Có thể thấy Influencer Marketing đang ở thời kỳ "hoàng kim”, khi ngân sách của các nhãn hàng đổ vào kênh này tăng vượt trội, hình thái cũng thay đổi và dần tiến hoá lên thời kỳ 2.0. Influencer không còn là kênh nằm ở Upper Funnel (phần đầu phễu marketing) nữa mà có thể bao trùm lên cả Full Funnel khi có thể giúp khách hàng ra đơn, tăng doanh số. Sự phủ sóng của những con số hấp dẫn đó đã vẽ nên một bức tranh Influencer Marketing sống động hơn bao giờ hết trong những năm gần đây.
Từ đó, ngành Influencer Marketing đã mở ra rất nhiều cơ hội làm việc và trở thành điểm đến mơ ước của nhiều bạn trẻ theo đuổi ngành truyền thông - quảng cáo. Trong bài viết này, The Influencer sẽ khai thác những insight “người thật - về thật" từ các nhân sự: Khánh Linh (Account Executive), Trang Tiêu (Talent Account Executive), Mỹ Hạnh (Talent Account Executive) và Phương Thảo (Social Media Executive) sau chặng đường thực chiến về ngành Influencer Marketing.
Từ đây, các “tay mơ” có thể đưa ra quyết định “nhập ngành" và lựa chọn vị trí phù hợp để chuẩn bị sẵn sàng hành trang, bước vào thế giới hào quang mang tên “Tiếp thị người có sức ảnh hưởng”.
Vị trí và công việc hiện tại của bạn nằm đâu trên bản đồ ngành Influencer Marketing?
Khánh Linh: Account Executive là “cầu nối” giữa thương hiệu và KOLs trong một chiến dịch Influencer Marketing. Trách nhiệm của mình là làm thế nào cho toàn bộ chiến dịch được vận hành trôi chảy, đảm bảo nội dung sản xuất của KOLs phải đúng và đủ những yêu cầu của nhãn hàng và tiếp cận tới đúng đối tượng khách hàng.
Phương Thảo: Hiểu một cách đơn giản, tất cả những nội dung có thể xuất hiện trên các kênh mạng xã hội của nghệ sĩ đều có thể trở thành một nhiệm vụ cho vị trí Social Media Executive của mình. Mình sẽ tiếp nhận yêu cầu của nhãn hàng từ account phụ trách và phát triển nội dung theo từng định hướng riêng, từ lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, sản xuất nội dung thuyết minh (voice off) cho đến viết mô tả bài đăng trên các nền tảng.
Trang Tiêu: Thông thường, mọi người hay nghĩ về công việc quản lý nghệ sĩ tức là nghệ sĩ đi đâu, mình đi đó. Đây đúng là phần công việc cơ bản của mình ở vị trí này tuy nhiên, khối lượng công việc không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài việc luôn đồng hành cùng các nghệ sĩ, mình còn chịu trách nhiệm định hướng, xây dựng, bảo vệ hình ảnh, hỗ trợ sản xuất nội dung, tìm kiếm và tạo ra nhiều dự án để các talents ngày càng phát triển.
Sau một thời gian trải nghiệm, bạn thấy bản thân mình có những tố chất nào phù hợp với công việc này?
Mỹ Hạnh: Biết giao tiếp và kiên nhẫn. Khi đứng ở vị trí đại diện cho KOLs, mình phải hiểu được tính cách, quan điểm của các bạn để có thể lựa chọn dự án phù hợp mà vẫn có thể cân bằng được những ý kiến, quan điểm từ phía nhãn hàng.
