc/Nhận diện thương hiệu) là một khái niệm thường bị hiểu sai. Nhiều người nghĩ đó chính là tên hoặc logo, nhưng thực tế thì nhận diện thương hiệu nó không chỉ có vậy.
Hương Mai
25/02/2024
Tự thiết kế Brand Identity cho mình, tại sao không?

Brand Identity là gì? 

Nếu bạn thể hiện đúng con người mình thông qua "vẻ bề ngoài" thì chỉ cần lướt qua bạn một vài lần, người đối phương có thể hình dung được bạn là người ra sao, phong thái và tính cách như thế nào. Thậm chí, bạn có thể có được tình yêu từ họ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mà bạn biết đấy, ấn tượng đầu tiên thì luôn quan trọng. 

Nếu là một chuyên gia và đang bán chất xám của mình, tôi đoán rằng bạn đang sống trong môi trường đầy cạnh tranh. Giữa hàng ngàn các chuyên gia, cá nhân cung cấp dịch vụ tương tự, đâu là thứ phân biệt bạn và họ. Khách hàng có vô số lựa chọn với dịch vụ tương tự như thứ chúng ta cung cấp. 

Thứ giúp chúng ta thuyết phục khách hàng đôi khi không phải về giá, không phải vì chuyên môn mà chính là tính cách, năng lượng và cảm giác mà chúng ta toát ra. 

Do đó, mục tiêu của chúng ta là phát triển một bộ nhận diện thương hiệu cá nhân độc đáo, cùng với việc chú trọng vào việc tạo ra nội dung chất lượng cao. Điều này giúp độc giả không chỉ dễ dàng nhận biết và phân biệt chúng ta, mà còn hiểu sâu sắc về câu chuyện và giá trị mà chúng ta mang lại. Qua đó, tạo nên một mối liên kết chặt chẽ, khiến họ cảm thấy gần gũi và cuối cùng lựa chọn sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Brand Identity bao gồm những gì?

Như đã chia sẻ, brand identity là những yếu tố thiên về phần nhìn, diện mạo trực quan, nó bao gồm 07 thành phần:

  • Tên thương hiệu
  • Logo
  • Tagline
  • Bảng màu
  • Brand voice (tiếng nói thương hiệu)
  • Kiểu chữ
  • Hình ảnh

Mỗi nguyên tố đóng một vai trò khác nhau, nhưng mang lại tác động lớn nhất khi được triển khai cùng nhau.

Tất nhiên, nhiều cá nhân phát triển thương hiệu hình ảnh mà ít quan tâm đến chiến lược cũng như bộ nhận diện thương hiệu. Họ thậm chí cắt ghép, chắp nhặt các thành phần lại với nhau. Khi đó, họ rất dễ gặp vấn đề về tính nhất quán hoặc cảm thấy không thực sự là mình.

Khi được thiết kế có chiến lược và đồng bộ, brand Identity sẽ phối hợp hiệu quả với các yếu tố khác như nội dung thông điệp, tính cách, giá trị, lời hứa, mà bạn mang tới… để tạo ra sự khác biệt, tác động đến cách nhìn nhận của độc giả, khách hàng về bạn, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh trên thị trường này. 

1. Tên thương hiệu

Tên là định danh chính và đại diện cho thương hiệu của bạn. Khi ai đó nghĩ về bạn, họ sẽ thể hiện điều đó trước tiên, dưới dạng tên của bạn. Vì vậy, hãy chọn tên một cách cẩn thận.

Vốn dĩ, việc đặt tên là một quá trình phức tạp. Ngoài sở thích, mong muốn của bạn, bạn sẽ cần xem xét một loạt các yêu cầu khác về: phản ánh đúng những gì bạn làm, đúng tính cách, tính nguyên bản, cách phát âm, chính tả, tính khả dụng của URL (tên website) và ý nghĩa, … để có một biệt danh đại diện hoàn hảo cho mình. Đó là một hành trình có đôi chút hoang mang nhưng thú vị.

