Tôi đã vượt qua burn-out khi làm Content Creator như thế nào?

Một khi bản thân cảm thấy hạnh phúc, thì mới có thể mang lại giá trị thực sự cho người khác.
Vũ Trụ Creator
11/04/2024
Tôi đã vượt qua burn-out khi làm Content Creator như thế nào?

Mới đây, tôi tình cờ bắt gặp bài post của anh Mạnh Vibe, một Content Creator trên Instagram. Nội dung bài viết kể về việc anh ấy cảm thấy quá tải về cả thể chất lẫn tinh thần, kéo theo đó là sự đi xuống trong công việc. Tôi chợt nhớ lại hình ảnh bản thân mỗi lúc như vậy. Tôi đã từng không biết bao nhiêu lần muốn bỏ cuộc chỉ vì không thể đảm đương được khối lượng công việc của một content creator.

Và rồi, tôi nhận ra, chỉ bản thân tôi chứ không ai khác có khả năng để “cứu” được tôi khỏi tình trạng này.

Bài viết này sẽ như một sự đồng cảm, sự nhắc nhở nghiêm túc và cũng như những cách tôi đã thực hiện để đối diện và vượt qua “burnout”, dành cho những bạn đã, đang, hoặc sẽ theo đuổi công việc sáng tạo nội dung. 

I. Burn-out là gì? Tại sao burn out lại xảy ra rất phổ biến với những người làm sáng tạo?

1. Burn-out là gì?

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, Burn-out là một hội chứng do căng thẳng kéo dài quá lâu ở nơi làm việc mà mãi không được kiểm soát thành công.

Hậu quả của burn-out là:

  • Cảm giác cạn kiệt năng lượng hoặc hoàn toàn kiệt sức 
  • Cảm giác tiêu cực hoặc hoài nghi liên quan về công việc 
  • Hiệu quả công việc bị giảm sút tỷ lệ thuận theo tình trạng sức khỏe xấu đi

Hình minh hoạ này sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về burnout.

Burnout = Exhaustion (Kiệt sức) + Ineffectiveness (kém hiệu quả) + cynicism/detachment (hoài nghi)

2. Tại sao burn out lại xảy ra rất phổ biến với những người làm sáng tạo?

Theo báo cáo gần đây của Vibely về tình trạng burn-out của người làm sáng tạo, 90% người sáng tạo cho biết họ đã trải qua tình trạng này và 71% cho biết họ đã cân nhắc tới việc từ bỏ mạng xã hội và từ bỏ công việc kinh doanh mà họ đã dày công gây dựng. Vậy do đâu content creators lại trải qua tình trạng này nhiều đến như vậy?

Họ rất dễ ám ảnh bởi hai từ “sáng tạo”

Áp lực bởi 2 từ “sáng tạo” khiến content creator nghĩ rằng họ phải liên tục suy nghĩ cái mới.

Khi họ không thể thoả mãn nhu cầu sáng tạo và phải suy nghĩ quá nhiều trong 1 khoảng thời gian dài, tâm trí họ rất dễ bị quá tải. Thậm chí, họ còn có thể quay sang nghi ngờ năng lực của bản thân. Nếu cứ tiếp tục như vậy, họ rất dễ rơi vào vòng lặp hy vọng, chán nản rồi thất vọng triền miên.

Bị ảnh hưởng bởi số đông

Làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cho chúng ta cơ hội tiếp cận với cộng đồng đông đảo. Đi kèm với đó, chắc chắn có cả những phản hồi tích cực và tiêu cực. Việc này rất dễ khiến bản thân người làm sáng tạo cảm thấy tôi chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi để mang lại giá trị cho người khác. Nếu tình trạng này không được kiểm soát, content creator rất dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng, nghi ngờ chính tôi thậm chí chán ghét cả công việc làm sáng tạo này. 

Minh họa: planio

FOMO

Với content creator mới hoặc thậm chí đã sáng tạo được một thời gian, họ rất dễ bị áp lực vì phải chạy theo cho kịp với các content creator khác. Các content creator này luôn phải gồng tôi lên để “chạy" sao cho kịp hoặc gần bằng content creator thành công khác.