Khánh Linh: Giao tiếp đúng là kỹ năng quan trọng nhất khi làm công việc này. May mắn, mình cũng có chút khiếu ăn nói, cộng thêm việc trau dồi, rèn luyện hàng ngày nên mỗi lần giao tiếp với khách hàng, với team KOLs khá trôi chảy, “mượt mà”. Bên cạnh đó, do mình từng làm trong mảng sáng tạo trước đây nên đã trang bị một số kỹ năng về sáng tạo nội dung, khả năng đánh giá một sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nhãn hàng hay chưa hoặc nhận định về yếu tố thẩm mỹ đại chúng của một sản phẩm. Cuối cùng, mình là người thường xuyên cập nhật mạng xã hội nên có thể nắm rõ mọi xu hướng thịnh hành nhất để từ đó gợi ý cho phía nhãn hàng giới trẻ đang nói về điều gì, đang thích những hình thức và nội dung ra sao hay thậm chí những cái tên nào đang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Trang Tiêu: Kỹ năng giao tiếp là quan trọng nhất, luôn phải có sự khéo léo trong lời ăn tiếng nói cả với talents mình quản lý, team nội bộ hay khách hàng. Ngoài ra, kỹ năng lên kế hoạch và thực hiện bám sát kế hoạch cũng được yêu cầu rất cao ở vị trí này. Khi quản lý công việc cá nhân, mình cũng cần sắp xếp kế hoạch mới đạt được kết quả tốt huống chi mình quản lý nhiều người khác, phải lên lịch chuẩn chỉnh từng ngày, từng tuần cho các bạn để chuẩn bị sẵn sàng.
Phương Thảo: Sau một thời gian thử sức, mình nhận thấy bản thân có sự linh hoạt, cởi mở để chấp nhận điều chỉnh văn phong cá nhân, đặt mình vào tâm thế của từng bạn KOLs và chia sẻ nội dung từ góc nhìn của họ. Bên cạnh đó, kiên trì cũng là một yếu tố quan trọng giúp mình hoàn thành công việc này. Khi từng nội dung đăng tải cần được thông qua nhiều bên như: KOLs, account phụ trách, nhãn hàng hợp tác… để xét duyệt tính chính xác thông tin, dung lượng, văn phong quảng bá thì việc nhận góp ý, điều chỉnh liên tục là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, tính kiên trì là không thể thiếu trong quá trình làm việc với vòng quay liên tục xây dựng ý tưởng, sửa đổi nội dung để đưa ra kết quả tốt nhất.
Vừa làm tổng thể kế hoạch, vừa lo cả các vấn đề chi tiết, có bao giờ bạn từng cảm thấy quá tải với công việc?
Mỹ Hạnh: Là một người khá tham vọng trong công việc, mình thường bị áp lực bởi chính KPI đặt ra cho KOLs mà bản thân quản lý. Có những giai đoạn, cả mình và KOLs đều bị quá tải bởi khối lượng công việc quá lớn, yêu cầu “khó nhằn” từ phía nhãn hàng hoặc thời gian đầu khi mới chuyển giao, bắt đầu quản lý thêm các bạn talent mới.
Khánh Linh: Thời gian đầu khi bước chân vào ngành Influencer Marketing nói chung và lĩnh vực booking nói riêng, mình… sốc vì nhịp độ công việc quá nhanh và dồn dập. Có giai đoạn cao điểm, mình sẽ phải chạy khoảng 5-6 chiến dịch cùng lúc, trong đó mỗi chiến dịch lại phải làm việc với khoảng 30-40 bạn KOLs là chuyện hết sức bình thường. Những lúc như vậy, mình cảm thấy vô cùng căng thẳng và mệt mỏi nhưng sau này, mình đã học được cách luôn nghĩ rằng, lửa thử vàng, gian nan thử sức. Áp lực tạo nên kim cương. Hãy nghĩ rằng: mỗi thử thách đến với mình là một món quà, bởi khi mình phải đối mặt với càng nhiều áp lực, thử thách thì mình sẽ học nhanh hơn, giỏi nhanh hơn. Mình chấp nhận áp lực là một phần của công việc này.
Trang Tiêu: Nếu nói là “quá tải” thì chưa. Mình làm trong ngành này đủ lâu để quen với cường độ công việc, nắm được guồng quay của những giai đoạn thấp - cao điểm để kịp thời thích ứng, linh động xử lý và bình tĩnh giải quyết các đầu việc trơn tru.
Bạn đã từng rơi vào hoàn cảnh không tìm được tiếng nói chung với KOL? Hay thậm chí, mâu thuẫn đã xảy ra trong quá trình làm việc giữa nhiều bên?
Khánh Linh: Khi làm nghề này, bạn cần chuẩn bị trước tinh thần trong một tuần sẽ có tới 3-4 ngày mình phải giải quyết những vấn đề hóc búa thậm chí là khủng hoảng giữa các bên. Rất nhiều vấn đề “oái oăm” có thể xảy ra trong quá trình vận hành một chiến dịch: KOLs bận đột xuất, KOLs từ chối hợp tác sau khi đã nhận lời, nhãn hàng thay đổi hạng mục công việc,...