Nhưng cho dù bạn lấy tên gì thì hãy lưu ý một vài điểm sau:

Tên thương hiệu có xu hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm và đánh vần. Chúng cần khác biệt đối thủ cạnh tranh của bạn. Đôi khi,chúng là thứ trừu tượng, gợi nhiều liên tưởng,có sự kết nối về những gì bạn đang làm.

Nếu bạn đang cân nhắc hoặc gặp khó khăn trong việc lựa chọn cho dự án, thương hiệu của mình, hãy tìm một chuyên gia có kinh nghiệm để hướng bạn đến một cái tên mạnh mẽ, khác biệt và bạn cũng không phải quá đau đầu cho chuyện đó.

2. Logo

Logo của bạn là một trong những thành phần dễ thấy nhất và có thể nhận ra ngay lập tức khi nhắc về thương hiệu của bạn.

Một logo có ba vai trò:

1) xác định bạn;

2) phân biệt bạn;

3) giúp mọi người nhớ đến bạn.

Logo cần đại diện cho bạn hoặc dự án của bạn một cách trực quan, khiến bạn khác biệt với người khác. Vì vậy, logo cần thú vị và dễ nhớ.

Hầu hết các logo bao gồm hai phần: một logo (tên) và một biểu tượng (dấu hiệu). Một số logo chỉ có phần tên, không có biểu tượng nào cả. Và ngược lại, có một vài thương hiệu đã thành công khi chỉ sử dụng một biểu tượng, ví dụ điển hình như trái táo cắn dở (apple). Và đây là cách mình tự làm logo:

  • Bước 1: Suy nghĩ về biểu tượng, con vật, đồ vật, loại cây,... hay thứ gì mà mình yêu thích, hoặc nói đúng về mình, đúng về tính chất công việc của mình.
  • Bước 2: Lấy một cây bút, tờ giấy rồi thỏa sức tưởng tượng, sáng tạo, kết hợp những thứ này với tên ngách, tên riêng của bạn. Từ trong số đó chọn ra 3-5 ý tưởng khả thi.
  • Bước 3: Vẽ lại ý tưởng đó trên ipad, photoshop hoặc thể hiện lại nó trên Canva.com bằng cách kết hợp các thành tố (element) sẵn có cùng font chữ mà bạn thấy phù hợp.

Ví dụ: Logo của Hey Mina, phần chữ bao gồm có tên riêng của mình - Mina. Phần biểu tượng có một cái bút chì thể hiện rằng Mina là người viết, người vẽ chiến lược. Nếu bạn có để ý thì phía trên cây bút là chiếc bóng đèn thể hiện cho sức sáng tạo và cũng là sự tỏa sáng của một Influencer - người có ảnh hưởng và sự đặc biệt riêng trong cộng đồng của mình.

Tương tự logo của dự án The Business of You by Linh Phan. Phần hình tượng là dấu vân tay và chữ The Business of You by Linh Phan.

3. Tagline - Khẩu hiệu

Không phải thương hiệu nào cũng có tagline và không phải cá nhân, dự án nào cũng cần. rong nhiều trường hợp, tagline có thể là một công cụ hữu ích, đặc biệt nếu nó phục vụ một trong bốn chức năng sau:

  • Làm rõ những gì bạn làm
  • Thể hiện một thuộc tính quan trọng trong thương hiệu
  • Nói rõ vị thế của bạn
  • Giúp mọi người nhớ đến bạn

Trên thực tế, hiếm khi một khẩu hiệu đạt được nhiều hơn một trong các chức năng này.

Thông thường, tagline có thể là một dòng mô tả đơn giản về các dịch vụ mà bạn cung cấp. Đặt tên tagline theo cách này hữu ích khi bạn là người trực diện, muốn khẳng định và tạo sự chú ý ngay khi ra mắt. Người đọc nhìn là có thể biết ngay bạn có gì.

Ví dụ: Visible You - Brand Strategy for Experts & Influencers

Visible You cung cấp chiến lược giúp các chuyên gia và Influence xây dựng sức ảnh hưởng từ chính giá trị, chuyên môn riêng có của mình.


