The Influencer trò chuyện với chị Quinada (Đặng Ngọc Quỳnh Anh) - Nail artist có tiếng từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Suboi, Cô Em Trendy,... - vào một buổi tối trong tuần, sau giờ làm việc. Chị Quin vẫn trò chuyện thoải mái, tự nhiên và tràn đầy năng lượng dù vào khung giờ cuối ngày. Đó là bởi sự nhiệt tình sẻ chia của chị, hay có lẽ chính bởi tình yêu sâu sắc khi được nói về nghề của mình, công việc của mình, nói về Nail và Nailart.
Chúng ta luôn thấy một người nghệ sĩ trên sân khấu, một người mẫu trong những set chụp lộng lẫy, một sự chuẩn bị công phu, những bộ trang phục, gương mặt được makeup, với bộ Nail “rất nghệ”... Hình ảnh lung linh ấy không thể không kể đến tâm huyết sáng tạo của những người đứng đằng sau hậu trường, trong đó có Nail Artist.
Bằng tình yêu và ngọn lửa với Nailart, chị Quinada sẽ mang đến cho độc giả The Influencer những chia sẻ thật nhất về nghề Nail Artist!
Định nghĩa của chị về nghề Nail artist?
Nail artist bao gồm Nail là móng, và artist là nghệ sĩ, nghệ nhân. Nail Artist là người không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc móng tay, móng chân, sơn, vẽ, trang trí nghệ thuật mà còn có khả năng vận dụng tất cả các kĩ thuật đặc biệt như điêu khắc, hội hoạ, các trường phái nghệ thuật khác nhau để đưa lên bộ móng một cách tinh tế. Với mình, Nail Artist có 50% là nghệ sĩ, 50% là nghệ nhân. Nghệ nhân sẽ sử dụng đôi bàn tay khéo léo đưa kỹ thuật làm thủ công mỹ nghệ vào trong sản phẩm của mình. Nghệ sĩ sẽ đưa những kĩ thuật ấy lên tầm cao mới, đưa những gì tưởng chừng chỉ có trong tưởng tượng hoặc sách báo lên một tầm cao mới,... khiến cho người xem ấn tượng sâu sắc.
Chị đến với nghề Nail artist như thế nào?
Mình biết đến khái niệm Nail artist khoảng 4 đến 5 năm trước, khi đang du học nước ngoài. Mình có cơ hội được tìm hiểu, được hội nhập với các nền văn hóa mới từ bạn bè quốc tế. Sau cuộc thi vẽ và mang tranh đi triển lãm tại trường đại học, bạn của mình đã giới thiệu một vài Artist nước ngoài khá nổi tiếng trong hội họa và Nailart
Thời điểm đó, thị trường Hàn Quốc và Mỹ ở độ phát triển mạnh mẽ, có nhiều cơ hội phát triển với nghề làm Nail cho nghệ sĩ. Một số thợ làm Nails cao cấp khi ấy bắt đầu được gọi là Nail Artist. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam lại chưa có khái niệm này. Mình nghĩ, với xu hướng trên thế giới như vậy, trong 3 - 4 năm nữa chắc chắn nghề này cũng sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Trong số những người mình theo dõi, tìm hiểu ở trong nước, cũng chưa có ai thực sự khiến Quin cảm thấy đủ thỏa mãn định nghĩa về nghệ thuật của mình
Chưa kể, từ nhỏ mình rất đam mê vẽ, trong túi luôn có tập vẽ, nhưng lại không có nhiều cơ hội thể hiện đam mê. Việc học ngành kinh tế ở Bangkok - Thái Lan chủ yếu là đi theo định hướng gia đình, theo một nghề “hot” của xã hội. Với bố mẹ mình, con gái theo nghề mỹ thuật sẽ không ổn định cuộc sống. Lý trí vẫn theo kinh tế nhưng con tim mình lúc nào cũng hướng về đam mê được vẽ.
Với tất cả yếu tố từ sở thích hội hoạ, và cơ hội phát triển, mình quyết định tự “vẽ” giấc mơ của chính mình. Mình bắt đầu từ việc tự tìm hiểu, không qua một trường lớp nào cả. Mình tự học, tự làm, tự vào Sài Gòn lập nghiệp, không có người tư vấn, hỗ trợ. Tất cả đều bắt đầu từ con số không, thậm chí nói quá thì là âm tài chính. Nhưng mình cứ làm, cứ yêu thích và cố gắng. Mình nghĩ mình đã sống với nó, thì mình cũng chết với nó. Nếu bỏ cuộc, nghề chết, mình cũng chết. Cứ thế vươn lên, mình đã gắn kết với nghề cho đến giờ.