Vậy nên, họ rất dễ so sánh bản thân với content creator thành công và bắt đầu nảy sinh cảm giác tôi luôn cố gắng chưa đủ. Nhưng họ không biết được rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Và việc chạy đua với người khác không phải là cách bền vững để đi tới đích của một content creator thành công. 

Công việc mang tính cá nhân cao

Đặc thù công việc của một content creator thường là làm việc độc lập. Họ phải xử lý tất tần tật từ lên ý tưởng, sáng tạo nội dung cho tới phân phối và đo lường kết quả. Thậm chí, như bản thân tôi, bên cạnh những công việc Freelancer, tôi còn phải điều chỉnh quỹ thời gian làm sao để có thể viết và chia sẻ nội dung trên cả Fanpage cá nhân. 

Thực sự mà nói, khối lượng công việc của một creator, kể cả có team hỗ trợ, cũng khá nặng. Và nếu không cân bằng được, dù chỉ một chút, họ cũng rất dễ rơi vào bẫy “burnout". Cái bẫy do chính tôi tạo nên mà không hề hay biết.

II. Là một Content Creator, tôi đã vượt qua burn out như thế nào?

1. Chấp nhận phiên bản chưa hoàn thiện của chính mình

Học cách chấp nhận chính mình, là bước đầu tiên để đương đầu với khó khăn.

Bởi, chỉ có tôi mới có thể tự “cứu" lấy tôi. Thực sự thì, chúng ta không phải một bản thể hoàn hảo. Vì thế, chúng ta cũng không thể mong cầu sự hoàn hảo tuyệt đối. Nếu ngay cả bạn còn chán ghét chính mình, không ai có thể yêu thương bạn chân thành.

Từ việc học cách chấp nhận đó, tôi cũng phần nào chấp nhận burn-out như một phần trong công việc sáng tạo này. Có người chị đã nói với tôi rằng: Burn-out không đến tìm gặp tôi chỉ một lần, mà nó có thể đến “gõ cửa" rất nhiều lần khác nữa, thậm chí, nó có thể theo chân bạn cả đời. Chỉ có điều, nó không xảy ra liên tục mà thôi. 

  • Ở một khía cạnh nào đó, theo tôi, burnout cũng chính là một dạng động lực, chứ không hẳn là rào cản tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ. 
  • Những khoảng thời gian burnout giúp tôi nhận ra mình đã bỏ rơi bản thân như thế nào, từ đó tôi có cái nhìn nghiêm túc hơn về cả sức khoẻ thể chất và tinh thần. Burnout lúc này như một ngọn đuốc, thắp sáng tình yêu bên trong chính bản thân mình. Và cả nhiệt huyết của tôi với việc làm sáng tạo nội dung.
  • Tôi cũng nhận ra, burnout cũng là cơ hội để tôi nhìn nhận lại con đường làm sáng tạo. Để nghiêm túc theo đuổi được con đường này, tôi phải khiến cho bản thân cảm thấy hạnh phúc khi làm công việc này, chứ không phải mệt mỏi và thất vọng triền miên. Vậy nên, việc vượt qua được trạng thái tinh thần như vậy cũng như một phép thử cho tôi để trụ vững trên hành trình sáng tạo nội dung đầy thách thức này.

2. Để tâm trí thực sự được nghỉ ngơi

Có những khoảng thời gian đầu tôi đau và cơ thể mệt mỏi đến nỗi không thể hoàn thành bất cứ việc gì. Những dự án cá nhân thì dang dở, những dự án hợp tác thì cứ trì hoãn hết ngày này qua tháng nọ. Tôi lại càng chán và nản hơn. Và đã có những lúc, tôi chột dạ nghĩ hay là buông xuôi tất cả.

