#TruthBeTold: Thực hư "quy tắc ngầm" overtime qua góc nhìn của nhân sự agency

“Điều quan trọng là mỗi người biết cân bằng để OT không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân.”
Eloise
29/08/2022
#TruthBeTold: Thực hư "quy tắc ngầm" overtime qua góc nhìn của nhân sự agency

Môi trường làm việc tại agency luôn đòi hỏi nhân sự phải tiếp nhận nhiều dự án cùng một thời điểm, mỗi dự án lại là một sản phẩm/ dịch vụ cũng như đối tượng mục tiêu riêng biệt. Từ đó dẫn đến việc các agency-er phải thường xuyên làm thêm giờ (overtime - viết tắt là OT) để hoàn thành các nhiệm vụ trong ngày. 


Có phải agency nào cũng có “quy tắc ngầm” cho việc overtime như vậy? Hãy cùng The Influencer lắng nghe những chia sẻ của các nhân sự tại The A List, Metub Network, Admicro, ADT Creative để biết thêm về những trải nghiệm OT tại môi trường agency nhé!


Quill Cloud


Insight người thật - việc thật về đặc thù OT ở chốn agency: 


Theo các nhân sự agency, việc phải OT thường xuyên hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào vị trí công việc và tình hình dự án của mỗi cá nhân. Ở thời điểm có nhiều dự án cần triển khai, tất cả nhân sự buộc phải OT, dốc toàn bộ tâm huyết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công việc và đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thời điểm này có thể là “mùa job” của các agency như dịp Tết, ngày hội shopping hay mùa lễ hội cuối năm. 


“Mình dấn thân vào môi trường agency chưa lâu nhưng vì đặc thù công việc là một một account executive nên cũng được trải nghiệm kha khá những lần overtime ở lại công ty. Đặc biệt là vào thời điểm vận hành chuỗi bài PR cho mùa sự kiện thường niên của khách hàng, việc cả tuần liền mình không thể rời khỏi máy tính, check timeline từ 6h sáng và rời khỏi công ty lúc 8h tối là chuyện “bình thường ở huyện”, có những khi OT ở công ty xong về nhà vẫn tiếp tục làm việc đến 22h.” - Trà My, Account Executive tại Admicro

“Sau một thời gian chinh chiến tại agency, mình nghĩ rằng một đặc thù của ngành này là mọi thứ xảy đến rất nhanh, từ đó agency-er luôn phải ở trong tâm thế khủng hoảng có thể đến bất kỳ lúc nào và sẵn sàng “xử gọn” chúng trong vòng một nốt nhạc. Có thể vào thời điểm ngồi trên văn phòng, công việc không quá nhiều, nhưng chỉ cần đồng hồ điểm 18 giờ, bạn nhấc mình khỏi chiếc ghế văn phòng quen thuộc thì lại có hàng trăm chiếc task cộp mác “khẩn cấp!!!” rơi xuống và lúc đó không có sự lựa chọn nào khác, OT là việc mình buộc phải chấp nhận.” - Quý Kỳ, Senior Account Executive tại The A List.


Như lời đồn: “Nhắc đến agency là nghĩ ngay tới OT!” 


Quill Cloud


Ngọc Vân, Account Executive team Brand Services tại Metub Network cho rằng: “Cá nhân mình nghĩ quan điểm này ở hiện tại có vẻ như đã hơi xa rời thực tế. Hẳn chúng ta đã không ít lần chứng kiến đâu đó những lời bình luận về môi trường làm việc tại agency, rằng công việc nơi đây luôn đòi hỏi nhân sự phải làm thêm giờ (overtime) để hoàn thành nhiệm vụ công việc.” 


Nhiều người quan niệm đến công ty chỉ cần làm đúng việc của mình trong 8 tiếng hành chính và họ không chấp nhận hy sinh thời gian cá nhân của mình cho công việc. Đây cũng là lý do OT trở thành nỗi “ám ảnh” tại agency mỗi khi nhắc đến. Hằng Ngân, Junior Creative Content tại ADT Creative chia sẻ: “Có thời điểm mới bắt đầu vào làm tại agency mình phải tự “cân” hết quá trình sản xuất livestream từ đầu đến cuối một-mình. Có những hôm 20h mới tan ca nhưng vẫn phải cố viết kịch bản đến 4h sáng để mai trả cho kịp tiến độ khiến mình rơi vào stress và chán nản. Từ đó mình nhận ra việc OT thường xuyên sẽ khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance), dễ rơi vào trạng thái căng thẳng.” 