Gần đây, team mình làm một dự án khá lớn và mời rất nhiều KOLs đến tham gia sự kiện. Tới sát ngày diễn ra sự kiện, hai bạn KOL chính thông báo không thể tới tham gia được do kẹt lịch quay một chương trình truyền hình thực tế. Và thế là chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, tụi mình phải nhanh chóng tìm kiếm những người thay thế họ vừa phải trong ngân sách nhãn hàng đã đưa ra cho hai bạn trước vừa phải đảm bảo được những yêu cầu của nhãn hàng.
Mỹ Hạnh: Đối với mình thì tần suất xảy ra việc này khá ít. Gần như mọi vấn đề chỉ xoay quanh việc các bạn talents có bám sát vào phần định hướng của nhãn hàng hay không và mình phải khéo léo dung hoà được cả cá tính của talents và ý kiến, quan điểm cũng như mục đích, thông điệp của chiến dịch trong sản phẩm.
Mọi người thường đồn đoán, “cư dân” trong ngành Influencer Marketing chắc chắn phải hướng ngoại, hướng ngoại, hướng ngoại! Đã có trải nghiệm cá nhân, bạn thấy định kiến này đúng hay sai?
Khánh Linh: Giao tiếp - kỹ năng quan trọng nhất khi làm việc trong ngành Influencer Marketing, trên thực tế là một dạng kỹ năng xã hội, dù bạn hướng nội hay hướng ngoại thì cũng đều có khả năng làm được và làm tốt nếu bạn thường xuyên rèn luyện, trau dồi. Dưới góc nhìn của mình, một điểm cộng cho các bạn hướng nội đó là khả năng lắng nghe rất ổn và luôn tập trung vào những vấn đề chi tiết, điều này giúp ích rất nhiều trong quá trình vận hành công việc.
Mỹ Hạnh: Là một ambivert (đứng giữa hướng nội và hướng ngoại), mình có khả năng “chăm sóc” rất tốt cho những mối quan hệ lâu dài. Ngược lại, khó khăn sẽ xuất hiện khi mình không có đủ năng lượng để giao tiếp, kết nối với quá nhiều người cùng một thời điểm. Vì vậy, mình nghĩ nếu chỉ số hướng ngoại của mình tăng thêm chút xíu thì sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo mối quan hệ, kết nối bản thân với mọi người xung quanh.
Ngược dòng thời gian quay trở lại những tháng ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, công việc hiện tại có phải ước mơ ngày ấy của bạn?
Phương Thảo: Mình đã từng mường tượng về một vai trò cho mình cơ hội làm việc với những người nổi tiếng, được trở thành một mảnh ghép đứng phía sau giúp họ lan toả hình ảnh một cách chỉn chu nhất. Công việc hiện tại đúng là một cơ hội như vậy.
Khánh Linh: Mình học Đại học ngành Quan hệ công chúng và quảng cáo nên công việc hiện tại đúng là rất sát so với chuyên ngành mình từng theo đuổi. Mình có cơ hội làm việc trực tiếp với các bạn influencers, luôn được cập nhật những xu hướng mới và chạm tới những điều hiện đại nhất.
Trang Tiêu: Từ khi còn nhỏ, dù chưa biết về ngành Truyền thông và quảng cáo nói chung nhưng mình đã rất mê công việc của một người quản lý nghệ sĩ. Đối với mình, công việc đứng phía sau hào quang của người nổi tiếng vô cùng thu hút, ấn tượng. Mình luôn tò mò, quản lý nghệ sĩ sẽ làm những gì. Sau này, khoảng thời gian làm Account Executive tại Booking Agency càng làm mình thêm thắc mắc vì khi trực tiếp làm việc với các bạn quản lý nghệ sĩ, có người rất hỗ trợ nhưng cũng có người lại dửng dưng hoặc làm khó mình nhiều điều. Mình băn khoăn về lý do tại sao lại như vậy, việc họ không thiện chí hợp tác như vậy xuất phát từ đâu. Và bây giờ khi đã làm quản lý talents, mình vui vì đã tìm ra đáp án cho những câu hỏi trước đây và vì đã chạm tới công việc mơ ước từ thuở bé.
Nếu buộc phải gọi tên một vài điều khiến bạn “vỡ mộng” ở công việc này, đó sẽ là gì?
Khánh Linh: Những vấn đề liên quan đến hành chính và lịch trình có thể rơi từ trên trời xuống bất cứ lúc nào.
Trang Tiêu: Khi đi tìm câu trả lời cho sự không thiện chí của team quản lý trước đây, mình đã hiểu rằng công việc này cũng có nhiều mặt trái mà phải thực sự “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Trong một số trường hợp, có lẽ mình cũng đã trở thành người quản lý mình từng không thích trước đây, câu chuyện này xuất phát từ nhiều yếu tố và nhiều khi - quyền quyết định không nằm ở bản thân mình.
Phương Thảo: Mình thường lấy câu nói "cuộc sống không giống cuộc đời" mà bố thường dùng để miêu tả những trường hợp như vậy. Có thể kết quả mình tâm đắc nhất không có nghĩa là phương án tốt nhất. Dòng miêu tả mình dày công suy nghĩ chưa chắc đã được lựa chọn so với một dòng caption tự nhiên, bình dị đâu!
Mỹ Hạnh: Những công việc không tên. Chắc chắn mình chưa bao giờ tưởng tượng tới một ngày, mình phải làm công việc của một stylist, một editor, một copywriter… như thế này.
Vậy còn về thách thức, đâu là điều thử thách bạn nhiều nhất trong công việc này?
Khánh Linh: Kim chỉ nam khi làm việc của team mình là không-trở-thành-forwarder (người chuyển tiếp), mỗi khi có vấn đề xảy ra mình luôn phải chuẩn bị sẵn sàng giải pháp cho nhãn hàng hoặc influencers, chứ không được phép chỉ thông báo suông. Vậy tức là mình sẽ phải trau dồi khả năng xử lý vấn đề một cách nhanh nhạy, trang bị đầy đủ kiến thức về cả sáng tạo và sản xuất để có thể xử lý mọi vấn đề kịp thời.
Phương Thảo: Thử thách khó nhằn nhất gọi tên "Nhập vai KOL". Không những vậy, nhập vai KOL để quảng cáo cho thương hiệu với phong cách tự nhiên còn khó hơn. Mình đã từng dành cả một buổi tối, xem tất cả video đã đăng tải của KOL, viết đi viết lại không dưới ba lần cho một bài quảng bá sản phẩm.
Khi theo đuổi công việc này, bạn đặt ra mục tiêu gì cho bản thân mình?
Trang Tiêu: Về mục tiêu ngắn hạn tại công ty hiện tại, mình mong có thể trở thành trưởng những nhóm nhỏ. Vì mình muốn có thể tiếp cận tới nhiều bạn talents nhất có thể, nhưng nếu để quản lý sát sao từng người thì hơi khó. Vậy nên nếu có một nhóm nhỏ hỗ trợ thì sẽ làm việc tốt hơn.
Mỹ Hạnh: Mục tiêu của mình là các bạn talents ngày càng phát triển và đạt (hoặc vượt) KPI hàng tháng (cười).
Nhìn lại hành trình vừa qua, bạn có cảm thấy tự hào về những điều mình đã làm được?
Phương Thảo: Thú thực, mình chưa thể cảm nhận được sự tự hào khi nhìn lại hành trình đi qua. Một phần vì mình mới chỉ là một tân binh nên vẫn còn mắc lỗi trong quá trình làm việc, một phần vì mình chưa thể hiện dấu ấn cá nhân rõ nét trong công việc như kỳ vọng. Nhưng mình trân trọng, biết ơn mọi trải nghiệm, bài học và những kết quả đạt được trong suốt khoảng thời gian vừa qua. Mỗi thử thách, lời góp ý đều tiếp thêm động lực để mình cố gắng hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày.
Trang Tiêu: Khi mình bắt đầu đồng hành cùng chị Kiều Anh cũng là lúc hai chị em bước đầu xây dựng nội dung cho kênh TikTok của chị. Hai chị em cùng nhau nghĩ ý tưởng, quay dựng, chỉnh sửa từ những video đầu tiên cho tới khi có video đạt hơn 18 triệu lượt xem. Đây cũng là “trái ngọt” mình có thể ghi nhận ở bản thân rằng mình đã đi đúng ngành, đúng hướng, góp sức đem lại hiệu quả hình ảnh cho talent.
Khánh Linh: Tự hào chứ! Dù mới làm ở vị trí này 1 năm nhưng mình cảm thấy khả năng xử lý vấn đề của mình tăng đáng kể vì thường xuyên giải quyết khủng hoảng, cảm giác như mình đã “sống” trong ngành này 2-3 năm rồi vậy. Ngoài ra, mình cũng rất vui vì có cơ hội tham gia những chiến dịch toàn cầu, những dự án lọt TOP BSI hàng tháng,... Đó là những dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình.
Nếu con bạn có mong muốn “kế nghiệp” cha mẹ làm việc trong ngành Influencer Marketing, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Ủng hộ hay phản đối?
Trang Tiêu: Có lẽ tới khi con mình đi làm thì ngành Influencer Marketing đã thay đổi và phát triển hơn hiện tại rất nhiều. Mình nghĩ sẽ ủng hộ sự yêu thích của bạn vì hiện tại, mỗi ngày đi làm công việc này khiến mình thấy rất hạnh phúc. Nếu có gặp khó khăn, thử thách, mình luôn có động lực để đối diện với chúng một cách tích cực.
Phương Thảo: Mình sẵn sàng ủng hộ để con thử sức và trải nghiệm. Mình luôn quan niệm rằng: Được làm điều mình muốn là cơ hội, biết chịu trách nhiệm với quyết định đó là sự trưởng thành. Nếu con thực sự yêu thích và gắn bó với công việc, đó là niềm vui "cha truyền con nối"; còn nếu con đã thử nhưng không cảm thấy phù hợp, mình cũng hoàn toàn ủng hộ con tiếp tục trải nghiệm ở những lĩnh vực mới mẻ hơn, tìm thấy công việc lý tưởng và cống hiến trong niềm hạnh phúc mỗi ngày. Dù hoạt động trong lĩnh vực Influencer Marketing chưa quá lâu nhưng mình có thể hình dung một vài ưu điểm, bất lợi khi làm việc. Và mình hiểu rằng công việc nào cũng có mặt tốt và áp lực riêng, vậy nên điều quan trọng hơn cả là sự phát triển trong tư duy, kỹ năng và tìm thấy niềm vui khi cống hiến cho công việc đó.
Nếu phải đưa ra một gợi ý cho các bạn sinh viên khi apply vào một vị trí trong ngành Influencer Marketing, đó sẽ là?
Trang Tiêu: Rút kinh nghiệm từ bản thân, mình có một gợi ý chung cho các bạn sinh viên là hãy tìm hiểu lĩnh vực, quan sát cơ quan, tập thể mà mình muốn đầu quân, vị trí mình ứng tuyển sẽ làm những công việc gì. Đọc JD (job description: bản mô tả công việc), hãy xem bản thân cảm thấy thế nào - mơ hồ, hoang mang hay đã có thể mường tượng ra đầu việc cơ bản - thì hãy quyết định ứng tuyển.
Mỹ Hạnh: Để có thể làm trong ngành Influencer Marketing nói chung và nghề quản lý nghệ sĩ nói chung, các bạn nên trau dồi cách giao tiếp với mọi người và bình tĩnh khi có vấn đề, sự cố hay thậm chí là khủng hoảng xảy ra.
Phương Thảo: Tích cực theo dõi, "truy lùng" thông tin liên quan đến ngành. Khi thời đại công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội len lỏi mọi khía cạnh của cuộc sống thì ngành Influencer Marketing càng phát triển mạnh mẽ. Mỗi ngày lại có thêm xu hướng mới, thêm những "ngôi sao" đang lên,... chính vì vậy liên tục cập nhật thông tin là điều tiên quyết giúp chúng ta không bị bỏ lại phía sau. Giao tiếp hiệu quả. Đặc thù của ngành là sự kết nối giữa influencers, agency và thương hiệu đối tác. Việc chú ý đến cách trao đổi và truyền đạt thông tin khéo léo, rõ ràng là yếu tố quan trọng giúp chúng ta duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài và làm việc hiệu quả.