Giai đoạn bắt tay vào việc làm content creator, Dương Fynn chọn Youtube làm điểm khởi đầu. Khi những video trên kênh Youtube được biết đến nhiều hơn, người xem mới phát hiện ra chủ nhân của kênh ngoài việc là một Thạc sĩ chuyên ngành Sư phạm còn là quản lý kiêm “người thương" của nghệ sĩ Low G - một rapper được giới trẻ yêu thích với hình ảnh độc lạ và những bản hit triệu views.
Biết đến Dương Fynn với hình ảnh tại một “vũ trụ song song" - vừa quản lý công việc, sự nghiệp của chính người yêu mình, vừa là một content creator được nhiều nhãn hàng “để mắt tới", The Influencer thắc mắc làm thế nào để Dương có thể tìm được điểm cân bằng giữa hai công việc này?
Dương bắt đầu là quản lý của Low G từ khi nào? Khi quyết định trở thành quản lý của Low G, Dương đã mường tượng gì về những thứ mình sẽ phải làm?
Mình bắt đầu làm quản lý cho Long từ khoảng tháng 11 năm 2020 - 1 thời gian sau khi MV “Thủ Đô Cypher” ra mắt. Khoảng thời gian đó Long bắt đầu có những dự án booking liên quan đến rap. Tuy nhiên sau 1-2 dự án đầu, mình thấy Long hay nhớ nhớ quên quên và đặc biệt là gặp khó khăn khi giao tiếp với đối tác bởi vì Long thuộc kiểu người thích gặp mặt để nói chuyện trực tiếp, chứ không giỏi sử dụng cũng như giao tiếp qua mạng xã hội. Mặc dù lúc đó mình vẫn đang đi dạy, nhưng khi mình thấy Long tự làm không hợp thì mình đã ngỏ ý để mình làm cùng Long, và Dương Fynn trở thành quản lý của LowG từ đó tới giờ.
Khi bắt đầu công việc này, mình chỉ nghĩ đến việc đầu tiên là… lập một cái email dành riêng cho công việc. Sau đó mình trực tiếp nhận job cho Long, xây dựng ratecard các hạng mục, chi phí cát-xê và nói chuyện với đối tác. Và quy trình dần đi vào vận hành thực tế, mình còn kiêm luôn kiểm tra và soạn các hợp đồng rồi đại diện cho Long ký các hợp đồng hợp tác và support Long khi on-set và khi đi diễn. Về tổng quan thì lúc đấy mình nghĩ là mình sẽ làm hết những việc “râu ria” xung quanh để Long chỉ tập trung vào công việc làm nhạc.
Được biết Dương theo học ngành Sư phạm, vậy tại sao bạn lại muốn làm việc liên quan đến ngành công nghiệp âm nhạc?
Sự thật là khi đó mình cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ đơn thuần là muốn hỗ trợ người yêu mình thôi chứ mình cũng không có ý định sẽ làm quản lý hay làm kênh Youtube gì cả. Thậm chí là khoảng thời gian đó mình cũng vẫn đang đi dạy nên tất cả suy nghĩ và mục tiêu lúc đó là chỉ muốn làm đỡ Long phần việc đó thôi.
Hiện tại thì mình đã tạm nghỉ dạy được khoảng 5 tháng rồi. Trước đây thì mình vẫn làm song song công việc quản lý và đi dạy, tuy nhiên tới khoảng 4-5 tháng trước do công việc quá tải nên mình đã quyết định chuyển sang làm quản lý full-time luôn - một bước ngoặt bất ngờ và không hề nằm trong dự tính của mình.
Sau một thời gian trải nghiệm, bạn thấy mình có những tố chất gì để phù hợp với công việc quản lý nghệ sĩ này?
Để phù hợp với công việc quản lý thì mình nghĩ cần nhiều tố chất lắm. Tuy nhiên hiện tại, ở thời điểm trả lời câu hỏi này, mình có thể tóm gọn bằng 4 đặc điểm tính cách chính mà mình cảm thấy rất cần thiết cho công việc quản lý.
- Multitask. 1 quản lý nghệ sĩ thường phải xử lý rất nhiều đầu việc cùng 1 lúc, và mình có thể làm tốt điều này. Ví dụ có khi mình vừa support Long đi diễn hoặc on-set, vừa trả lời email của đối tác, vừa kiểm tra các Hợp đồng, v…v…. Công việc của mình không theo giờ hành chính nên mình gần như phải làm mọi lúc mọi nơi.
- Khả năng sắp xếp thời gian. Nghệ sĩ rất bay bổng và cảm tính nên thường không giỏi sắp xếp thời gian và làm việc đúng kế hoạch, quản lý là người phải giúp nghệ sĩ điều đó. Khoảng thời gian đầu mình không có quá nhiều việc riêng, nên việc quản lý thời gian cho Long lúc đấy khá đơn giản. Mình tạo lịch trình cho Long, hàng ngày nhắc Long thực hiện các đầu việc đúng kế hoạch, sắp xếp cho Long cả những ngày nghỉ để Long không bị burn out. Từ nửa năm trở lại đây mình bắt đầu có công việc riêng nên ngoài Long ra, mình còn phải quản lý thời gian và công việc của chính mình nữa. Đã có vài lúc mình bị quá tải nên nhầm lẫn và mắc lỗi, tuy nhiên hiện tại mình đã biết cân đối rồi và mọi việc đều ổn.
- “Cứng” đúng lúc. Mình nhận ra người quản lý phải biết “bảo vệ” nghệ sĩ, đặc biệt là “bảo vệ quyền lợi”. “Cứng đúng lúc” ở đây có thể hiểu là biết nói “không” với những điều bất lợi cho nghệ sĩ và với những đòi hỏi bất công, vô lý từ nhãn hàng/ đối tác. Ngoài ra, mình thấy cái lợi của người nghệ sĩ khi có quản lý đó là trong những tình huống như vậy thì sẽ luôn có người đứng ra quyết định và giải quyết thay. Nghệ sĩ hoàn toàn không bị ảnh hưởng và có thể toàn tâm toàn ý cho việc làm nghệ thuật.
- Tư duy phản biện. Kỹ năng này mình được học và luyện tập từ khi học Đại học, nhưng khi làm công việc quản lý mình mới nhận thức được rõ ràng tầm quan trọng của nó. Ví dụ khi mình kiểm tra hợp đồng của đối tác, mình luôn đọc rất kỹ và đặt câu hỏi liên tục để làm rõ mọi điều khoản, điều này giúp ích rất nhiều khi công việc đi vào quá trình thực hiện hoặc khi hai bên có bất đồng. Mình nghĩ đây là một kỹ năng cần thiết cho tất cả mọi người, trong tất cả lĩnh vực và ngành nghề, không chỉ riêng công việc quản lý nghệ sĩ.
Theo Dương, "nghề" quản lý nghệ sĩ ở Việt Nam đang như thế nào?
Ngày xưa thì đây là một nghề rất khó tiếp cận vì lúc đó nhắc đến “người nổi tiếng” mọi người đều nghĩ về một vị trí cao và khá xa vời. Tuy nhiên bây giờ mạng xã hội rất phát triển nên ngày càng có nhiều người nổi tiếng từ mạng xã hội. Tuy nhiên nghệ sĩ chỉ có thể làm giỏi công việc chuyên môn của họ thôi, nên họ cần có người giỏi các kỹ năng quản lý để giải quyết những công việc khác giúp họ. Thế nên hiện nay ngày càng có nhiều người làm công việc quản lý hay là trợ lý nghệ sĩ hơn, và mình tin đây sẽ dần trở thành một công việc phổ biến ở Việt Nam.
Low G là một nghệ sĩ trẻ khá gần gũi với thế hệ gen Z, cả về âm nhạc và hình ảnh cá nhân. Với vai trò là người đồng hành cùng Low G ngay từ những bước đầu tiên, Dương đã giúp Long xây dựng hình ảnh cá nhân như thế nào?
Nhiều nghệ sĩ có quản lý từ con số 0, thế nên quản lý cần định hướng xây dựng hình ảnh, phong cách cá nhân cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, mình không có trải nghiệm về quá trình này vì trước khi mình và Long làm cùng nhau, chính Long đã tự xây dựng được hình cá nhân cho “Low G” rồi. Nhạc của Long mang chất khá “đường phố”, “thô và thật”. Chính vì vậy, thay vì định hướng, mình lại đóng vai trò là người ở cạnh, đóng góp những góc nhìn khác “đại chúng” hơn cho Long, hoặc sẽ phải giúp Long kiềm chế lại cái “tôi”, cái “ngông” trong âm nhạc hơn.
Một vai trò thú vị: Vừa là quản lý nam rapper Low G, vừa là người yêu Hoàng Long - Liệu công việc và tình cảm có chi phối lẫn nhau? Có nguyên tắc ngầm nào giữa hai bạn cho mối quan hệ hai-trong-một này?
Với mình thì rất dễ dàng vì mình là người rất lý trí, rạch ròi chuyện tình cảm và công việc. Long thì ngược lại. Long là một người dễ bị cảm xúc chi phối nên nhiều khi bọn mình có chút căng thẳng trong công việc, thì Long lại nghĩ đó là bọn mình đang cãi nhau (trong tình yêu). Sau nhiều lần mình giải thích, Long cũng đã rõ ràng hơn giữa tình cảm và công việc. Bọn mình cũng cố gắng học cách bình tĩnh hơn mỗi khi có tranh cãi trong công việc, đồng thời cũng tiết chế cảm xúc và cái tôi lại để hoà hợp hơn.
Vừa là Youtuber với hơn 100K subscribers trên Youtube, vừa là một Influencer với trang Instagram cá nhân hơn 100K followers, bạn xây dựng nội dung trên YouTube khác với Instagram như thế nào? Định hướng chung cho kênh của Dương là gì?
Vậy mình sẽ nói cả về kênh Tiktok nữa nhé. Thời gian đầu khi làm Youtube, mình vẫn chưa dùng Tiktok nhiều. Phải đến nửa năm sau, một hôm vào lướt Tiktok mình thấy mọi người re-up lại vlog của mình khá nhiều và được rất nhiều views. Chính vì vậy về sau, mỗi lần up vlog mới trên Youtube, mình đều cắt thành nhiều video ngắn để up lên Tiktok và nhiều video đã lên xu hướng. Sau đó mọi người từ Tiktok bắt đầu sang “thăm” kênh Instagram và kênh Youtube của mình nhiều hơn.
Định hướng chung cho tất cả các kênh của mình là “gần gũi và tự nhiên”, kể cả khi nhận job. Mình luôn muốn nhận những quảng cáo đơn giản nhất có thể và quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải tốt và sản phẩm phải phù hợp với hình ảnh và tính cách của mình. Mình coi trang Instagram là một kênh cá nhân để chia sẻ về cuộc sống nên rất hạn chế nhận job trên đó. Thường thì mình hay nhận job trên Tiktok vì mình thấy có vẻ người dùng Tiktok dễ chấp nhận các nội dung quảng cáo trên nền tảng này hơn. Còn về Youtube, mình có nguyên tắc là chỉ nhận quảng cáo tối đa 2 phút và sẽ thực hiện các thao tác tự nhiên nhất có thể, vì vlog của mình thường không có kịch bản, nên mình không thể ngồi nói “làu làu” về một thứ hay cố diễn để quảng cáo được.
Thời gian đầu xem vlog của Dương, mình rất ấn tượng vì video bản dọc, có thể “nằm cày” ở điện thoại. Không biết quá trình thực hiện một video thường mất bao lâu? Có ai khác giúp đỡ Dương không?
Việc này cũng tùy, việc edit video là do mình tự làm và mình thường làm rất lâu vì mình khá cầu toàn. Vlog nào quay ở nhà thì edit mất khoảng 2 ngày, vlog nào quay ở ngoài đường thì edit mất 3-4 ngày, vì ngoài đường rất nhiều tạp âm mà mình thì muốn phần âm thanh phải hoàn hảo (chưa tính thêm 1 ngày làm sub). Duy nhất có thời gian chúng mình đi nước ngoài thì lịch up vlog dày hơn thì mình có nhờ một bạn edit hỗ trợ để video không bị dồn lại. Bạn đó sẽ chỉnh sửa video bản thô rồi gửi mình, mình sẽ tiếp tục chỉnh sửa bản cuối và hoàn thiện.
Còn về format video, gần đây mình đã thay đổi sang bản ngang vì mọi người lại phản hồi là xem video của mình trên máy tính hay tivi hơi khó. Cá nhân mình cũng thích xem trên màn hình to hơn.
Có nhiều bình luận cho rằng việc nam rapper Low G xuất hiện khá nhiều trong những video trên kênh Youtube của Dương mới chính là điểm khiến họ thu hút và quan tâm. Dương nghĩ sao về thông tin này? Đây có phải là chiến lược/ định hướng của bạn ngay từ thời điểm bắt đầu?
Mình cũng nghe được điều này nhiều lần, và mình thấy điều này cũng đúng. Vì trước khi làm Youtube, mọi người chủ yếu biết đến mình là người yêu của Low G thôi. Nên khi kênh Youtube mới được lập, mọi người vào xem video vì có Low G trong đó là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu nói đây là chiến lược của mình thì cũng không đúng vì nếu có ý định như vậy thì mình sẽ đặt tên Youtube theo kiểu couple hoặc làm kênh chung. Nhưng tên kênh của mình là “duongfynn” nên cho đến hiện tại mình vẫn luôn xác định đây là kênh Youtube riêng của mình.
Thời gian đầu khi mới lập kênh cũng là thời điểm giãn cách xã hội, mình ở nhà rất nhiều và người mình gặp nhiều nhất là Long. Sau khi hết dịch, người mình gặp và làm việc nhiều nhất cũng vẫn là Long. Vậy nên Long xuất hiện rất nhiều và đều đặn trên daily vlog của mình và mọi người bắt đầu hiểu nhầm rằng đây là kênh couple của chúng mình. Thực ra mình cũng rất muốn quay thêm những video về trải nghiệm cá nhân của bản thân hay đi chơi với bạn bè,... và làm kênh đa dạng hơn nhưng mình có khá ít thời gian nên chưa làm được.
Gần đây, mình thấy không còn nhiều người chỉ vào xem vì Low G nữa. Thay vào đó, mọi người cũng yêu quý mình và thích vào xem video vì có cả hai bọn mình. Mình nghĩ mọi người cũng hiểu là phải có cả hai thì mới có những sự tương tác đó trên video, và nếu quay một mình thì Long sẽ không thể hiện những nét tính cách như khi có Dương quay cùng.
Nói thêm về chi phí, Dương có riêng 1 ratecard cho riêng mình không? Và ratecard đó có thường xuyên thay đổi?
Có. Về ratecard thì các hạng mục quảng cáo ở Instagram và Youtube thì mình thường giữ ổn định, còn Tiktok thì mình sẽ thay đổi định kỳ vì mình chủ yếu nhận quảng cáo trên nền tảng này. Ngoài ra ratecard của mình thường sẽ chỉ có một khoảng chi phí nhất định thôi chứ không cố định, vì mình cũng dựa vào khá nhiều yếu tố để đưa mức chi phí cụ thể cho một hạng mục. Chẳng hạn có một sản phẩm nào mình cảm thấy nó phù hợp, gần gũi với hình ảnh của mình và mình muốn được trải nghiệm thì mình sẽ lấy chi phí thấp hơn. Hoặc có một sản phẩm nào mình cảm thấy khá mới mẻ đối với hình ảnh của mình, mình cần tìm hiểu, nghiên cứu nhiều thì mình sẽ lấy chi phí cao hơn.
Thêm một điều nữa, như mình đã nói ở trên, mọi người rất hay nhầm kênh Youtube/ Tiktok của mình là kênh chung, kênh couple. Chính vì vậy, các nhãn hàng thường book kênh Tiktok của mình nhưng sẽ book cả Long xuất hiện, dẫn đến sự “xung đột lợi ích” giữa hai bên. Vì ratecard của Low G sẽ khác hoàn toàn so với ratecard của Dương Fynn, thêm vào đó là Long không nhận quảng cáo trên Tiktok và cũng không thích quay Tiktok nên mình cũng đã phải từ chối rất nhiều lời mời hợp tác như vậy.
Dương rút ra được những kinh nghiệm như thế nào sau những trải nghiệm quản lý nghệ sĩ để có thể định hướng và xây dựng công việc Influencer của bản thân?
Có. Trải nghiệm làm quản lý nghệ sĩ một thời gian đã giúp mình biết về các hợp đồng, đối tác, hình ảnh, chi phí, tác phong và quy trình làm việc. Có rất nhiều vấn đề mà mình phải thực sự đã từng làm, đã từng có kinh nghiệm thực chiến thì mới có thể hiểu được. Có những việc trong quá trình vận hành có điểm gì đặc biệt và cần lưu ý thì khi đó mình đã được “lĩnh hội” từ trước, có sự rút kinh nghiệm rồi nên sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn khi làm việc. Tuy nhiên do tính chất khác biệt giữa quản lý một nghệ sĩ như Long và quản lý công việc của một content creator nên mình cũng cần mở rộng góc nhìn và trao đổi, giao tiếp nhiều hơn với đối tác để rõ ràng trong công việc, tựu chung là hai công việc này đều sẽ bổ trợ cho nhau.
Cảm ơn Dương Fynn vì những chia sẻ ngày hôm nay, chúc Dương luôn giữ được những hình ảnh tự nhiên, gần gũi như hiện tại.