Một số cá nhân thì muốn chỉ ra một thuộc tính nổi bật của thương hiệu, số khác muốn gửi gắm một thông điệp nào đó hoặc được thiết kế một cách dễ nhớ, giúp phân biệt thương hiệu bạn với người khác.

Ví dụ: Hey Mina - Fearless, Live more, Influence now: Mina sẽ không nói với bạn về các mẹo nhanh, các thuật toán của nền tảng để giúp bạn đơn thuần “visible - hiện hữu” trên mạng xã hội mà sẽ gắn việc tạo ảnh hưởng vào cuộc sống thật. Đó là tỏa sức ảnh hưởng một cách tự nhiên từ việc sống vui, sống một cách thật đáng sống.

4. Bảng màu

Trong các yếu tố tạo nên bản sắc thương hiệu của bạn, màu sắc là thành phần gây ấn tượng mạnh mẽ nhất về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, cần phải tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng. Dù đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra cách mà màu sắc ảnh hưởng đến phản ứng của con người, việc lựa chọn màu sắc cho thương hiệu của bạn nên dựa trên chiến lược hơn là chỉ dựa vào yếu tố tâm lý. Bạn cần tìm ra một cách thức để màu sắc không chỉ phản ánh được tâm trạng, cảm xúc và cá tính của thương hiệu mà còn phải mang tính kết nối và phù hợp với lĩnh vực mà bạn đang hướng đến.

Cách đơn giản nhất là tự tạo một moodboard: một bảng cảm hứngập hợp những hình ảnh, trích dẫn, màu sắc, con người và những thứ truyền cảm hứng cho bạn, kết nối trực tiếp với nhân hiệu của bạn. Bạn có thể nhận thấy một số chủ đề, hoặc màu sắc nhất định sẽ xuất hiện.

Sau đó, hãy tiếp tục tạo một moodboard thứ hai tập hợp hình ảnh, trích dẫn, màu sắc, con người, những gì kết nối với độc giả/khách hàng của bạn. Hãy xem họ đang nói gì? Họ đang nghe và nhìn thấy gì? Họ trông như thế nào? Họ cảm thấy ra sao?

Hãy thử kết nối và tìm ra điểm chung. Hãy tưởng tượng xem khách hàng cảm nhận như thế nào về bạn. Sau khi trả lời các câu hỏi ở từng bước và xây dựng được moodboard, bạn sẽ hình dung được rõ ràng màu sắc và vibe của thương hiệu.

Ví dụ: Linh Phan và dự án The Business of You

  • Bước 1: Thiết lập moodboard
  • Bước 2: Kết quả và bảng màu

5. Giọng nói (Brand voice)

Giọng điệu của bạn là cách bạn viết và nói về mình và những gì mình đang làm. Giống như tất cả các thành phần của bản sắc thương hiệu, giọng nói của bạn hấp dẫn nhất khi nó phù hợp với cá tính, con người của bạn.

Hãy nghĩ về cách bạn thấy thoải mái khi sử dụng giọng điệu hàng ngày. Nó là một phần tính cách và năng lượng của bạn. Hãy nghĩ về những từ bạn sử dụng khi giao tiếp và cách bạn sử dụng chúng trong việc truyền tải thông điệp. Sau đó, chọn lọc thành 3 từ mà bạn thường thấy nhất.

Sau đây là một vài gợi ý về giọng điệu phổ biến ở con người:

6. Phông chữ

Không giống như màu sắc, kiểu chữ bạn chọn cho thương hiệu của mình có thể ít được chú ý hơn nhưng vẫn cần có sự tinh tế. Đối với các tín đồ duy mỹ, việc lựa chọn kiểu chữ phù hợp là một quyết định lớn.

Thông thường, khi lựa chọn font chữ, chúng ta đường điểm danh qua các thông tin như:

  • Cá tính nào bạn muốn truyền tải?
  • Bạn muốn nhấn mạnh sự đặc biệt hay ưu tiên tính dễ đọc?
  • Bạn muốn trông hiện đại hay truyền thống?
  • Bạn có cần nhiều hơn một kiểu chữ không?
  • Và cuối cùng là bạn cần sử dụng font chữ tiếng Việt chứ?

