Đào, Phở và Piano là một hiện tượng chưa từng có của dòng phim nhà nước.
Để nói về bộ phim này, chính nam diễn viên chính của phim - Doãn Quốc Đam - cũng nhận định rằng có những điểm anh chưa hài lòng về phim. Điều này cũng dễ dàng bắt gặp trong các bài viết review trên mạng xã hội. Đào, Phở và Piano - chắc chắn rồi, vẫn có rất nhiều khuyết điểm. Những hạt sạn đến từ phân đoạn kỹ xảo, những đoạn thiếu sót về mạch chuyện và nội dung. Nhưng Đào, Phở và Piano lại thành công xây dựng sức sống của riêng mình nhờ chính những điều giản dị nhất, đó chính là cảm xúc.
Chạm đến khán giả bằng chủ đề lịch sử bất diệt, bằng những hình ảnh về một Hà Nội cổ kính, nơi có những người anh hùng “Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước”, Đào, Phở và Piano đã thành công khẳng định một điều - dòng phim lịch sử vẫn sẽ sống và sống mãi, chỉ cần có những người làm nghề nghiêm túc và có khán giả đón nhận của riêng mình.
Trước Đào, Phở và Piano, nhà nước đã có rất nhiều bộ phim khác chạm đến cảm xúc của người xem và được giới trẻ yêu thích, trong đó có Mùi cỏ cháy. Ở bài viết này, The Influencer gợi ý đến bạn đọc những bộ phim về đề tài kháng chiến đầy hào hùng và xứng đáng được đón nhận nhiều hơn, cùng điểm xem có những cái tên nào nhé!
Mùi cỏ cháy có lẽ là bộ phim về đề tài kháng chiến quen thuộc nhất đối với các bạn trẻ ngày nay, trong đó có sự góp mặt của nam diễn viên Thanh Sơn - gương mặt quen thuộc của đài VFC. Được ra mắt vào năm 2012, Mùi cỏ cháy lấy bối cảnh sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, câu chuyện về những người lính trẻ đến từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Những chàng sinh viên với ước mơ và tương lai sáng ngời, cùng cười đùa tinh nghịch chụp ảnh trước khi nhập ngũ, để rồi chiến tranh đã lấy đi những tiếng cười đó, để lại rất nhiều mất mát và hy sinh.
Mùi cỏ cháy là bộ phim được lựa chọn trình chiếu cho các bạn sinh viên khi tham gia kỳ quân sự ở trường Đại Học, từ đó mang đến những bài học giá trị về lịch sử và kháng chiến. Bộ phim cũng nhận về nhận xét tích cực của giới chuyên môn và vô số giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có 4 giải Cánh diều vàng tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011.
Các bạn có thể xem phim tại đây!
Đừng đốt là hành trình người cựu chiến binh Mỹ Fred lưu giữ cuốn nhật ký anh tình cờ có được trong thời chiến suốt 35 năm, để cuối cùng trao lại cho gia đình nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Trên con đường đó, Fred đã không ngừng nghĩ về chị Thuỳ - chủ nhân của cuốn nhật ký. Chị Thùy hiện lên với dáng vẻ mạnh mẽ, kiên cường, với tấm lòng bất khuất, tận tâm cùng công việc bác sĩ. Nhưng cũng có một chị Thùy khác, tinh nghịch yêu đời, luôn vui vẻ và tin vào tương lai tươi sáng sau này.
Đừng đốt được phát hành cuối tháng 4 năm 2009 tại Việt Nam và được chiếu ở Liên hoan Phim Quốc tế ASEM tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2009. Bộ phim đã giành được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010.
Các bạn có thể xem phim tại đây!
Biệt động Sài Gòn là một trong những bộ phim kinh điển của cố đạo diễn Long Vân - cũng là một trong những bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, tái hiện những sự kiện nổi bật của Biệt động Sài Gòn.
Biệt động Sài Gòn là danh xưng của lực lượng đặc công quân Giải phóng miền Nam, với nhiệm vụ tập kích vào các cơ sở của quân địch trong thời kỳ chiến tranh. Dựa trên những sự kiện đó, bộ phim cùng tên của đạo diễn Long Vân đã được ra mắt với 4 tập phim mang tên Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em. Dù là một bộ phim xưa với hình ảnh và màu sắc không được đầu tư nhưng Biệt động Sài Gòn vẫn giữ vững tinh thần của những người lính thực thụ. Tiếng bom nổ, những giây phút căng thẳng khi chiến đấu và cả những mất mát, đau thương khiến người xem ám ảnh đến phút cuối cùng đều được đạo diễn Long Vân truyền tải qua từng thước phim, từ đó nhận về vô vàn sự yêu thích của khán giả.
Các bạn có thể xem phim tại đây!
Phim lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thời kỳ những năm 1960, đất nước trong tình thế yêu cầu chi viện xăng dầu vào chiến trường miền Nam nhằm kết thúc những tháng ngày chiến tranh đau khổ vô nghĩa. Tại đây, tình yêu đã nảy sinh giữa người chiến sĩ trẻ, và dù sau này có bị chia cắt, nó vẫn sẽ sống mãi với thời gian. Không những thế, Những người viết huyền thoại còn tô đậm vẻ đẹp của những người hùng không tên. Đó có thể là cô bé thiếu niên liều lĩnh; là sự gan dạ, dũng cảm cống hiến cho đất nước của những người trẻ giống như Đức và Mai; là sự hy sinh thầm lặng của những người lính làm nhiệm vụ giao liên và dẫn đường. Dù họ nhỏ bé là thế, nhưng tất cả đã thực sự viết lên huyền thoại!
Các bạn có thể xem phim tại đây!
Bộ phim kể về cuộc hành trình vận chuyển công văn thượng khẩn giữa chiến trường ác liệt của Tân và An. Trên đường đi, hai chiến sĩ quân bưu trẻ tuổi đã gặp vô vàn khó khăn và thử thách, đặc biệt rơi vào bẫy của quân địch và ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển mật lệnh. May mắn gặp được đồng minh và dần trưởng thành qua từng gian khổ, Tân và An đã hoàn thành nhiệm vụ, quay trở lại quê hương đoàn tụ cùng gia đình. Mặc dù vậy, xuyên suốt trong bộ phim là rất nhiều mất mát và nỗi đau đã diễn ra. Đó là sự ra đi của Dịu - người yêu của Tân và cái chết của ông lão miền núi.
Các bạn có thể xem phim tại đây!
Áo lụa Hà Đông không phải là một bộ phim với đề tài kháng chiến rõ ràng, càng không mang trong mình hình ảnh của những người lính anh dũng hy sinh. Áo lụa Hà Đông là câu chuyện về một gia đình - hay chính xác hơn là nạn nhân của chiến tranh và sự nghèo đói.
Xuyên suốt cả bộ phim, chữ “tình” cuốn lấy các nhân vật, từ tình yêu của Dần và Gù nay nảy mầm trở thành tình thương vô bờ bến khi xây dựng gia đình. Để có tiền cho các con, Dần chấp nhận làm những công việc thấp hèn nhất, chịu tủi nhục và sự oán trách của người chồng. Ấy vậy mà, chiến tranh lại cướp đi hết thảy những sự hy sinh đó, cướp đi niềm tin về những đứa con còn tương lai sáng ngời, cướp đi người cha kính yêu của đàn con thơ, cướp đi chiếc áo lụa Hà Đông trân quý.
"Bố ơi, hòa bình có đẹp không hả bố?"
An chẳng biết hòa bình có đẹp như em tưởng tượng hay không, nhưng để có được hòa bình, em biết rằng đã có rất nhiều người đã ngã xuống - giống như em.
Các bạn có thể xem phim tại đây!