Cơ hội và thách thức khi chị bước chân vào ngành Nailart còn khá mới mẻ như vậy là gì?
Cơ hội lớn nhất là thị trường chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh, và mình gần như là người đi đầu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cũng từ đó mà ra. Vì chưa có ai làm nên chưa có ai biết. Mình nghĩ đến 90% những người lần đầu thấy sản phẩm của mình sẽ không hiểu bộ móng đó để làm gì. Người ủng hộ mình duy nhất lúc đó là chồng mình bây giờ vì anh ấy thấy những suy nghĩ mới trong tư duy, nhìn thấy sự tiến bộ trong thẩm mỹ của mình. Chính vì thế, thử thách này càng là cơ hội để mình thuyết phục với công chúng rằng Nailart có thể là thứ rất phát triển trong tương lai và họ sẽ sử dụng nó ngày một nhiều.
Từ khi Nailart còn rất mới mẻ với công chúng, cho đến hiện tại, nhận thức của họ với nghề này đã thay đổi như thế nào?
Hầu hết mọi người đều biết đến nghề này từ rất lâu nhưng trước đó người ta chỉ quan tâm đến việc mưu sinh, kiếm kế sinh nhai với nghề làm móng ở nước ngoài. Họ nghĩ làm móng tay, móng chân là một công việc chân tay, không dùng đến chất xám, không được học nhiều, học cao...một dạng công việc part-time qua ngày. Những ý kiến như vậy khiến mình rất buồn và tủi thân. Với mình, bất kì nghề nào cũng đáng trân trọng, có người làm công việc dọn vệ sinh, quét rác thì chúng ta mới có môi trường sạch đẹp để sống. Mỗi người đều có một nhiệm vụ của riêng mình. Bản thân mình khi đến với ngành này cũng đã gặp không ít kỳ thị như thế. Bởi vậy, mình cảm thấy cần làm gì đó để thay đổi tư duy, nhận thức của mọi người về nghề. Nhiều người nghĩ mình nói sáo, “chém gió”, nói thế cho oai, để có lý do, cái cớ vào Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đó, mình quyết tâm, dù ít hay nhiều, dù chỉ 10 người, hay may mắn hơn là 50 người, 100 người, hơn nữa thì là 1000 người gặp mình, đến tiệm làm móng của mình, trò chuyện với mình có thể hiểu và thay đổi tư duy về ngành Nailart. May mắn đến hiện tại, mình có hơn 24,400 người theo dõi, thay đổi tư duy về ngành móng ở Việt Nam. Mình thấy sự thay đổi đến mức nhiều bạn trẻ bắt đầu theo đuổi ngành này. Hay tên của Nail artist đã bắt đầu xuất hiện trong thông tin ekip của các dự án lớn trên báo chí, truyền thông. Đây thật sự là thay đổi không nhỏ vì chỉ hai năm về trước thôi, bạn sẽ không bao giờ thấy tên của một thợ làm móng được xuất hiện phổ biến trong làng nghệ thuật tại Việt Nam.
Mặt khác, ngành nghề phát triển, nhiều sản phẩm Nailart ra đời, đồng nghĩa với sự nổi lên của những sản phẩm copy chất xám. Nghệ thuật cần nguồn cảm hứng, có thể có sự tham khảo, nhưng không thể thiếu yếu tố sáng tạo và tính cá nhân của người nghệ sĩ. Thị trường nghệ thuật bắt đầu nhàm chán, đi xuống vì chính những bạn làm nghề, nhưng không hiểu nghề, đi copy của những đồng nghiệp khác, khiến thị trường trở thành một cái hội chợ, đi đến đâu cũng thấy những sản phẩm na ná nhau với đa dạng mức giá cho đủ kiểu túi tiền.
Làm thế nào để vượt qua lối “copy” sản phẩm sáng tạo?
Khi yêu và tôn trọng nghề, mình sẽ tôn trọng tất cả những người làm nghề giống mình. Giả sử bây giờ mình được mời sang Hàn Quốc để làm một sản phẩm giống như một nghệ sĩ đã làm cho nhóm BLACKPINK để tối ưu hóa chi phí cho chính sự đầu tư của Idol đó, mình sẽ không làm. Sẽ có những người vì lợi ích tài chính hay hào quang trước mắt mà gạt bỏ đi tự trọng, bất chấp trở thành một người copy. Nhưng người đó không phải mình. Mình nghĩ để trở thành nghệ nhân sáng tạo, trước hết, bạn phải có bản lĩnh và thật yêu nghề.