Tuy nhiên, cô bạn này cũng cho rằng “đặc sản OT” theo như quan sát thì gần như ngành nào cũng có chứ không riêng nhân sự tại agency. Đến một giai đoạn khối lượng công việc nhiều và thời gian gấp rút thì chắc chắn việc OT để đảm bảo tiến độ là khó tránh khỏi.


Đánh đổi thời gian của bản thân để OT: Liệu có xứng đáng?


Quill Cloud


8 tiếng làm việc/ngày là tiêu chuẩn hành chính với đa số nhân viên công sở. Tuy nhiên, với đặc thù môi trường agency - khi công việc cần hoàn thành nhanh chóng, đảm bảo sự sáng tạo và phải làm việc với nhiều khách hàng và nhiều dự án khác nhau cùng một thời gian thì 8 tiếng liệu có đủ? Giữa đời sống cá nhân, sức khỏe với công việc, tiền lương, điều gì nên được đánh đổi?

 

Đối với Quý Kỳ: “Làm thêm giờ không hoàn toàn là một sự “đánh đổi”, vì mình sẽ chỉ OT nếu mình cảm thấy có thể sắp xếp được thời gian và hoàn thành công việc một cách trọn vẹn. Bởi vì, đối với một số bạn, thời gian cá nhân có thể được phân chia rạch ròi với công việc - nhưng cũng có những người, công việc là một phần của cuộc sống, thời gian làm thêm giờ là để nhìn lại và hoàn thiện hơn những đầu việc mà mình đã xử lý trong ngày.”


Hằng Ngân bày tỏ: “Có nhiều người cho rằng, còn trẻ là phải dám dấn thân, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại, tốc độ làm việc phải không ngừng được cải thiện để đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên mình nghĩ tất cả mọi chuyện trên đời đều chỉ mang tính tương đối, vì vậy nên hay không nên mình nghĩ nó sẽ tùy thuộc vào “hệ quy chiếu” của mỗi người cũng như tính quan trọng và cấp thiết của công việc đó. Chính vì vậy, câu trả lời dù là có hay không thì mình nghĩ mọi người vẫn nên chỉ OT ở mức độ mà bản thân cảm thấy có thể đáp ứng được với một thái độ thoải mái và có động lực mà thôi.”


Thực hư quy tắc ngầm: OT là cơ hội để mỗi người tự rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống và khả năng ứng biến trong công việc?


Quill Cloud


Trà My khẳng định: “Chắc chắn là không! Sếp mình luôn nhắc nhân sự: Thế giới không tự nhiên sinh ra buổi đêm hay thứ 7 Chủ nhật. Hãy tan làm sau 6h chiều và nghỉ ngơi sau 12h trưa thứ 7, đó là lúc để đi tập thể thao, đi chơi chứ không nên tiếp tục ngồi làm việc. Không phải ai cũng có thể làm việc hiệu quả ngoài giờ hành chính. Rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống và khả năng ứng biến có rất nhiều cách và OT chỉ là một trong số đó, có áp dụng cách này trong công việc hay không hoàn toàn là sự lựa chọn của bạn. Điều quan trọng là mỗi người biết cân bằng để OT không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân.”


“Đến hiện tại khi đồng hành cùng The A List ở vị trí là một account đã hơn 1 năm, mình nghĩ đây không phải quy tắc ngầm, đây là sự lựa chọn của mỗi người. Theo quan điểm của cá nhân mình, OT không có gì là quá xấu. Có anh đồng nghiệp mình lựa chọn sau 18 giờ chiều sẽ tắt mọi toàn bộ thiết bị điện tử liên quan đến công việc để tìm đến khoảng không gian riêng của bản thân. Và tất nhiên, cũng có những người sẽ luôn luôn sẵn sàng OT để làm việc nếu họ cảm thấy rằng việc họ làm là xứng đáng.” - Quý Kỳ cho biết thêm.


Cháo hành từ sân nhà: Chính sách đãi ngộ OT cho nhân viên 


Heineken chiếu thông điệp “Ngưng làm việc muộn!” lên tòa nhà cao tầng, kêu gọi mọi người sống cân bằng. Vậy nhân viên thường xuyên OT để đáp ứng tiến độ dự án mà khách hàng yêu cầu, agency có những chính sách đãi ngộ thế nào giúp nhân viên giảm bớt áp lực?