Tôi đã nghĩ công việc của một người làm sáng tạo chỉ kết thúc sau khi tắt màn hình laptop, hạ lưng trên chiếc giường và chìm vào giấc ngủ. Nhưng tôi đã sai. Áp lực phải luôn sáng tạo cái mới khiến tôi không cho tâm trí nghỉ ngơi lúc nào, kể cả lúc ngủ. 

Tôi đã:

  • Lên kế hoạch cho sự nghỉ ngơi mỗi ngày. Mỗi ngày, ngoài tập thể dục và tự nấu ăn, tôi sẽ dành ít nhất 1 khoảng thời gian trống để ngồi không và không làm gì cả, cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, cùng lắm chỉ đọc sách hoặc nghe nhạc để tâm trí được thư giãn nhất có thể. 
  • Với những công việc đòi hỏi phải vận dụng chất xám nhiều hơn như viết sách hay sáng tạo nội dung trên Fanpage, tôi thường thực hiện tập trung nhất vào các khoảng thời gian tâm trí thực sự bình ổn. Mỗi ngày, tôi viết một chút, chứ không dồn quá nhiều vào một ngày nhất định nào đó. Nhờ vậy, tôi giảm được phần nào áp lực phải sáng tạo với khối lượng nội dung nhiều liên tục. 

Nếu cứ áp lực phải liên tục “chạy”, tâm trí chúng ta dần sẽ không còn bằng lòng và quen với việc “đi bộ” nữa.

3. Sáng tạo cho cả bản thân nữa

Bên cạnh những công việc đòi hỏi phải sáng tạo nội dung theo yêu cầu có sẵn, tôi vẫn cố gắng duy trì sáng tạo nội dung cho bản thân. Tôi chia sẻ khá đều đặn trên Fanpage cá nhân, đó là nơi mình gần như có thể thoải mái hơn trong việc sáng tạo nội dung. Những nội dung ấy vừa mang giá trị cho người khác, lại vừa giúp bản thân mình cảm thấy được chữa lành rất nhiều.

Giai đoạn burn-out, tôi thường sáng tạo những nội dung về chữa lành, động lực và thấu hiểu bản thân nhiều hơn, khác với giai đoạn trước kia (chủ yếu viết những bài khá dài về tính cách cũng như phát triển bản thân). Tôi chú trọng nhiều hơn vào cảm giác hạnh phúc mỗi lần tôi chia sẻ 1 bài viết như vậy. Nó giúp tôi vượt qua được cảm giác bản thân chưa đủ giá trị. Vì ít nhất những nội dung như vậy cũng mang lại giá trị cho chính mình, làm thay đổi suy nghĩ của chính mình về bản thân, cũng như công việc làm sáng tạo này.

4. Tối giản hoá quy trình làm sáng tạo nội dung

Trước đây, khi còn loay hoay xây dựng Fanpage cá nhân, tôi thường dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và viết ra một bài viết khá chi tiết và có tính lập luận cao. Việc đó rất tốt cho tôi trong việc nâng cấp tư duy cũng như kỹ năng viết lách. Thế nhưng, ở một khía cạnh nào đó, việc liên tục đặt áp lực lên bản thân phải sản xuất nội dung mới như vậy mỗi tuần khiến tôi thực sự mệt mỏi và kiệt quệ, về cả thể chất lẫn tinh thần.

Về sau, khi đã được đọc và tiếp xúc với các anh chị cùng chung lĩnh vực, tôi mới thay đổi cách tôi sáng tạo nội dung. Tôi dần rút ngắn độ dài của các bài viết trên Fanpage. Thay vào đó là các bài viết có độ dài ngắn và trung bình, nhưng duy trì đều đặn mỗi ngày.

Thay vì áp lực phải nghĩ ra ý tưởng mới, tôi “vay mượn” ý tưởng từ content creator khác, hoặc từ bất kể nguồn thông tin nào tôi đọc được, và “khâu vá" nó thành nội dung của riêng mình.

Như vậy, chỉ sau vòng 2 tháng, tôi đã chính thức hình thành được thói quen viết mà không phải chịu đựng áp lực quá lớn như trước nữa.

5. Quản lý thời gian để cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống 

Chắc hẳn bạn cũng đã nghe qua rất nhiều phương pháp quản lý thời gian khoa học như Pomodoro, quy tắc 80/20 hay ma trận quản lý thời gian Eisenhower,... Ở đây, tôi lại không có chủ ý bàn chi tiết tới các phương pháp này. Tôi sẽ để link một bài viết về quản lý thời gian cũng ngay trên The Next Creator, bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn cách thức thực hiện. 

Với tôi, cân bằng giữa công việc và cuộc sống không hẳn là chia đều tỷ lệ 50:50 cho cả hai. Thay vào đó, tôi sẽ cố gắng để điều chỉnh thời gian làm việc sao cho vẫn có thể dành thời gian nghỉ ngơi vừa đủ, vừa có thể hoàn thành công việc.

Với những ngày có lịch làm việc khá dày, tôi thường sẽ liệt kê ra 5 đầu việc quan trọng nhất, không làm ngay không được. Sau đó, tôi sẽ bắt tay vào công việc có độ khó hay đòi hỏi nhiều thời gian nhất vào đầu ngày. Và tiếp tục hoàn thành những đầu việc độ khó ít hơn và tốn ít thời gian thực hiện hơn. 

Lưu ý: Chỉ nên liệt kê ra một vài đầu việc quan trọng nhất, không liệt kê quá nhiều. Bởi vì, đến cuối ngày, khi bạn review lại, bạn sẽ thấy: cảm giác hoàn thành được 3/5 đầu việc sẽ thoải mái hơn nhiều so với cảm giác chỉ hoàn thành có 3/10 đầu việc, trong đó, phân nửa đầu việc bạn hoàn toàn có thể hoàn thành trong 1 vài phút và không quá quan trọng hoặc cấp bách để đưa vào danh sách những việc cần làm trong một ngày.

Kết luận

Công việc sáng tạo nội dung không phải chỉ có sáng tạo để phục vụ số đông, mà còn là sáng tạo để làm bản thân cảm thấy hạnh phúc.

Một khi bản thân cảm thấy hạnh phúc, thì mới có thể mang lại giá trị thực sự cho người khác. 

Sáng tạo cũng không phải một cuộc đua nước rút. Nó là cả một hành trình dài bền bỉ theo đuổi đam mê và sự nghiệp. Vậy nên, chúng ta cũng không cần lúc nào cũng phải gắng hết sức “chạy” để rồi kiệt sức và muốn dừng lại ở những chặng tiếp theo của con đường sáng tạo. Sáng tạo cũng có áp lực. Nhưng chỉ áp lực không thôi thì chưa đủ, chúng ta còn cần cả sự bền bỉ để bước tiếp hành trình dài.


Bài viết được thực hiện bởi Vũ Trụ Creator - thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.

Đón đọc bản tin hàng tuần của Vũ Trụ Creator tại: https://www.thenextcreator.vn/ 

Tìm hiểu thêm về Vũ Trụ Creator tại: https://beacons.ai/vutrucreator

MỚI NHẤT

banner
Theinfluencer.vn là trang thông tin chuyên biệt hàng đầu về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam - nơi khám phá những câu chuyện độc quyền của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khai thác những khía cạnh khác về con người mà các Influencer chưa kể ở bất cứ nơi đâu.
Điện thoại: 0984891654 (Mr. Lê Cương) | Email liên hệ hợp tác: hello@theinfluencer.vn | Email liên hệ dịch vụ booking KOL: request@thealist.vn
NEWSLETTER SIGN UP
ĐỪNG BỎ LỠ
Special Interview
TikTok Rising
5W1H
Rising Star
Truth Be Told
Case Study
Đơn vị quản lý vận hành: CTCP The A List Việt Nam | Mã số thuế: 0109120150 | Giấy phép thiết lập MXH số 487/ GP-BTTTT, ký ngày 29/07/2021 | © Copyright The Influencer 2024 All Rights Reserved
Powered by Blakaa