Ngoài ra, một gợi ý là hãy cân nhắc lựa chọn font chữ đặc biệt cho logo và một kiểu chữ thiết thực hơn, đảm bảo độ rõ ràng, dễ đọc để sử dụng trong các tài liệu, nội dung của mình.

Ví dụ:

Linh Phan: Barriecito cho tiêu đề và Montserrat cho phần nội dung

Hey Mina: Font Yeseva One cho logo, tiêu đề và Neue Einstellung cho phần nội dung.

7. Hình ảnh

Độc giả sẽ có xu hướng gắn bó với điều gì đó liên quan và có ý nghĩa với họ, có chiều sâu, giá trị không chỉ ở mặt nội dung mà còn là khía cạnh hình ảnh.

Trên thực tế, hình ảnh, dù là ảnh chụp hay minh họa, đều là cơ hội lý tưởng để tạo sự khác biệt cho thương hiệu của bạn. Vì vậy, ngay từ khi phát đi dòng nội dung đầu tiên trên mạng xã hội, tài liệu ebook bạn xây dựng, slide - bản thuyết trình, hãy chú ý cả về những tấm hình bạn sử dụng để làm sao tạo nên sự nhất quán.

Hãy nhớ rằng: “đồng nhất” không có nghĩa là “giống hệt nhau”. Bạn có thể sử dụng các bức hình có nét tương đồng về phong cách thiết kế, màu ảnh, kiểu dáng.

Một lần nữa, để trả lời được câu hỏi “đâu là phong cách hình ảnh mà bạn ưa thích và phù hợp?”, bạn hãy nhìn vào bảng moodboard mà bạn xây dựng ở phía trên. Sau đó, lục tìm các nhóm hình ảnh, xu hướng phong cách mà bạn lựa chọn nhiều nhất. Rồi đặt cho chúng một cái tên cụ thể:

  • Phong cách hoài cổ
  • Hiện đại
  • Sketchnote
  • Nhí nhảnh
  • Trẻ trung
  • Nhẹ nhàng
  • Thơ thơ
  • Tối giản
  • Sang trọng
  • Hình ảnh 3D, 2D

Sau bước này, bạn chỉ cần bắt tay vào thiết kế những hình ảnh có màu sắc, phong cách tương tự xu hướng này tại: canva.com, photoshop,…. Bạn cũng có thể sử dụng kho hình miễn phí, tính phí tại freepik.com, Pexels. Và tất nhiên, bạn cũng có thể sáng tạo cho mình những album được chụp bởi chính bạn.

Ví dụ: Cách mà trang The Business of You áp dụng bảng màu vào concept hình ảnh trên thực tế.

Đây là bộ hình mà Visible You thiết kế dựa trên phong cách, theme mà bạn học viên yêu thích và phù hợp với lĩnh vực Parenting mà bạn đang theo đuổi.

Con người là sinh vật thị giác. Chúng ta xử lý thông tin trực quan nhanh hơn so với từ ngữ. Đó là lý do tại sao các công ty hay Influencers hàng đầu đều rất chú trọng đến diện mạo thương hiệu của họ và những kết nối cảm xúc mà họ tạo ra.

Brand Identity là một công cụ mạnh mẽ mà một Influencer có thể sử dụng để tạo sự khác biệt cho thương hiệu của mình và khắc họa nó bằng những hình ảnh, cảm xúc và ý tưởng tích cực.

Khi bạn phát triển một hệ thống nhận dạng chu đáo, một hệ thống dựa trên chiến lược có chủ ý, bạn có thể tạo ấn tượng tốt ở mọi điểm tiếp xúc trong quy trình phát triển hình ảnh và công việc kinh doanh của mình.

Trên đây là một hướng dẫn toàn diện cho bất cứ cá nhân nào đang muốn cải tổ hoặc bắt đầu với xây dựng thương hiệu cá nhân. Hy vọng nó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.

Bạn có thể kết nối thêm với Mina tại: 

Fanpage: https://www.facebook.com/heyminablog
Trang Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/huongdozy/
Website: huongmai.co 
Bản tin: visibleyou.vn

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa