emagazine image
emagazine image

Ở phần mở đầu trong tập thơ Lullabies của Lang Leav, có một đoạn văn làm tôi nhớ mãi:

emagazine image

Nếu bạn đã từng một lần tiếp xúc với những vần thơ Trịnh Nam Trân, tôi tin rằng bạn cũng đã đi qua một trải nghiệm diệu kỳ và mê hoặc như thế. Dường như đối với Nam Trân, mọi khoảnh khắc đều nên thơ và đáng lưu giữ, còn những vần thơ thì luôn đẹp đẽ tới nao lòng. Đọc thơ của Nam Trân, người ta thường mường tượng ra hình ảnh một người con gái nữ tính, mong manh, mà kiên cường và quyết liệt với những tin, yêu của mình.


Nhưng Nam Trân không chỉ làm thơ, Nam Trân còn làm quảng cáo. Một nhà thơ mang hình ảnh lãng mạn, đôi chút “không vướng bụi trần”; một thế giới agency nhộn nhịp, ồn ã và không thiếu những áp lực, lo toan - làm thế nào để Nam Trân dung hòa hai khía cạnh ấy trong cuộc sống của mình? The Influencer đã đem theo câu hỏi này đến cuộc trò chuyện với Trịnh Nam Trân để tìm hiểu cô dưới hai vai trò: làm thơ và làm quảng cáo.

emagazine image

Quill Cloud

Bố mẹ Trân đã tạo điều kiện để Trân và em trai tiếp xúc với sách vở, với những truyện chữ từ sớm, bắt đầu với những cuốn văn học thiếu nhi. Cuốn truyện chữ đầu tiên bố mua cho Trân là Heidi - Cô bé trên núi cao. Một cuốn sách dễ thương vô cùng, cũng là điểm khởi đầu cho niềm yêu sách chữ và văn học thiếu nhi của Trân.


Cả bố và mẹ Trân đều có tâm hồn văn thơ và nghệ sĩ, nhưng hai ông bà đều không theo nghiệp viết lách hay nghệ thuật. Nhưng với quan sát của Trân và những cuộc trò chuyện cùng bố mẹ, Trân tin họ đều dành tình cảm đặc biệt cho văn học. Mẹ Trân có một cuốn sổ tay ghi lại toàn bộ những bài thơ mẹ thích, những đoạn trích hay mẹ đọc được. Bố Trân lại biết rất nhiều về sách, sách phương Đông hay phương Tây, Việt Nam hay Trung Quốc… thể loại nào bố cũng biết và cùng trò chuyện được với mình.


Trân nghĩ chị em Trân đều thừa hưởng một phần cái gen và tâm hồn yêu thích văn thơ, nghệ thuật đó từ bố mẹ, cho dù hai ông bà vì cuộc sống, vì thời cuộc mà không theo đuổi văn học, nghệ thuật như chị em Trân bây giờ.

Quill Cloud

Quill Cloud

Trân rất vui nếu những bạn đọc của Trân, như bạn, nhận ra được sự chuyển mình này. Thực sự Trân cảm thấy mãn nguyện vì đã làm được một việc mà mình rất muốn làm.


Ở tập thơ đầu tiên - Em đang giấu gì vậy? Cho tôi xem được không? - Trân tổng hợp những bài thơ mình đã làm từ rất lâu, có những bài được viết những năm mình mới 16, 17 tuổi. Cái tuổi ấy ngây ngô và hồn nhiên, cũng không thiếu những suy nghĩ hơi… tẽn tò. Trân muốn gom góp hết những gì mình đã làm trong suốt hành trình viết lách và bỏ vào tập thơ đầu tay này. Trân từng nói với chị BTV Mai Linh của Bloom Books rằng, “quyển thơ đầu tay của em giống như một mùa hè tuổi trẻ - rực rỡ, vô tư, tràn đầy sức sống. Em cứ nói hết những gì trong lòng mình mà không cần suy nghĩ nhiều. Em thoải mái bộc bạch, tự do thể hiện.”


Sang tập thơ thứ 2 - Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi - toàn bộ những bài thơ, bài văn trong tập này đều được viết khi Trân 23 - 24 tuổi. Đó là khoảng thời gian Trân phải đối diện với nhiều biến động trong cuộc sống. Trân có những vấp ngã, thất vọng trong tình cảm, có những hoang mang về cuộc sống, về bản thân khi mới đi làm, và có cả những xáo trộn nhất định trong gia đình. Tất cả những câu chuyện đó đã phần nào định hình một gam màu trầm buồn hơn trong Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi. Trân thường nói, nếu tập thơ đầu là mùa hè thì tập thơ này là mùa thu. Người con gái trong Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi đã phải suy nghĩ, dằn vặt rất nhiều để cô đọng ra những câu chữ, vần thơ đó. Cô chậm lại, lắng đọng hơn, không còn nghĩ gì nói nấy như người con gái trong tập thơ đầu. Khi quan sát các dòng cảm xúc, cô sẽ nghĩ liệu nỗi buồn này mang tâm tư gì, niềm vui kia mang giá trị gì, và mất mát đó có giúp cô có lại được một điều gì đó hay không.


Cuối cùng, tập thơ thứ 3 - Sao em buồn đến thế? - lại mang nặng những suy tư của Trân về cuộc sống. Điều đó không có nghĩa là Trân không còn coi trọng những giá trị tình yêu như Trân của hai tập thơ trước đây. Trân vẫn là Trân lãng mạn, vẫn rung động vì tình yêu, vì sự nữ tính của người phụ nữ, và vẫn luôn đặt tinh thần ấy trong những bài thơ của mình. Nhưng tập thơ thứ 3 ra đời khi xung quanh Trân có quá nhiều thông tin về xã hội như cháy rừng, biến đổi khí hậu hay căn bệnh trầm cảm của những người trẻ trong thế giới hiện đại… Những chuyển động ấy đã hướng suy nghĩ của Trân về cuộc sống nhiều hơn, vậy nên những câu thơ, câu văn của mình cũng mang gam màu cuộc sống đậm đà hơn so với màu tình yêu và nữ tính của ngày trước.


Thú thực, khi viết bản thảo cho tập thơ thứ 3, Trân lo không biết liệu bạn đọc có đón nhận mình, có thấy mình quá xa lạ so với một Nam Trân bay bổng, nhẹ nhàng và nên thơ thường thấy hay không. Nhưng cuối cùng Trân vẫn chọn tin vào bạn đọc, cất những nỗi lo sang một bên và quyết tâm hoàn thành bản thảo. Bởi suy cho cùng, điều quan trọng là bản thân mình có thấy vui và hài lòng với những gì mình viết. Mục đích cuối cùng của mình khi viết văn, viết thơ là vì bản thân mình, vì sự thể hiện con người mình, hay mình chỉ muốn viết những gì mà người khác muốn đọc. Trân cảm thấy rất may mắn và biết ơn các bạn đọc vì đã đón nhận tập thơ Sao em buồn đến thế? một cách hân hoan, cởi mở.

emagazine image

Quill Cloud

Trân cho rằng việc đọc và viết cũng giống như việc mình ăn và tiêu hóa. Có một khoảng thời gian Trân đọc sách rất nhiều, đọc liên tục mỗi ngày không ngơi nghỉ. Nhưng sau đó Trân lại có cảm giác như bị “bội thực thông tin”, bởi khi đọc quá nhiều và không có thời gian để giải tỏa nó ra, mình dễ bị ứ đọng lại. Việc viết cũng tương tự như thế. Người viết không chỉ đơn thuần viết về cuộc sống của họ, mà còn viết về cuộc đời của những người khác, về những điều mà họ quan sát được xung quanh. Đôi khi mình sẽ bị cạn kiệt nếu viết quá nhiều. Chỉ cần người đọc tinh ý, họ sẽ nhận ra mình đang viết lặp đi lặp lại những câu chuyện giống nhau, chỉ thay đổi ngôn từ. Trân nghĩ so với bí ý tưởng, chuyện này còn nguy hiểm hơn cho một người viết.


Trân nghĩ mỗi người viết nên có một vài khoảng nghỉ. Họ dừng viết, dành cho mình một khoảng lặng để quan sát xung quanh và nhìn vào bên trong mình. Họ có thể đọc những quyển sách mới, xem những bộ phim mới, hoặc có thể… không làm gì hết. Đó là khi họ hấp thu những điều mới - những thắc mắc, hoài nghi, những suy tư, tình cảm mới. Và rồi đến khi nào mình đủ đầy rồi, họ sẽ lại tiếp tục vắt cạn những chất liệu ấy ra. Như một vòng tuần hoàn vậy đó.

emagazine image

Hiện tại, Nam Trân đang làm hai “nghề” song song, nhưng hoàn toàn tách bạch. Một là “công việc” nhà thơ, hai là công việc copywriter tại một agency quảng cáo - Circus Digital. Nam Trân tự thấy mình may mắn, bởi cô không cần dùng công việc nhà thơ để có thêm thu nhập, bởi đó là nhiệm vụ của công việc làm quảng cáo. Những lo toan về chi tiêu, KPI, feedback… cũng không hiện diện trong đời sống thi ca của Nam Trân, bởi tất cả đã có thế giới agency lo liệu.

Quill Cloud

Lúc chuẩn bị xuất bản tập thơ Em đang giấu gì vậy, cho tôi xem được không?, Trân nghĩ mình cần có thời gian để đầu tư nghiêm túc vào việc viết lách. Khi Trân trình bày nguyện vọng này với sếp, sếp cũng ủng hộ Trân theo đuổi đam mê của mình. Vậy là Trân chính thức có một năm “gap year”.


Trân cứ nghĩ trong một năm đó mình sẽ viết được những bài thơ để đời, những áng văn chương bất hủ. Nhưng không, Trân không viết được một cái gì khiến Trân cảm thấy thực sự hài lòng trong thời gian đó. Trân không viết được những câu chữ sắc sảo khiến mình tự hào muốn khoe ngay với mọi người. Có những bài Trân viết, mà Trân chỉ muốn giấu tiệt đi thôi. Khi ấy, Trân mới nhận ra rằng công việc khiến mình áp lực rất nhiều vào buổi sáng mới chính là động lực thúc đẩy mình phải viết thơ, viết văn vào cuối ngày. Như một cách thiền, một cách cứu rỗi tâm hồn mình vậy.


Ngoài ra, Trân cũng nhận thức được một sự thật vô cùng hiển nhiên: Cơm áo không đùa với khách thơ. Thật lòng, khi Trân nghỉ việc để viết thơ thì thu nhập của Trân bị ảnh hưởng khá nhiều, từ đó dẫn đến những bận tâm nhất định trong tâm trí. Và khi Trân cứ mãi đắn đo về chuyện tiền bạc, nó cũng bào mòn đi cái thi vị trong con người mình.


Thế là sau 1 năm, Trân quyết định quay lại với cuộc sống agency, năn nỉ các sếp, “ôi các chị ơi, cho đứa con hoang đàn này quay về nhà với.” (cười). Trải nghiệm này đã mang đến cho Trân một bài học: Mình phải biết cân bằng giữa áp lực công việc và quá trình sáng tác của bản thân. Ngày xưa, Trân “đổ thừa” việc mình không viết được cho áp lực. Nhưng giờ Trân biết là không phải như thế, thực ra áp lực mới chính là thứ thúc đẩy mình phải viết để tìm đến sự cân bằng.

emagazine image

Quill Cloud

Riêng về mảng viết, Circus Digital phân ra hai vai trò hoàn toàn tách bạch nhau: Copywriter và Content Writer. Các bạn Copywriter, như Trân, sẽ làm việc chủ yếu với idea, concept, còn các bạn Content Writer là những người triển khai chi tiết những ý tưởng đó thành từng bài viết cụ thể. Ở Circus Digital, Trân sẽ làm chung với một bạn làm Art. Khi có một project được giao xuống, Art và Copywriter sẽ lead project, cùng nghĩ ra idea, concept chung và những key assets phù hợp - có thể là MV, bộ hình, hay một bộ phim ngắn…, rồi cùng viết script, cùng đi shooting, đảm bảo mọi content, mọi assets triển khai ra phải thể hiện được 100% idea ban đầu mà hai người đề xuất.