“Ngoài được tính lương làm thêm giờ theo Luật Lao động, chúng mình còn được  tính vào thưởng KPI hàng tháng nếu OT nhiều, điều này đã giúp mình cảm thấy được an ủi và vỗ về rất nhiều mỗi khi phải OT hoàn thành những đầu việc gấp từ khách hàng. Ngoài ra, khi làm việc tại vị trí Content Creative rất hay bị các Account “gõ đầu” đòi deadline dù sớm hay khuya nên leader đã tuyên bố rõ ràng team sẽ không nhận việc gấp vào tối muộn hay các ngày cuối tuần, nếu có sẽ phải thông qua leader để sắp xếp workload của các thành viên. Các “sếp lớn” công ty mình cũng luôn nhắc các team phải trao đổi với khách hàng không nhận việc vào cuối tuần để đảm bảo sức khỏe cho mọi người nhưng đồng nghĩa với việc các ngày trong tuần mọi người phải làm việc bằng 100% công suất. Mình tin là những nhân viên được đối xử tử tế sẽ luôn sẵn lòng hy sinh thêm chút thời gian cá nhân của mình mỗi khi cần.- Hằng Ngân chia sẻ. 


“Khi mình mới vào The A List, công ty mình đã có một project về Work-life balance thật sự đã chạm đến “pain point” của rất nhiều nhân viên, đặc biệt là những người thường xuyên phải OT như mình. Công ty mình không bắt buộc nhân viên phải OT, mỗi người sẽ có cách xử lý khác nhau, có thể hẹn khách hàng vào một timeline xa hơn hoặc cũng có thể cần thêm sự giúp đỡ từ nhân sự khác để hoàn thành công việc sớm hơn trong giờ hành chính. Ngoài ra vào các kỳ nghỉ phép đã request trước, mình hoàn toàn có thể tắt điện thoại để tập trung tận hưởng “me-time” một cách trọn vẹn nhất.” - Quý Kỳ cho biết thêm những chính sách đãi ngộ giúp nhân viên giảm bớt áp lực khi phải OT của “sân nhà”. 


Làm ngành này, work với life có balance được không?

Quill Cloud


“Sau một thời gian làm việc tại agency thì mình thấy định nghĩa work-life balance này không còn quan trọng nữa. Tùy vào cách định nghĩa cũng như quan điểm sống và làm việc của mỗi người. Riêng bản thân mình thì thấy miễn sao mình cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm, thấy vui vẻ mỗi ngày tới công ty, thấy thoải mái khi làm việc cùng đồng nghiệp. Mình luôn cố gắng tìm kiếm niềm vui trong công việc để “balance” lại những áp lực mà công việc mang đến, như vậy có được gọi là “work-life balance” không?” - Quý Kỳ.


Ngoài nguyên nhân khách hàng có yêu cầu gấp và bắt buộc phải xử lý trong ngày, OT còn diễn ra thường xuyên với những bạn trẻ mới bước vào ngành. Hằng Ngân bộc bạch: “Là một Junior mới dấn thân vào agency, mình muốn khám phá những điều còn mới mẻ trong ngành cũng như giới hạn khả năng của bản thân. Nhưng nếu giai đoạn nào mình cảm thấy work-life của mình đang bị mất cân đối quá thì mình sẽ có một số cách giải quyết như sau: Viết nhật ký và list các đầu việc - với mình, đây là một cách healing hoàn hảo giúp mình có thể kiểm soát và phân loại các đầu việc cũng như có thể nắm được cảm xúc hiện tại của bản thân. Cách “dọn dẹp” này đôi khi cũng giúp mình có chỗ cho những ý tưởng mới và hay ho. Ngoài ra, mình sẽ cố gắng tập trung 100% vào công việc trong 8 tiếng hành chính bằng cách thực hành phương pháp Pomodoro - làm việc 25 phút, nghỉ 5 phút và sau 6h thì sẽ hoàn toàn tận hưởng cuộc sống. Với một newbie như mình thì điều này tương đối “khó nhằn” nhưng nếu ngày nào trong tuần làm được thì mình cũng thấy productive và hạnh phúc lắm luôn đó.”


“Mình cũng đang tập hình thành thói quen để work-life balance ở agency, mình luôn đi làm đúng giờ và tập trung công việc tối đa trong thời gian hành chính. Sau khi đã về nhà, mình chỉ check công việc đến 8h tối, còn lại tất cả các thông báo mình sẽ tiếp nhận vào sáng ngày hôm sau. Thêm vào đó, mình cũng đang học cách tự “đấu tranh” cho bản thân, nếu yêu cầu quá gấp và không thể xử lý kịp sẽ thẳng thắn đề xuất một deadline mới phù hợp hơn thay vì im lặng đồng ý rồi “bơi” trong công việc.” - Trà My kết luận.



MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa