Thuật ngữ này bắt nguồn từ khái niệm User Generated Content (UGC) trong marketing. UGC đề cập đến những nội dung do chính người dùng tạo ra. Những nội dung này không chỉ giúp các thương hiệu tăng độ nhận diện mà còn tạo ra sự tin tưởng hơn trong cộng đồng, vì chúng xuất phát từ những người dùng thực tế thay vì từ các chiến dịch quảng cáo chính thức.
Tương tự như vậy, Employee Generated Content (EGC) là nội dung được tạo ra bởi chính nhân viên của doanh nghiệp. EGC có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau như bài viết chia sẻ về công việc hàng ngày, những câu chuyện truyền cảm hứng về môi trường làm việc, các bài đăng trên mạng xã hội, hình ảnh hậu trường hay thậm chí là những cuộc trò chuyện giữa nhân viên với bạn bè, người thân về công ty của họ. Khác với các chiến dịch truyền thông nội bộ do doanh nghiệp tự thực hiện, EGC mang lại một góc nhìn chân thực hơn về văn hóa công ty, giúp xây dựng thương hiệu tuyển dụng mạnh mẽ, tăng độ tin cậy và thu hút thêm nhân lực.
Thời gian gần đây, khuyến khích nhân viên tham gia tạo nội dung từ đó biến EGC trở thành xu hướng. Vậy hãy cùng xem kênh nội dung nào đáng chú ý với xu hướng này nhé!
Phương Thử Việc có lẽ là cái tên được chú ý trong những tháng gần đây nhờ nội dung dễ thương, hài hước và đầy duyên dáng. Không cần đầu tư sản xuất cầu kỳ, các video của Phương Thử Việc mang đến những câu chuyện chân thực, gần gũi và đầy tính giải trí về cuộc sống văn phòng – nơi mà ai cũng có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Đặc biệt, những tình huống dở khóc dở cười mà dân công sở nào cũng từng trải qua, từ quên chấm công, chạy deadline đến chuyện ăn trưa chung với đồng nghiệp, được thể hiện một cách tự nhiên và duyên dáng, giúp kênh nhanh chóng tạo được sự đồng cảm và viral mạnh mẽ trên TikTok.
Dù chỉ là một thực tập sinh tại phòng marketing của một công ty chuyên đưa lao động đi làm việc nước ngoài, nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Phương Thử Việc đã tận dụng chính trải nghiệm của mình để xây dựng nội dung theo hướng EGC, biến những khoảnh khắc thường nhật thành những thước phim ngắn hấp dẫn. Những video của cô không chỉ mang lại tiếng cười mà còn phản ánh một phần thực tế môi trường công sở theo cách hài hước, chân thực nhưng không kém phần sâu sắc. Chính sự tự nhiên này đã giúp kênh của Phương thu hút hàng triệu lượt xem, trở thành một trong những ví dụ tiêu biểu về cách một cá nhân có thể tận dụng EGC để tạo dấu ấn riêng trên mạng xã hội.
Schannel là một trong những kênh nổi bật nhất trong việc phát triển EGC tại Việt Nam, tận dụng đội ngũ sáng tạo nội dung nội bộ để xây dựng hệ sinh thái truyền thông mạnh mẽ. Với nền tảng vững chắc trong lĩnh vực Branding và Marketing, Schannel không chỉ đơn thuần là một kênh thông tin về công nghệ mà còn mở rộng thành hệ sinh thái nội dung đa dạng, thu hút đông đảo khán giả nhờ phong cách trẻ trung, hài hước và gần gũi. Hệ sinh thái này bắt đầu được chú ý nhiều hơn kể từ khi Duy Thấm phát triển kênh cá nhân với phong cách kết hợp giữa tình huống tiểu phẩm văn phòng và review công nghệ, thu hút tới 8,2 triệu followers. Thành công của Duy Thấm tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của nhiều thành viên khác như Hải Triều (3,3M followers) với lối dẫn dắt hài hước, duyên dáng, Đặng Thu Hà (3,7M followers) – một trong những nữ reviewer có sức ảnh hưởng lớn, hay Sếp Huy NL - người mang đến những nội dung giải trí sáng tạo.
Không chỉ dừng lại ở từng cá nhân, kênh chính Schannel cũng phát triển mạnh với hơn 2,9 triệu người theo dõi, chuyên cung cấp thông tin công nghệ mới nhất cùng những bài đánh giá sản phẩm chi tiết. Thành công của Schannel đến từ việc xây dựng nội dung hấp dẫn, kết hợp giữa yếu tố hài hước, hình thức video cuốn hút và sự nhất quán trong cách truyền tải, giúp hệ sinh thái này thu hút hơn 10 triệu người theo dõi và trở thành một trong những mô hình EGC tiêu biểu nhất hiện nay.
Đọc thêm: Schannel - Kênh công nghệ giải trí với loạt nội dung triệu views
VnGAG là một kênh truyền thông trực thuộc VTC Media, với sự góp mặt của rất nhiều các cặp đôi được các bạn trẻ yêu thích. Trước đây, Xoài Phạm và Lê Minh là cặp đôi chủ lực, mang đến những tình huống tình cảm vừa dễ thương, vừa “dở khóc dở cười”. Ngay sau đó, Hà Trung - Thu Hường đã nhanh chóng trở thành bộ đôi mới, mang đến màu sắc tươi mới cho nội dung của kênh.
Dù khai thác một định dạng nội dung “ghép đôi” quen thuộc, nhưng VnGAG luôn biết cách tạo ra sự khác biệt nhờ cách dàn dựng duyên dáng, tình huống chân thực và sự đầu tư vào hình ảnh, kịch bản, đặc biệt thông qua các gương mặt trẻ trực thuộc công ty, xây dựng thương hiệu và câu chuyện làm điểm nhấn. Điều này giúp kênh giữ vững sức hút trong một thị trường nội dung ngày càng cạnh tranh, tiếp tục thu hút một lượng lớn người xem và trở thành một trong những kênh thành công nhất của hệ sinh thái VTC Media.
Đọc thêm: Vũ trụ VnGAG và những gương mặt "idol giới trẻ" đang được cộng đồng mạng yêu thích
Phòng Này Hề ban đầu là một kênh thuộc thương hiệu SaigonSwagger (SGS), nhưng đến nay đã phát triển thành một hệ sinh thái nội dung riêng, thu hút đông đảo người xem bằng những tiểu phẩm văn phòng hài hước. Điểm nhấn của kênh chính là sự kết hợp ăn ý giữa Minh Anh và Quỳnh – hai nhân vật có tính cách đối lập nhưng bổ trợ hoàn hảo cho nhau, tạo nên những tình huống vui nhộn và duyên dáng.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Phòng Này Hề thành công là cách lồng ghép sản phẩm SGS vô cùng khéo léo. Thay vì quảng bá trực tiếp, các sản phẩm như túi xách, ví, balo… xuất hiện như một phần tự nhiên trong khung hình, gắn liền với nhân vật chính mà không gây cảm giác gượng ép. Thông tin sản phẩm cũng được đính kèm một cách khéo léo, giúp người xem tiếp cận thương hiệu theo cách thoải mái nhất. Nhờ cách tiếp cận này, Phòng Này Hề đã trở thành kênh chủ lực giúp SGS kết nối với giới trẻ, không chỉ giới thiệu sản phẩm mới mà còn xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, sáng tạo và đầy năng lượng.
Mọt là một trong những ví dụ điển hình cho sự đơn giản nhưng hiệu quả trong việc xây dựng kênh EGC. Xuất phát từ một nhân viên tư vấn của Vietravel, kênh không sử dụng kỹ xảo cầu kỳ hay dàn dựng phức tạp mà chỉ đơn giản là ghi lại những cuộc hội thoại tư vấn giữa Mọt và khách hàng. Chính sự tự nhiên, chân thực này đã giúp kênh nhanh chóng thu hút sự chú ý và đạt 57K followers dù không có chiến dịch quảng bá rầm rộ.
Thế mạnh của kênh nằm ở chính bản thân người sáng tạo nội dung – một tư vấn viên du lịch có giao diện xinh xắn, dễ mến, giọng nói nhẹ nhàng đúng chuẩn ngành dịch vụ. Cách trò chuyện gần gũi, cung cấp thông tin hữu ích về các tour du lịch, kinh nghiệm đi lại, giá cả và lịch trình đã khiến người xem cảm thấy thật, thu hút và đáng tin cậy. Không cần kịch bản phức tạp hay nội dung giật gân, mỗi video đều mang lại cảm giác như đang trò chuyện với một người bạn am hiểu về du lịch, giúp khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định.