Có một kỷ niệm mà Trân nhớ mãi hồi Trân mới nhập ngành. Lúc đó Trân được giao viết một câu tagline, mà Trân viết như một câu thơ lục bát - dài ngoằng, vần điệu đủ cả. Chị sếp của Trân mới gọi Trân vào nói chuyện, cũng rất tâm lý bảo Trân, “chị biết em viết blog, viết thơ nhiều. Nhưng chị cần em phân biệt được mình đang viết quảng cáo, chứ không phải viết cho bản thân em”. Đó là lời nhắc nhở mà đến bây giờ Trân vẫn luôn tâm niệm.

emagazine image

Quill Cloud

Điều khiến Trân tự hào nhất là những con người ở nơi đây. Circus Digital luôn mang đến cho Trân cảm giác như một gia đình. Mọi người đều cố gắng hỗ trợ lẫn nhau, tất cả - từ copywriter, content writer, art, hai anh chị Creative Director, đội account… - luôn xác định phải cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung: Hoàn thành thật xuất sắc job này. Trân thấy may mắn và tự hào khi là một phần của một tập thể “kề vai sát cánh” như vậy. Ở Circus Digital không có những “drama” đấu tố nội bộ bên trong, và Trân thực lòng biết ơn vì điều ấy.


Còn điều Trân ít thích nhất là những giới hạn vô hình của sức sáng tạo trong ngành quảng cáo nước mình. Đôi khi Trân cảm thấy trong ngành của mình, mọi người vẫn đang phải đi theo một lối mòn, phần nhiều do tác động từ phía khách hàng. Bản thân các anh chị, các bạn trẻ trong ngành luôn hừng hực lửa sáng tạo, nhưng đôi khi khách hàng vẫn chưa đủ sẵn sàng trao cơ hội để ngọn lửa ấy được cháy một cách mãnh liệt nhất, tỏa sáng nhất.


Ở Circus Digital, mọi người rất ủng hộ nhân viên được đề xuất những ý tưởng mới lạ hơn. Tuy nhiên, khi đến round của khách hàng, mình thường sẽ bị chặn lại. Thực lòng, Trân chỉ mong sao các khách hàng của mình có thể mở lòng hơn, dũng cảm hơn một chút để ngành quảng cáo ở Việt Nam có thể phát triển hơn. Trong quá trình làm việc, Trân được xem những case study của quảng cáo nước ngoài, thấy họ triển khai những idea rất vui, rất mới, rất lạ, và sự sáng tạo đó đã gây được tiếng vang lớn. Trân tin là bất kỳ ai làm trong ngành quảng cáo cũng mong rằng bản thân sẽ làm được một quảng cáo như vậy. Nhưng đâu đấy chúng ta vẫn đang ở trong một môi trường mà khách hàng sẽ thường chọn những phương án an toàn nhất.


May mắn là thi thoảng Trân vẫn gặp được những người khách hàng dám cho mình thử một cách làm mới. Gần đây nhất team Trân có làm một chiến dịch mà cá nhân Trân thấy rất vui, rất đáng tự hào. Đó là chiến dịch “Mấy bè lì” cho dòng son lì của Maybelline. Thông thường, các nhãn hàng rất ngại việc mình chế tên của họ. Nhưng cuối cùng team Marketing của Maybelline cũng đồng ý để Circus làm một chiến dịch khác lạ, ngoạn mục hơn. Và “Mấy bé lì” thực sự đã thành công ở cả “mặt trận” quốc tế. Từ câu chuyện này, Trân cũng hy vọng những nhãn hàng, ngành hàng khác cũng có thể nhìn vào đó, sẵn sàng mạo hiểm để xem mình có thể gặt hái được những gì.

emagazine image

Quill Cloud

Ở agency của Trân, mọi người cũng có những quy định riêng về những ngành hàng, sản phẩm mà Circus sẽ không nhận làm. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã giúp nhân viên rất nhiều để họ có thể tránh việc đi trái với đạo đức nghề nghiệp, đạo đức cá nhân.


Nhưng thật lòng mà nói, đôi lúc Trân vẫn làm cho một vào ngành hàng khiến mình trăn trở rất nhiều do những sự xung đột về giá trị và quan điểm cá nhân. Nhưng đôi khi mình phải thỏa hiệp. Mình phải tách bạch giữa công việc và những lý tưởng riêng của mình.


Có một lần Trân đã tâm sự chuyện ấy với một người bạn làm trong ngành F&B. Sau khi nghe câu chuyện Trân kể, bạn ấy đã nói một điều khiến Trân phải suy nghĩ. Bạn bảo, ngành bạn làm cũng là ngành sản xuất, bạn cũng phải thải khói bụi vào môi trường, phải lấy tài nguyên. Nhưng bạn lấy đi bao nhiêu thì bạn sẽ cố gắng trả lại bấy nhiêu. Vì vậy, bạn rất tích cực tham gia vào các nhóm trồng cây gây rừng.


Trân nghĩ, điều đó cũng giống như cuộc sống thôi mà. Mình phải lựa chọn, và không phải lựa chọn nào cũng hoàn hảo. Đôi khi mình phải chấp nhận làm khác đi so với những đức tin của mình. Nhưng thay vì ngồi đó dằn vặt vì đã thỏa hiệp, hãy nghĩ xem mình có thể làm gì để bù đắp cho chuyện đó hay không. Với Trân, đó mới là bài học quan trọng nhất.

emagazine image

Quill Cloud

Trân nghĩ Trân không thích hợp để làm influencer toàn thời gian cho lắm. Cứ nghĩ đến việc mỗi ngày phải tính toán xem hôm nay mình phải đăng content gì, lên kế hoạch nội dung cho cả một tuần, một tháng tới, Trân thấy áp lực còn lớn hơn cả đi làm quảng cáo (cười).


Nói vậy nhưng thỉnh thoảng Trân và anh Kỳ Anh cũng nhận được lời đề nghị từ các nhãn hàng. Khi đó, chúng mình sẽ lựa chọn xem nhãn hàng và scope of work nào phù hợp để làm. Gần đây nhất vợ chồng mình có hợp tác với Vespa. Thực lòng Trân rất thích cách các bạn ấy liên hệ Trân để đề nghị hợp tác. Đề bài họ đưa ra rất đơn giản: Họ đưa cho Trân và anh Kỳ Anh một chiếc xe, rồi chúng mình… muốn làm gì cũng được. Chúng mình có thể chụp ảnh film, có thể quay video, có thể kể câu chuyện tình yêu của hai đứa, có thể kể kỷ niệm riêng của Trân với chồng… Trân nghĩ điều cốt lõi ở đây là Vespa tôn trọng những câu chuyện thật của influencers, khuyến khích influencers thể hiện cá tính và con người thật của mình, thay vì cố gắng “bẻ” influencers đi theo câu chuyện mà họ đưa ra.


Khi làm agency, Trân để ý một vài nhãn hàng cũng có cách làm như Vespa - chỉ cần agency đưa ra guideline viết bài, và influencers sẽ tự triển khai nội dung theo câu chuyện và góc nhìn của họ. Nhưng song song với đó, Trân cũng thấy một số nhãn hàng buộc agency phải viết chi tiết caption và đưa họ duyệt, sau đó mới đem caption chi tiết cho influencers để post lên. Trân thấy đó là một việc làm hơi vô nghĩa.

emagazine image
emagazine image

The Influencer cảm ơn Nam Trân vì một buổi phỏng vấn nhiều insight về chuyện thơ, chuyện ngành. Hy vọng rằng The Influencer và các bạn đọc sẽ thường xuyên được ngắm nhìn thế giới qua lăng kính thơ của Nam Trân, và qua những ý tưởng quảng cáo mà Nam Trân cùng Circus Digital thực hiện.

Quill Cloud

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0912261919 | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2021 All Rights Reserved
Powered by Blakaa