Mình đã xem rất nhiều phim tài liệu về các làng nghề, những người nghệ nhân, họ yêu nghề bền bỉ nên dù có vất vả đến đâu, dù họ mất cả tháng trời mới tạo ra được một mảnh vải dệt bằng tơ, một cái áo dệt sợi thủ công,... Dù chúng ta đều cần phải sống, phải có thu nhập, nhưng nếu bất chấp chạy theo lợi ích trước mắt thì sớm muộn gì nghề đó cũng đào thải bạn. Khi bạn đủ yêu nghề, sự sáng tạo sẽ đến với bạn.
Phong cách Nailart của chị?
Style mình theo đuổi mang tính công nghệ, rất tinh tế, luôn hội nhập cái mới, luôn là cái mà người ta không thể ngờ rằng sẽ xuất hiện trên móng tay. Nhưng đôi khi, các artwork của mình cũng rất mộc mạc, cổ điển. Nghĩa là, khi mình làm ra một sản phẩm móng nghệ thuật, tâm trí mình đang ở đâu rất quan trọng. Nếu mình đang ở thành phố, bộ móng sẽ mang tính tương lai, như sử dụng hình ảnh 3D, các xu hướng đang phát triển mạnh mẽ song hành cùng ngành công nghiệp thời trang xa xỉ, và cập nhật hình ảnh của công nghệ. Nếu tâm trí mình đang ở đồng quê hoang dã, đang đứng giữa cánh đồng xanh mướt, mình lại thích sử dụng chất liệu thiên nhiên, tái chế.
Đặc biệt, mình muốn tất cả sản phẩm của mình toát lên sự tinh tế - mình biết cách tiết chế mọi thứ. Thường nếu không biết tiết chế, sản phẩm của bạn sẽ dễ bị “ố dề”, bị lố. Tất nhiên sẽ có những Nailart đòi hỏi tính lố để phù hợp với concept, mục đích dự án... Dù vậy, tất cả những bộ móng của mình có thể cầu kì, nhưng ý nghĩa lại luôn rất mộc mạc. Cách mình thể hiện với truyền thông, hay trên mạng xã hội cũng luôn cố gắng mộc mạc nhất có thể. Ví dụ, mình làm một con rồng, mình thích nó thật thuần Việt, mình sẽ dùng chất liệu tre, nứa, những gì rất Việt Nam để làm. Nhìn chung, mình theo đuổi sự đổi mới trong tư duy chứ không chạy theo xu hướng đại trà, và Quin hy vọng mình luôn giữ được sự khác biệt.
Chị sẽ hợp tác với những nghệ sĩ có đặc điểm như thế nào?
Mình có may mắn được làm việc với 90% các nghệ sĩ Việt, từ nghệ sĩ gạo cội cho đến các bạn nghệ sĩ trẻ. Nhưng thú thật, không phải nghệ sĩ nào mình cũng hợp tác được lâu dài. Khi cảm thấy sản phẩm người nghệ sĩ ấy đang sản xuất, đang có kế hoạch thực hiện phù hợp với tư duy, Quin mới nhận. Có những dự án mình được trả công rất nhiều, số tiền có thể nuôi sống mình mấy tháng trời, có khi mua được cả chiếc túi hiệu, nhưng đấy không phải những gì mình muốn. Điều quan trọng là mục đích ban đầu của mình - hy vọng thay đổi tư duy của đại đa số công chúng về ngành Nail qua những gì mình đạt được. Những người nghệ sĩ mình làm việc cùng đến 2 năm, 3 năm từ khi mình bắt đầu đến nay đều là những người có tâm hồn, tư duy, lối đi giống mình. Còn ngược lại, mình chỉ cộng tác trong dự án phù hợp.
Kỷ niệm lần đầu tiên hợp tác với nghệ sĩ?
Lần đầu tiên mình hợp tác với nghệ sĩ, may mắn, mình gặp gỡ cả Châu Bùi, chị Suboi và Cô Em Trendy Khánh Linh. Lần đầu tiên sản phẩm của mình được lên tạp chí bên Anh, bên chị Suboi đã liên hệ với mình và bắt đầu mối duyên hợp tác. Còn với Cô Em Trendy, mình được tag vào một bài đăng tìm kỹ thuật viên Nail cho một dự án đòi hỏi khả năng ứng biến cao của Khánh Linh. Sau đó Cô Em Trendy inbox mình chia sẻ kĩ hơn về dự án, mình thấy phù hợp nên liền nhận. Sau đó, buổi chụp đầu tiên của mình với tạp chí L’Officiel Việt Nam là với Hot fashionista Châu Bùi. Mình cảm thấy cái duyên của mình đã đậu đúng nơi, gặp đúng người từ những lần đầu tiên bước chân vào công việc để trở thành celeb Nail Artist như bây giờ.
Tất cả nghệ sĩ đến với mình đều vì yêu thích sản phẩm của mình. Họ tìm hiểu về mình, thích phong cách và những sản phẩm mình làm ra, đó là lý do các nghệ sĩ lớn muốn hợp tác với mình. Mình cảm thấy rất vui vì được tôn trọng chất xám.
Quy trình sáng tạo ra một tác phẩm Nailart như thế nào?
Quy trình này cũng đơn giản thôi. Các nghệ sĩ sẽ trao đổi với mình về concept họ muốn thực hiện trong dự án mới , sau đó mình đưa ra các tư vấn ban đầu. Nghệ sĩ sẽ có buổi hội ý giữa director, với stylist, người tham mưu… để chốt với ekip về trang phục và Nailart phù hợp. Tiếp đến, họ sẽ trao đổi lại với Quin về nội dung đã chốt để xem mình còn tư vấn gì không và bên mình bắt đầu đi vào giai đoạn sản xuất. Trước khi sản xuất, mình sẽ có một buổi lấy kích thước móng đối với các nghệ sĩ lần đầu hợp tác để chọn ra hình dáng móng phù hợp. Tiếp tục, bên mình bám theo concept để sản xuất. Trước buổi shooting hay ghi hình, mình sẽ có một buổi fitting gồm cả trang phục, makeup, móng art cho nghệ sĩ,... Khi mọi thứ đã hoàn hảo, team đợi đến ngày quay và sẽ take care nghệ sĩ trong suốt buổi quay cho đến khi hoàn thiện dự án. Dự án bên mình cũng đa dạng, có thể là dự án chụp hình, quay TVC, quay phim…
Cảm hứng sáng tạo của chị thường đến từ đâu và được duy trì như thế nào?
Cảm hứng lớn nhất của mình đến từ phim. Mình xem tất cả các thể loại phim từ tình cảm đến khoa học, phim kinh dị,... Có những khoản thời gian quá bận, mình làm việc nhiều ngày liên tục, ngày nào cũng onset, tối về lại ngồi vẽ sketch, sản xuất Nailart,...mình sẽ bị quá tải. Chính mình sẽ tự giãn ngày làm việc ra ngồi xem phim vài ngày , bất cứ phim nào được public trên website. Khi xem phim, mình để ý những câu thoại, ngẫm nghĩ về cuộc đời. Ngoài ra, mình thích nghe nhạc, thích đọc tiểu thuyết nhiều chữ , có thể sến sẩm một chút không sao. Mình thường chọn những câu chuyện bám sát với cuộc sống bình thường. Nó giúp mình có thêm nguồn cảm hứng, thêm niềm tin vào cuộc sống, giúp mình vượt lên những lúc tâm trạng tụt xuống đáy.
Mình cũng thường tìm đến những cuốn tự truyện, xem những bộ phim tài liệu về lịch sử hoặc những cuộc đời tạo nhiều cảm hứng cho mình. Việc xem, vừa đọc thêm nhiều giúp mình càng tin vào bản thân và cuộc sống, thêm bản lĩnh và năng lực làm chủ những tình huống trớ trêu, những cám dỗ xung quanh nghề. Nhờ đó, mình luôn giữ được nhiệt huyết, cảm hứng trong công việc.
Đam mê, yêu nghề là thế, nhưng liệu đã có khi nào khó khăn khiến chị muốn bỏ nghề này chưa?
Chưa!
Mình chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề. Lúc nào mình cũng nghĩ phải phát triển nghề này, phải “GIÀU” nhất trong nghề này. Có những thời điểm mình từng cảm thấy cả thế giới như đang bỏ rơi mình, ai cũng hối hả với cuộc sống của riêng họ. Mình là một người khá mâu thuẫn, mình không thích công khai, ồn ào nhưng công việc mình chọn lựa chính ra lại phải luôn ồn ào. Mình sợ cảm giác bị lãng quên nhưng lại thích sống ẩn dật.
Gần đây, mình tập trung nhiều vào công việc kinh doanh và ít hoạt động với vai trò Nail Artist trên social media để đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn yêu thích ngành nghề này. Vậy nên, thật bất ngờ vì, gần đây, trong một buổi workshop của thương hiệu sơn móng tay đến từ Hàn Quốc, mình được mời tham gia và ước chừng có tới 400-500 bạn đã tới workshop đó để giao lưu, chia sẻ cùng mình. Mình khá bất ngờ và rất vui. Từ đó, mình nhận thấy có lẽ mình cần phải hoạt động chăm chỉ hơn để giúp thật nhiều bạn trẻ có định hướng đúng khi quyết định đến với nghề Nail Art.
Cảm ơn chị Quinada đã có những chia sẻ gần gũi và sâu sắc nhất về nghề Nail Artist với độc giả của The Influencer! Chúc chị ngày càng toả sáng và thành công với sứ mệnh của mình!